Xuất bản thông tin

null Cải cách hành chính: Hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Trang chủ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương

Cải cách hành chính: Hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Sáng ngày 19/3, Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Đồng Tháp năm 2019, Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) năm 2020, Chỉ số hài lòng các sở, ban, ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện (SIPAS), triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2021.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái báo cáo kết quả DDCI 2019

Đây là năm thứ 2 Đồng Tháp thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương. Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, kết quả DDCI Đồng Tháp năm 2019 vẫn cho thấy tín hiệu khả quan trong hoạt động quản lý, điều hành ở cấp sở, ban, ngành lẫn chính quyền địa phương khi điểm số trung vị ở cả 02 khối này đều tăng so với năm trước.

Theo đó, điểm số DDCI trung vị của khối sở, ban, ngành đã tăng 2,3 điểm so với năm 2018, đạt 73,42/100 điểm. Điểm số trung vị của phần lớn các chỉ số thành phần đều tăng so với năm 2018. Trong đó, chỉ số “Chi phí không chính thức” có trung vị tăng cao nhất với 0,79 điểm; tiếp theo là các chỉ số “Tính ứng dụng công nghệ thông tin” và “Chi phí thời gian” với mức tăng lần lượt là 0,72 và 0,48 điểm.

Cục Hải quan vươn lên giữ vị trí quán quân với điểm số 74,82. Xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 là Bảo hiểm xã hội tỉnh (74,23 điểm) và Công an tỉnh (74,20 điểm). Đứng cuối khối này là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (72,60 điểm).

Đối với khối chính quyền địa phương, điểm số DDCI trung vị của các huyện, thành phố năm 2019 đạt 67,67/100 và đã cải thiện đáng kể so với điểm trung vị năm 2018 (64,65/100 điểm). Bên cạnh đó, điểm số trung vị ở hầu hết các chỉ số thành phần cũng đã được cải thiện.

Châu Thành là địa phương có kết quả đánh giá của doanh nghiệp về năng lực cạnh tranh cấp địa phương tốt nhất năm 2019, với 74,68 điểm; các vị trí tiếp theo là huyện Lai Vung với số điểm 72,30, thành phố Sa Đéc 69,77 điểm. Xếp cuối nhóm này là huyện Tháp Mười với 61,04 điểm.

Về kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2020 các sở, cơ quan ngang sở, Sở Y tế xếp thứ nhất với 89,45%; Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng 87,80% - xếp thứ 2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xếp cuối nhóm này (74,12%). Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, huyện Châu Thành và huyện Hồng Ngự cùng giữ vị trí quán quân với 88,66%, xếp cuối nhóm này là huyện Thanh Bình (73,77%). Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh là cơ quan ngang sở không xếp hạng nhưng có điểm số ấn tượng: 93,64%.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phú
 chia sẻ về các mô hình cải cách hành chính

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phú – Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chia sẻ các mô hình cải cách hành chính hiệu quả đang được triển khai, đáng chú ý là Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh; mô hình hẹn giờ thực hiện thủ tục hành chính tại nhà người dân đối với 49 thủ tục ở cấp tỉnh và 35 thủ tục ở cấp huyện; giải quyết thủ tục hành chính 04 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, ký duyệt và trả kết quả) trong 01 ngày làm việc v.v.. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân, doanh nghiệp.

Là đơn vị quán quân của cả 02 chỉ số, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành cũng chia sẻ nhiều “bí quyết” để đạt được kết quả này, đó là nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp qua nhóm zalo; công khai minh bạch các thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp v.v.. Trên địa bàn huyện Châu Thành hiện có 250 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Mavin. Sau thành công bước đầu, mới đây, Tập đoàn này đã đề xuất triển khai thêm dự án tại địa phương.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa:
Phải xem việc cải thiện môi trường đầu tư là vấn đề trọng yếu

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, điều quan trọng nhất qua Hội nghị này không phải là thứ hạng mà chính là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Bằng chứng là trong năm qua, mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều tập đoàn lớn đã đến tìm hiểu đầu tư và triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Từ kết quả này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh mong muốn từng cấp, từng ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải quyết tâm hơn nữa trong cải cách hành chính, xem việc cải thiện môi trường đầu tư là vấn đề trọng yếu để phục vụ lợi ích thiết thực của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải rà soát lại từng tiêu chí, có kế hoạch khắc phục những mặt còn hạn chế, trong đó chú trọng chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, tính năng động của lãnh đạo, hạn chế các chi phí không chính thức - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh.

Với thành tích nổi bật, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh và bà Nguyễn Thị Minh Thuỳ - Trưởng phòng Cải cách hành chính và xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ) được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng tặng cờ thi đua, bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính.

Các tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Như Ý
nhuycongthongtin@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>