Xuất bản thông tin

null Niềm vui những ngày đầu năm

Niềm vui những ngày đầu năm

Ngay những ngày đầu năm, huyện Cao Lãnh háo hức niềm vui đón nhận Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả của sự chung sức, chung lòng của gần 200 ngàn người dân huyện Cao lãnh anh hùng. Mong rằng mỗi người dân huyện Cao Lãnh sẽ biến niềm vinh dự này thành động lực và khát vọng mạnh mẽ trong thời gian tới. Hy vọng năm 2022 - năm Nhâm Dần - mọi chuyện đều thuận lợi, tốt đẹp đến từng người, từng nhà, từng tổ chức, từng doanh nghiệp, từng hợp tác xã của một huyện hai lần đạt danh hiệu Anh hùng.

Biên niên sử huyện Cao Lãnh tự hào ghi thêm cột mốc mới. Nối tiếp truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hôm nay, huyện Cao Lãnh lại được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi cột mốc được tạo dựng từ những giọt mồ hôi, thậm chí là cả máu xương của bao thế hệ người dân huyện Cao Lãnh. Có những người trải qua cả 3 cột mốc đó, để hôm nay tự hào rằng, mình đã sống, chiến đấu, lao động bằng cả nhiệt huyết, khát vọng vì quê hương xứ sở. Có những người đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ, được lưu danh “sống anh dũng, thác vinh quang”. Có những người đang thụ hưởng, kế thừa những thành quả thế hệ ông cha gầy dựng, lòng nguyện lòng tiếp nối truyền thống hào hùng đó để sống và đóng góp cho mảnh đất nghĩa tình, thân thương này.

Con đường đi đến thịnh vượng cho quê hương xứ sở là một hành trình dài, không có điểm đến sau cuối. Người Cao Lãnh chắc chắn không tự bằng lòng với những thành tựu đạt được, mà từ niềm tự hào về quá khứ hào hùng tạo ra sức bật cho tương lai tươi sáng. Trong ba yếu tố dẫn đến sự thành công ở mỗi con người, mỗi địa phương: “Thiên - Địa - Nhân”, thì chữ NHÂN, yếu tố CON NGƯỜI là quyết định hơn cả. Con người làm nên chiến thắng oai hùng trong các cuộc cách mạng. Con người làm nên sự giàu có bằng tinh thần lao động quên mình. Con người tạo lập nông thôn văn minh, miền quê đáng sống.

Huyện Cao Lãnh là đơn vị cấp huyện có dân số gần bằng hai phần ba dân số một đơn vị cấp tỉnh có dân số ít nhất cả nước. Số đơn vị hành chính cũng nhiều nhất tỉnh nhà. Hơn phân nửa diện tích của huyện có địa hình thấp trũng. Nói như vậy để hình dung công tác xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn như thế nào. Nhưng dường như càng trong gian khó, người dân huyện Cao Lãnh càng quyết tâm hơn, biến khó khăn thành động lực, thành quyết tâm, để đến hôm nay thu về quả ngọt trong những ngày đầu năm.

Người huyện mình trước đây thuần thục với trái xoài, hạt lúa, cá lóc, cá điêu hồng. Người huyện mình hôm nay còn trồng được nhiều loại trái cây phong phú: cam, quýt, sầu riêng, bơ, táo… Người Cao Lãnh hôm nay còn tạo ra nấm sạch, rau hữu cơ, đầu tư năng lượng mặt trời. Người huyện mình hôm nay có những đầm sen không chỉ lấy hạt mà còn đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ sen, kết hợp với du lịch trải nghiệm vẻ đẹp của những đoá sen hồng. Và người Cao Lãnh còn nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản tích hợp đa giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Ai có thể tưởng tượng được con người nơi đây đã kiên trì, nhẫn nại thử nghiệm thành công kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá linh, rồi sáng tạo ra cách nuôi con cá heo chung với cá chạch lấu?

Không gì có thể cản trở những cách nghĩ, cách làm khác biệt, mới mẻ của người Cao Lãnh. Cũng mảnh đất đó, bầu trời đó, mặt nước đó, nhưng người Cao Lãnh ngày hôm nay biết cách tạo ra giá trị cao hơn nhiều lần người Cao Lãnh hôm qua. Người Cao Lãnh sáng tạo ra mô hình “Cây xoài nhà tôi” trở thành thương hiệu riêng trong cả nước. Đây đâu chỉ là chuyện buôn bán trái xoài mà chính là hình ảnh một địa phương biết cách sáng tạo, chủ động tìm kiếm những điều mới mẻ để tạo ra sự khác biệt. Với hơn 700 đơn vị cấp huyện trong cả nước, người ta nhắc đến huyện Cao Lãnh là nhờ câu chuyện “Cây xoài nhà tôi”. Một mô hình thôi nếu biết chăm chút thì người ta sẽ nhớ đến, tìm đến, và khi đã đến thì người ta đâu chỉ mua xoài mà còn để trải nghiệm vẻ đẹp làng quê văn minh, yên bình, giàu sức sống. Và khi đó, người ta sẽ còn mua những sản vật địa phương khác.

Ngày hôm qua người dân huyện mình chỉ biết “đèn nhà ai nấy sáng”, ngày hôm nay người Cao Lãnh sống “tối lửa tắt đèn có nhau”, quấn quýt bên nhau trong các không gian Hội quán. Ngày hôm qua người dân huyện mình “ruộng vườn ai nấy làm”, ngày hôm nay người dân Cao Lãnh cùng nhau mua chung, bán chung, kinh doanh chung trong các hợp tác xã. Đất đai huyện mình có thể còn manh mún, nhưng nếu con người từ bỏ cách suy nghĩ manh mún, thì sẽ không còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nữa. Cách nghĩ manh mún, cách làm nhỏ lẻ, cách sản xuất tự phát khiến nông sản quê mình cạnh tranh khó khăn trong một thị trường “trăm người bán, vạn người mua”. Cách nghĩ, cách làm, cách sản xuất như vậy, nên nông sản quê mình dù có ngon có ngọt có thơm, nhưng không đủ số lượng vươn ra thị trường lớn. Người Cao Lãnh đã phát hiện ra những điểm nghẽn trên con đường đi tới giàu có và đã cùng nắm tay nhau vượt qua những điểm nghẽn đó.

Giàu nghèo đâu phải lỗi tại số phận, phần lớn là do chính con người mà thôi. Ông bà mình đã đúc rút ra một chân lý: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Muốn vượt lên cái nghèo cái khó, con người phải có ý chí và nghị lực, phải có niềm tin và khát vọng. Muốn trở nên khá giả, giàu có, con người phải biết kiên trì và nhẫn nại, biết hợp tác với những người quanh mình. Muốn thành công, con người phải biết học hỏi, luôn ham thích tìm kiếm những điều mới mẻ hàng ngày. Ngày xưa, nhờ cần cù, người nông dân làm ra của cải đủ ăn đủ mặc, có nhà có xe, con cái được tới trường. Ngày mai, nhờ thông minh, chủ động, người nông dân ngày càng có chất lượng sống tốt hơn, ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, con cái tiếp cận cơ hội trở thành những nhà nông tri thức.

Đích đến của con người đâu chỉ là sự giàu có mà quan trọng hơn là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc không đến từ tiền bạc, của cải, mà được cảm nhận từ cuộc đời tươi đẹp, đáng sống. Hạnh phúc đến từ cảm xúc khi mỗi người nhận ra rằng mình được tôn trọng, được sẻ chia, được đóng góp những gì tốt đẹp nhất cho người khác, cho cộng đồng. Hạnh phúc đến từ trong nội tâm của mỗi người. Như vậy, nông thôn mới đâu chỉ là cái vẻ bên ngoài mà còn và quan trọng hơn, là giá trị, là niềm tin bên trong mỗi con người, trong mỗi cộng đồng dân cư. Năng lực cộng đồng là nguồn lực vô hạn. Niềm tin cộng đồng là điều kiện phát huy nguồn lực. Mạng lưới cộng đồng là chất keo gắn kết tạo ra năng lực và niềm tin.

Những điều nhắn gửi trên là chia sẻ thân tình đến những người dân Cao Lãnh, nhất là đội ngũ lãnh đạo, hãy cùng bắt tay hành động. Một phút chậm chân là tụt lại phía sau. Một phút chần chừ là cơ hội qua đi. Một phút loay hoay là niềm tin bị đánh mất. Sức ì quán tính dễ khiến người ta chùn chân, khó khăn dễ khiến người ta chùng lòng. Ngọn lửa khát vọng vừa được nhóm lên sẽ dễ vụt tắt. Những ngọn gió của sự sẵn lòng thay đổi đã nổi lên từ những Tổ nhân dân tự quản, Hội quán, hợp tác xã. Những ngọn gió tươi mới đã thổi khắp các cánh đồng, mảnh ruộng, bờ ao quê mình, làm mát lòng người Cao Lãnh, đưa xứ xoài vươn cao, vươn xa. Gió xuân đã thổi phơi phới ngoài trời và trong lòng mỗi người dân Cao Lãnh trong những ngày đầu năm!

Lê Minh Hoan

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>