Xuất bản thông tin

null Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và thân thiện môi trường

Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và thân thiện môi trường

Kết quả PCI 2023 vừa công bố, tỉnh Đồng Tháp là địa phương duy nhất có 16 năm liên tục nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc. Với kết quả này, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp.

16 năm liên tục nằm trong top 5 các tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, kết quả này của Đồng Tháp còn được xem là “hiện tượng” nên thu hút rất đông các phóng viên, nhà báo phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa

Phóng viên: Thưa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa! Cảm xúc của ông như thế nào với kết quả PCI 2023 của tỉnh Đồng Tháp vừa được công bố?

Chủ tịch UBND tỉnh: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được công bố, Đồng Tháp đứng vị trí thứ 5 cả nước và duy trì kết quả này trong 16 năm liên tục. Điều đó khẳng định sự nhất quán, xuyên suốt của chính quyền tỉnh trong thực hiện chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Nhân đây, tôi xin cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có đánh giá khách quan, công tâm và tinh thần trách nhiệm cao đối với môi trường kinh doanh tại Đồng Tháp.

Kết quả PCI 2023 là niềm vui chung của chính quyền tỉnh Đồng Tháp khi nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp đã mang đến “quả ngọt” đầy ý nghĩa. Và càng giá trị hơn, khi trong năm 2023 là một năm cả chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng nhau vượt khó, khó do tác động dai dẳng, kéo dài của đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự, lạm phát thế giới ở mức cao, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ v.v..

Trong bối cảnh đó, bên cạnh thực hiện các chủ trương, chính sách từ Trung ương, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế phát triển; ứng phó linh hoạt để hóa giải các khó khăn; sự tin tưởng và chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh đã tác động tích cực đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,66%; quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng và đạt trên 109.408 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 22.722 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư phát triển ngoài khu vực nhà nước chiếm 70,08% tổng vốn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tuyên dương 24 Doanh nghiệp tiêu biểu năm 2023

Phóng viên: Công tác cải thiện môi trường đầu tư được tỉnh thực hiện như thế nào thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, các cấp chính quyền của tỉnh luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Để thể hiện sự quyết tâm, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa chỉ tiêu về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư; kiến nghị tháo gỡ, loại bỏ những rào cản trong đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định chung theo Luật chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp như: Đất đai, xây dựng, thuế, tiếp cận vốn v.v..

Phóng viên: Báo cáo PCI cho thấy, Đồng Tháp có 06 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Xin ông chia sẻ thêm về nội dung này?

Chủ tịch UBND tỉnh: Đúng vậy. PCI 2023, tỉnh Đồng Tháp có 06/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2022 như: Gia nhập thị trường (tăng 0,32), tính minh bạch (tăng 0,17), chi phí thời gian (tăng 0,28), cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,39), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,71), thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 0,35).

Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai 02 mô hình mới: “Không gian hành chính phục vụ” và “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính”.

Riêng mô hình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính”, từ khi triển khai đến nay đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chỉnh; đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh ngay những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức mở như: mô hình “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” được triển khai ở cấp tỉnh và cấp huyện; họp mặt doanh nghiệp, doanh nhân. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh còn tổ chức nhiều buổi trao đổi cùng doanh nhân tại các khu công nghiệp để lắng nghe, chia sẻ khó khăn. Qua các buổi gặp gỡ, trao đổi, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp, giải quyết ngay các vướng mắc trong thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.

Nhiều hoạt động đồng hành giữa chính quyền với doanh nghiệp

Phóng viên: Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) vừa được công bố có ý nghĩa như thế nào đối với định hướng phát triển của Đồng Tháp thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh: Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI của tỉnh năm nay có sự cải thiện vượt bậc, đạt 22,74 điểm, xếp thứ 18 cả nước và tăng 24 bậc so với năm 2022. Trong 04 chỉ số thành phần của PGI, tỉnh Đồng Tháp có điểm số đứng đầu cả nước về “giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai” (chỉ số thành phần 1), đứng thứ 25 về “thúc đẩy thực hành xanh” (chỉ số thành phần 3), đứng thứ 27 về “chính sách khuyến khích và hỗ trợ” (chỉ số thành phần 4).

Thông qua kết quả đánh giá này, chúng tôi sẽ nghiên cứu, phân tích thấu đáo những khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra, từ đó có sự điều chỉnh cũng như có quyết sách phù hợp nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp kiên định quan điểm “không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế”, “kinh tế tuần hoàn - tăng trưởng xanh” cũng là một phần của slogan năm 2024 tỉnh đang theo đuổi. Do đó, công tác bảo vệ môi trường trong thu hút đầu tư luôn được tỉnh quan tâm, đặc biệt là ưu tiên thu hút dự án đầu tư có công nghệ xanh, công nghệ thân thiện môi trường, tiêu tốn ít nhiên liệu, hạn chế tác động đến môi trường.

Cùng với đó, tỉnh thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo áp lực cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh (thông qua những hành động như: Tiết kiệm tài nguyên, hạn chế sử dụng sản phẩm nilon, nhựa, giữ gìn vệ sinh đường phố và nơi ở, trồng cây xanh, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khí thải, nước thải v.v.) và chú trọng mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế phát thải.

Mục tiêu của PCI và PGI nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, thân thiện môi trường, đây cũng là mục tiêu tỉnh Đồng Tháp hướng đến và luôn chú trọng cân bằng giữa phát triển kinh tế nhưng vẫn duy trì được vấn đề bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Xin cảm ơn Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh!

Nguyệt Ánh thực hiện

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>