Xuất bản thông tin

null Lễ hội Quýt hồng Lai Vung lần I: Khát vọng vươn lên

Lễ hội Quýt hồng Lai Vung lần I: Khát vọng vươn lên

Từ ngày 05 - 08/01/2023, Lễ hội Quýt hồng Lai Vung sẽ chính thức diễn ra. Đây là lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh thương hiệu quýt hồng, đồng thời thổi ngọn gió lành, góp phần hồi sinh “vương quốc” quýt hồng nổi tiếng ở vùng đất Chín Rồng. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Võ Hoàng Cương – Bí thư Huyện ủy Lai Vung về công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện quan trọng này của địa phương.

Phóng viên: Thưa ông! Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến 2025 và định hướng đến 2030 xác định quýt là ngành hàng tiềm năng của địa phương. Xin ông cho biết thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng được cấp ủy, chính quyền huyện Lai Vung thực hiện ra sao và đạt kết quả như thế nào?

Ông Võ Hoàng Cương: Huyện Lai Vung xác định cây có múi chính là nông sản chủ lực mà địa phương có lợi thế, bởi truyền thống trồng cây có múi nói chung, cây quýt nói riêng ở Lai Vung đã có lịch sử ngót gần thế kỷ qua, trong đó quýt hồng được xem là đặc sản quý.

Cây quýt hồng Lai Vung trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhất là tình hình dịch bệnh vàng lá thối rễ chết nhanh trên diện rộng, đỉnh điểm là giai đoạn 2016 – 2018.

Được sự hỗ trợ trực tiếp, kịp thời của Trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Hội Làm vườn Việt Nam và các sở, ngành của tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh trên cây quýt hồng đã cơ bản được khắc phục.

Đặc biệt, từ năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án bảo tồn, khôi phục cây quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung. Đề án có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống giải pháp đồng bộ từ giống sạch, cải tạo đất, quy trình chăm sóc, qua đó góp phần thay đổi nhanh tư duy, trang bị kiến thức cho nông dân trồng quýt hồng.

Đến nay, tỷ lệ dịch bệnh vàng lá thối rễ hầu như không còn đối với những nhà vườn sản xuất tuân thủ đúng quy trình hữu cơ kết hợp với cải tạo đất phù hợp, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt như ngon hơn, đồng đều hơn, an toàn hơn, bảo quản lâu hơn trong môi trường tự nhiên sau thu hoạch, từ đó niềm tin của người tiêu dùng cũng ngày được tăng cao.

Hiện tại, toàn huyện có hơn 200 ha quýt hồng đang cho trái hàng năm, năm 2022 ước khoảng 5.000 tấn và khoảng 50 ha đang được trồng mới, có thể cho thu hoạch sau từ 1 - 2 năm tới.

Phóng viên: Năm 2012, quýt hồng Lai Vung chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Thời gian tới, huyện Lai Vung có những giải pháp gì để phát triển nhãn hiệu quýt hồng ngày một vươn xa, thưa ông?

Ông Võ Hoàng Cương: Để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và đảm bảo thực hiện thắng lợi Đề án Bảo tồn, khôi phục cây quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung nói riêng (chỉ tiêu đến năm 2025 khôi phục 500 ha), hiện nay lãnh đạo huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Trường, Viện, Hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị và hỗ trợ, giám sát nông dân trồng quýt hồng quy trình sản xuất hữu cơ và đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm, tăng độ an toàn và bền vững, sản xuất song song với bảo vệ môi trường, cải tạo đất, sử dụng giống sạch, chủ động quản lý tốt dịch bệnh. Ngoài ra, đã tiến hành thử nghiệm thành công nhiều mô hình sản xuất mới như trồng quýt hồng trong nhà lưới, trồng trong nhà lưới kết họp với tưới nhỏ giọt bước đầu mang lại kết quả tốt.

Tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn, khôi phục quýt hồng huyện Lai Vung, trong những năm tới, huyện sẽ đẩy mạnh áp dụng quy trình khép kín: Giống sạch, sản xuất quy trình hữu cơ kết hợp cải tạo đất, không chạy theo năng suất đơn thuần mà chú trọng đến chất lượng sản phẩm, độ an toàn và nâng cao giá trị dinh dưỡng của quýt hồng, giảm giá thành chi phí sản xuất hợp lý.

Bên cạnh đó, thành lập Hợp tác xã ngành hàng cây có múi của huyện với định hướng sản xuất theo hướng tuần hoàn và áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ nhằm tạo ra chất lượng ngày một đồng đều hơn, nâng cao hơn, phát triển bền vững hơn. Thông qua Hợp tác xã để hỗ trợ nhanh việc đăng ký mã vùng trồng, thực hiện các biện pháp truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ vào bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu sau thu hoạch, tận dụng tất cả phụ phẩm từ lá quýt lấy tinh dầu, vỏ quýt hồng và quýt hồng non làm trà và các thực phẩm tiêu dùng hữu dụng khác. Qua đó, đưa sản phẩm quýt hồng Lai Vung đến người tiêu dùng cả nước và có đủ điều kiện tham gia xuất khẩu, từ đó góp phần chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Phóng viên: Được biết “Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I - năm 2023” có chủ đề “Khát vọng vươn lên”. Xin ông cho biết cụ thể hơn về mục đích, ý nghĩa của Lễ hội cũng như “Khát vọng vươn lên” của địa phương thông qua sự kiện lần này?

Ông Võ Hoàng Cương: Thông qua Lễ hội này, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được 03 mục tiêu sau:

Một là, góp phần làm thay đổi nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về giá trị của nền nông nghiệp xanh; tác động quyết định đến sự thay đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của tất cả mọi người.

Hai là, khẳng định giá trị của quýt hồng, nhãn hiệu đã được cấp chứng nhận độc quyền của xứ sở Lai Vung. Giá trị đó chỉ phát huy được và biến thành lợi ích cho người dân khi chúng ta biết nhìn nhận đúng, có cách tác động đúng để biến tiềm năng trở thành giá trị.

Bà là, đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, người dân và du khách trong và ngoài nước hiểu đúng, đủ hơn về quýt hồng cũng như các sản vật và con người xứ sở Lai Vung. Lễ hội sẽ là cơ hội mở ra cho nông dân cơ hội mới từ nhận thức đến sản xuất trên con đường phát triển: “Hãy biết tạo ra những sản phẩm xã hội cần chứ không thể chỉ biết làm ra những gì mà mình vốn quen và thành truyền thống”.

Phóng viên: Cụ thể, khi đến với Lễ hội này, người dân và du khách sẽ có thể trải nghiệm những hoạt động hấp dẫn nào, thưa ông?

Ông Võ Hoàng Cương: Lễ hội Quýt hồng lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Khát vọng vươn lên” sẽ diễn ra trong 04 ngày từ 05 – 08/01/2023 tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện.

Ngoài chương trình khai mạc và các hội thảo, toạ đàm để bảo tồn và phát huy giá trị quýt hồng còn có các hoạt động như: Diễu hành quảng bá lễ hội, không gian trưng bày sản phẩm; các hội thi cây quýt hồng đẹp, vườn quýt hồng kiểu mẫu, mâm ngũ quả đẹp, hội thi ẩm thực dân gian có sử dụng thực phẩm từ quýt, vẽ tranh thiếu nhi “Mùa quýt quê em” và các trò chơi dân gian v.v. tạo không gian văn hóa, vui chơi, giải trí, du lịch trong dịp Tết đến xuân về cho bà con nông dân trong huyện và du khách gần xa đến với Lai Vung.

Trong khuôn khổ Lễ hội còn tổ chức đoàn Famtrip tham quan các điểm du lịch cộng đồng, làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP v.v. để du khách tìm hiểu về những thế mạnh, tiềm năng du lịch của huyện Lai Vung. Qua đó, ghi nhận ý kiến của du khách để hoàn thiện các sản phẩm du lịch của địa phương đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển mới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Văn Khương

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>