Xuất bản thông tin

null Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị Hợp tác Đầu tư và Thương mại với Nhật Bản

Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị Hợp tác Đầu tư và Thương mại với Nhật Bản

Tại Hội nghị Hợp tác Đầu tư và Thương mại với Nhật Bản giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản vào chiều ngày 29/11, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đã có bài phát biểu quan trọng. Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp xin trân trọng giới thiệu.

Đầu tiên, thay mặt lãnh đạo Tỉnh Đồng Tháp, tôi trân trọng cám ơn và vui mừng chào đón Ngài Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hiệp hội, nghiệp đoàn và doanh nghiệp - nhà đầu tư Nhật Bản đã dành thời gian quý báu tham dự trực tiếp và trực tuyến "Hội nghị hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp và Doanh nghiệp Nhật Bản năm 2023". Trân trọng gửi đến toàn thể quý vị lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Hội nghị hôm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, Việt Nam - Nhật Bản đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngay tại thời điểm này, Chủ tịch nước Việt Nam cũng đang có chuyến thăm chính thức tại Nhật Bản, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ. 50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhất là khi hai nước nâng lên thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á. Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam, đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước.

Kim ngạch thương mại song phương của 02 nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục là đối tác đầu tư và viện trợ ODA hàng đầu tại Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, Đồng Tháp đã thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân của Nhật Bản, như:

 (1) Từ năm 2015, tỉnh Ibaraki đã hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp trong việc tìm hiểu những nghiên cứu, cơ giới hóa, phát triển nông nghiệp, hợp tác xã,...

(2) Chương trình hợp tác với Giáo sư Kazuo Watanabe và Trung tâm nghiên cứu Đổi mới thực vật Tsukuba về việc hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và giống cây trồng chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

(3) Chương trình hợp tác đào tạo Tiến sĩ với Trường Đại học Wakayama, thông qua sự kết nối của Viện JAMWEI.

(4) Chương trình Hợp tác với Tập đoàn Somethings về việc hỗ trợ triển khai phần mềm Oncho HoneyBee phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp.

(5) Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ với tổ chức Seed to Table được thực hiện từ tháng 5/2019 đến nay nhằm mục đích hỗ trợ cho những hộ nông dân quy mô nhỏ, các trường học áp dụng canh tác nông nghiệp hữu cơ và hướng dẫn những người xung quanh được hiểu thêm kiến thức về nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực Nông nghiệp và Giáo dục tại tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

(6) Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp (năm học 2022 - 2023) đã triển khai Mô hình Trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản, giảng dạy theo chương trình đào tạo trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao với các ngành: Công nghệ thực phẩm, Trồng trọt và bảo vệ thực vật.

(7) Chương trình đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản, từ năm 2014 đến tháng 10/2023, Đồng Tháp đã đưa trên 10.000 lao động (riêng 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1.278 lao động làm việc tại Nhật Bản, trên tổng số 1.510 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, chiếm gần 85%).

Riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản đạt 18,17 triệu USD và trong 08 tháng đầu năm 2023, đạt đạt 20,5 triệu USD). Với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Giày da, thủy sản, sản phẩm sau gạo, dệt may, collagen, bánh phồng tôm, trái cây,... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Nguyên liệu dệt may, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm,... Những mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Đồng Tháp có thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đồng Tháp là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích hơn 3.380km2. Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, ngoài gạo và thuỷ sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Nhật Bản như: Xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, một số cây có múi. Chúng tôi còn có làng hoa Sa Đéc - một trong những vùng trồng hoa lâu đời, lớn nhất nước, cung cấp trên 12 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm. Các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm cũng gắn liền với những địa điểm tham quan, du lịch trải nghiệm thú vị mang đậm nét văn hóa đặc trưng và giàu truyền thống lịch sử.

Trong lĩnh vực này, chúng tôi chú trọng kêu gọi hợp tác, đầu tư phát triển nguồn giống cây trồng chất lượng, đa dạng; kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy chuỗi giá trị ngành nông sản, đặc biệt là các chuỗi gía trị có hàm lượng công nghệ cao, trong các nhóm ngành hang chủ lực của Đồng Tháp: lúa gạo, xoài, cá tra, sen, hoa kiểng.  

Với quy mô dân số khá lớn, hơn 1,6 triệu người, Tỉnh có nguồn lao động trẻ dồi dào, trong đó, có hơn 40% đã qua đào tạo cùng với với trên 10.000 lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng tốt đang là lợi thế của Đồng Tháp cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh hoặc tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Đồng Tháp xác định đồng hành cùng doanh nghiệp là trách nhiệm và cam kết cao nhất của lãnh đạo và chính quyền các cấp. Chúng tôi đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án với nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp (với 02 cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và Dinh Bà) đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án. Hạ tầng giao thông được tập trung thúc đẩy, hoàn thiện.

Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp còn khoảng 2 giờ. Hệ thống giao thông thuỷ, với 02 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra biển Đông và Campuchia. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng,… đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.

Đồng Tháp đang đặt ra nhiều mục tiêu, khát vọng phát triển cho chặng đường sắp tới. Tăng trưởng duy trì ở mức 7 - 7.5%/ năm. Chúng tôi đang được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đặt hàng, kỳ vọng trở thành một trong những tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân thông minh. Chúng tôi cũng đặt yêu cầu cao, đột phá trong chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp. Ngoài sức mạnh tự thân, chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, mà Hội nghị hôm nay là một trong những nỗ lực để thúc đẩy hiện thực hoá những khát vọng, mục tiêu đó của Đồng Tháp.

Tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, chính sách chúng tôi sẽ cố gắng giới thiệu, truyền tải nhiều nhất, rõ ràng nhất, với nhiều hình thức sinh động, trực quan, đa dạng đến quý vị trong Hội nghị hôm nay và cả trong những tiếp xúc, trao đổi sau hội nghị. Lắng nghe nhu cầu, yêu cầu, những gợi mở, chia sẻ của quý vị đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản trong hội nghị này để thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa Đồng Tháp - Nhật Bản là điều mà chúng tôi chân thành mong muốn được tiếp nhận, trao đổi. Để trong thời gian nhanh nhất chúng ta sẽ hiểu về nhau, thống nhất cùng nhau và để Đồng Tháp nhanh chóng được chào đón quý vị đến với đất Sen hồng, ở lại, phát triển, thành công, để Đồng Tháp và doanh nghiệp của quý vị cùng phát triển. Với hành trình 15 năm liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Đồng Tháp tự tin là địa phương có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn khi quyết định đầu tư tại Việt Nam, để tiềm năng của chúng tôi thực sự trở thành cơ hội của quý vị.

Đồng Tháp nổi tiếng là đất sen hồng, tại Nhật Bản hoa sen cũng là loài hoa nổi tiếng, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. Điểm tương đồng này, cùng với truyền thống hợp tác, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy những hợp tác mới, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Tháp mà khởi đầu chắc chắn sẽ là sự thành công của "Hội nghị hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp và Doanh nghiệp Nhật Bản năm 2023" hôm nay.

Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo tỉnh, trân trọng cảm ơn Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, quý lãnh đạo, doanh nghiệp đã dành thời gian đến tham dự Hội nghị hôm nay.

Trân trọng cảm ơn!

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp
Lê Quốc Phong

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>