Xuất bản thông tin

null Huyện Cao Lãnh đạt chuẩn nông thôn mới

HỢP TÁC XÃ TIN HOAT DONG

Huyện Cao Lãnh đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 2205/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 công nhận huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (xem tại đây).

Huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được thành lập từ năm 1983 trên cơ sở tách huyện Cao Lãnh cũ thành hai đơn vị hành chính mới là thị xã Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh) và huyện Cao Lãnh. Huyện có vị trí địa lý là cửa ngõ của tỉnh Đồng Tháp, có Quốc lộ 30 kết nối với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ N2) vào Quốc lộ 1 dẫn vào Trung tâm hành chính Tỉnh, qua cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống đi các tỉnh phía Nam sông Hậu. Ngoài ra, còn có các tuyến Tỉnh lộ 844, 846, 850, 856,... hình thành hệ thống giao thông liên vùng, liên huyện kết nối trong giao thương, vận chuyển hàng hóa, dễ dàng tiếp cận tri thức văn hóa, khoa học công nghệ, du lịch đến với nhiều nơi trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Huyện Cao Lãnh là địa phương có đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất Tỉnh, gồm 17 xã và 01 thị trấn, với diện tích tự nhiên 49.082 ha; dân số 197.614 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 12,85% (trong đó thị trấn Mỹ Thọ được công nhận đô thị loại IV, Trung tâm xã Mỹ Hiệp được công nhận đô thị loại V).

Ngay khi triển khai thực hiện Chương trình, Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Cao Lãnh tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, ban hành Chương trình hành động của Huyện uỷ, Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân huyện, thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện; tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản của cấp trên và triển khai kế hoạch của Uỷ ban nhân dân huyện đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng tham gia thực hiện. Huyện chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình cụ thể hàng năm để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cho từng xã và các tiêu chí huyện nông thôn mới và đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động người dân trong huyện tiếp tục phát huy vai trò chủ thể trong việc duy trì, giữ vững nâng cao chất lượng các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện triển khai thực hiện nhiều mô hình hay và sáng tạo như: mô hình “Hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Cộng đồng đồng dân quản lý xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”, mô hình “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, mô hình xử lý rác bằng nước sinh học E.M, mô hình “tuyến đường kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp”, mô hình “Cụm dân cư An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp”, mô hình “Biến các điểm tập kết rác thành vườn hoa”,  mô hình “Cây xoài nhà tôi”, mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, mô hình “vườn ươm thanh niên”, mô hình thu gom vận chuyển, xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật với nhà lưu chứa bao gói bán tự động bằng Container, mô hình “Camera an ninh”,  “mô hình hội quán”.

Nhằm nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu để tạo bức phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao mức sống của người dân. Huyện Cao Lãnh đã tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với 07 ngành hàng chủ lực, tiềm năng (lúa gạo, xoài, vịt, cá điêu hồng, tôm càng xanh, chanh, ổi) và là địa phương luôn chủ động, tiếp cận nhanh việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp thông minh vào sản xuất và đạt tỷ lệ khá cao, góp phần giảm giá thành hướng đến chế biến tinh, tăng giá trị hàng hóa nông sản, tăng khả năng thích ứng, tiếp cận và chinh phục nhiều thị trường khó tính hiện nay. Cho đến nay, huyện đã thành lập 18 hội quán tại các địa phương với 1.241 hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ với các chuyên đề đa dạng. Trên địa bàn huyện có đến 24 hợp tác xã nông nghiệp với 4.389 thành viên, 06 hợp tác xã phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Các hợp tác xã, tổ hợp tác phát huy lợi thế, mạnh dạn liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ các loại nông sản chủ lực, tiềm năng của huyện.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, đóng góp của cộng đồng dân cư huyện Cao Lãnh trong xây dựng nông thôn mới là điểm sáng của Tỉnh khi người dân đóng góp đến 32% (1.072,560/3.392,851 tỷ đồng) vốn huy động đầu tư trực tiếp xây dựng nông thôn mới (chưa kể vốn tín dụng) góp phần đáng kể giúp huyện Cao Lãnh hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Tỉnh.

Tính đến cuối năm 2020, huyện Cao Lãnh có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Bình Thạnh là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021; Huyện đã đạt đủ 9/9 (100%) tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Từ những kết quả trên, huyện Cao Lãnh đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.

* Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn huyện Cao Lãnh:

+ Cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã phát triển vượt bậc. Nhất là hạ tầng giao thông nông thôn được nâng cấp, cứng hoá; hệ thống thủy lợi, điện đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Cơ sở vật chất văn hóa cấp xã, ấp đều được đầu tư xây dựng, chất lượng hoạt động dần cải thiện. Trường học các cấp có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt 100%.

+ Giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện tăng nhanh. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được hình thành; liên kết tiêu thụ thông qua HTX dần phát huy hiệu quả tích cực; doanh nghiệp khởi nghiệp được quan tâm, phát triển nhiều sản phẩm chế biến, năm 2019 - 2020, toàn Huyện có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, đạt hạng từ 3 - 4 sao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 17 xã năm 2020 đạt 51,717 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 1,58%; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 96,7%. Giáo dục, y tế nâng dần về chất lượng, phục vụ tốt cho nhu cầu dân sinh. Thiết chế văn hóa hoạt động mạnh mẽ. Ngoài ra, toàn huyện có 18 hội quán tại các địa phương, thông qua mô hình đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở. Môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 100%, trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 81,27%; cảnh quan môi trường được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp hơn; chất thải rắn sinh hoạt, y tế và sản xuất được thu gom và xử lý theo đúng quy định; 79,40% số hộ đảm bảo 3 sạch; 100% số hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

* Kết quả thực hiện đạt 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới của huyện Cao Lãnh:

+ Tiêu chí 1 về Quy hoạch: Quy hoạch xây dựng vùng huyện của Cao Lãnh đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1933/QĐ-UBND ngày 31/12/2020. UBND Huyện đã tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định.

+ Tiêu chí 2 về Giao thông: Hệ thống giao thông vận tải, đường bộ, đường thủy trên địa bàn huyện Cao Lãnh đã đáp ứng theo tiêu chuẩn của tiêu chí huyện NTM, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân.

+ Tiêu chí 3 về Thủy lợi: Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Cao Lãnh được xây dựng phù hợp với quy hoạch. Các tuyến kênh trục chính, cấp II, cấp III, cấp IV và kênh nội đồng trên địa bàn huyện đều được thông tuyến và đấu nối với các hệ thống sông chính phù hợp với quy hoạch phục vụ cho sản xuất.

+ Tiêu chí 4 về Điện: Hiện nay hệ thống điện trung, hạ áp liên xã trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch phát triển của ngành điện và thường xuyên được kiểm tra an toàn theo quy định.

+ Tiêu chí 5 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục: Hệ thống y tế của huyện đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Huyện có 01 Trung tâm Y tế cấp huyện xếp hạng 3 ; 02 bệnh viện chuyên khoa của tỉnh gồm Bệnh viện Tâm thần xếp hạng 3, Bệnh viện Phổi xếp hạng Trung tâm văn hóa, nhà tập luyện và thi đấu thể thao huyện được đầu tư xây dựng đạt chuẩn tiêu chí huyện NTM; phục vụ tốt nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ cho nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và tuyên truyền, cổ động trực quan ngày càng phát triển, có nhiều đổi mới; kết nối với các xã. Giáo dục: huyện có 03/05 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đạt 60%.

+ Tiêu chí 6 về Sản xuất: Huyện đã tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 7 ngành hàng chủ lực, tiềm năng (lúa gạo, xoài, vịt, cá điêu hồng, tôm càng xanh, chanh, ổi) và là địa phương luôn chủ động, tiếp cận nhanh việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp thông minh vào sản xuất và đạt tỷ lệ khá cao. Nổi bật với các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm như: mô hình “Cây xoài nhà tôi” (HTX Xoài Mỹ Xương); mô hình canh tác lúa lý tưởng thương hiệu “Ruộng nhà mình” (HTX DVNN Thuận Tiến); mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ” (Hợp tác xã 26/3 xã Phương Thịnh); Mô hình Hội quán tham gia liên kết của Minh Tân Hội quán xã Mỹ Hội; mô hình nuôi gà thảo dược kết hợp liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp; mô hình sản xuất rau thuỷ canh, trong nhà lưới; mô hình nuôi cá điêu hồng lồng, bè (ngoài bán sản phẩm tươi, còn có sản phẩm chế biến khô).

+ Tiêu chí 7 về Môi trường: Huyện đã phê duyệt đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt được chuyển về Nhà máy xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải Đập Đá tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp để xử lý đảm bảo đúng quy định. Chất thải rắn y tế tại Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, các Trạm Y tế và phòng khám tư nhân được phân loại, thu gom và xử lý đúng theo quy định. Huyện Cao Lãnh đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn huyện. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

UBND Tỉnh đã ban hành văn bản cam kết tiến độ xây dựng Khu xử lý chất thải rắn Đập Đá tại huyện Cao Lãnh và giải pháp đẩy mạnh công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải tại các địa phương trên địa bàn Tỉnh (tại Công văn số 396/UBND-KT ngày 04/6/2021). Hiện đang khẩn trương triển khai dự án “Ô chôn lấp rác hợp vệ sinh để xử lý ô nhiễm môi trường chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý rác thải Đập Đá, huyện Cao Lãnh”.

+ Tiêu chí 8 về An ninh, trật tự xã hội: Hệ thống chính trị xã hội được củng cố, nâng cao chất lượng và ngày càng vững mạnh; an ninh, trật tự xã hội luôn giữ vững. Huyện Cao Lãnh không còn xã nằm trong diện trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

+ Tiêu chí 9 về Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới: Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện Cao Lãnh được thành lập, kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định. Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định.

 

Nguyễn Hưng