Xuất bản thông tin

null Sở Khoa học và Công nghệ tham dự Hội thảo khởi động nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghị định thư giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, tại Trường Đại học Cần Thơ

Thông tin dự án, đầu tư Vấn đề quan tâm

Sở Khoa học và Công nghệ tham dự Hội thảo khởi động nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghị định thư giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, tại Trường Đại học Cần Thơ

Sáng ngày 25/4, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khởi động Dự án OrganoRice “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ và thị trường cho sản xuất lúa gạo hữu cơ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam (ĐBSCL)”.

Tham dự Hội thảo gồm có GS.TS. Hà Thanh Toàn Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, ông Lê Thanh Tùng Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và PTNT, các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo hữu cơ (Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời, Công ty LotusRice, Công ty AHA Agrochemical Jsc, Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Cẩm Châu); tổ chức chứng nhận Control Union, các sở, ngành đến từ 03 tỉnh Vĩnh Long (Sở NN&PTNT), An Giang (Sở KHCN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN) và Đồng Tháp (Sở KH&CN, Chi cục Trồng trọt và BVTV), cùng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Đặc biệt là các nhà khoa học tham gia Dự án đến từ các tổ chức khoa học Đức (Forschungszentrum Jülich GmbH, Đại học Bonn, UNU Bonn) và Việt Nam (Trường Đại học Cần Thơ) gồm TS. Lutz Weihermüller, TS. Roland Keil, PGS.TS. Châu Minh Khôi, PGS.TS. Tất Anh Thư, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Nga,…

Quang cảnh Hội thảo khởi động Dự án

Dự án OrganoRice là nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghị định thư giữa Việt Nam và Đức, chương trình được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF); Dự án được phối hợp thực hiện bởi Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Nghiên cứu Jülich, Đức; và các đơn vị kết nối thực hiện Dự án như: Trường Đại học Bonn, Trường Đại học Liên Hiệp Quốc tại Bonn, 02 doanh nghiệp của Đức (KIAG và L.U.P.O), Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long và 02 doanh nghiệp của Việt Nam (Lộc Trời và LotusRice).

Hội thảo khởi động Dự án OrganoRice đã giới thiệu mục tiêu nhiệm vụ là nghiên cứu và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ và thị trường cho sản xuất lúa gạo hữu cơ; việc chuyển đổi từ canh tác sử dụng hóa học sang canh tác hữu cơ lành mạnh đòi hỏi sự thay đổi có tính hệ thống; sự chuyển đổi này cần có sự hợp tác của tất cả các bên liên quan như: nông dân cần thay đổi tập quán canh tác, cửa hàng vật tư nông nghiệp phải chuyển từ bán thuốc bảo vệ thực vật sang mô hình kinh doanh khác, nhà máy xay xát và đơn vị vận chuyển phải có quy trình riêng cho gạo hữu cơ và gạo truyền thống để tránh ô nhiễm, doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp cho thị trường loại gạo hữu cơ đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng phải/có thể tin tưởng vào sự đảm bảo về chất lượng này và sẽ sẵn sàng chi trả tiền nhiều hơn cho sản phẩm đúng tiêu chuẩn hữu cơ…; tính minh bạch của tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị là điều kiện cần thiết trong sản xuất hữu cơ; cơ quan nhà nước cần cung cấp và hỗ trợ các cơ sở pháp lý và thủ tục hành chính, đồng thời đưa việc canh tác hữu cơ vào các văn bản hướng dẫn có liên quan trong quản lý sản xuất nông nghiệp và tạo động lực cho nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Từ đó, sản phẩm gạo chất lượng, đúng tiêu chuẩn hữu cơ được tạo ra, an toàn cho sức khỏe, bảo đảm niềm tin cho người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm hữu cơ, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn sản xuất, thị trường và xuất khẩu, hướng đến phát triển xanh, bền vững. Kết quả nhiệm vụ được triển khai nhân rộng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trường Nông nghiệp – Trường Đại học Cần Thơ dự kiến sẽ triển khai các hợp phần nghiên cứu và xây dựng 03 mô hình canh tác lúa đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu và đạt hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 20% so với sản xuất truyền thống (01 mô hình/30 hecta cho mỗi tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp).

Phạm Nguyễn Yến Trinh