NGUYỄN VĂN BIỂU
(Phòng Biểu)
(1830-1914)
Ông Nguyễn Văn Biểu, gốc người thôn Tân Phú, huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường (nay là xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), sanh năm 1830, là con thứ tám, trong một gia đình nông dân nghèo. Lúc nhỏ có theo học chữ Nho và võ nghệ.
Vào tuổi thanh niên, ông nổi tiếng là người cao lớn, khỏe mạnh hơn người; da đen, môi chì, tướng tá bậm trợn, cổ to bằng ba gang tay và sức ăn gấp mấy lần người bình thường.
Gặp lúc gia đình sa sút, ông phải đi phát cỏ, móc tràm lụt, tát đìa, chèo ghe mướn …cho bà con trong làng để giúp gia đình. Đến khi trưởng thành, ông cùng người anh thứ 7 là Nguyễn Văn Phuông theo người cậu về thôn Mỹ Thọ (nay thuộc huyện Cao Lãnh) để kiếm việc làm. Lúc đầu ông cũng chỉ làm thuê, làm mướn trong vùng, qua đó tiếng tăm về sức mạnh, giỏi võ và ăn khỏe của ông càng vang dội. Về sau ông chèo ghe cho người cậu đi bán cối xay lúa. Trong một chuyến đi bán xa, gần tỉnh thành Mỹ Tho (Định Tường), tình cờ quan chánh lãnh binh biết được tài nghệ của ông, muốn giữ ông lại để huấn luyện binh sĩ; nhưng ông từ chối. Thấy ông khỏe mạnh, lại siêng năng làm lụng, tánh tình nhân hậu, nên một gia đình khá giả có ruộng đất ở Rạch Miểu (thôn Mỹ Thọ) kêu gả con gái cho. Từ đó ông không đi làm mướn nữa, vì phải chăm sóc ruộng nương cho nhà vợ.
Tháng hai năm 1859, thực dân Pháp tấn công chiếm được thành Gia Định, sau đó chiếm Định Tường. Anh hùng hào kiệt nổi lên chống Pháp khắp nơi. Khi được tin Thiên hộ Võ Duy Dương kéo quân về Đồng Tháp Mười, chọn Gò Tháp làm tổng hành dinh, xây dựng đồn lủy chống giặc, ông liền từ giả vợ con lên đường vào Gò Tháp để ra mắt Thiên Hộ Dương và được tin cẩn giao cho nhiệm vụ tổ chức chỉ huy đội phòng vệ căn cứ. Từ đó mọi người gọi ông là Phòng Biểu hoặc Phòng Tám (vì ông thứ tám trong gia đình).
Trong suốt thời gian theo nghĩa quân, ông luôn có mặt bên chủ tướng; lúc nào cũng tỏ ra dũng cảm, dốc hết lòng cho đại cuộc, không ngại gian khổ, hy sinh. Vũ khí ông sử dụng lúc cận chiến là cây thiết bảng. Ông còn nhận trọng trách điều tra, trừng trị bọn việt gian. Khả năng ăn nhiều và chịu đói hai ba ngày của ông giúp ông rất nhiều trong công việc điều tra dài ngày và không cần phải vào quán xá hoặc nhà dân để ăn uống.
Tháng 4 - 1866, thực dân pháp tập trung đại quân tấn công triệt hạ căn cứ Tháp Mười. Phó tướng Đốc Binh Kiều và ông ở lại đại bản doanh cố thủ nghi binh để đại quân cho Thiên hộ chỉ huy rút lui an toàn để bảo tồn lực lượng chiến đấu sau này. Ác chiến diễn ra ở Gò Tháp, Đốc Binh Kiều bị thương và qua đời tại đây. Sau khi chôn cất Đốc Binh kiều, Phòng Biểu rút quân về Sình Lớn, cố thủ ở ngã ba Thông Bình (Tân Thành). Mặc dù quân ít, vũ khí thô sơ, giặc Pháp lại càn quét liên miên, nhưng nghĩa quân vẫn kiên trì chiến đấu kéo dài suốt bốn năm nữa. Trong thời gian này, ông đã trừng trị Phạm Văn Khanh, kẻ phản bội đã dẫn đường cho chúng vào triệt hạ căn cứ Tháp Mười.
Trước sự truy lùng của giặc, lực lượng nghĩa quân ngày một sa sút. Thấy không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, ông ra lịnh giải tán nghĩa quân hãy lo làm ăn, không cộng tác với giặc. Riêng ông thường đi Rạch Giá để nắm tình hình và liên lạc với nghĩa quân Nguyễn Trung Trực.
Nhưng tình hình phục quốc ngày một đen tối, ông quay về xóm Giồng, rạch Cao Miên thuộc làng Bình Hàng Trung (nay thuộc huyện Cao Lãnh) ẩn dật. Dù tuổi ngày một cao, sức ngày một yếu, nhưng ông cũng cùng hòa thượng Minh Thông - Hải Huệ ở chùa Bửu Lâm gần nhà tổ chức truyền dạy võ nghệ cho thanh niên với niềm hy vọng ngày mai.
Ông mất năm 1914, thọ 84 tuổi. Mộ ông và con cháu hiện vẫn còn ở xóm này.