Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp - “hiện tượng” PCI

Đồng Tháp - “hiện tượng” PCI

Năm 2023, năm thứ 19 Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp khuộc khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ số này do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, với sự hợp tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Đối với tỉnh Đồng Tháp, bắt đầu đo lường PCI từ năm 2006. Tính đến năm 2023 là 18 năm, trong đó năm đầu tiên (2006) tỉnh được xếp hạng thứ 11 cả nước, đến năm thứ hai (2007) vươn lên hạng 9 và liên tục trong 16 năm liền (2008 đến 2023) Đồng Tháp đều nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc cả nước. Trong 16 năm khẳng định thương hiệu PCI, tỉnh Đồng Tháp đứng vị trí quán quân vào năm 2012, có 05 năm xếp hạng Nhì, 04 năm xếp hạng Ba, 02 năm xếp hạng Tư và 04 năm xếp hạng Năm.

Bảng xếp hạng PCI tỉnh Đồng Tháp từ năm 2006 đến năm 2023. Đồ họa: Thanh Toàn

Là địa phương duy nhất trong bảng xếp hạng PCI có 16 năm liên tục đứng trong top 5 cả nước, tại buổi lễ công bố PCI và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh cho rằng, Đồng Tháp là “hiện tượng” của các địa phương trong nhiều năm qua, tỉnh này 16 năm nằm trong top 5 các tỉnh, thành trong xếp hạng PCI, cho thấy mức độ hài lòng, đánh giá cao của các doanh nghiệp khi hoạt động tại Đồng Tháp.

Đồ họa: Thanh Toàn

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, “Đồng Tháp là điển hình của chính quyền luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, do đó trong suốt 16 năm doanh nghiệp rất yêu chính quyền và thể hiện nhìn nhận qua kết quả chỉ số PCI”.

Chủ tịch VCCI tin rằng, với cách thức như vậy, Đồng Tháp sắp tới sẽ chuyển hóa những lợi thế về môi trường kinh doanh trở thành kết quả kinh tế thiết thực, tạo ra sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương, từ đó chuyển biến mạnh về kinh tế của tỉnh.

Đồ họa: Thanh Toàn

Theo đo lường của PCI, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: (1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; (2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; (3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; (4) Chi phí không chính thức thấp; (5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; (6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; (7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; (8) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; (9) Chất lượng đào tạo lao động tốt; (10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Báo cáo PCI năm 2023 cho thấy, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Trong các chỉ số thành phần của PCI, điểm số chỉ số thành phần Hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 có sự cải thiện mạnh nhất so với kết quả năm 2022.

Cùng với đó, năm 2023 các doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn, doanh nghiệp đánh giá cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số của các địa phương được doanh nghiệp đánh giá cao, có 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn so với các phương thức truyền thống.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2023, tỉnh có đến 06/10 chỉ số thành phần PCI tăng điểm: Gia nhập thị trường (7,50 điểm); tính minh bạch (7,28 điểm); chi phí thời gian (8,39 điểm); cạnh tranh bình đẳng (6,72 điểm); chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (6,21 điểm); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (8,31 điểm).  Trong đó, so với năm 2022, điểm số về Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có sự tăng mạnh, với 0,71 điểm; gia nhập thị trường tăng 0,32 điểm.

Chia sẻ về kết quả này, người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp – ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư; kiến nghị tháo gỡ, loại bỏ những rào cản trong đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp như: Đất đai, xây dựng, thuế, tiếp cận vốn v.v..

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa trả lời báo chí về nỗ lực của địa phương trong việc duy trì liên tục thương hiệu PCI Đồng Tháp trong suốt 16 năm

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai 02 mô hình mới: “Không gian hành chính phục vụ” và “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính”. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức mở như: mô hình “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” được triển khai ở cấp tỉnh và cấp huyện; họp mặt doanh nghiệp, doanh nhân định kỳ. 

Năm 2023, PCI tiếp tục có khảo sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), đặc biệt phân tích sâu cảm nhận về môi trường đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Trên cơ sở đó, báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị về cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến thuế, phòng cháy chữa cháy, xuất nhập khẩu và môi trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện các chính sách hiệu quả hơn là điều cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương; cần chú trọng đến đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nước từ chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam.

Khắc phục những “điểm nghẽn” để thu hút doanh nghiệp FDI, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, hạ tầng giao thông tỉnh Đồng Tháp hiện đang cải thiện rất nhiều, trong đó tỉnh đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối Đồng Tháp với các đô thị lớn như thành phố Cần Thơ, Phnompênh (Vương quốc Campuchia), tuyến cao tốc rút ngắn khoảng cách từ Đồng Tháp đi Thành phố Hồ Chí Minh.

Về nguồn nhân lực, tỉnh có sự tập trung để nâng cao dân trí, hiện tỉnh có 02 thành phố: Cao Lãnh và Sa Đéc được nằm trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của Unesco. Tỉnh cũng đã đưa trên 11.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, với tâm thế “đi làm thuê về làm chủ”.

Đồng Tháp đã chuẩn bị sẵn sàng các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi doanh nghiệp FDI đầu tư. Năm 2023, tỉnh đã tổ chức hội nghị hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp từ Ấn Độ, Nhật Bản. Trong năm 2024 này, hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ được đẩy mạnh hơn bằng việc tổ chức đoàn sang các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để kêu gọi doanh nghiệp FDI đến với Đồng Tháp – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chia sẻ.

Đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như chuyển hóa lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh thành lợi ích kinh tế thiết thực cho tỉnh nhà, người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh cho hay, tỉnh sẽ sớm tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá kết quả đạt được của PCI và tìm ra nguyên nhân của những hạn chế để cải thiện hơn trong thời gian tới.

>> Đồng Tháp 16 năm liền thuộc top 5 điều hành kinh tế xuất sắc

>> Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và thân thiện môi trường

>> Thư cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức Đất Sen hồng

>> [Infographic] Kết quả nổi bật PCI và PGI Đồng Tháp năm 2023

Nguyệt Ánh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>