Asset Publisher

null Phân chia di sản thừa kế như thế nào là phù hợp

Post details VKS_ANNINH_TRATTU_CHUYENVUAN

Phân chia di sản thừa kế như thế nào là phù hợp

Phân chia di sản thừa kế như thế nào là phù hợp

===

Bài viết phân tích những quy định của pháp luật xung quanh vấn đề phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật hoặc chia giá trị. Bên cạnh đó, nêu lên những khó khăn vướng mắc, đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về chia thừa kế.

Vấn đề đặt ra ở đây. Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Người được hưởng di sản là người thừa kế và mọi người đều bình đẳng với nhau trong việc hưởng thừa kế. Việc phân chia di sản thừa kế đã được pháp luật quy định khá cụ thể, theo hai hình thức là: theo di chúc hoặc theo pháp luật...... Tuy nhiên, trên thực tế việc phân chia này còn nhiều hạn chế, vướng mắc, tùy theo những tình huống cụ thể mà chia bằng hiện vật hoặc chia bằng giá trị.

Khi chia theo hiện vật, mỗi người thừa kế có thể nhận hiện vật có giá trị chênh lệch nhau mà không phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch nếu không có thỏa thuận. Nếu những người thừa kế không có thỏa thuận nào khác trong việc phân chia di sản bằng hiện vật thì di sản được chia đều cho họ. Trong trường hợp di sản bao gồm nhiều hiện vật, mỗi hiện vật có giá trị khác nhau, thì trước khi chia di sản phải xác định giá trị của từng hiện vật đựa trên cơ sở thỏa thuận của những người thừa kế hoặc định giá đối với di sản.

Di sản thừa kế có những vật chia được và có những vật không chia được. Tuy nhiên, có những vật theo tính chất là vật chia được, nhưng vật khi phân chia trong hoàn cảnh cụ thể thì được xác định là vật không chia được. Những vật như vậy thường gặp trong những hoàn cảnh như diện tích một ngôi nhà là vật chia được nhưng ngôi nhà đó có diện tích nhỏ nếu chia diện tích nhà cho những người thừa kế thì ngôi nhà không thể sử dụng được.

Có hai cách để chia di sản là chia bằng hiện vật và giá trị. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 theo hướng ưu tiên chia bằng hiện vật. Bởi lẽ, theo khoản 2 Điều 660 BLDS năm 2015 quy định “Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật,…”.

Trong trường hợp chia di sản bằng hiện vật thì việc xác định ai là người người nhận phần nào, cụ thể của di sản cũng là một vấn đề cần được giải quyết, vì di sản rất đa dạng, các phần bằng hiện vật có thể có giá trị bằng nhau nhưng bản chất (tính năng) của từng phần không giống nhau (phần là quyền sử dụng đất, phần là nhà, phần là nhà đất,…). Trong trường hợp một số người đều muốn nhận bằng hiện vật, trong khi đó di sản không thể chia bằng hiện vật cho mỗi người thì cũng cần phải xem xét, xác định về điều kiện, hoàn cảnh của từng người để giao hiện vật cho người đó cũng là một vấn đề hết sức khó khăn.

Khoản 2 Điều 660 BLDS năm 2015 chưa có quy định cụ thể tiêu chí ai là người nhận di sản thừa kế bằng hiện vật, dẫn đến trong thực tiễn có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Khoản 2 Điều 660 BLDS 2015 quy định:

“…Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật, nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật, nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia…”.

Ở đây, luật dự liệu trường hợp bán di sản nhưng không nói rõ về hậu quả sau khi bán và trường hợp phải bán di sản là chưa rõ ràng. Về mặt logic, sau khi bán di sản, tiền thu được sẽ chia cho những người thừa kế, tức chia di sản bằng giá trị.

Trong thực tế, không phải lúc nào cũng phải bán tài sản là di sản mà thường xảy ra trường hợp sẽ có người thừa kế nhận bằng hiện vật và có người thừa kế nhận bằng giá trị (trong vụ việc thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giao toàn bộ đất cho bà Kích và chỉ chia cho những người thừa kế khác bằng giá trị). Trường hợp vừa nêu trên thực chất cũng là một dạng chia di sản bằng giá trị, người nhận bằng hiện vật sẽ thanh toán giá trị kỷ phần cho người không nhận bằng hiện vật. Ở đây, di sản là tài sản chung của những người thừa kế trở thành tài sản thuộc sở hữu riêng của người nhận di sản bằng hiện vật.

Có thể thấy rằng, hiện nay BLDS 2015 không quy định cụ thể rõ từng trường hợp phải chia bằng giá trị, nhưng qua thực tiễn xét xử có thể thấy trường hợp chia bằng giá trị thường là những trường hợp người nhận di sản không đủ điều kiện để nhận bằng hiện vật, hay do tính chất của di sản không thể chia bằng hiện vật cho tất cả các đồng thừa kế.

Chẳng hạn như, quy định về hạn mức đất để tách thửa nên những quy định này có thể tác động tới việc chia bằng hiện vật hay bằng giá trị.

Ví dụ: Vụ án giữa ông Đinh Bảo Hà và bà Đinh Văn Hoàng về việc chia di sản thừa kế.

Quan điểm của cấp sơ thẩm và phúc thẩm: Tòa án cho rằng, căn nhà và diện tích đất là 292,8m2 là đất trồng cây lâu năm, nếu chia theo hiện vật không đảm bảo điều kiện sinh hoạt và giá trị của tài sản, do đó nên chia bằng giá trị.

Nhận thấy, Tòa án chia bằng giá trị căn nhà và đất trên là hoàn toàn hợp lý, bởi vì diện tích căn nhà nhỏ, không thể chia bằng hiện vật cho tất cả các đồng thừa kế.

Từ những ví vụ trên có thể thấy, khi chia di sản, chúng ta phải xem xét các quy định liên quan đến di sản là đối tượng của yêu cầu chia và quy định pháp luật liên quan có thể ảnh hưởng đến việc chia bằng hiện vật hay bằng giá trị. Nếu như pháp luật không cho phép thì không thể chia bằng hiện vật mà nên phải chia bằng giá trị.

Ngoài ra, để chia bằng giá trị thì phải xác định được giá trị di sản. Để biết phần mà những người không nhận bằng hiện vật, phải xác định được giá trị của di sản.

Vấn đề đặt ra là hiện nay là BLDS năm 2015 không quy định cụ thể phải xác định giá trị di sản như thế nào, dẫn đến thực tiễn xét xử mỗi nơi mỗi khác, tòa án có sự áp dụng không thống nhất pháp luật. Có nơi, tòa án xác định giá trị của di sản để chia giá trị cho các đương sự bằng cách áp giá trị quyền sử dụng đất bằng với khung giá đất của UBND tỉnh; có nơi tòa án lại xác định theo giá thị trường bằng cách định giá trị di sản theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Từ đó, dẫn đến không thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các bên.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp về thừa kế giữa nguyên đơn Hùynh Thị Đào và bị đơn Huỳnh Thị Thùy.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị phần đất 142,3m2, 01 ngôi nhà trên đất trị giá 1.465.664.700 đồng là di sản của cụ Tâm và cụ An. Ở đây, cấp sơ thẩm xác định giá trị của di sản theo khung giá UBND tỉnh Đồng Tháp quy định.

Tòa án phúc thẩm cho rằng, theo biên bản định giá ngày 24/3/2022, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào khung giá của UBND tỉnh quy định là 3.600.000đ/m2 và giá cả thị trường thực tế đất là 10.000.000đ/m2, giá trị đất tranh chấp là 142,3m2. Quá trình giải quyết vụ án các cấp sơ thẩm chưa thẩm định hiện trạng đất tranh chấp mà chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để định giá và phân chia di sản là không chính xác. Do đó, khi giải quyết lại vụ án cần xác định lại diện tích đất tranh chấp và tiến hành định giá đất theo giá thị trường.

Việc Tòa án xác định diện tích đất tranh chấp và tiến hành định giá đất theo giá thị trường là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, đặc điểm, tính chất của loại tài sản mỗi nơi mỗi khác, cùng địa bàn nhưng nếu vị trí đất nằm mỗi nơi giá cũng khác. Do đó, di sản phải được định theo giá thị trường mới hợp lý. Nếu định giá trị đất theo khung giá UBND tỉnh sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của bên được chia di sản bằng giá trị, mức giá trên không phản ánh đúng giá trị tài sản tranh chấp, không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người thừa kế không được chia hiện vật. Trong trường hợp này, cần phải xác định giá trị quyền sử dụng đất, nhà theo giá trị thị trường mới phù hợp. Nếu các bên thỏa thuận về giá trị di sản thì Tòa án nên tôn trọng sự thỏa thuận; còn nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án phải can thiệp để xác định. Tòa án không được tùy tiện trong việc ấn định giá trị của di sản thừa kế mà phải định giá theo giá thị trường.

Một vấn đề cần chú ý, hiện nay việc tiến hành xác định giá trị di sản vào thời điểm nào luật cũng không nói rõ. Do thường những vụ án liên quan đến tranh chấp chia thừa kế tài sản, giá trị tài sản biến động theo thời gian.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp về thừa kế giữa nguyên đơn Nguyễn Văn Bảy và bị đơn Nguyễn Thị Út.

Tòa án cho rằng: “Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu định giá lại, nhưng khi kháng cáo, bà Út, bà Niệm, bà Phượng và bà Yến đề nghị xem xét phân chia di sản trên theo giá thị trường. Để đảm bảo quyền lợi cho bên không được nhận di sản, Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 104, Bộ luật Tố tụng dân sự xác định lại giá theo Chứng thư thẩm định số: 15/2018/HĐ-TĐG ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Sài Gòn, do bị đơn cung cấp giá trị tài sản tranh chấp theo giá thị trường để chia thừa kế….”.

Việc Tòa án xác định giá trị di sản theo giá thị trường là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài ra, Tòa án rất thận trọng trong việc định giá tài sản, thời điểm định giá ngay cấp phúc thẩm sát với giá trị thực tế, do giá trị tài sản thường biến động theo thời gian. Nếu như chúng ta định giá quá lâu, giá trị tài sản ít nhiều cũng thường thay đổi, gây ảnh hưởng đến quyền của bên không được nhận di sản. Do đó, nếu việc định giá đã thực hiện từ rất lâu trước khi việc giải quyết tranh chấp thì chúng ta phải định giá lại. Việc xác định giá tại thời điểm có tranh chấp là hoàn toàn phù hợp.

Qua những vụ án về chia thừa kế nêu trên, tôi thấy rằng chưa có quy định cụ thể nào nêu chi tiết trường hợp nào, đối tượng nào được chia hiện vật hoặc chia giá trị mà chỉ dựa vào  quy định tại Điều 660 BLDS năm 2015 và phụ thuộc rất nhiều vào nhận xét, đánh giá công tâm, khách quan có phần cá nhân kiểm sát viên, thẩm phán và kể cả của Lãnh đạo hai ngành Viện kiểm sát, Tòa án.

Do đó, theo tôi Liên ngành tư pháp Trung ương nên có hướng dẫn cụ thể hơn và tập huấn chung cho kiểm sát viên, thẩm phán hai ngành để công tác giải quyết án về thừa kế đạt được hiệu quả cao, mang đến sự hài lòng của nhân dân, nhằm ổn định tình hình chính trị ở địa phương.

                                                                                 Trung Đến

     Phòng 9 – Viện KSND tỉnh Đồng Tháp