Xuất bản thông tin

null Bài học về cách ứng xử

Trang chủ VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Bài học về cách ứng xử

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

= = = = =

Để bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”, giữ vững vai trò lãnh đạo với sự nghiệp cách mạng, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, gắn với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng để mỗi tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh; mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng: cần - kiệm - liêm - chính - chí công, vô tư; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó, việc nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải luôn đề cao việc học tập theo tấm gương của Người trong phong cách ứng xử, giao tiếp, trong công tác tự phê bình và phê bình có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác xây dựng đoàn kết nội bộ hiện nay.

Người với các đại biểu Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, năm 1951.

Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong phong cách ứng xử và lối sống giản dị mà vĩ đại, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu.” Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế thì bài học về phong cách ứng xử của Bác vẫn luôn mang giá trị hết sức sâu sắc, được thể hiện rõ nét trong thực hiện chính sách đối ngoại, chủ trương cải cách hành chính, xây dựng văn hóa giao tiếp nơi công sở cho cán bộ, công chức Nhà nước, trong cách ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, tổ chức lại là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đoàn kết nội bộ, làm tiền đề cho sự phát triển khối đại đoàn kết toàn dân.

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm tới công tác tổ chức, nhất là giữ vững đoàn kết trong nội bộ đơn vị, thì vấn đề học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ chính phong cách sống, làm việc và ứng xử của Người là vấn đề mang tính tất yếu, có giá trị kế thừa và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, bài học từ “Nước nóng, nước nguội” thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc trong thực tiễn công tác tại đơn vị, được thể hiện từ chính cách cư xử, thái độ sống của mỗi cá nhân trong một tổ chức, đơn vị. Từ đó, đã đọng lại trong tư tưởng của mỗi người cán bộ, đảng viên sự nhận thức đúng đắn về cách ứng xử, giao tiếp với đồng chí, đồng nghiệp trong đơn vị, khiến chúng ta phải suy ngẫm và hiểu hơn về giá trị bản thân mỗi con người, về tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, đồng đội trong việc giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác để hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Câu chuyện có nội dung như sau:

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ trung đoàn thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sĩ. Đồng chí này đã từng là giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám.

Được tin nhân dân “dư luận” về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ “đồng chí Trung đoàn” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa.

Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, cốc kia là nước lạnh.

Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

- Chú uống đi.

Đồng chí cán bộ kêu lên:

- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

            - Dạ, có ạ.

            Bác nghiêm nét mặt nói:

            - Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

            Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa…”.

(Trích Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tập II,

Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, tháng 7/2019)

Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc về cách ứng xử, giao tiếp của mình đối với đồng chí, đồng nghiệp trong đơn vị, nhằm tạo sự đoàn kết trong nội bộ, để xây dựng một tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, với những cán bộ, đảng viên ngoài việc gương mẫu, nhiệt huyết trong công tác thì rất cần một tổ chức gương mẫu, hỗ trợ nhau trên tinh thần tương thân, tương ái, vì sự đoàn kết nội bộ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Muốn được như thế, thì đoàn kết chính là sức mạnh, muốn tạo ra được sức mạnh của một tập thể thì mỗi một cá nhân là một mắc xích trong khối đại đoàn kết trong tập thể đó. Để làm được điều đó, trước hết mỗi người phải hiểu và nhận thức được những giá trị dù nhỏ nhưng có ý nghĩa hết sức thiết thực là giá trị văn hóa nơi công sở, văn hóa từ chính thái độ sống, thái độ ứng xử với đồng nghiệp trong mỗi ngày, mỗi việc là vấn đề không thể xem nhẹ, song song với giá trị văn hóa trong giao tiếp với quần chúng nhân dân và mọi người xung quanh, bởi đây chính là một trong những yếu tố cấu thành nên phong cách ứng xử của mỗi người.

Trong cuộc sống của con người, mọi ứng xử đều được thể hiện thông qua giao tiếp, thái độ sống và làm việc của những cán bộ, đảng viên cũng không ngoại lệ. Phẩm chất, năng lực, nhân cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên được thể hiện rõ nét bằng chính phong cách ứng xử của họ, mà cụ thể chính là cách ứng xử với đồng chí, đồng đội của mình trong một tổ chức. Phong cách ứng xử của Bác được khắc họa rõ nét bằng chính phong cách sống, học tập và làm việc của mình, thể hiện sự giản dị, gần gũi, chân thành, khoan dung, tôn trọng, yêu thương con người, … Theo Người: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng của nó hẹp và nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr.644). Có thể thấy, Người nhắc nhở trong quan hệ giao tiếp với mọi người phải luôn giữ thái độ tôn trọng, bao dung, độ lượng. Phong cách ứng xử của Bác càng được thể hiện rõ nét từ chính thực tiễn hoạt động cách mạng. Phong cách ứng xử với mọi người của Hồ Chí Minh thật tinh tế, và cũng thật văn hóa. Đối với con người, kể cả người lao động bình thường, Người luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, không có sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng. Với người có lỗi, Bác tỏ lòng khoan dung, được Bác mở đường để chuộc lỗi. Với kẻ thù, bằng thái độ độ lượng, kẻ thù bị Người cảm hóa. Chính vì vậy, sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới chân, thiện, mỹ khi được tiếp xúc với Hồ Chí Minh, Bác tin người và biết đặt niềm tin đúng chỗ. Vào năm 1946, trong lúc vận nước đang muôn vàn khó khăn, trước khi lên đường thăm chính nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm tay và dặn lại Cụ Huỳnh Thúc Kháng – nhà cách mạng lão thành, một nhân sĩ yêu nước, quyền Chủ tịch nước: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở Cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ dĩ bất biến, ứng vạn biến” (Trích Song Thành: Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc Gia, 2010, tr.400), với một niềm tin: “Việc này giao cho cụ là tôi yên tâm!” và kết quả mọi việc đều chu toàn. Tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật ứng xử, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, tùy từng lĩnh vực và đối tượng cụ thể mà có sự vận dụng linh hoạt, uyển chuyển những phương pháp, cách thức giao tiếp khác nhau cho phù hợp, đã đem lại thành quả lớn lao cho cách mạng Việt Nam. Đây là bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để thế hệ thanh niên Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ ngành kiểm sát phải học tập và kế thừa.

Có thể nói, mỗi một cá nhân trong tổ chức là một cá thể độc lập, nên mỗi người đều có những phong cách ứng xử, giao tiếp, thái độ sống, làm việc khác nhau và có thể không đồng nhất. Bởi lẽ, dù là một tổ chức, đơn vị nào cũng đều được hình thành từ những cá thể độc lập nhưng những cá thể này cũng đều có nhiệm vụ chung là làm cho tổ chức, đơn vị đó được hoạt động một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng vậy, mỗi cá nhân, mỗi khâu công tác dù thực hiện nhiệm vụ được phân công khác nhau nhưng cũng là những bộ phận tạo nên sự liên kết thống nhất, hình thành nên một tổ chức, do đó, cá thể và tập thể là hai khái niệm luôn song hành, không thể tách rời. Từ câu chuyện nhỏ về một cốc nước nóng, Người đã gợi lên trong mỗi người sự nhận thức, nhất là từ việc học tập và làm việc theo phong cách ứng xử của Bác, đã được vận dụng một cách có hiệu quả trong công tác tự phê bình và phê bình, thể hiện bằng chính thái độ cư xử và góp ý với đồng chí, đồng đội. Có thể nói, đây là bài học có ý nghĩa thiết thực nhất trong việc thực hiện lời dạy của Bác về phong cách ứng xử. Khi thực hiện một cách kịp thời, đúng thời điểm, đúng mức độ, với ngôn ngữ phù hợp và thái độ chân thành sẽ thật sự phát huy tính hiệu quả, góp phần hình thành nên tình đồng chí, đồng đội, thể hiện sâu sắc sự đoàn kết trong tổ chức, đơn vị, dựa trên tình yêu thương, tôn trọng con người.

Từ một câu chuyện nhỏ, đã khiến chúng ta hiểu sự quan tâm của Bác đến cách cư xử giữa những con người cùng sống, làm việc và sinh hoạt trong một tập thể, tuy là những cá thể khác biệt nhưng lại là một thực thể thống nhất, không thể tách rời. Có thể thấy, đây là một bài học về cách ứng xử nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, đi sâu vào nội tâm của tất cả mọi người, vì dù chúng ta là ai, ở vị trí nào, được phân công nhiệm vụ nào trong một tổ chức, đơn vị, dù có sự khác biệt về thái độ và phong cách ứng xử thì đều có điểm chung là con người, sẽ đều có những thời điểm không tránh khỏi những sai lầm, hạn chế trong cách cư xử. Khi chúng ta gặp phải những vấn đề không như mong muốn thì việc nổi giận sẽ làm phát sinh những hệ lụy không đáng có, làm mất khả năng kiềm chế và kiểm soát thái độ chính bản thân mình, khiến chúng ta có thể làm những việc mà không suy nghĩ đến hệ quả hoặc có thể đưa ra một số quyết định sai lầm, đây là việc hiển nhiên vì nổi giận là bản năng của con người nhưng bình tĩnh lại chính là bản lĩnh mà không phải ai cũng có thể thực hiện được. Chính vì vậy, biết kiềm chế cái tôi trong mỗi người chính là từng bước thực hiện có hiệu quả lời dạy của Bác như câu chuyện về anh cán bộ trung đoàn. Trong mọi trường hợp, người cán bộ, nhất là những đảng viên trẻ ngành Kiểm sát, khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, trong cách cư xử với đồng chí, đồng đội, ứng xử trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan, cách tiếp xúc, liên hệ với quần chúng nhân dân thì việc biết kiềm chế, giữ vững tinh thần, thái độ điềm đạm, bình tĩnh trong xử lý công việc, ứng biến linh hoạt mọi tình huống chính là việc thực hiện tốt lời dạy của Bác về tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đây là điều hết sức thiết thực và mang giá trị thực tiễn sâu sắc. Từ chính phong cách ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, khi tiếp xúc với mọi người cần thể hiện sự khiêm tốn, chân thành, tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, có thái độ hòa nhã, cử chỉ thân thiện, điều này không đồng nghĩa với việc giao tiếp theo phong cách xã giao mà phải thực sự xuất phát từ chính nhân cách và sự chân thành của chúng ta, đây cũng chính là một trong những tiền đề để chúng ta thực hiện tốt và có hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình trong nội bộ đơn vị. Khi có phong cách ứng xử linh hoạt, mềm dẽo với đồng chí, đồng đội của mình, chúng ta mới có thể thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, góp ý trên tinh thần xây dựng và cầu thị, điều này là một trong những vấn đề cốt lõi khi xây dựng sự đoàn kết nội bộ.

Tuy nhiên, việc ứng xử linh hoạt, mềm dẽo không đồng nghĩa với tình trạng “Dĩ hòa, vi quý”. Điều này đã được thể hiện rất rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra là: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Đây là hiện tượng khá phổ biến, không phát huy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là trong công tác xây dựng Đảng cũng như hoạt động tại tổ chức, đơn vị của cán bộ, đảng viên. Từ việc thấy đúng không bảo vệ dẫn tới phủ định cái đúng, việc làm đúng trong thực tiễn. Thấy sai không đấu tranh là đang dung dưỡng cho cái sai, việc làm sai trong cuộc sống và trong công tác thông qua hành động giữ thái độ im lặng, sự vô tâm với chính đồng chí, đồng đội và tổ chức của mình. Vì vậy, điều này không được xem là việc thực hiện lời dạy của Bác về tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Việc thực hiện lời dạy của Bác trong phong cách ứng xử, không phải là chiến thắng người khác mà là chúng ta phải tự đấu tranh và chiến thắng với chính mình trên mặt trận tư tưởng, khi chúng ta đã chiến thắng được cái tôi của mình, mới phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, tinh thần đồng chí, đồng đội thì mới tạo được một tổ chức được xây dựng trên sức mạnh của tình đoàn kết, có thể chiến thắng được mọi thế lực thù địch. Bởi lẽ, tình đồng chí, đồng đội là tình cảm đặc biệt, gắn bó những con người tuy có hoàn cảnh khác nhau, nhưng có cùng lý tưởng, mục tiêu, hình thành nên một tổ chức với sự yêu thương, chia sẻ, để cùng phấn đấu vì lý tưởng, nhiệm vụ chung. Sức mạnh của tập thể sẽ càng gia tăng nếu tình đồng chí, đồng đội được thắt chặt và ngược lại, nếu mối quan hệ ấy không được xem trọng, dễ phát sinh những hệ quả tiêu cực, như những lời thơ “Đồng chí” của tác giả Chính Hữu:

“Anh với tôi vốn người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ

Đồng chí!”

Trong một tổ chức, đơn vị, mỗi cá nhân đều có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ riêng, mỗi cá nhân có những sở trường riêng và hiệu quả phát huy năng lực chuyên môn khác nhau, và đặc biệt mỗi người đều có những tính cách riêng nên có những phong cách ứng xử không thể đồng nhất, nhưng dù ở cương vị công tác, nhân cách, thái độ sống và cư xử như thế nào thì họ đều là một phần không thể thiếu trong một tổng thể. Chính vì vậy, sự nỗ lực, phấn đấu và hoàn thiện của mỗi cá nhân cũng không thể tách rời với sự đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác, sự dung hòa giữa cái chung và cái riêng để cùng nhau tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ chung, như lời dạy của Bác: thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 622). Tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau, tinh thần tương thân, tương ái để tạo ra sức mạnh đoàn kết, chính là tiền đề để cơ quan, đơn vị hoạt động có hiệu quả, tạo động lực để mỗi cá nhân phát huy sở trường, hoàn thành nhiệm vụ trên mọi mặt trận công tác. Tư tưởng hơn thua, tính toán trong nhận thức, cư xử và xử lý công việc một cách cảm tính khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, có thể dẫn đến cách nhìn phiến diện, hình thành tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, bè phái, lợi ích nhóm, cục bộ địa phương,... gây mất đoàn kết trong nội bộ. Từ đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của cả đơn vị.

Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ ngành Kiểm sát phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, trung thực, trách nhiệm, trên tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết với đồng chí, đồng đội trong công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân. Với phương châm cùng đoàn kết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh làm kim chỉ nam cho hành động, giúp mỗi cán bộ, đảng viên vượt qua những khó khăn, thách thức trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, việc hình thành và hoàn thiện phong cách ứng xử trong sinh hoạt, trong cư xử với đồng chí, đồng đội và việc thực hiện nhiệm vụ được phân công chính là một trong những tiền đề để chúng ta thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, đây là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần củng cố và nâng cao sự đoàn kết trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm, với tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” , lấy nguyên cớ thành nguyên nhân, gây mất đoàn kết trong nội bộ. Có thể nói, trong mỗi phong cách ứng xử và trên mọi cương vị công tác đều xuất phát từ mục tiêu chung là phục vụ lợi ích của nhân dân, có nhận thức đúng đắn được vị trí, vai trò, phong cách sống, học tập, thái độ làm việc, ứng xử của mỗi cá nhân và nhiệm vụ chung mà một tổ chức, đơn vị phải thực hiện thì mới phát huy được sức mạnh của một tập thể, đoàn kết, hoàn thành mọi nhiệm vụ công tác, có như vậy mới tạo động lực phấn đấu vượt qua mọi thế lực thù địch, năng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng với lời dạy của Bác đối với người cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”./.

Lê Kiều, VKSND huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp