Xuất bản thông tin

null Nhìn lại vụ án tham nhũng của Trần Dụ Châu và bài học cho quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Nhìn lại vụ án tham nhũng của Trần Dụ Châu và bài học cho quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng

Nhìn lại vụ án tham nhũng của Trần Dụ Châu và bài học cho quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng của đảng viên trong ngành kiểm sát hiện nay...

= = =


Vụ án Trần Dụ Châu là vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước. Mặc dù vụ án đã gây ra xôn xao dư luận trong thời kỳ kháng chiến của dân tộc ta nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn cương quyết xử lý với án phạt cực nặng do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên ký lệnh y án tử hình một phần tử tham nhũng được xét xử đầu tiên trong lịch sử Nhà nước mới. Đây là một bài học về kiên quyết chống tham nhũng trong bất cứ thời kỳ nào.

I. NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ - DIỄN BIẾN VỤ ÁN TRẦN DỤ CHÂU[1]

Ngày 5 tháng 9 năm 1950, ở thị xã Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt, xét xử vụ án đặc biệt. Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án cùng 2 Hội thẩm viên là ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Tư pháp Liên khu Việt Bắc và ông Trần Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quân nhu, Thiếu tướng Trần Tử Bình ngồi ghế Công cáo ủy viên (Viện Kiểm sát bây giờ) và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, chính quyền, quân đội, nhân dân địa phương đến dự. Có 03 bị cáo hầu tòa là nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” bị đưa ra trước vành móng ngựa.

Vụ án được phát hiện từ bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội gửi lên Hồ Chủ Tịch. Nội dung bức thư kể lại việc Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã dùng quyền lực của mình, ăn cắp công quỹ, ăn bớt những nhu yếu phẩm của bộ đội; tổ chức tiệc cưới cho cán bộ dưới quyền với những món ăn xa xỉ trong khi thương binh thiếu thốn thuốc men, bông băng…những việc làm của Trần Dụ Châu nhiều người biết nhưng không dám tố cáo.

Hồ Chủ tịch đã trao bức thư của nhà thơ cho Thiếu tướng Trần Tử Bình đang là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội, Người nói: “Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng”, rồi Bác giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý.

Công tác thanh tra vụ tiêu cực ở Cục Quân nhu được tiến hành khẩn trương, thu thập đủ tài liệu chứng cứ từ Khu Bốn, Khu Ba gửi lên - Trần Dụ Châu hiện nguyên hình là một tên gian hùng, trác táng, phản bội lại lòng tin của Đảng, của Bác, quân đội và nhân dân.

Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án tử hình, đồng thời bị tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 2 đồng bọn của Châu, mỗi tên bị phạt án tù 10 năm.

Bài viết của nhà báo Hồng Hà về vụ án Trần Dụ Châu năm 1950 trên Báo Cứu Quốc (Ảnh tư liệu).

 

Trần Dụ Châu gửi đơn ân giảm án tử hình lên Hồ Chủ tịch. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần), xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?

- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...

- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?

- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.

Bác gật đầu, nói: “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Sau đó, Bác đã quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Trần Dụ Châu.

Ngày 5 tháng 9 năm 1950, Chánh án Tòa án binh tối cao tuyên án: Bị cáo Trần Dụ Châu tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: tử hình; tịch thu 3/4 tài sản.

Một ngày sau, ngày 6 tháng 9 năm 1950, Trần Dụ Châu bị thi hành án tử hình bằng xử bắn tại Thái Nguyên.

          II. TƯ TƯỞNG CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG QUA VỤ VIỆC CỦA TRẦN DỤ CHÂU

Sinh thời, ngay từ khi đất nước vừa giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng. Người có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với tệ tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, Người thường xuyên giáo dục toàn Đảng, toàn dân đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn này. Người chỉ ra bản chất của tham ô là hành vi "ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của nhân dân", "lấy của công làm của tư", là gian lận, tham lam", "là không tôn trọng của công". "Của công" chính là "mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra"[2] để phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Của công là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân ta. Cho nên, mọi hành vi lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư đều là tham ô, "là hành động xấu xa của con người", "là tội lỗi đê tiện trong xã hội".

Chính vì vậy, khi xảy ra vụ việc nêu trên, với cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Trước hết ta thấy rõ thái độ thẳng thắn của Bác Hồ đối với sai lầm, khuyết điểm khi có cá nhân vi phạm pháp luật thì Người kiên quyết phải xử lý nghiêm minh.

Thứ hai, sự việc thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Người luôn nêu cao quyết tâm phòng, chống tham nhũng, không nể nang, không bao che.

Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương (6-2-1953). (Ảnh tư liệu).

 

Trong những năm gần đây, nhân dân, các cán bộ, đảng viên rất vui mừng, phấn khởi và cũng tăng thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước khi chứng kiến những chủ trương, biện pháp xử lý rất kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng đã kiên quyết trong việc xử lý tham nhũng trong nhiều lĩnh vực - kể cả đối với các ngành Quân đội, Công an, Ngoại giao…, với những cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị v.v nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước là có một thái độ không khoan nhượng đối với tham ô, tham nhũng, các hiện tượng tiêu cực. Điều này thể hiện rõ khi trong công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, kể cả những người ở cương vị cao, thậm chí trong Bộ Chính trị nếu vi phạm thì cũng sẽ bị kỷ luật một cách nghiêm minh.

Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt thời điểm đó, khi đưa vụ án Trần Dụ Châu ra xét xử có một ý nghĩa lớn lao. Nó vừa làm toàn thể nhân dân thêm tin tưởng vào Đảng Cộng sản, vào Chính quyền vừa là bài học răn đe cực kỳ thuyết phục và mang tính hiệu quả cho những đối tượng đang có suy nghĩ “đục khoét của công”. Rằng là: Đảng và chính quyền sẽ không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa thì cũng bị xử tội thích đáng. Rằng là: Những ai đang có suy nghĩ dẫn đến những hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực như Trần Dụ Châu cũng sẽ nhận được kết quả tương tự như thế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các văn kiện trình Đại hội - Ảnh: TTXVN

Thứ ba, thẳng thắng phê bình và tự phê bình

Vào thời điểm xử tử Trần Dụ Châu, là một thời điểm nhạy cảm đối với đất nước của chúng ta nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn công khai vạch rõ nhưng tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta. Nhưng Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Đấy là một sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình những sai lầm của cán bộ, của Chính quyền, đoàn thể vì nhân dân đã hiểu chính quyền, đoàn thể ta là chính quyền, đoàn thể của dân, do dân và vì dân.

III. QUAN ĐIỂM NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG TA VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, phức tạp. Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng được Đảng ta đặc biệt quan tâm, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến Đại hội VI (1986), mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí được Đảng ta đẩy mạnh. Văn kiện Đại hội VI nêu rõ: “Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ, và nhân viên nhà nước... chưa bị trừng trị nghiêm khắc”. Trong các Văn kiện Đại hội VII, VIII, IX, XI và XII Đảng ta tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ. Đại hội X nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”.

Đại hội XI trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đảng ta khẳng định trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến rõ nét. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhiều quan chức cấp cao, kể cả thuộc diện Trung ương quản lý cũng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

 

Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, nên trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Có thể nói, năm 2023 là năm thứ ba cả nước ra sức thi đua thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XIII đề ra: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Từ những mục tiêu đã đề ra, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”[3]

 

Quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã có nhiều điểm mới về phòng, chống tham nhũng, nhất là vấn đề động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng. Đặc biệt, Đảng đã chỉ đạo phải có cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập, đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Vấn đề này được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Có thể nói vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng được Đảng ta đặc biệt quan tâm, đề cập trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều nội dung của văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với một quyết tâm chính trị cao để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng với một phương châm: Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng.

          III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀO QUÁ TRÌNH RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VIÊN NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN HIỆN NAY

          Thông qua vụ án tham nhũng đầu tiên do Hồ Chí Minh quyết định không ân xá, giữ nguyên bản án tử hình trong lịch sử và quan điểm chỉ đạo của Đảng ta hiện nay. Để tiếp tục rèn luyện đạo đức cách mạng của đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mỗi tổ chức đảng, đảng viên cần thực hiện tốt những nội dung sau:

          1. Phê bình và tự phê bình

          Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng đang đòi hỏi từng tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đây cũng là cơ sở để ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ. Mỗi một đảng viên cần kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ “để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ,…”

2. Mạnh dạn và kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực

Khi phát hiện vi phạm phải kiên quyết đấu tranh và phải xử lý nghiêm minh. Bác Hồ rất chú trọng đến vai trò của giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật. Nhưng người cũng chỉ ra rằng, đối với những trường hợp vi phạm thì phải xử lý một cách rất nghiêm minh. Xử lý nghiêm minh không chỉ ở khía cạnh đơn thuần mà còn mang ý nghĩa nhân văn, chính là để giáo dục, cảnh tỉnh, để những người khác thấy đó mà làm bài học, tránh vi phạm.

Đặc biệt tập trung giáo dục liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc giáo dục liêm chính không phải là chuyện một sớm một chiều, không phải là chuyện “biết rồi - khổ lắm - nói mãi” mà phải là thường xuyên, liên tục để trình độ giác ngộ của mỗi cán bộ, đảng viên được hình thành.

Chi bộ Viện KSND thành phố Hồng Ngự khen tặng Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

3. Công khai, minh bạch

Cùng với mạnh dạn và kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch đối với các công việc liên quan đến lợi ích để không bị lợi dụng. Ai cũng biết rồi thì không thể làm méo mó đi. Nếu ai làm méo mó thì cũng dễ bị nhận diện.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Đây là công việc cực kỳ quan trọng. Rõ ràng thời gian vừa qua công tác kiểm tra, giám sát giúp chúng ta phát hiện, nhận diện hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Đồng thời cũng có tác dụng răn đe, cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên khác.

Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ để những người có chức quyền, có khả năng, tiếng nói quyết định liên quan đến vấn đề về mặt lợi ích thì phải thực hiện đúng theo kỷ luật của Đảng, đúng theo pháp luật của Nhà nước. Nếu cán bộ, đảng viên không thấy có sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt thì họ rất dễ vi phạm; ngược lại nếu có sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt thì họ sẽ cảnh tỉnh, tránh làm những việc vi phạm.

Một buổi sinh hoạt Chuyên đề của Chi bộ Viện KSND thành phố Hồng Ngự

5. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác cải cách tư pháp. Đặt biệt là trong ngành Kiểm sát nhân dân

Trong lãnh đạo, điều hành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Kiểm sát viên phải thực sự công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện tốt Chỉ thị số 03 /CT-VKSTC ngày 27/6/2023 về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm sát nhân dânmô hình 07 không là:

+ Không có người tạm giữ hình sự chuyển xử lý hành chính;

+ Không có án đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội;

+ Không có án Tòa tuyên không phạm tội;

+ Không có án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng;

+ Không có án hình sự, dân sự bị hủy, sửa có lỗi của Kiểm sát viên;

+ Không có đơn khiếu nại, tố cáo quá hạn, kéo dài;

+ Không có cán bộ vi phạm phải bị xử lý.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải là chuyện một sớm, một chiều; càng không phải là chuyện riêng của cá nhân hay tổ chức nào mà là một quá trình lâu dài, bền bỉ, kiên quyết đấu tranh, bài trừ của cả hệ thống chính trị nói chung và của ngành Kiểm sát nói riêng. Với chức năng nhiệm vụ được Quốc hội giao trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và vai trò được ghi nhận trong Luật phòng chống, tham nhũng; ngành Kiểm sát chúng ta cần tiếp tục phát huy tích cực trong công tác kiểm sát từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

         

Trương Ngọc Oanh – Viện KSND thành phố Hồng Ngự

 

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_D%E1%BB%A5_Ch%C3%A2u

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.296-297

[3] Văn kiện Đại hội XIII, Nxb chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr193