Xuất bản thông tin

null Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài nhà trường. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học

 Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025" trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài nhà trường. Đồng thời phối hợp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chung tay tham gia công tác phòng, chống ma túy; xây dựng cơ chế tự phòng vệ cho toàn xã hội trước sự tấn công của tệ nạn ma túy.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy với các hình thức, nội dung phù hợp; ít nhất 90% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên nhà trường được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy; có 100% nhà trường thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy thực hiện nhiệm vụ thường xuyên gắn với nhiệm vụ, hoạt động của nhà trường trong từng năm học; thiết lập được đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, tư vấn, hỗ trợ và có giải đáp phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy trong trường học.

2. Tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản đề nghị Báo Đồng Tháp; Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành phố trong Tỉnh tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, chủ động tự thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cho gia đình và cộng đồng.

Các cơ quan, đơn vị nói trên thường xuyên phối hợp với ngành Y tế trong việc tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống dịch; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ, vật dụng chứa nước; các dấu hiệu nhận biết và cách xử trí khi phát hiện ca bệnh. Đồng thời thông tin nhanh tình hình, diễn biến của bệnh sốt xuất huyết; phát hiện và nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tăng tần suất thông tin, tuyên truyền để vận động người dân tham gia, chủ động, cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ngay từ các tháng mùa khô và khi thời tiết chuyển mùa. Được biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 19/3, toàn Tỉnh ghi nhận 829 ca mắc sốt xuất huyết Dengue (tăng 575 ca) so với cùng kỳ năm 2022.

3. Thực hiện Chương trình trợ giúp Người khuyết tật

 Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023, đề ra các mục tiêu cụ thể như: 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh; 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; 70% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm...

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Kế hoạch đề ra 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật; vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp người khuyết tật, giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm tự ti, phát huy trách nhiệm, hòa nhập cộng đồng; các hoạt động truyền thông đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận được.

Tổ chức thực hiện tốt việc xác định dạng tật, mức độ khuyết tật theo quy định đảm bảo đúng đối tượng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm trợ giúp để nâng cao đời sống cho người khuyết tật; thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Ngoài ra, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với người khuyết tật linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo phù hợp với người khuyết tật; hình thức đào tạo thông qua các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức của người khuyết tật, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người khuyết tật hoặc của người khuyết tật; nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với người khuyết tật; mô hình hợp tác xã có người khuyết tật tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở trợ giúp xã hội hỗ trợ tư vấn, chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn Tỉnh...

4. Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Từ ngày 01/01/2021 - 31/12/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh đã hỗ trợ cho người lao động chi phí học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, học nghề và khám sức khỏe cho 3.198 lao động, với số tiền trên 13 tỷ đồng. Từ ngày 01/01/2021 - 28/02/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã cho 2.885 người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với hơn 537 tỷ đồng.

Nhìn chung, chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số: 392/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình đưa lao động của Tỉnh sang làm việc ở nước ngoài; người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách nên số lao động đăng ký, xuất cảnh vẫn được duy trì đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; qua đó, tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đa số người lao động được nâng cao tay nghề, thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số: 392/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh còn một số hạn chế như: Chi phí dịch vụ của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, gây khó khăn cho người lao động trong việc đóng các khoản phí dịch vụ; việc theo dõi, hỗ trợ lao động sau khi về nước còn hạn chế, chưa có nhiều giải pháp cũng như định hướng hỗ trợ việc làm; vẫn còn tình trạng lao động thiếu nhận thức, bỏ trốn khỏi nơi làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài...

Các sở ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất Uỷ ban nhân dân Tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số: 392/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh cho phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động tích cực tham gia, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tỉnh...

5. Những điểm khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Trong thời gian qua, việc chưa có sự thống nhất nhận thức chung về chuyển đổi số, chưa phân biệt rõ nét giữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Điều này tác động tới tiến trình chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị. Có 17 điểm khác nhau giữa chuyển đổi số và công nghệ thông tin, cụ thể như sau:

(1) Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Công nghệ thông tin tập trung mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn. Phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho nhà quản lý. Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm. Lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm.

(2) Chuyển từ chi phí sang tạo ra lợi ích và giá trị

Công nghệ thông tin nói đến chi phí là bao nhiêu, nói đến đầu tư là bao nhiêu. Nhiều dự án công nghệ thông tin hoành tráng ở chỗ chi nhiều tiền cho nhà cửa, máy móc, phần mềm. Chuyển đổi số nói đến mang lại giá trị gì, lợi ích gì. Chuyển đổi số chú trọng đánh giá hiệu quả, giá trị tạo ra trừ đi chi phí có dương không. Giống như một dự án đầu tư.

(3) Chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung

 Công nghệ thông tin chỉ nói đến phần mềm. Phần mềm là viết cho một phòng ban, một tổ chức, một xã, một huyện, một tỉnh. Chuyển đổi số thì xuất hiện khái niệm nền tảng số. Nền tảng số là một phần cứng, một phần mềm nhiều người dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc, toàn cầu. Ngoài ra, nền tảng số không chỉ đơn thuần là phần mềm giải quyết một việc nào đó mà là một môi trường làm việc.

(4) Chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc

 Công nghệ thông tin thì nói đến ứng dụng công nghệ thông tin. Nó giống như một công cụ. Công nghệ thông tin cung cấp một công cụ để thực hiện tự động hóa một việc cũ, một cách làm cũ, một quy trình cũ. Chuyển đổi số thì chuyển đổi là danh từ, số là tính từ. Chuyển đổi cách làm là chính, là mục tiêu, công nghệ số chỉ là phương tiện thực hiện.

(5) Chuyển từ cách làm từng phần sang làm toàn diện

Công nghệ thông tin thì chỗ làm, chỗ không, cái làm cái không. Phòng kế toán có thể làm nhưng phòng tổ chức cán bộ thì chưa làm. Phòng kế toán làm nhưng mới làm phần kế toán chi phí mà chưa làm phần khai thuế. Như vậy là trong một tổ chức, tồn tại cái trên máy tính, cái trên giấy, cái trong đầu người. Không có cái nào phản ánh toàn diện, và cuối cùng bản giấy vẫn là quyết định, làm cho công nghệ thông tin trở thành một gánh nặng tăng thêm, vẫn máy tính và vẫn giấy. Chuyển đổi số là toàn diện, mọi nơi, mọi chỗ, không còn cái gọi là nửa này nửa kia. Chỉ có một môi trường số. Mọi việc sẽ diễn ra trên môi trường số. Công việc của mỗi người mà rờ i máy tính ra là không làm việc được. Và chỉ khi này thì công nghệ số mới phát huy hiệu quả.

(6) Chuyển trọng tâm từ giám đốc công nghệ thông tin sang người đứng đầu

 Công nghệ thông tin thì công nghệ là nhiều, là tự động hóa cái cũ, không phải thay đổi nhiều về cách làm, cách vận hành tổ chức, nên vai trò quyết định là giám đốc công nghệ thông tin. Chuyển đổi số thì chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số.

(7) Chuyển từ máy tính riêng lẻ sang điện toán đám mây

 Công nghệ thông tin là các hệ thống công nghệ thông tin dùng riêng, mỗi xã, mỗi huyện một cái. Đầu tư tốn kém, cần nhiều người vận hành khai thác. Chuyển đổi số là dùng chung trên đám mây, đầu tư một chỗ, vận hành khai thác một chỗ, dùng chung toàn tỉnh, toàn quốc. Chuyển đối số thì không còn nhìn thấy các hệ thống máy tính ở mỗi tổ chức.

(8) Chuyển từ đầu tư sang thuê

 Công nghệ thông tin thì nhà nhà đầu tư và để dùng riêng. Cấp xã, cấp huyện đầu tư vì do ít tiền nên không đảm bảo một hệ thống đạt chuẩn, không có người chuyên môn vận hành nên nhiều sự cố, nhất là sự cố an toàn, an ninh mạng. Các hệ thống dùng riêng nên kết nối, chia sẻ dữ liệu luôn luôn là vấn đề. Các hệ thống là riêng biệt nên tổng đầu tư tăng tuyến tính theo số đầu mối. Đầu tư xong không có tiền vận hành khai thác nên hàng năm xuống cấp. Chuyển đổi số thì thuê. Thuê như chúng ta dùng dịch vụ điện thoại di động, một mạng di động thì đầu tư nhiều tỷ đô la, nhưng người dùng chỉ trả 60­, 70 ngàn mỗi tháng. Dùng bao nhiêu thì thuê bấy nhiêu, tăng giảm linh hoạt theo ngày được, còn đầu tư thì giảm không được, muốn tăng thì lại phải đầu tư mới mất hàng năm về thủ tục.

(9) Chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ

 Công nghệ thông tin là mua phần cứng, phần mềm về dùng, tức là mua sản phẩm. Một sản phẩm mua về có thể dùng không hết công suất, vì vậy lãng phí. Thống kê cho thấy, các máy tính mua về ít khi dùng hết 20% công suất. Mua sản phẩm về thì phải bỏ tiền, bỏ công ra để nuôi sống sản phẩm. Chuyển đổi số thì không mua sản phẩm mà là mua dịch vụ, trả tiền theo tháng, theo năm. Là chi phí thường xuyên. Dịch vụ thì dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Không phải lo nghĩ về việc nuôi sống dịch vụ.

(10) Chuyển đổi trọng tâm từ tổ chuyên gia công nghệ sang tổ công nghệ số cộng đồng

 Công nghệ thông tin chú trọng vào kỹ thuật, công nghệ, chú trọng vào cách làm, vào việc làm ra hệ thống công nghệ thông tin, vì vậy mà hay thành lập tổ chuyên gia về công nghệ. Chuyển đổi số chú trọng vào sử dụng, chú trọng vào người dùng biết cài đặt và sử dụng, nhất là người dân. Vì vậy mà cần các tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn bản, đến từng nhà hướng dẫn bà con sử dụng các nền tảng số. Các nền tảng số này thì do các doanh nghiệp công nghệ phát triển làm ra và duy trì.

(11) Chuyển từ chú trọng vào làm như thế nào sang làm cái gì 

Công nghệ thông tin hay chú trọng vào làm như thế nào. Vì vậy mà nhà lãnh đạo rất khó tham gia. Giám đốc công nghệ thông tin nói cái này không làm được thì nhà lãnh đạo cũng đành chịu vậy. Vì vậy mà nhà lãnh đạo thường đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số thì nhà lãnh đạo nói muốn gì, cần làm cái gì, cần thay đổi cái gì, và sau đó là việc của nhà kỹ thuật. Công nghệ thông tin thế hệ mới, hay còn gọi là công nghệ số có đủ sức mạnh để làm hầu hết các yêu cầu của nhà lãnh đạo. Vì thế mà nhà lãnh đạo ở vào vị trí trung tâm.

(12) Chuyển trọng tâm từ người giỏi phần mềm sang người giỏi sử dụng

 Công nghệ thông tin tập trung vào người viết phần mềm. Tập trung vào đi tìm người giỏi phần mềm. Chuyển đổi số tập trung vào người dùng. Tập trung vào việc đặt ra bài toán, vào việc sử dụng ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu và đóng góp cho phần mềm thông minh dần lên. Phần mềm thông minh là mục tiêu cuối cùng, và để làm được việc này thì đóng góp tri thức của người dùng có ý nghĩa quyết định. Người dùng xuất sắc thì tạo ra phần mềm xuất sắc. Người đứng đầu phải là người dùng xuất sắc.

(13) Chuyển từ hệ thống công nghệ thông tin sang môi trường số

 Hệ thống công nghệ thông tin là hệ thống kỹ thuật. Công nghệ thông tin là xây dựng hệ thống kỹ thuật. Môi trường số là môi trường sống và làm việc. Chuyển đổi số là xây dựng môi trường sống và làm việc mới. Môi trường thì rộng hơn rất nhiều so với hệ thống kỹ thuật.

(14) Chuyển từ tự động hóa sang thông minh hóa

 Công nghệ thông tin chú trọng tự động hóa công việc, thay lao động chân tay, thay người. Chuyển đổi số chú trọng việc hỗ trợ để giúp con người thông minh hơn. Giúp con người ra quyết định dựa trên số liệu nhiều hơn, thông minh hơn, không chú trọng việc thay người.

(15) Chuyển từ dữ liệu của tổ chức sang dữ liệu người dùng

 Công nghệ thông tin xử lý dữ liệu của tổ chức. Chuyển đổi số thu thập và xử lý dữ liệu người dùng sinh ra hàng ngày để tối ưu hoá hoạt động.

(16) Chuyển đổi từ dữ liệu có cấu trúc sang dữ liệu phi cấu trúc

 Công nghệ thông tin thu thập và xử lý dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu được định nghĩa trước, là tri thức cũ. Công nghệ thông tin tập trung vào tự động hoá cái cũ. Không sinh ra tri thức mới. Chuyển đổi số thu thập và xử lý cả dữ liệu phi cấu trúc, phân tích những dữ liệu mới này để sinh ra tri thức mới. Chuyển đổi số tập trung vào tạo ra tri thức mới, tạo ra nhiều giá trị mới.

(17) Chuyển từ công nghệ thông tin sang công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin là công nghệ thông tin. Chuyển đổi số là công nghệ thông tin + Số hoá toàn diện + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Lập Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú" lần thứ 14

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định thành lập Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú" lần thứ 14 - năm 2023.

Theo Quyết định, bà Đào Hồng Lan - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng; ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng hoạt động theo quy định tại Nghị định số: 41/2015/NĐ-CP, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn trình Thủ tướng đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú" lần thứ 14 - năm 2023.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký giúp việc do Bộ trưởng Y tế thành lập và được sử dụng con dấu của Bộ Y tế để giải quyết công việc. Thành viên Hội đồng và Tổ Thư ký làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số: 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/4/2023.

Đối tượng áp dụng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm cấp cứu 115; Cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; Cơ sở pháp y, pháp y tâm thần, giám định y khoa; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này không áp dụng đối với: Các đơn vị nghiên cứu lĩnh vực y tế và các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Bộ, ngành khác; Trong việc giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành khác và cơ sở y tế ngoài công lập có thể căn cứ hướng dẫn tại Thông tư để áp dụng thực hiện cho phù hợp với thực tiễn.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Sa Đéc, UBND phường An Hòa tổ chức phiên giao dịch việc làm thu hút 177 người tham dự gồm: Học sinh các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên; đoàn viên, thanh niên, người lao động tại các xã, phường. Tại phiên giao dịch việc làm, có 8 đơn vị với nhu cầu tuyển hơn 1.500 lao động phổ thông, lao động đã qua đào tạo làm việc tại Đồng Tháp với mức thu nhập từ 5 - 12 triệu đồng/tháng dành cho các vị trí tuyển dụng như: Nhân viên kinh doanh, điện công nghiệp, vận hành máy, công nhân chế biến thủy sản, giày da... Ngoài ra, các trường cao đẳng, trung cấp trong Tỉnh có nhu cầu tuyển sinh 700 học sinh học trung cấp, cao đẳng các ngành nghề. Tại phiên giao dịch việc làm, các em học sinh, đoàn viên, thanh niên trao đổi trực tiếp với đại diện đơn vị trường, trung tâm về chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, liên thông; các chính sách ưu tiên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Trong tháng 3/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tiếp tục tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm tại huyện Lai Vung và Lấp Vò nhằm giúp người lao động, học sinh, sinh viên có thêm cơ hội gặp gỡ trực tiếp và tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định.

Hưởng ứng Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Tháp lần thứ 16 năm 2023, Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng thành phố Sa Đéc đã ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi trên địa bàn Thành phố lần thứ XI, năm 2023. Theo đó, tất cả các em từ 6 đến 18 tuổi trên địa bàn Thành phố đều có thể tham gia Cuộc thi. Các em sẽ gửi các sản phẩm hoặc mô hình dự thi về cho Ban Tổ chức thuộc các lĩnh vực như: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; các sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em hoặc các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Theo dự kiến, Ban Tổ chức sẽ bắt đầu nhận hồ sơ dự thi từ ngày 04 đến 18/4/2023 tại Thành Đoàn Sa Đéc, đường Lê Lợi, khóm 1, phường 3. Đồng thời tổng kết cuộc thi vào quý III năm 2023. Thông qua Cuộc thi, ngoài việc tạo môi trường vui chơi lành mạnh còn nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo, sự tìm tòi say mê khoa học kỹ thuật của Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng toàn thành phố; giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, tạo cơ hội để các em phát huy khả năng sáng tạo trong tương lai. Mặt khác, qua đó tìm kiếm các sản phẩm, mô hình có thể đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn sinh hoạt, học tập và đời sống xã hội hiện nay.

UBND thành phố Sa Đéc vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em Thành phố năm 2023 nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho các bậc cha mẹ và trẻ em, sự cần thiết của môn bơi trong điều kiện sống chung với sông nước; trang bị kiến thức và kỹ thuật động tác bơi lội cho các em; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước tại địa phương. Thành phố đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ mở 65 lớp phổ cập bơi, dạy cho 1.625 em biết bơi; tổ chức 1 hội thi bơi lặn, cứu đuối; phấn đấu 100% các trường có hồ bơi đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy ngoại khóa và chính khóa cho học sinh.

Sáng ngày 25/3/2023, tại Trường Trung học cơ sở An Thạnh, Hội đồng Đội thành phố Hồng Ngự tổ chức Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn năm học 2022 - 2023. Tại chương trình, các em học sinh, đội viên đã được nghe phát biểu ôn lại truyền thống kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023) và 60 năm Phong trào Nghìn việc tốt (24/3/1963 - 24/3/2023). Dịp này, Hội đồng Đội Thành phố và Liên đội Trường THCS An Thạnh đã kết nạp 35 học sinh tiêu biểu vào Đoàn. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được tham gia vào nhiều hoạt động sôi nổi như: Hội thi "Duyên dáng áo dài"; tham gia các trò chơi dân gian... Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn đã góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thiếu nhi về truyền thống của Đoàn; khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thi đua học tập và rèn luyện của các em. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh để các em học sinh được giao lưu, học hỏi, rèn luyện sức khỏe, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên - đoàn viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự vừa tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng phòng, chống sốt xuất huyết tại ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B. Đây là xã có đường cong dự báo dịch vượt ngưỡng so với trung bình 5 năm (2015 - 2019). Theo đó, trước khi tiến hành phun hóa chất, chính quyền địa phương thành lập Đoàn xuống địa bàn và vận động nhân dân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường. Tổng số hộ dân được giám sát dịch bệnh và phun xịt hóa chất diệt muỗi trên 1.000 hộ. Đoàn cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân quản lý dịch bệnh tại hộ gia đình bằng các phương pháp như: Cọ rửa vật dụng chứa nước, diệt lăng quăng, vệ sinh khu vực xung quanh nhà, ngủ mùng... để nâng cao ý thức phòng bệnh. Theo thống kê, đến nay, huyện Hồng Ngự có 44 ca sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca nặng, tăng 12 ca so với cùng kỳ năm 2022. Ngành chức năng đã xử lý 26 ổ dịch trên toàn Huyện.

Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự vừa tổ chức cho hơn 100 đoàn viên, thanh niên và học sinh tham gia trải nghiệm, sáng tạo "Biến rác thải" thành sản phẩm nghệ thuật. Mỗi nhóm từ 10 - 15 thành viên sẽ thiết kế sản phẩm nghệ thuật từ rác thải trong thời gian 45 phút. Qua đó, nhiều sản phẩm như: Bình hoa, đồ dùng học tập, bó hoa; túi xách, quần áo được tạo ra từ giấy báo và bọc ni-lon; xe đạp được làm từ ống hút và nắp chai nước... với nhiều màu sắc và sáng tạo. Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho các đội có sản phẩm đẹp. Đây là hoạt động nhằm giáo dục, tuyên truyền cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, phát huy tính sáng tạo trong học tập và trong cuộc sống.

Sáng ngày 21/3/2023, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lãnh tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thực hiện nhiều phần việc thiết thực, ý nghĩa. Theo đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị -  xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân các xã, thị trấn thực hiện nhiều phần việc thiết thực, ý nghĩa như: Ra quân thực hiện mô hình dòng sông không rác nhằm tích cực hưởng ứng công tác bảo vệ môi trường, vì sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, vận động Công ty TNHH Một thành viên Xổ số Kiến thiết tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ trao 550 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo xã Phương Thịnh, trị giá 40,55 triệu đồng.

Trong quý I/2023, UBND huyện Cao Lãnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh tổ chức Phiên giao dịch việc làm tại Huyện, có 17 xã, thị trấn và 3 Trường Trung học phổ thông tham dự với gần 300 lao động và học sinh tham dự. Đến nay có 54/280 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, hiện có 213 lao động đang học định hướng. Thông qua Tổ tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn đã giới thiệu việc làm cho 1.274/7.500 lao động, mở 1 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp có 25 học viện tham gia. Đến cuối năm 2022 có 1.200 hộ nghèo đạt tỷ lệ 2,26%; 2.230 hộ cận nghèo tỷ lệ 4,20%. Tại cuộc họp bàn giải pháp về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề và giảm nghèo, lãnh đạo UBND xã, thị trấn đề xuất các phương án khả thi, đảm bảo việc đưa người lao động sang nước ngoài làm việc theo theo chỉ tiêu đề ra. Trong đó việc đầu tiên, quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển chọn lao động đáp ứng được thị trường lao động tại các nước. UBND Huyện đề nghị các ngành thành viên liên quan và UBND xã, thị trấn khai thác, phân tích dữ liệu phần mềm điều tra cung cầu lao động để phân loại nhóm đối tượng, từ đó có hình thức tuyên truyền vận động phù hợp. UBND Huyện đề nghị các ngành, UBND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; thống kê thanh niên trong độ tuổi lao động và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ lao động theo quy định; triển khai thực hiện các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, phấn đấu đến cuối quý II/2023 đạt ít nhất 50% chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có năng lực, uy tín để khai thác và đưa lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao…

Vừa qua, Phòng GD và ĐT huyện Cao Lãnh cùng các đơn vị trường trên địa bàn tổ chức Ngày hội giao lưu học sinh Tiểu học huyện Cao Lãnh, năm học 2022 - 2023. Trong phần giao lưu, học sinh dự các phần thi gồm: Vở sạch - chữ đẹp, văn nghệ, vẽ tranh, hoạt động trải nghiệm.... Hoạt động Ngày hội giao lưu học sinh Tiểu học huyện Cao Lãnh, năm học 2022 - 2023 được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" tại các đơn vị trường học. Qua đó, góp phần phát triển phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, phát huy năng lực sáng tạo của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh trong các trường Tiểu học. Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh được giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các đơn vị trường. Các em học sinh tham gia Ngày hội được củng cố và hiểu biết thêm các kiến thức, kỹ năng, hoạt động trải nghiệm.

Đến nay, toàn huyện Cao Lãnh có 180.914 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,44% dân số. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 2.901 người, giảm 118 người so với năm 2022, đạt 55,57% chỉ tiêu. Mặc dù BHXH Huyện đã phối hợp cùng các ngành, địa phương đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tuy nhiên việc phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn. Tại cuộc họp chuyên đề về BHX, BHYT năm 2023 với Phòng Y tế, BHXH, Bưu điện, Viettel và UBND xã, thị trấn và đại diện cộng tác viên BHYT một số xã trên địa bàn Huyện, lãnh đạo các xã, đại lý thu và đại diện Bưu điện, Viettel đã chia sẻ những khó khăn, giải pháp truyền thông để người dân hiểu rõ lợi ích và sự cần thiết từ đó tự nguyện tham gia, vận động người thân trong gia đình cùng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện; tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động; nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT; đào tạo, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cộng tác viên bằng nhiều hình thức… UBND Huyện đề nghị lãnh đạo BHXH, Bưu điện, Viettel và xã, thị trấn cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tích cực quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đạt chỉ tiêu UBND Huyện, BHXH Tỉnh giao; các cộng tác viên bán BHYT thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng, nghiên cứu mô hình của công tác viên ấp 4, xã Mỹ Long để thực hiện trên địa bàn Huyện; giao UBND xã, thị trấn thực hiện rà soát các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương chưa có thẻ BHYT có giải pháp vận động, hỗ trợ mua thẻ BHYT, hoàn thành công tác này trong quý I năm 2023; các đơn vị VNPT, Viettel kiểm tra, củng cố xây dựng đội ngũ cộng tác viên hoạt động hiệu quả hơn; tranh thủ sự hỗ trợ của các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội  trong công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo kế hoạch.

Ngày 25/3/2023, tại xã An Bình, UBND huyện Cao Lãnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, Công ty cổ phần Nhật Huy Khang tổ chức tư vấn, tuyên truyền và tuyển dụng lao động đi làm việc ở Nhật Bản. Tại  buổi tư vấn, có hơn 80 thanh niên, lao động, phụ huynh trong xã đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh và Công ty cổ phần Nhật Huy Khang thông tin, chia sẻ và giải đáp nhiều ý kiến đa số người lao động quan tâm đến việc tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản như: Điều kiện, cơ chế chính sách, kinh phí, môi trường làm việc, nơi ăn ở, sinh hoạt, mức thu nhập,… Qua đó, Công ty cổ phần Nhật Huy Khang đã tư vấn sâu các ngành nghề phổ biến mà Nhật Bản đang ưu tiên tuyển chọn hiện nay như: Cơ khí, ô tô, điện, thực phẩm, may mặc, nông nghiệp,… Hợp đồng làm việc từ 3 - 5 năm, thu nhập từ 25 - 50 triệu đồng/tháng trở lên. Năm 2023, Huyện dự kiến đưa 280 lao động làm việc ở nước ngoài, đến nay đã có 66 lao động xuất cảnh. Thời gian tới, Huyện tiếp tục tổ chức các buổi tư vấn tại các xã, thị trấn còn lại nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về công tác xuất khẩu lao động đến người dân để nắm rõ thông tin, nâng cao nhận thức về thị trường lao động nước ngoài cũng như chế độ chính sách, hỗ trợ vay vốn cho người dân trong Huyện. Từ đó, người lao động có thể lựa chọn công việc phù hợp và thị trường lao động có thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống kinh tế.

Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3) và 77 năm Ngày truyền thống ngành thể dục thể thao (27/3), vừa qua, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện Châu Thành tổ chức Giải cờ vua các nhóm tuổi và cờ tướng. Tham gia môn cờ vua có 114 kỳ thủ trong ngành giáo dục, được chia thành 4 nhóm tuổi gồm: Từ 6 - 8 tuổi, 9 - 11 tuổi, 12 - 14 tuổi, 15 - 17 tuổi; tham gia thi đấu môn cờ tướng có 20 kỳ thủ được tuyển chọn từ các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện. Các kỳ thủ thi đấu môn cờ vua, cờ tướng bước vào tranh tài bằng 5 ván nhanh theo hệ Thụy Sĩ để chọn ra 3 người có số điểm cao nhất để Ban Tổ chức trao các Huy chương Vàng, Bạc, Đồng cùng tiền thưởng. Ngoài ra, Ban Tổ chức giải còn trao giải đồng đội hạng Nhất, Nhì, Ba và xếp hạng toàn đoàn cho 3 xã, thị trấn.

UBND huyện Châu Thành đã ban hành Kế hoạch số: 94/KH-UBND về phát động phong trào thi đua trong thực hiện hoàn thành chỉ tiêu BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện năm 2023. Đối với tập thể UBND xã, thị trấn: Kế hoạch thi đua với giải thưởng phát triển BHYT hộ gia đình là: Giải Nhất (7 triệu đồng), giải Nhì (5 triệu đồng), giải Ba (3 triệu đồng). Giải thưởng phát triển BHYT hộ gia đình là: Giải Nhất (10 triệu đồng), giải Nhì (7 triệu đồng), giải Ba (5 triệu đồng) cho các đơn vị hoàn thành chỉ tiêu BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện sớm nhất; đối với cá nhân thực hiện tốt việc vận động BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện sớm nhất được tặng Giấy khen của UBND Huyện theo Nghị định số: 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; kinh phí khen thưởng trích từ nguồn quỹ khen thưởng của UBND Huyện. Giao BHXH huyện tiếp nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng của UBND xã, thị trấn; phối hợp các ngành huyện thẩm định, trình UBND Huyện xem xét khen thưởng theo Kế hoạch.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ