Xuất bản thông tin

null Lãnh đạo Tỉnh gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn năm 2024

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Lãnh đạo Tỉnh gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn năm 2024

Ngày 05/3, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức gặp mặt hơn 70 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài Tỉnh. Các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì buổi gặp mặt. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Lãnh đạo Tỉnh gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức gặp mặt hơn 70 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài Tỉnh. Tại buổi họp mặt, các đại biểu cùng nhìn lại kết quả nổi bật của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Đồng Tháp trong những năm qua. Theo đó, đội ngũ trí thức tỉnh nhà đã phát triển cả về số lượng, chất lượng. Cuối năm 2022, toàn Tỉnh có hơn 29.000 người, tăng hơn 3.900 người so với năm 2008. Trong đó, lĩnh vực giáo dục hơn 20.600 người; lĩnh vực y tế hơn 5.800 người, lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao hơn 300 người, các lĩnh vực khác hơn 2.100 người. Về trình độ chuyên môn, hiện có 84 tiến sĩ, 1.579 thạc sĩ, gần 20.000 cử nhân. Riêng trí thức là cán bộ, công chức có hơn 2.140 người. Một số trí thức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; một số trí thức người Đồng Tháp định cư ngoài Tỉnh và nước ngoài cũng tham gia một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh... Chất lượng đội ngũ trí thức được nâng cao, phần lớn phát huy tính chủ động, sáng tạo, tâm huyết trong nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn mang lại giá trị kinh tế cao. Đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát triển, hiện có 448 văn nghệ sĩ là hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Tỉnh, trong đó có 113 hội viên chuyên ngành Trung ương.

Với tình cảm chân thành, sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu dành thời gian trao đổi, chia sẻ cởi mở về những kinh nghiệm và quyết tâm cống hiến, khát vọng của bản thân, của ngành, của lĩnh vực mình phụ trách; bày tỏ tình cảm, niềm vui, vinh dự và ấn tượng sâu sắc trước việc lãnh đạo Tỉnh đã tổ chức gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào dịp đầu năm mới. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, năm 2023, trong bối cảnh tình hình có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong đó đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã phát huy tốt tinh thần yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm, cống hiến tài năng, trí tuệ trong hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội... góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Tỉnh với các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024 tiếp tục cổ vũ, động viên đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người Đồng Tháp đang sinh sống trong và ngoài Tỉnh phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hăng say sáng tạo nhiều công trình, tác phẩm lớn, có giá trị, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển nền khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà.

2. Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số: 75/KH-UBND ngày 12/3/2024 triển khai thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2024 - 2030. Mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch này là đến năm 2030, Đồng Tháp phấn đấu 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

Cùng với đó, phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung triển khai thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi với các hình thức, mô hình đa dạng, linh hoạt; chú trọng chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình; chú trọng cung cấp các thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người nhận chăm sóc thay thế trẻ em.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt là giáo viên làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, đội ngũ nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội; phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em toàn diện và liên tục; phát triển dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi...

3. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số: 67/KH-UBND ngày 07/3/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch này là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều.

Cùng với đó, Kế hoạch còn đề ra các mục tiêu cụ thể như: Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; đảm bảo cho vay vốn đối với 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trên 20.000 học sinh; phấn đấu hỗ trợ cho 1.000 người nghèo, cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp...

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội.

Ngoài ra, khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác giảm nghèo, những người tham gia...

4. Năm 2024 đào tạo nghề phi nông nghiệp cho hơn 13.300 người

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số: 64/KH-UBND ngày 29/02/2024 đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024. Theo chỉ tiêu sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 13.300 người.

Trong đó, đào tạo nghề cho người trong độ tuổi thanh niên đạt tối thiểu 35%, chia theo trình độ: Sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 8.695 người, Trung cấp 2.751 người, Cao đẳng 1.937 người. Cùng với đó, Đồng Tháp phấn đấu thu hút 25% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tỉnh đạt hơn 77%, trong đó qua đào tạo nghề đạt trên 55%.

Các giải pháp được đề ra trong kế hoạch đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tích cực thực hiện chuyển đổi số tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về lao động có tay nghề. 

Các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương, các Hội, tổ chức chính trị - xã hội chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp để thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; thường xuyên khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu tuyển dụng và đào tạo nghề cho công nhân của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý để kịp thời tham mưu, đề xuất, hỗ trợ đào tạo.

5. Năm 2024, phấn đấu đưa 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 61/KH-UBND ngày 28/02/2024 thực hiện công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2024. Theo đó, năm 2024, phấn đấu đưa 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kế hoạch còn đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên, trong đó phấn đấu đưa 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 100% xã, phường, thị trấn trong Tỉnh đều có lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tăng cường kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực thu hút nhiều lao động của địa phương; thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi nguồn vốn giải quyết việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động, cho vay khởi nghiệp đối với lao động là thanh niên; triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là thị trường lao động nước ngoài; tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có uy tín, có năng lực, phù hợp với lao động của Tỉnh; nghiên cứu, phối hợp tìm kiếm, mở rộng thị trường mới như Châu Âu, Châu Úc...

6. Nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, sinh kế để thoát nghèo

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Công văn số: 49/UBND-VX ngày 29/02/2024 về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Theo đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn triển khai Chương trình theo quy định của Trung ương và Nghị quyết số: 12/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngay khi được giao vốn.

Thực hiện hỗ trợ chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, bảo đảm đúng đối tượng và nội dung chi, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn; đổi mới phương thức, cách thức, hoạt động đào tạo nghề; phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, sinh kế gắn với kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo, gắn với khen thưởng, động viên cá nhân, hộ gia đình thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, uỷ ban nhân dân cấp huyện tiến hành phân tích dữ liệu, phân nhóm đối tượng (nhóm lao động không có việc làm, có nhu cầu học nghề hoặc cần hỗ trợ, cần tư vấn giới thiệu việc làm; nhóm không còn khả năng lao động…), tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo để xác định nhu cầu cần hỗ trợ, giúp đỡ và xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ tại địa phương.

7. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia hiến máu tình nguyện

Trong chuỗi hoạt động Chiến dịch "Lễ hội Xuân hồng" năm 2024, ngày 08/3/2024, tại Trung tâm phòng, chống giảm nhẹ thiên tai (Phường 6, thành phố Cao Lãnh), Hội Chữ thập đỏ Tỉnh phối hợp với Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Thành phố Cần Thơ tổ chức ngày hiến máu tình nguyện. Tham gia ngày hiến máu tình nguyện đợt này chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị ngành Tỉnh. Qua khám sàng lọc, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Thành phố Cần Thơ thu được 150 đơn vị máu. 

Được biết, năm 2023, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, cán bộ, đoàn viên, hội viên, người dân trên địa bàn Tỉnh tích cực tham gia. Từ đó, toàn Tỉnh thu được hơn 4.200 đơn vị máu, phục vụ có hiệu quả việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong và ngoài Tỉnh.

8. Tháp Mười: Nhất toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đồng Tháp lần thứ XXIII

Sau 11 ngày tranh tài sôi nổi, hấp dẫn, chiều ngày 13/3/2024, Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đồng Tháp lần thứ XXIII đã bế mạc và trao giải cho các đoàn, vận động viên xuất sắc.

Với tinh thần đoàn kết, trung thực và cao thượng, các vận động viên đã nỗ lực, bền bỉ thi đấu với tinh thần quyết tâm giành thành tích cao và cống hiến nhiều trận đấu hay, để lại nhiều ấn tượng khó quên. Các đơn vị đã có sự đầu tư trong việc tập luyện, tuyển chọn nghiêm túc các vận động viên tham gia.

Kết thúc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đồng Tháp lần thứ XXIII, Ban Tổ chức đã trao giải cho các tập thể, vận động viên có thành tích xuất sắc ở Hội khỏe Phù Đổng. Trong đó, đơn vị huyện Tháp Mười đoạt giải Nhất toàn đoàn; đơn vị huyện Lấp Vò đoạt giải Nhì toàn đoàn và đơn vị huyện Hồng Ngự đoạt giải Ba toàn đoàn.

Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đồng Tháp lần thứ XXIII năm 2024, diễn ra từ ngày 02 - 13/3/2024, với sự tham gia của 3.673 vận động viên là học sinh phổ thông từ các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn Tỉnh. Các vận động viên đã tranh tài ở 13 môn thi đấu, gồm: Điền kinh, bơi lội, cầu lông, đá cầu, bóng bàn, cờ vua, bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, đẩy gậy, taekwondo, vovinam, karate.

9. Đồng Tháp: Khởi động tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS

Sở Y tế phối hợp với Dự án USAID/PATH STEPS tổ chức Họp khởi động tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS (PSE) tại Đồng Tháp.

Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả khả quan. Với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu và nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, Tỉnh đã triển khai các hoạt động tiếp cận, truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm sàng lọc khẳng định HIV, mở rộng xét nghiệm HIV cộng đồng, triển khai điều trị PrEP, điều trị ARV và Methadone. Tuy nhiên, nguồn lực vẫn còn hạn chế, để thực hiện mạnh mẽ các chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, ngành Y tế luôn ghi nhận sự đóng góp, hỗ trợ, đầu tư từ các tổ chức quốc tế, các nguồn lực từ cộng đồng, các khu vực tư nhân vào chương trình Phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, cam kết sẽ tăng cường phối hợp, triển khai kế hoạch của Tỉnh để góp phần kiểm soát dịch và mang tới nhiều sáng kiến, mô hình, dịch vụ mới trong phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng. 

PGS.TS.BS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, việc huy động tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào công tác phòng, chống HIV/AIDS là một chủ trương mới để đảm bảo sự bền vững, nhất là trong bối cảnh nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho chương trình phòng,  chống HIV/AIDS ngày càng cắt giảm. PGS.TS.BS. Phạm Đức Mạnh cũng đánh giá rất cao sự cam kết của lãnh đạo Sở Y tế Đồng Tháp, và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, sẽ tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh sớm ban hành kế hoạch cụ thể và toàn diện để có thể huy động hiệu quả khu vực tư nhân tham gia vào phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, các đại biểu được phổ biến các nội dung: Tình hình dịch và kết quả triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 tại Đồng Tháp và kế hoạch trọng tâm năm 2024; tổng quan kết quả khảo sát về sự tham gia của khu vực tư nhân (PSE) tại tỉnh Đồng Tháp và các khuyến nghị giai đoạn tiếp theo; kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật của Dự án USAID/PATH STEPS tại Đồng Tháp;... Cũng trong cuộc họp, các đại biểu, đại diện các đơn vị thuộc khu vực tư nhân và một số đơn vị khác đang đầu tư và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đã có những chia sẻ rất cụ thể và thảo luận các chiến lược và hoạt động chính nhằm tăng cường PSE tại Đồng Tháp.

10. Thành lập Trung tâm Bảo tồn sinh vật Đồng Tháp Mười (ĐTM)

Xuất phát từ ý thức bảo tồn một số loài động, thực vật bản địa mang tính đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời bảo tồn nguồn gen bản địa các loài rùa ở Đồng Tháp Mười trong môi trường bán hoang dã. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng sáng lập Trung tâm Bảo tồn sinh vật ĐTM, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 35/QĐ-LHH ngày 19/02/2024 thành lập Trung tâm Bảo tồn sinh vật ĐTM, là tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp.

Nhiệm vụ của Trung tâm là nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm lĩnh vực nông nghiệp: Bảo tồn và phát triển một số loài động thực vật đặc trưng thuộc vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, đặc biệt là một số loài rùa được ghi nhận tại khu vực Đồng Tháp Mười; chọn tạo, nhân giống và trồng một số loài cây hoa, cây kiểng, cây ăn quả và cây dược liệu. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ: Ươm tạo, nhân giống, trồng sản xuất và tổ chức các dịch vụ cung ứng, hợp tác trao đổi,… một số loài cây hoa, cây kiểng, cây ăn trái và cây dược liệu. Dịch vụ khoa học và công nghệ: Cung cấp các dịch vụ liên quan đến gây nuôi động vật hoang dã hợp pháp cho các hộ dân trong khu vực; gây nuôi sinh sản thương mại đối với một số loài rùa và động vật khác đã được nhân nuôi sinh sản phổ biến; tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nhằm mục đích bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

Tăng cường truyền thông đầy đủ phương án học phí năm học 2023 - 2024

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các đơn vị liên quan thực hiện Nghị định số: 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo đó, để thống nhất trong triển khai thực hiện, trên cơ sở ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện Nghị định số: 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ như sau:

Các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí năm học 2023 - 2024 theo đúng quy định tại Nghị định số: 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó: Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã công bố học phí năm học 2023 - 2024 cao hơn mức trần học phí quy định tại Nghị định số: 97/2023/NĐ-CP thì thực hiện điều chỉnh mức học phí năm học 2023 - 2024 theo quy định Nghị định số: 97/2023/NĐ-CP; phần chênh lệch cao hơn (thu của người học) phải hoàn trả cho người học hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo. Đồng thời thực hiện công khai đối với người học và xã hội bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.

Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục đã ban hành khung học phí hoặc mức thu học phí năm học 2023 - 2024 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tăng so với mức thu học phí năm học 2021 - 2022 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm. Mức hỗ trợ cho cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. Trường hợp ngân sách địa phương không đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định Nghị định số: 97/2023/NĐ-CP; phần chênh lệch cao hơn (đã thu của người học) phải hoàn trả cho người học hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo. Các quy định không được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số: 97/2023/NĐ-CP tiếp tục thực hiện theo quy định Nghị định số: 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông để người học biết thông tin đầy đủ phương án học phí năm học 2023 - 2024, đảm bảo công khai, minh bạch, nhất quán trong triển khai thực hiện, đồng thời chia sẻ, hỗ trợ người học. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí kinh phí để thực hiện cấp bù học phí cho đối tượng được hưởng theo quy định do việc điều chỉnh mức học phí của các cơ sở giáo dục.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Trong năm 2023, Hội Khuyến học các cấp trên địa bàn thành phố Hồng Ngự củng cố, kiện toàn tổ chức chi Hội Khuyến học, chú trọng phát triển hội viên; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội tâm huyết, nhiệt tình và có trách nhiệm với phong trào; vận động nuôi heo đất trong trường học được 490 con và tại gia đình được 792 con. Tổng số tiền thu được 917.550.000đ, đây chính là nguồn quỹ khuyến học để khen thưởng, trao học bổng, mua tập, sách, đồng phục phục vụ việc học tập của học sinh cho năm học mới 2023 - 2024. Có 25 dòng họ học tập, 29 cộng đồng và đơn vị học tập. Ngoài ra, Hội Khuyến học Thành phố còn vận động và phát triển quỹ khuyến học được số tiền trên 4 tỷ 500 triệu đồng (cả hiện vật quy ra tiền); trao 2.503 suất học bổng và 12.136 phần quà gồm: Học bổng, xe đạp, quần áo, tập, ba lô, viết, sách giáo khoa, Chương trình "Gương sáng hiếu học", "Thắp sáng ước mơ" và sinh viên nhận học bổng Nguyễn Sinh Sắc… Trong thời gian tới, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức Thành phố cùng đồng hành, tham gia với các cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục, tiếp tục vận động hỗ trợ vật chất, tinh thần để học sinh được đến trường, quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; tiếp tục xây dựng, lan tỏa tinh thần học tập suốt đời trong từng cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư và trường học.

Sáng ngày 08/3/2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Hồng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện tổ chức Thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu năm 2024 tại 06 điểm trường Tiểu học - THCS; THCS - THPT và THPT trên địa bàn xã Tân Công Chí, xã Tân Thành A, xã Tân Hộ Cơ và thị trấn Sa Rài. Tại đây, Thư viện Trung tâm Văn hóa Huyện trưng bày tài liệu tuyên truyền về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, Biển đảo Việt Nam, y học và sức khỏe, sách học tập, truyện thiếu nhi, chăm sóc sức khỏe, khoa học, báo tạp chí,... các em học sinh được lựa những quyển sách yêu thích để đọc; tìm hiểu về lịch sử dân tộc, về đất nước - con người và lịch sử quê hương Đồng Tháp, quê hương Tân Hồng; tham gia các trò chơi tương tác với sách (như đọc sách giải ô chữ, nhìn hình đoán chữ, trả lời câu hỏi có thưởng). Đồng thời tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao trình độ và đời sống văn hoá tinh thần đến bạn đọc sách, báo, trao đổi kinh nghiệm kiến thức đọc được từ những cuốn sách phục vụ cho nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

Chiều ngày 11/3/2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng tổng kết Hội thi "Giáo viên dạy giỏi giáo dục Mầm non" năm học 2023 - 2024. Có 52 giáo viên dự thi. Qua gần 01 tháng diễn ra Hội thi, các giáo viên dự thi trải qua 02 phần gồm: Thực hành tiết dạy cùng với trẻ trên lĩnh vực phát triển giáo dục thể chất; tạo hình; tình cảm xã hội. Phần 2. Báo cáo giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Đa số giáo viên tham gia Hội thi có sự đầu tư, chuẩn bị nội dung, hình ảnh minh họa, trình bày tự tin và đưa ra các biện pháp phù hợp với giáo dục mầm non, đặc biệt là các thí sinh đề cập đến vấn đề xã hội, những đặc trưng, đặc sản vùng miền gần gũi với thực tế. Kết quả có 45 giáo viên mầm non, mẫu giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Ban Tổ chức Hội thi chọn 05 giáo viên tiêu biểu tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Trong năm 2024, huyện Lai Vung phấn đấu đưa 160 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 54 lao động xuất cảnh, đạt 33.75% chỉ tiêu, trong đó đi thị trường Nhật Bản là 31 lao động và đi lao động thời vụ ở Hàn Quốc là 23 lao động. Để đạt được mục tiêu đề ra, Huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Xây dựng nguồn lao động đảm bảo về trình độ văn hóa, tư tưởng chính trị, chuyên môn kỹ thuật tham gia các thị trường có sức cạnh tranh cao về lao động và thu nhập. Nâng cao chất lượng lao động, từng bước cung cấp lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ trung cấp, cao đẳng, đại học sang các thị trường đòi hỏi tay nghề, trình độ cao, chương trình vừa học vừa làm, du học… để sau này về phục vụ địa phương và tham gia khởi nghiệp. Rà soát đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm hoặc có việc làm chưa ổn định, bộ đội xuất ngũ, tiếp tục phối hợp tổ chức tư vấn đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025. Huy động nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vận động hợp pháp khác chi hỗ trợ cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động, đào tạo theo địa chỉ gắn với nhu cầu tuyển dụng của công ty, doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Châu Thành phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã An Hiệp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình cho người dân trên địa bàn xã. Tại Hội nghị, ông Đoàn Văn Diệp, Giám đốc BHXH Huyện đã thông tin, phổ biến những nội dung cơ bản về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trong đó tập trung vào các thủ tục tham gia, địa điểm đăng ký tham gia, mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện áp dụng tại thời điểm hiện tại; thủ tục khám chữa bệnh (KCB) BHYT, mức hưởng BHYT của các nhóm đối tượng khi đi KCB... Đồng thời giải đáp những thắc mắc về những vấn đề liên quan, những vướng mắc trong quá trình đi khám chữa bệnh BHYT, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ