Xuất bản thông tin

null Bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa có Công văn chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý Khu Kinh tế Tỉnh; uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Triển khai đầy đủ chế độ chính sách đối với trẻ mầm non, học sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu trưởng phòng các phòng giáo dục và đào tạo và hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật phối hợp với uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Cùng với đó, tăng cường đảm bảo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh môi trường, học tập cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các chế độ chính sách đối với trẻ em mầm non, học sinh đã được quy định.

Trưởng phòng các phòng giáo dục và đào tạo và hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tăng cường kiểm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn trường học; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở giáo dục...

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trưởng phòng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học tham mưu cho Giám đốc, Phó Giám đốc Sở phụ trách hướng dẫn, kiểm tra các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú tổ chức bữa ăn cho học sinh theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng.

2. Đảm bảo các hoạt động y tế trong thời tiết chuyển mùa

Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, những người có bệnh mãn tính về hô hấp, xương khớp, tim mạch, huyết áp… Để chủ động đảm bảo các hoạt động y tế trong thời tiết chuyển mùa, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Tỉnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như: Các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết lạnh.

Chủ động đánh giá năng lực của nhân viên y tế để cập nhật kiến thức mới, tập huấn kỹ năng về chẩn đoán, xử trí bệnh đột quỵ, đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ để chuyển viện điều trị kịp thời trong "giờ vàng". Đảm bảo việc hội chẩn từ xa trước khi chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố phối hợp với Phòng Y tế và cơ quan truyền thông địa phương thực hiện truyền thông cho người dân về nguy cơ của thời tiết (không khí lạnh) ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, những người có bệnh mãn tính về hô hấp, xương khớp, tim mạch, huyết áp,… đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em nên bảo đảm quần áo đủ ấm.

3. Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Sở Y tế vừa đề nghị các đơn vị trực thuộc ngành Y tế; Bệnh viện Quân Dân Y; các bệnh viện tư nhân trên địa bàn Tỉnh phân công lực lượng tại chỗ triển khai trực giám sát 24/7, chủ động theo dõi thường xuyên, liên tục các hệ thống giám sát an toàn thông tin tập trung, hệ thống phòng, chống mã độc tập trung đảm bảo xử lý, khắc phục kịp thời tấn công mạng, cảnh báo mã độc được xác minh.

Rà soát, kiểm tra và bóc gỡ các phần mềm độc hại cho toàn bộ máy chủ, máy trạm trong hệ thống mạng. Trong đó, cần ưu tiên các hệ thông tin có địa chỉ IP nằm trong danh sách IP mạng Botnet được Sở Thông tin và Truyền thông cảnh báo hàng tháng hoặc đột xuất. Chủ động rà soát các lỗ hổng, điểm yếu trên các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý và triển khai các giải pháp phòng ngừa và khắc phục triệt để các lỗ hổng, điểm yếu đã được Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo và các lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng mức cao, nghiêm trọng trong các sản phẩm Microsoft từ tháng 5 đến tháng 12/2023.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cơ bản kỹ năng về an toàn thông tin mạng, cảnh giác về thông tin xấu độc, tin giả và thông tin lừa đảo trên không gian mạng cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị.

4. Bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Công văn số: 06/UBND-VX ngày 09/01/2024 về tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý Khu Kinh tế Tỉnh; uỷ ban nhân dân huyện, thành phố.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số: 12/CT-UBND ngày 28/12/2023 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Cùng với đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; chi trả lương hưu và trợ cấp cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định...

Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; theo dõi, nắm tình hình để bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng (nếu có) và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định, đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho người lao động bị giảm thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm...

5. Năm 2025: 98% hộ dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số: 12/KH-UBND ngày 10/01/2024 về cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh giai đoạn 2024 - 2028 nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, hệ thống công trình xử lý nước và mạng lưới đường ống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng.

Bên cạnh đó, bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực và chất lượng nước đạt quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các bệnh liên quan đến nước sinh hoạt theo sổ tay hướng dẫn cấp nước an toàn, phòng ngừa dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2024, tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 96,2%; có 40% số lượng công trình cấp nước nông thôn đăng ký thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn cấp tỉnh được phê duyệt.

Năm 2025, tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch nâng lên 98%; công trình cấp nước nông thôn hoạt động bền vững đạt 50%; có 50% số lượng công trình cấp nước nông thôn đăng ký thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn cấp tỉnh được phê duyệt...

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch hơn 409 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn cho các hệ thống cấp nước tập trung khu vực nông thôn; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị cấp nước và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch.

6. Triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số: 04/KH-UBND triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động được triển khai từ ngày 01 - 31/5/2024, với chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng".

Một số hoạt động trong Tháng hành động như: Triển khai các chương trình hành động cụ thể về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phòng, chống cháy nổ; giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện.

Bên cạnh đó, Tháng hành động còn có các hoạt động về thanh tra, kiểm tra trong một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động; thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, nhằm kịp thời chia sẻ những mất mát và động viên các gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống...

7. Uỷ thác 60 tỷ đồng cho người lao động vay đi làm việc ở nước ngoài và giải quyết việc làm

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Quyết định về ủy thác vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp để cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cho vay giải quyết việc làm năm 2024 với số tiền 60 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển đã bố trí dự toán năm 2024.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các trình tự, thủ tục ủy thác vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp thực hiện; tổng hợp, tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh trình cấp có thẩm quyền theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả; đồng thời, thực hiện trình tự, thủ tục thanh toán, quyết toán theo đúng chế độ quy định hiện hành. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng nguồn vốn uỷ thác cho vay đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định số: 1742/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án ưu tiên "Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030" .

Mục tiêu chung của Đề án nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể áp dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực; trong đó, chọn tạo giống vật nuôi chủ lực công nghệ cao đáp ứng được 95% nhu cầu giống lợn, 85 - 90% nhu cầu giống gia cầm, 100% nhu cầu giống thủy cầm, 70% giống bò thịt.

Về dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, đáp ứng khoảng 20 - 35% nhu cầu; Khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm công - nông nghiệp - thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.

Về chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi, chuyển giao công nghệ sản xuất trang thiết bị chuồng trại đáp ứng 80% nhu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững.

Về chế biến các sản phẩm chăn nuôi như: Thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ. Chuyển giao công nghệ đảm bảo 50 - 55% cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp và 90% cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến vào năm 2030, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra là nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường năng lực nghiên cứu cho một số cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi theo hướng chuyên sâu, hiện đại, đồng bộ ngang tầm trình độ trong khu vực và quốc tế.

Ưu tiên đầu tư nâng cấp một số cơ sở nghiên cứu tại 3 vùng Bắc - Trung - Nam để khảo kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Đầu tư nâng cấp một số phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi ngang tầm khu vực.

Phát huy tối đa nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân và nguồn vốn nước ngoài cho đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ lĩnh vực chăn nuôi.

Một nhiệm vụ khác của Đề án là nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực bằng công nghệ cao để chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi trong nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống vật nuôi.

Nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên chọn lọc đàn hạt nhân để nâng cao chất lượng hệ thống giống.

Nghiên cứu công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công - nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.

Nghiên cứu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững.

2. Từ ngày 01/4/2024, triển khai kiểm thử Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và Giấy hẹn khám lại điện tử

Đó là nội dung chính của Quyết định số: 4750/QĐ-BYT ngày 29/12/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quyết định số: 130/QĐ-BYT ngày 18/01/2023 quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.

Tại Quyết định này, Bộ Y tế đã chính thức bổ sung thêm 2 Bảng dữ liệu mới gồm: Bảng dữ liệu Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và Bảng dữ liệu Giấy hẹn khám lại theo quy định tại Nghị định số: 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ.

Từ ngày 01/4/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử Giấy chuyển tuyến BHYT và Giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 01/7/2024.

Theo kế hoạch trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06 - Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.

Đây là một nỗ lực của Bộ Y tế trong chuyển đổi số lĩnh vực bảo hiểm y tế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy. Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).

Việc triển khai Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử và Giấy hẹn khám lại điện tử hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực. Phục vụ quản lý Nhà nước về công tác chuyển tuyến bảo hiểm y tế, tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế sát với thực tế.

Giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/tái khám. Đồng thời, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến; hỗ trợ cơ quan Bảo hiểm xã hội trong công tác giám định, thanh toán bảo hiểm y tế.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Trong năm 2023, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Cao Lãnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai mọi mặt công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm chăm lo người nghèo, tạo điều kiện cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Tổng giá trị các hoạt động thực hiện trong năm 2023 là hơn 30 tỷ 450 triệu đồng, trợ giúp cho rất nhiều trường hợp khó khăn. Nổi bật là phong trào "Tết nhân ái" Xuân Quý Mão năm 2023, cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", "Chợ nhân đạo", xây dựng 11 căn nhà, sửa chữa 01 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm chung tay xóa nhà tạm bợ, xiêu vẹo trên địa bàn Thành phố. Các mô hình thiện nguyện tại địa phương cũng duy trì hiệu quả như: "Bếp ăn nhân ái", "Bếp ăn tình thương", "Xe chuyển viện miễn phí". Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có giải pháp hỗ trợ phù hợp theo tình hình thực tế tại địa phương, mở rộng đối tượng cần hỗ trợ, góp phần lan tỏa sâu rộng truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Hội Chữ thập đỏ Thành phố sẽ tập trung thực hiện đạt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Rà soát, mở rộng đối tượng cần chăm lo, hỗ trợ. Tranh thủ vào sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, Hội cấp trên, mạnh thường quân, doanh nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.

Trong năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo của Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồng Ngự, hướng dẫn chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác phối hợp của uỷ ban nhân dân xã, phường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồng Ngự đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Các chỉ tiêu trên giao đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023, đã giới thiệu việc làm cho 2.858 lao động, đạt 114,3% kế hoạch; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được 131 lao động, đạt 124,7% kế hoạch Thành phố giao. Trong năm, đã vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" trên 100 triệu đồng; xây mới và sửa chữa 23 căn nhà cho người có công cách mạng, với tổng kinh phí trên 930 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,32%. Phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp và mạnh thường quân trong và ngoài Thành phố tích cực tham gia, mang lại những hiệu quả thiết thực.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hồng Ngự tích cực phối hợp với các phòng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; uỷ ban nhân dân các xã, phường trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2023, Uỷ ban nhân dân Thành phố giao chỉ tiêu bao phủ dân số tham gia BHYT giai đoạn 2022 - 2025 là 86%. Tính đến ngày 31/12/2023, toàn Thành phố có 66.503 người tham gia BHYT đạt 86,84%. Trong 2 ngày (06 - 07/01/2024), Hội Chữ thập đỏ, Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng phối hợp với Đoàn y, bác sĩ Hội nhãn khoa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khám sàng lọc, mổ mắt miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân nghèo trên địa bàn Huyện. Thông qua khám sàng lọc, toàn huyện Tân Hồng có 130 bệnh nhân nghèo tại các xã, thị trấn mắc bệnh lý về mắt được mổ miễn phí từ Chương trình "Ánh sáng ước mơ" do Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn tài trợ. Bình quân chi phí mỗi ca phẫu thuật khoảng 800.000 đồng. Đồng thời, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn còn trao tặng mỗi bệnh nhân phần quà gồm: Nhu yếu phẩm, mắt kính và 100.000 đồng tiền mặt. Tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội nói trên khoảng 130 triệu đồng. Qua đó, giúp các bệnh nhân được thuận lợi hơn trong sinh hoạt và cuộc sống sau khi phẫu thuật mắt.

Xác định nâng cao ý thức người dân trong việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật là "chìa khóa" bảo vệ môi trường. Thời gian qua, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đã được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Hồng đặc biệt quan tâm. Để góp phần hoàn thiện tiêu chí 17.8 về môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Hội Nông dân Huyện tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, thu gom vỏ chai bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, đồng thời triển khai và ra quân thực hiện mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại 08 xã và thị trấn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huyện tổ chức 59 lớp tập huấn về "Cấp và quản lý mã số vùng trồng"; "Kỹ thuật sản xuất quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản", lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, tuyên truyền vận động nhân dân thu gom vỏ chai bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bỏ vào bể chứa theo quy định. Hàng năm, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng để phòng trừ dịch hại trên địa bàn Huyện ước khoảng từ 12 đến 13 tấn, bình quân 0,5 - 0,7 kg/ha. Để tránh ô nhiễm môi trường từ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, Huyện bố trí 530 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Kết quả năm 2023 thu gom được 12,4 tấn vỏ chai, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, đồng thời hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Môi trường Tiến Phát vận chuyển và tiêu hủy theo đúng quy định về chất thải nguy hại. Năm 2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện tiếp tục triển khai công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải vỏ chai, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng; thực hiện đạt và duy trì chỉ tiêu 17.8 trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thu gom vào bể chứa; 100% lượng vỏ chai, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom xử lý theo quy định, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Năm 2023, Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Hồng có nhiều chương trình, phong trào, sáng kiến, mô hình như: "Tổ thuốc nam khám điều trị bệnh cấp thuốc nam miễn phí", "Vận động các tổ chức Tôn giáo tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo", "Hũ gạo tình thương"…. đồng thời, hưởng ứng thực hiện các phong trào do Trung ương Hội phát động như: "Tết Nhân ái", "Người tốt việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"… Ngoài ra, các cấp Hội Chữ thập đỏ Huyện đã tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về việc thực hiện cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo". Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào hiến máu nhân đạo, phong trào thi đua "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Bên cạnh đó, còn vận động chăm lo cho trên 5.790 lượt người, tổng trị giá gần 2 tỷ đồng; xây dựng 26 căn nhà tình thương, tổng trị giá trên 1 tỷ 200 triệu đồng, vận động tặng 2.403 thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2024, Hội Chữ thập đỏ Huyện tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ, hội viên và nhân dân về phong trào "Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế" và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Củng cố, duy trì và phát huy hiệu quả các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm vận động hiến máu tình nguyện; phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu hiến máu nhân đạo năm 2024. Phát triển đa dạng các mô hình công tác xã hội, xã hội hoá các mô hình an sinh xã hội do Hội Chữ thập đỏ Tỉnh tổ chức. Hội Chữ thập đỏ Huyện tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động nhân đạo, với mục tiêu tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, phối hợp, vận động thực hiện tốt phong trào "Tết nhân ái" Xuân Giáp Thìn 2024. Tham mưu với Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện Huyện tổ chức tốt hiến máu tình nguyện năm 2024; khảo sát nắm chắc các đối tượng cần được giúp đỡ, kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tập thể có tấm lòng hảo tâm; kịp thời hỗ trợ các đối tượng; tuyên truyền vận động cán bộ hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, nhất là tham gia thực hiện nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thông mới và nông thôn mới nâng cao, góp phần cùng Huyện hoàn thành Huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Ngày 09/01/2024, tại thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình đã diễn ra buổi giao lưu biểu diễn thể dục dưỡng sinh. Tham dự có 16 CLB thể dục dưỡng sinh đến từ các huyện trong và ngoài Tỉnh. Tại buổi giao lưu, các thành viên 16 CLB đã tổ chức đồng diễn tay không trên nền nhạc bài hát Việt Nam quê hương tôi. Sau đó, mỗi đơn vị biểu diễn 2 bài tự chọn như: Chachacha, Dân vũ, Võ Kiếm, Thái cực nón, Công phu phiến 52 thức, múa quạt,… các tiết mục được đầu tư công phu, thể hiện nhuần nhuyễn, uyển chuyển, trang phục biểu diễn đẹp mắt. Buổi giao lưu là dịp để các CLB thể dục dưỡng sinh có điều kiện gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời động viên tinh thần người cao tuổi tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Đây cũng là dịp để các cụ thể hiện tài năng văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giúp các cụ có tinh thần vui tươi, sảng khoái, tạo điều kiện cho các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Ngày 05/01/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lai Vung tổ chức buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nói chuyện chuyên đề phòng tránh và ngăn ngừa tình trạng lợi dụng xâm hại tình dục đối với trẻ em nữ cho hơn 60 đại biểu là cán bộ Hội cơ sở, chi, tổ hội và hội viên nòng cốt trên địa bàn Huyện. Tại buổi tuyên truyền, đại biểu được bà Đặng Ngọc Hương,  Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Huyện thông tin chuyên đề "Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em". Chuyên đề tập trung vào một số nội dung như: Thế nào là xâm hại tình dục trẻ em? Trẻ em nào có nguy cơ bị xâm hại tình dục? Các thủ đoạn của đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, tác hại của việc xâm hại tình dục, cách phòng tránh... Bên cạnh đó, bà Đặng Ngọc Hương còn chia sẻ về nguyên nhân đuối nước ở trẻ em, cách phòng tránh, xử lý khi gặp tai nạn đuối nước. Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn Huyện trong công tác phòng, tránh và ngăn ngừa tình trạng lợi dụng xâm hại tình dục đối với trẻ em nữ; phòng, chống đuối nước trẻ em, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ việc, góp phần cùng địa phương đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Năm 2023, huyện Lai Vung có 283 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, đạt tỷ lệ 176,9% chỉ tiêu Tỉnh giao, đứng đầu Tỉnh về công tác này. Huyện phấn đấu năm 2024 sẽ có 160 lao động tham gia đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Năm 2023, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Lấp Vò luôn được củng cố và phát triển bền vững; 100% xã, thị trấn, trường học có tổ chức khuyến học. Đến nay, Hội khuyến học Huyện có 48.358 hội viên (đạt tỷ lệ 26,77% dân số). Trong năm 2023, Quỹ khuyến học của Huyện đã vận động được trên 4.130.000.000 đồng và đã trao tặng 1.129 suất học bổng, trên 2.500 phần quà và 200 thẻ BHYT. Tiêu biểu, trong năm, Hội đã phối hợp với Hội Khuyến học Tỉnh, Đài PT và TH Đồng Tháp cùng các đơn vị tài trợ thực hiện trao tặng 03 suất học bổng chương trình "Gương sáng hiếu học" với tổng trị giá 76.700.000đ và 04 suất học bổng chương trình "Thắp sáng ước mơ" với tổng trị giá trên 285.500.000đ, tiếp tục thực hiện chương trình học bổng "Nuôi dưỡng ước mơ" do Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn tài trợ 10 suất, với số tiền 25.000.000đ. Các mô hình học tập, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt hiệu quả cao.

Năm 2023, Hội Chữ thập đỏ huyện Cao Lãnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội, phong trào chữ thập đỏ, công tác đông y, người mù đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng trị giá các hoạt động nhân đạo xã hội trong năm 31 tỷ 641 triệu đồng, tăng 2 tỷ 676 triệu đồng so năm 2022, đã trợ giúp cho 74.058 lượt người. Công tác xã hội nhân đạo có nhiều đổi mới, sáng tạo với các phong trào, cuộc vận động, chương trình như: "Tết Nhân ái", "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", "Ngân hàng bò"... Qua đó, các cấp Hội đã vận động nguồn lực trao tặng 12.105 suất quà; lập hồ sơ, trợ giúp 30.067 địa chỉ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cất mới 30 căn nhà, sửa chữa 10 căn Chữ thập đỏ và 27 căn nhà tình thương; hỗ trợ 16 con bò không tính lãi suất để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động công tác trên lĩnh vực người mù, đông y. Hội Chữ thập đỏ Huyện củng cố 37 chốt ứng phó thiên tai, thảm họa đường thủy, 4 chốt cứu hộ đường bộ. Tích cực tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, toàn huyện Cao Lãnh tiếp nhận 286 đơn vị máu. Ngày 09/01/2024, tại trường THPT Châu Thành 2, huyện Châu Thành, Hội Khuyến học Tỉnh phối hợp Hội Khuyến học huyện Châu Thành tổ chức trao học bổng "Nuôi dưỡng ước mơ" học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 cho 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi của trường THPT Châu Thành 1 và trường THPT Châu Thành 2. Mỗi suất học bổng là 2.500.000 đồng do Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn tài trợ nhằm chia sẻ phần nào khó khăn cùng gia đình các em. Đây cũng là niềm động viên to lớn giúp các em phấn đấu hơn nữa, tiếp bước trên con đường học tập.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ