Xuất bản thông tin

null Viện KSND huyện Tháp Mười kiến nghị UBND huyện một số giải pháp kéo giảm các khiếu kiện về hụi

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGDOANTHE

Viện KSND huyện Tháp Mười kiến nghị UBND huyện một số giải pháp kéo giảm các khiếu kiện về hụi

Thực tế người dân chơi hụi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau nên không làm sổ hụi... khi xảy ra tranh chấp rất khó đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án...

= = =

Hụi, họ, biêu, phường (sau đây gọi chung là hụi) là một hình thức giao dịch phổ biến, hình thành từ rất lâu đời trong nhân dân, với mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi, góp phần huy động vốn, giúp người dân có điều kiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế của gia đình, thúc đẩy xã hội phát triển.

Tuy nhiên bên cạnh những hiệu quả từ việc tham gia chơi hụi mang lại, qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án về tranh chấp hụi, Viện kiểm sát huyện nhận thấy vẫn còn nhiều trường hợp tổ chức chơi hụi chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định của Bộ luật Dân sự cũng như Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19). Điều này dẫn đến việc khi xảy ra vỡ hụi, người dân khiếu kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết ngày càng nhiều. Những vi phạm, thiếu sót chủ yếu là:

Thứ nhất, về hình thức thỏa thuận của dây hụi: đa số các trường hợp chơi hụi hiện nay đều được thể hiện bằng văn bản, nhưng nội dung thỏa thuận bằng văn bản này chưa đầy đủ các thông tin theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 19. Cụ thể nhiều dây hụi chỉ ghi tên hoặc tên thường gọi của các thành viên tham gia chơi hụi mà không ghi cụ thể họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên. Điều này dẫn đến có trường hợp chủ hụi phát sinh tranh chấp với hụi viên nhưng khi hụi viên không thiện chí, không thừa nhận mình có tham gia chơi hụi thì chủ hụi không có chứng cứ để chứng minh do không ghi đầy đủ thông tin của người chơi hụi.

Thứ hai, thiếu sót trong việc chủ hụi không cho hụi viên ký tên vào sổ hụi khi góp hụi và lĩnh hụi. Hụi viên không yêu cầu chủ hụi viết biên nhận khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định số 19. Điều này dẫn đến việc khi xảy ra tranh chấp, có trường hợp hụi viên đã góp hụi đầy đủ cho chủ hụi nhưng không làm biên nhận, khi xảy ra tranh chấp, chủ hụi cho rằng hụi viên chưa góp hụi thì hụi viên không có chứng cứ để chứng minh. Hoặc ngược lại chủ hụi thực tế đã giao tiền trúng hụi cho hụi viên nhưng không cho ký vào sổ hụi, khi xảy ra tranh chấp, hụi viên cho rằng mình chưa lĩnh hụi thì chủ hụi cũng không có chứng cứ để chứng minh.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 19/2019 thì chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; Tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Nội dung văn bản thông báo: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi; Thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; Tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi; Tổng số thành viên. Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông báo theo quy định mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho UBND xã nơi cư trú về việc thay đổi đó. Chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ Thông báo về tổ chức dây hụi thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Hiện nay chủ hụi vẫn chưa thực hiện tốt việc thông báo này, mặt khác UBND xã chưa có biện pháp kiểm tra để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước tại địa phương trong lĩnh vực này, góp phần tăng tính thực thi của Nghị định số 19 trên thực tế.

Chính từ những vi phạm, thiếu sót nêu trên dẫn đến trường hợp khi các bên có liên quan khởi kiện đến Tòa án, việc xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ của các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án vô cùng phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức của người tiến hành tố tụng và của các đương sự. Mặt khác, thời gian qua, việc vỡ hụi đã xảy ra ở nhiều nơi, phát sinh nhiều vụ kiện về dân sự gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm thiếu sót nêu trên chủ yếu là do thực tế người dân chơi hụi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau nên không làm sổ hụi, danh sách người tham gia, biên nhận khi giao nhận tiền hụi, giấy tờ ràng buộc, khi xảy ra tranh chấp rất khó đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án. Mặc khác một phần chủ hụi và hụi viên không nắm được quy định của pháp luật về việc tổ chức hụi cũng như tham gia hụi nên không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình.

Trước thực trạng nêu trên, Viện kiểm sát huyện Tháp Mười Mười đã kiến nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười một số giải pháp nhằm kéo giảm các tranh chấp về hụi trên địa bàn huyện: Có biện pháp chỉ đạo các ban ngành, nhất là đài truyền thanh huyện, UBND xã, hội nông dân, hội phụ nữ cấp xã đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị định số 19 để người dân biết, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia chơi hụi; kiểm tra, chỉ dẫn UBND xã trong quản lý việc tổ chức chơi hụi theo quy định tại Điều 14, Điều 28 Nghị định số 19. Chỉ đạo UBND xã, tổ chức tiếp nhận, thống kê thông tin về hụi phát sinh trên địa bàn, kịp thời phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hụi đến cơ quan Công an có thẩm quyền./.

Thanh Toàn- Viện KSND huyện Tháp Mười