Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Lê Thị Yển

LÊ THỊ YỂN
(1914 -      )

Bà Lê Thị Yển sanh năm 1914, ở cù lao Ông Chưởng, thuộc làng Kiến An (nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), con của ông Lê Văn Xách, một nông dân cần cù, chí thú làm ăn.

Gia đình ông Xách có ba người con. Con trai  đầu lòng là Lê Văn Nở và hai người con gái là Lê Thị Ngài và Lê Thị Yển. Khác với anh và chị, ngày từ nhỏ, bà Lê Thị Yển đã tỏ ra năng nổ trong mọi hoạt động, từ công việc lao động ruộng rẫy giúp gia đình đến quan hệ láng giềng.

Năm 20 tuổi, bà theo người dì ruột về Thông Bình (nay thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) làm ruộng sanh sống. Tại đây, bà quen biết và đi đến hôn nhân với một người Hoa kiều tên Gộc, làm nghề buôn bán hàng xáo. Qua năm sau, trên đường đi làm ăn, ông Gộc bị sét đánh chết.

Ba năm sau, bà tục huyền với ông Nguyễn Văn Phiên. Ông Phiên, tự Bảy Tài là một nông dân yêu nước ở Bình Thạnh (nay thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp); ông có người em là Nguyễn Văn Quốc (Tám Quốc). Cả hai anh em đều tham gia cách mạng, công tác tại xã Bình Thạnh.

Bà theo chồng về Bình Thạnh. Hai vợ chồng vừa ra sức khai phá được 5 công ruộng (đến năm 1966, lên đến 60 công), làm lụng nuôi dạy ba người con trai, vừa tham gia công tác cách mạng ở địa phương. Bà hăng say đi lại động viên các chị, các mẹ ủng hộ, tiếp tế lương thực, thuốc men, áo quần...cho bộ đội, du kích; động viên bà con trong xóm đấu tranh chống địch bắn bom, pháo bừa bải, cào nhà  qui dân, lập ấp chiến lược... Gia đình di dời chỗ ở rất nhiều lần, khi ở  Thông Bình, lúc về Bình Thạnh, nhưng ở đâu trong nhà bà bao giờ cũng có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Số cán bộ được bà nuôi chứa rất nhiều, đến nay, mặc dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng bà vẫn còn  nhớ được, đó là các đồng chí: Sáu Câu, Bảy Ruộng (Lâm Văn Cừ), Ba Lê Hiếu (Lê Văn Liêu), Mười Nhẹ (Nguyễn Xuân Trường), Út Thu (Võ Cuốn)...

Ảnh hưởng truyền thống gia đình và phong trào cách mạng địa phương, các con bà lần lượt giả từ mái ấm gia đình lên đường tham gia cách mạng:

Anh Nguyễn Văn Khoan (Phan) sanh năm 1935, tham gia cách mạng năm 1960, là chiến sĩ của Tỉnh đội Sa Đéc, chiến đấu và hy sinh năm 1963, lúc 28 tuổi, tại đồn Tiên Lữ (Campuchia), hài cốt hiện nay chưa tìm được. Anh có vợ và một con, nhưng đã chết hết.          

Anh Nguyễn Văn Đực sanh năm 1937, tham gia cách mạng năm 1961, du kích xã Bình Thạnh, hy sinh năm 1965 tại Thông Bình, lúc 28 tuổi. Hài cốt an táng tại nghĩa trang Tam Nông

Anh Nguyễn Văn Bé (Bá) sanh năm 1940, tham gia cách mạng năm 1960, hy sinh năm 1963 ở chiến trường Mỹ Tho; hiện nay chưa tìm được hài cốt.

Tháng 5-1966, khi chồng bà, ông Nguyễn Văn Phiên, đang phụ trách Bí thư xã Bình Thạnh, bị giặc bắt trong một trận càn. Giặc đánh đập dã man để khai thác, ông một mực giữ khí tiết người đảng viên, không khai báo; nên chúng đánh ông đến chết.

Những mất mát vô cùng to lớn, những tiếc thương khôn tả, tưởng chừng có thể đánh quỵ được bà. Nhưng bà nén thương đau, tiếp tục công việc ủng hộ cách mạng thầm lặng: nuôi chứa, tiếp tế cho cán bộ, du kích... tiếp tục theo con đường mà chồng con đã đi.

Do những hy sinh, đóng góp to lớn của gia đình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 1994, bà được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện bà vui sống tuổi già với mấy người cháu nội, con của anh Đực, và trong sự đùm bọc yêu thương của bà con trong ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh.

  

 

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow