Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Phạm Văn Tứ

PHẠM VĂN TỨ

(1767 - 1834 )

Ông Phạm Văn Tứ, gốc người Đàng ngoài (1), theo gia đình vô Nam vào khoảng nửa đầu thế kỷ 18, định cư ở thôn Định An (Định Yên), huyện Đông Xuyên, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc hai xã Định Yên, Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Tương truyền, khi bị quân Tây Sơn truy tầm, có đoàn thuyền chúa Nguyễn Ánh chạy lánh nạn qua con rạch để tìm đường qua sông Hậu, thì thuyền bị vô nước, phải kéo lên bờ để trét chai và lấp vò, rồi mới đi tiếp được. Nơi ấy, về sau có địa danh là “Lấp Vò” (?).

Cũng tại đây, ông Phạm Văn Tứ nhờ có sức  mạnh phi thường, lại thêm võ nghệ cao cường nên được thu nhận làm bộ hạ dưới trướng của chúa Nguyễn, cùng thời với ông Lê Văn Duyệt.

Nhờ lập được nhiều công trận, ông Phạm Văn Tứ được phong Tham Tán Quân Vụ Thần Sách Quân Hổ Oai - Khinh Xa Đô Úy. Do vậy, ông được dân chúng tôn kính gọi là ông THAM THẦN TỨ (2). Làm quan chẳng được bao lâu, ông xin lui về khẩn hoang, lập ấp.

Thuở ấy, vùng đất Định An - Định Yên hãy còn hoang vu, rừng rậm um tùm, thú dữ dẫy đầy. Dân trong vùng mỗi khi vô đìa bắt cá, vô rừng đốn củi, thường bị hùm beo sát hại, khiến ai cũng khiếp đảm chẳng dám đi xa. Không thể ngồi yên nhìn dân chúng khốn khổ, ông Tham Thần Tứ ra tay diệt thú dữ, trừ hại cho dân. Khi gặp cọp, ông đánh đuổi chúng bằng tay không. Từ đó, bầy cọp beo trong vùng, hễ nghe thấy ông thì khiếp sợ, kinh hoàng bỏ chạy… Nhờ vậy, dân trong làng ngày càng mở mang, khai khẩn thêm ruộng đất, có được cuộc sống an lành. Mỗi khi cọp xuất hiện, dân chúng đều đồng thanh hô: “Bớ ông Tham Thần ! có cọp ! có cọp!....” thì chẳng những một con cọp mà cả bầy cọp cũng hoảng sợ bỏ chạy vô rừng. (3)

 

(1) Theo ông Phạm Minh Tâm, sanh năm 1928, là hậu duệ của họ Phạm, thì ông Phạm Văn Tứ người gốc huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Định. Hiện ở  ấp An Lạc, xã Định An ( Lấp Vò) còn khu mộ cổ xây bằng đá ong Biên Hòa rộng mỗi cạnh chừng 14m, đó là mộ Tổ mẫu và Chánh thất; gần đó là các mộ của tử tôn, tằng huyền của ông Phạm Văn Tứ…

(2) Cũng có khi do kiêng kỵ gọi tên húy người có chức tước, người ta còn gọi chệch đi : ông Tham Thần Tướng (Tướng là vì ông là quan võ chứ không phải là quan văn)

(3) Trong vùng còn truyền tụng: Đìa Hổ giảo là nơi cọp thường bắt người đến đây ăn thịt, không một ai dám bén mảng đến nơi này. Xưa ở xép Bà Vạy có một nông dân vô đìa bắt cá, bị hổ vồ, người nông dân này cố chạy, nhưng vì gai góc, dây mây …mắc vướng cả búi tóc trên đầu ! May nhờ có người tri hô “Kêu bớ ông Tham Thần !...” nên hổ sợ bỏ chạy trốn vô chùa Giồng Kè. Ông sư trong chùa lấy đệm đậy hổ lại. Ít hôm sau hổ mang đến sau chùa một con heo rừng đền ơn cứu tử (?!). Lại có chuyện kể: Ông Tham Thần Tứ có “Nhãn lực siêu nhân”, mỗi khi ông nhìn thẳng vào ai, người đó phải khiếp đảm, rụng rời. Những vụ kiện tụng trong làng, ông xử  án công minh, trước cặp mắt thần lực nhìn thẳng của ông, kẻ gian phải thú nhận tội lỗi, sai trái của mình. Có lần, một đứa trẻ hái trái trên cây, ông tình cờ đi dạo đến, nghe tiếng động, ông nhìn thẳng lên cây, đứa bé kinh hãi buông tay rớt xuống nhưng được ông kịp thời nhãy đến ôm gọn trong tay, sợ trẻ thơ phải chết oan hoặc thương tật vì cái nhìn của mình. Một chuyện khác được kể là trước khi theo chúa Nguyễn, trong vùng có tên “Cai Ghẹ” dựa thế quan phủ ức hiếp dân làng, tự kiêu cho là võ nghệ của mình không ai bằng. Ông Phạm Văn Tứ ra tay thách đấu với Cai Ghẹ bằng giao ước: “Hễ ai chết không được thường mạng”. Chỉ một hiệp đấu, bằng vài thế võ bí hiểm, ông TỨ đã hạ địch thủ mạng vong….

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow