Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

null Ba “từ khóa” quan trọng của dự luật PPP

Chi tiết bài viết Nghiên cứu trao đổi

Ba “từ khóa” quan trọng của dự luật PPP

Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) quả thực rất khó và phức tạp. Không phải vì đây là lần đầu tiên Quốc hội bàn đến việc ban hành một đạo luật riêng về phương thức đầu tư này, mà bởi chúng ta đã có những “tiền lệ xấu” trong thực hiện một số dự án khiến dư luận xã hội bức xúc và phản ứng. Chính vì thế, “chặt chẽ” và “minh bạch” được xem là hai từ khóa quan trọng nhất của dự luật này. Nhưng có lẽ, cần bổ sung một từ khóa nữa, đó là “hấp dẫn”, bởi nếu không “hấp dẫn” được nhà đầu tư sẽ chẳng có dự án đối tác công - tư, cũng chẳng cần đến “chặt chẽ” và“minh bạch”.

“Nếu tôi là doanh nghiệp, đọc xong là thôi, không đầu tư”

Rất nhiều câu hỏi liên quan đến cả 3 từ khóa kể trên đã được đặt ra tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khu vực tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân - đối tượng đang mong đợi Quốc hội ban hành Luật PPP có thấy yên tâm đầu tư và thấy được khuyến khích tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công - tư hay không? Chúng ta đã trao đổi ý kiến với đối tượng chịu sự tác động này chưa và họ phản hồi như thế nào, đã cảm thấy dự luật này được hay chưa? Nếu chúng ta là doanh nghiệp mà đọc dự thảo luật này, liệu chúng ta có dám bỏ tiền ra để đầu tư hay không? Dự luật có tốt hơn hay là quá khắt khe so với trước khi ra luật này? Đặt ra hàng loạt câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ, trước khi Quốc hội ban hành Luật PPP, chúng ta đã thu hút được khá nhiều dự án đầu tư theo hình thức này, nhất là các dự án BOT giao thông, nhưng sau đó do yếu kém trong công tác quản lý, dẫn đến phản ứng của nhân dân, những người sử dụng những công trình BOT, khiến cho phương thức đầu tư này gần như bị chững lại.

Nguồn: ITN

Chúng ta ban hành Luật PPP với mong muốn khuyến khích, thúc đẩy khu vực tư nhân bỏ tiền ra cùng với Nhà nước đầu tư vào những công trình, những lĩnh vực cần thu hút vốn. Vậy thì dự luật này liệu có thay đổi được diện mạo của việc huy động vốn khu vực tư nhân vào thực hiện những mục tiêu của Nhà nước hay không? Nếu có Luật PPP mà không giải quyết được vấn đề gì thì không đạt được mục tiêu. “Nếu tôi là doanh nghiệp, tôi đọc cái này xong là thôi, không đầu tư”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một thực tế, hiện nay nói tới BOT là không có doanh nghiệp nào tha thiết làm nữa. Trong bối cảnh đó, chúng ta sinh ra thêm một luật quy định nhiều vấn đề mới, chẳng hạn như giám sát cộng đồng với “bao nhiêu hồ sơ, thủ tục, trình tự, quy trình” thì có khả thi hay không? Dự luật có 2 điều về giám sát cộng đồng, trong đó, giám sát cộng đồng trên địa bàn thực hiện dự án thì Mặt trận Tổ quốc chủ trì, các tổ chức thành viên lập kế hoạch giám sát hàng năm, thành lập Ban giám sát, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng về kế hoạch giám sát và thành phần Ban giám sát. Ban Giám sát có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước trả lời về các vấn đề thế này, thế nọ, yêu cầu cung cấp thông tin về tiến độ kế hoạch... Chúng ta đang kêu gọi thu hút đầu tư PPP mà “đẻ” ra bao nhiêu trình tự, thủ tục, hồ sơ vượt quá năng lực, thẩm quyền không thực tế như thế thì có nên không?

Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, đọc dự thảo Luật thấy “giống một văn bản của Chính phủ về quy định giám sát các công trình xây dựng nông thôn mới”. Các công trình như vậy thì có thể giám sát cộng đồng ở dân cư chứ các dự án PPP là những công trình hiện đại, quy mô lớn, đưa vào dự luật như vậy là không phù hợp. “Tôi e rằng làm không nổi. Nay mai khi kiểm tra, thanh tra hỏi tại sao không làm việc này, mà việc này người dân không làm được. Nếu quy định thì quy định ở khung nào. Điều 90, 91, dự thảo Luật diễn đạt như thế tính khả thi không cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhận xét.

Hay quy định về kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP, theo quy định của dự luật thì Kiểm toán Nhà nước kiểm toán trước khi dự án PPP triển khai, dự án làm xong lại kiểm toán lần thứ hai. Điều này có khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế hay không? “Kiểm toán hoạt động của cả một dự án thì rất nhiều vấn đề. Từ quá trình lập, xây dựng, vận hành, chuyển giao, tính toán... Kiểm toán hoạt động khác với kiểm toán dự án. Quan điểm của tôi nên thận trọng kiểm toán, chứ không đặt cơ quan kiểm toán cũng giống như giám định tư pháp, sẽ dẫn đến tình trạng cơ quan kiểm toán phải đi trước hoạt động của cơ quan thẩm định. Mặc dù có thể ta nghĩ quy định này có căn cứ tốt để nâng cao hiệu quả, nhưng thực ra hơi trái với những thông lệ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

Phải thật sự “chín”

Đến thời điểm này, dự luật PPP đã trải qua nhiều công đoạn lấy ý kiến, thảo luận chuyên gia, thảo luận tại Quốc hội, “gút” lại những vấn đề cần giải trình tiếp thu, chỉnh lý, để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới. Dẫu vậy, dự luật vẫn còn nhiều vấn đề lớn, cốt lõi chưa được làm rõ, khiến Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đều phải nhấn mạnh yêu cầu hết sức thận trọng trong việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật này.

Đơn cử như vấn đề bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của dự luật. Đồng ý dự luật này cần có và phải có nhiều cơ chế đặc thù, nhưng cơ bản vẫn phải bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, “không phải có cơ chế đứng trên cả hệ thống pháp luật, phá vỡ toàn bộ các quy định của hệ thống pháp luật là không được”. Hay lĩnh vực đầu tư PPP cũng cần tiếp tục rà soát. Mặc dù, dự luật đã có điều chỉnh, thu gọn so với dự thảo Luật trình Quốc hội lần đầu, nhưng so với thực tế vẫn rộng. Thậm chí, nếu tính thêm cả Khoản 2, Khoản 3, Điều 5, thì lĩnh vực đầu tư PPP còn rộng hơn nữa. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu không tính toán đầy đủ các vấn đề liên quan đến nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực đầu tư chung. Đầu tư PPP cần khuyến khích nhưng vẫn phải tuân thủ đúng tinh thần việc gì, lĩnh vực nào tư nhân làm được thì để tư nhân làm, chỉ những lĩnh vực đầu tư công nhưng Nhà nước gặp khó khăn về nguồn lực thì mới áp dụng phương thức Nhà nước và tư nhân cùng làm.

Một vấn đề nữa, phải làm rõ là các chính sách của Nhà nước đối với dự án PPP được quy định tại Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74, nhất là đối với dự án mà ngân sách Nhà nước sẽ tham gia và tham gia ở mức độ nào. Ví dụ giải phóng mặt bằng hay dự án mang tính chất hỗ trợ thì hỗ trợ như thế nào? Dự án có sự đầu tư góp vốn thì như thế nào? Quá trình quản lý vốn, quản lý tài sản, thu hồi vốn ra sao? “Mặc dù đã có quy định tại Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, nhưng vẫn phải có quy định cụ thể để xử lý những vấn đề về vốn. Nhà nước bỏ tiền đầu tư thì Nhà nước phải quản lý tài sản đó. Vậy quản lý như thế nào cũng cần phải làm rõ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý.

Hay cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cũng phải tính toán hợp lý, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Dự án PPP mà chỉ nói đến nhà đầu tư, Nhà nước, không nói đến người dân là không được. Do vậy, phải rà soát Điều 80, Điều 81, Điều 82, đặc biệt là Điều 83, làm rõ khi nào thì chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào? Rủi ro nào thì Nhà nước phải chịu, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu? Cứ giảm doanh thu, Nhà nước phải bỏ tiền ra thì rất vô lý; chỉ do thiên tai, địch họa, bất khả kháng, còn do tính toán không đúng, đầu tư không đúng thì nhà đầu tư phải tự chịu. Có thể chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu hay chỉ chia sẻ rủi ro khi thua lỗ, mất vốn...  phải làm rõ và đưa ra các phương án để thảo luận thật kỹ, chứ không chỉ chọn một phương án duy nhất là giảm doanh thu. Nếu giảm doanh thu thì chúng ta cũng phải gánh chịu những thiệt hại ở một số dự án hiện nay. “Cho nên, phải cân nhắc nếu không sẽ thành gánh nợ cho quốc gia khi chúng ta thực hiện tràn lan các dự án PPP”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cảnh báo.

Sau Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cơ quan trình, cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cố gắng giải trình, làm rõ tối đa các nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự luật, trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét. Dự luật cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét lại một lần nữa trong phiên họp tháng 4 trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới. Trong trường hợp các vấn đề của dự luật vẫn chưa thật sự “chín”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không loại trừ khả năng sẽ báo cáo Quốc hội lùi thời điểm xem xét, thông qua dự luật thêm một kỳ họp nữa.

Việc làm thật rõ, xem xét thật thấu đáo những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau như đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra sẽ giúp dự luật tìm được sự cân bằng giữa ba từ khóa quan trọng nhất “hấp dẫn”, “chặt chẽ” và “minh bạch”. Đó cũng là sự bảo đảm để dự luật có thể thuyết phục được Quốc hội thông qua.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/