Xuất bản thông tin

null Mô hình làm ăn hiệu quả từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Mô hình làm ăn hiệu quả từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm

Mô hình làm ăn hiệu quả từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, theo Nghị quyết 11/NQ-CP giúp người dân có việc làm ổn định cuộc sống

Ngay sau khi được giao chỉ tiêu vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ (Nghị quyết số 11) về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lấp Vò khẩn trương đưa nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách sớm vượt qua khó khăn. NHCSXH Lấp Vò được giao thực hiện 4 chương trình cho vay ưu đãi với tổng số tiền 25 tỷ đồng. Trong đó, vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 11 tỷ đồng.

 

Vườn rau thủy canh của gia đình chị Hồ Thị Thơm ấp An Hòa xã Định An huyện Lấp Vò.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả NQ11, NHCSXH Lấp Vò chủ động báo cáo Ban đại diện HĐQT NHCSXH Huyện phân bổ kịp thời nguồn vốn đến các xã, thị trấn, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng theo NQ 11 về tận cấp xã,  khóm, ấp và đến hộ nghèo, các đối tượng chính sách và hoàn chính hồ sơ cho vay kịp thời, nhờ đó, nguồn vốn nhanh chóng tiếp cận với người dân.

Chị Hồ Thị Thơm ngụ ấp An Hòa xã Định An huyện Lấp Vò, chủ vườn trồng rau thủy canh tâm sự, do dịch COVID-19 làm ảnh hưởng ít nhiều đến công việc và thu nhập, công việc thì bấp bênh, thu nhập ít không đủ trang trải cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đang khó khăn thì thông qua ủy thác Hội Nông dân xã Định An, chị Hồ Thị Thơm được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Chị đã đầu tư, mua sắm, ống nhựa, công cụ và lưới bao để làm gần 500m2 vườn để trồng rau thủy canh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2 lao động tại địa phương.

Với vườn rau thủy canh chuyên trồng 3 loại rau chủ yếu là rau Cải xanh; rau cải ngồng và cải ngọt, thời gian sinh trưởng của rau từ 20 đến 30 ngày là thu hoạch, với cách trồng luân phiên theo líp đã tạo được việc làm cho 2 lao động ổn định thu nhập bình quân hàng tháng từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/lao động và khi rau thành phẩm có thương lái đặt mua bao tiêu sản phẩm ổn định đầu ra được người tiêu dùng đáng giá cao về chất lượng và tính an toàn của rau khi sử dụng.

Trong năm 2022, NHCSXH Huyện đã thực hiện giải ngân theo NQ11 đến 605 lượt hộ vay vốn với số tiền 25 tỷ đồng. Trong đó, cho vay 210 lượt lao động được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, số tiền 11 tỷ đồng. Đến cuối tháng 2/2023, tổng dư nợ cho vay NHCSXH Lấp Vò đang thực hiện hơn 402 tỷ đồng với 13.960 khách hàng vay vốn. Trong đó, dự nợ cho vay theo NQ11 là 25 tỷ đồng, với 595 khách hàng còn dư nợ. Các chương trình cho vay theo NQ11 đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Trong thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục tranh thủ tối đa nguồn vốn bổ sung và nguồn vốn theo NQ11 tập trung giải ngân cho vay theo 4 chương trình của NQ11. Đồng thời, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị nhận ủy thác củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức mạng lưới, nhất là mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

Văn Thư