Xuất bản thông tin

null Lấp Vò: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cơ hội việc làm và thu nhập

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Lấp Vò: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cơ hội việc làm và thu nhập

Huyện Lấp Vò có tổng dân số trên 180.000 nhân khẩu với tỷ lệ lao động nông nghiệp đạt 39,6% trong tổng số lao động xã hội. Để tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, thời gian qua, các cấp, các ngành trong huyện Lấp Vò tập trung triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề và đạt nhiều kết quả tích cực.

Quang cảnh khai giảng lớp sửa kiểng bonsai ở xã Mỹ An Hưng A

Để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Uỷ ban nhân dân Huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp với các Hội, đoàn thể từ Huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thôn bằng nhiều hình thức như: lồng ghép tuyên truyền, tư vấn học nghề thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, sàn giao dịch việc làm…; kết hợp tuyên truyền tư vấn trực tiếp và trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội Zalo và trang Fanpage..., để cung cấp thông tin cho người học về ngành nghề, tuyển sinh, thị trường lao động, chế độ, chính sách học nghề của Đảng, Nhà nước.

Hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tham mưu Uỷ ban nhân dân Huyện ban hành Kế hoạch dạy nghề hằng năm trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương và doanh nghiệp. Phối hợp tổ chức tốt công tác vận động và đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức thu nhập trung bình, hộ mới thoát nghèo (trong 36 tháng kể từ thời điểm thoát nghèo); chú trọng đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất, hoàn cảnh và khả năng của từng người lao động.

Các học viên thực hành sửa kiểng bonsai theo hướng dẫn của giáo viên

Đội ngũ giáo viên tham gia dạy nghề được hợp đồng ở các trường cao đẳng, trung cấp. Tất cả giáo viên đều có sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học và rất nhiệt tình, nắm vững kiến thức bài dạy; khả năng truyền đạt rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hành; có đạo đức tác phong tốt và gần gũi với người học. Việc tổ chức mở các lớp đào tạo nghề luôn gần với nơi cư trú của người lao động, linh động bố trí thời gian học tập hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của người lao động, của từng lớp học, đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất để người lao động tham gia học nghề. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề hiện nay. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ cuối năm tổ chức đánh giá lại chương trình, giáo trình đào tạo đã ban hành; cập nhật, bổ sung chương trình, giáo trình, những thay đổi trong các môn học, nội dung chuyên môn để phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động.

Kết quả thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức mở 13/23 lớp, với số lượng 326 học viên, đạt 56,52% so với kế hoạch, với các nghề như nghiệp vụ Bàn - Buồng; vận hành sửa chữa máy phun xịt thuốc; sửa kiểng bonsai; trang điểm làm tóc; kỹ thuật chăm sóc móng và tóc; chế biến bảo quản thuỷ sản theo nhu cầu đào tạo của Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI. Ngành Nông nghiệp phối hợp triển khai 02 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, gồm: Kỹ thuật trồng hoa màu xã Định Yên; kỹ thuật trồng sầu riêng theo hướng VietGAP xã Long Hưng A. Các học viên sau đào tạo nghề đều có việc làm ổn định. Tính đến ngày 18/8/2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo 75,7%, đạt 99,61% kế hoạch; trong đó, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 56,7%, đạt 99,47% kế hoạch.

Lễ khai giảng lớp Kỹ thuật chăm sóc móng và tóc tại xã Định Yên

Những kết quả đạt được của công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới của huyện Lấp Vò. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện như: một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên, chưa đạt yêu cầu và sát với tình hình thực tế; phần lớn lao động nông thôn vẫn còn tâm lý ngán ngại đăng ký đi học nghề, chưa thấy hết được lợi ích của việc học nghề, chủ yếu muốn học các nghề đơn giản, dễ học, có việc làm ngay; một bộ phận người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhưng không đăng ký học nghề để tham gia lao động cải thiện cuộc sống.

Đồng chí Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Huyện trao đổi với các học viên tham gia lớp đào tạo nghề

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân Huyện tiếp tục lãnh đạo quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề để nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác này; quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ tư vấn dạy nghề, đội ngũ giáo viên tham gia dạy nghề; tăng cường nắm bắt, dự báo được những ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lâu dài của doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhiều tổ chức cùng tham gia khảo đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn./.

 Đăng Khoa