Xuất bản thông tin

null Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp

Bài viết Bài viết

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp

Nguyễn Bích Ngọc

Giảng viên – Khoa Xây dựng Đảng

I. Đặt vấn đề

Nguồn nhân lực du lịch cộng đồng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả kinh doanh du lịch. Do đó, quan tâm đến việc tuyển dụng hiệu quả nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng đội ngũ lao động lành nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, phục vụ mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất, tăng khả năng cạnh tranh bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập với môi trường du lịch quốc tế. Xét trên bình diện cả nước, với những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ và chính quyền Tỉnh về đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” này, du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã có nhiều bước phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ du lịch tương đồng với đà phát triển không ngừng của nền kinh tế - xã hội, du lịch cộng đồng của Tỉnh dần bộc lộ những hạn chế, bất cập trong đó vấn đề đáng quan tâm là chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có sự đánh giá đầy đủ thực trạng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng của Tỉnh từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động này là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

II. Nội dung nghiên cứu

1. Thực trạng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp

Thời gian qua, việc tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng trên địa bàn Tỉnh luôn được các chủ hộ kinh doanh du lịch và doanh nghiệp thường xuyên quan tâm nhưng công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, do thiếu hụt lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao nên buộc các chủ hộ kinh doanh phải tuyển dụng số lượng lớn nhân viên chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu là thanh niên và người lao động ở địa phương có trình độ học vấn ở bậc phổ thông, không am hiểu về du lịch cộng đồng, còn yếu về các kỹ năng cần thiết như: giao tiếp, thuyết minh, hướng dẫn Nhìn chung, việc tuyển dụng chủ yếu đáp ứng về mặt số lượng, còn về chất lượng tồn tại nhiều hạn chế. Ngoài ra, vào những lúc lao động địa phương đi làm ở nơi khác hoặc tìm kiếm công việc khác thì tình trạng thiếu về số lượng và yếu về chất lượng sẽ cùng lúc xảy ra.

         Về hình thức tuyển dụng: Nguồn nhân lực du lịch cộng đồng chủ yếu làm việc theo thời vụ, bán thời gian nên phần lớn các cơ sở tuyển dụng nhân sự trực tiếp từ nguồn lao động tại chỗ, không có hợp đồng tuyển dụng cụ thể, chỉ thông qua các giao ước giữa chủ hộ kinh doanh du lịch và người lao động. Vì vậy, mức lương cũng tùy theo thời điểm và công việc mà có sự chênh lệch, rất ít các khu, điểm du lịch cộng đồng trả lương cố định hàng tháng trừ các khu, điểm chuyên phục vụ ăn uống, homestay… có nguồn khách quen nhiều và lượng khách ổn định, còn lại phần lớn các điểm có quy mô nhỏ, làm theo hình thức tự tổ chức kinh doanh, bỏ công làm lời, chủ yếu tận dụng nguồn nhân lực chính trong gia đình của mình. Nhiều hộ kinh doanh cũng không có tiêu chí cụ thể đối với việc tuyển dụng. Ở các khu, điểm du lịch cộng đồng, nhân viên đôi khi đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò, nhiều công việc như: phục vụ, dọn dẹp vệ sinh, lễ tân, hướng dẫn, một số điểm còn kết hợp thuê lao động phục vụ du lịch và sản xuất nông nghiệp cùng một người. Chẳng hạn trong các tháng thấp điểm tại khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, chủ hộ kinh doanh đã kết hợp thuê lao động thu hoạch sen (cắt, lột, phơi hạt sen) với việc phục vụ thức ăn, dọn dẹp vệ sinh những lúc có khách để tiết kiệm chi phí thuê lao động.

         Về hình thức làm việc: Nguồn nhân lực du lịch cộng động thường làm việc bán thời gian hoặc trả lương theo từng tháng nhưng phần lớn làm việc bán thời gian. Chẳng hạn vào những dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần, khách có đặt trước dịch vụ, cơ sở cần thêm người phục vụ thì các chủ hộ kinh doanh sẽ liên hệ với các thanh niên tại địa phương hoặc nhờ con cháu trong gia đình để tăng cường thêm nhân lực. Còn những ngày bình thường thì chủ yếu là người thân trong gia đình tự tổ chức quản lý, chế biến món ăn và phục vụ du khách. Trung bình các khu, điểm du lịch cộng đồng có tầm 5 – 7 người (cả quản lý và nhân viên) tùy theo quy mô và hình thức kinh doanh. Phí thuê nhân viên mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, nếu thuê ngày thì trung bình 250.000đồng/ngày. Xét trên tổng thể thì đa số là người nhà làm du lịch, chỉ có khoảng 4% điểm kinh doanh là có thuê nhân viên chuyên nghiệp [1].

         Nhìn chung, đa số các khu, điểm du lịch cộng đồng thực hiện việc tuyển dụng lực lượng lao động chưa qua đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, nguồn tuyển dụng chủ yếu là lực lượng thanh niên và người lao động ở địa phương có trình độ học vấn chỉ ở bậc phổ thông hoặc tận dụng nguồn nhân lực là người nhà thiếu về các kỹ năng cần thiết không am hiểu về du lịch cộng đồng. Hình thức làm việc bán thời gian, có tính thời vụ cao cùng với mức lương thấp khiến cho nguồn lao động thiếu ổn định, điều này gây khó khăn lớn cho công tác tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao.

         2. Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp

 Chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng trước hết tùy thuộc vào công tác tuyển dụng nhân sự và sử dụng lao động của các chủ hộ kinh doanh và doanh nghiệp khai thác du lịch. Qua khảo sát thực trạng cho thấy, do việc làm thường mang tính thời vụ (tháng thấp điểm thường có ít hoặc không có việc làm), công việc bấp bênh, thu nhập thấp (bình quân 5 triệu/tháng), hoạt động của doanh nghiệp nhỏ lẻ, manh mún nên việc tuyển dụng nhân sự có trình độ cao được đào tạo bài bản là rất khó khăn. Các chủ cơ sở khai thác chủ yếu sử dụng người nhà hoặc tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương có trình độ thấp, giá thuê rẻ, vì vậy nguồn nhân lực du lịch cộng đồng của Tỉnh phần lớn yếu về chất lượng và thường thiếu số lượng vào các mùa cao điểm có nhiều khách du lịch cộng đồng đến tham quan, trải nghiệm. Để cải thiện tình trạng này, cần có giải pháp thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, được đào tạo bài bản về kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ thông qua các cơ chế chính sách phù hợp.

Thứ nhất, Tỉnh cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong việc xây dựng các chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao cho du lịch cộng đồng trong đó có trách nhiệm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Tài chính, ngành Ngân hàng, ngành Kế hoạch và Đầu tư, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Bảo hiểm.... Cơ chế này sẽ hỗ trợ tích cực các cơ sở khai thác du lịch trong việc tìm kiếm nguồn tuyển dụng có chất lượng, đảm bảo đủ số lượng cho các vị trí công việc nhất là vào mùa cao điểm, đảm bảo thu nhập cho người lao động vào mùa thấp điểm khi việc làm ít hoặc không có việc làm thông qua các biện pháp tăng chế độ chính sách hấp dẫn thu hút người lao động, như: miễn, giảm thuế doanh nghiệp, ưu đãi vốn vay, đơn giản hóa thủ tục hành chính để phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm. Đây được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để tuyển dụng, thu hút sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề chuyên ngành du lịch hoặc các lao động có tay nghề cao, có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực du lịch cộng đồng về làm việc tại các khu, điểm du lịch cộng đồng.

Thứ hai, các chủ doanh nghiệp khai thác du lịch cộng đồng cần chủ động liên hệ với các trung tâm hay các trường đào tạo ngành du lịch để liên kết đặt hàng tuyển dụng những sinh viên hay học viên giỏi phục vụ cho các hoạt động khai thác, như: hướng dẫn viên, thuyết minh viên, quản lý nhân sự, quản trị kinh doanh v.v... Ngoài ra, chủ cơ sở cũng cần chủ động mời các trường hay các trung tâm đào tạo gửi sinh viên, học viên đến thực tập để tạo cơ hội cho họ tiếp cận cơ sở khai thác từ đó thu hút, giữ chân họ ở lại làm việc cho đơn vị mình.

Thứ ba, trong công tác tuyển dụng, người quản lý cần công khai số lượng nhân sự cần tuyển, bảng mô tả công việc tương ứng với từng vị trí việc làm, các tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, sức khỏe, thái độ... đối với từng loại hình công việc, đồng thời cam kết các chế độ chính sách thỏa đáng để thu hút nhiều ứng cử viên đến dự tuyển. Trong thực tế, càng có nhiều ứng viên dự tuyển thì việc tuyển chọn càng có chất lượng tốt. Vì vậy, thông tin tuyển dụng cần phải sớm được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đăng tải trên Website của doanh nghiệp, các bảng thông báo v.v...

Thứ tư, các cơ sở khai thác du lịch cộng đồng cũng cần liên kết với nhau để thực hiện mô hình “cho thuê lại” những nhân sự có chất lượng tốt từ cơ sở tạm thời thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động do tính thời vụ của sản phẩm khai thác hoặc vào mùa thấp điểm. Điều này vừa giải quyết bài toán thiếu nhân sự ở những cơ sở hoạt động mạnh do tính không ổn định của hoạt động du lịch cộng đồng, vừa giúp giải quyết việc làm cho những lao động ở những cơ sở hoạt động hạn chế, qua đó không để nguồn nhân lực du lịch cộng đồng có tay nghề cao phải bỏ nghề để sang làm những công việc khác.

Thứ năm, để khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, các chủ cơ sở khai thác du lịch cộng đồng phải đặc biệt quan tâm đến việc bố trí, sử dụng nhân sự đúng với vị trí, năng lực, sở trường và phù hợp với trình độ, chuyên ngành đào tạo của từng người theo hướng chuyên môn hóa, để người lao động phát huy hết năng lực, chuyên môn của mình cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Thứ sáu, các chủ doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ người lao động một cách thỏa đáng để tạo sức hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại đơn vị. Ngoài chính sách lương bổng thỏa đáng theo từng vị trí việc làm, trình độ được đào tạo và hiệu quả cống hiến cho doanh nghiệp, các cơ sở khai thác cần phải luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động để họ an tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tạo động lực để họ phát huy tinh thần học tập nâng cao năng lực, trình độ nhằm tiếp tục khẳng định mình. Thực tế khảo sát cho thấy, do chế độ lương bổng thấp, công việc bấp bênh do tính thời vụ nên đa số các lao động tại các khu, điểm du lịch cộng đồng ít có tâm huyết với việc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, từ đó chất lượng nguồn nhân lực này khó được nâng cao. Việc chăm lo đời sống vật chất được thể hiện qua chế độ lương bổng tương xứng với trình độ, năng lực, hiệu quả cống hiến của người lao động, đảm bảo cho họ có thu nhập ổn định và có tích lũy. Chú ý chăm lo đời sống tinh thần của người lao động với các chế độ thăm hỏi ốm đau, hoạn nạn, tạo điều kiện cho họ và gia đình họ được vui chơi, giải trí, học tập, hưởng thụ đầy đủ các phúc lợi xã hội. Chủ cơ sở khai thác cũng cần xây dựng cơ chế khen thưởng khuyến khích tinh thần học tập cũng như các chế độ chăm sóc sức khỏe thể chất cho người lao động.

Thứ bảy, các chủ doanh nghiệp cũng phải xem trọng khâu đánh giá người lao động. Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu qu sử dụng nhân lực trong hộ kinh doanh du lịch cộng đồng. Trong thực tế, việc đánh giá giúp nhà quản lý có những dữ liệu kiểm tra chất lượng đội ngũ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng khắc phục những điểm yếu, biết được khả năng thăng tiến của người lao động để bố trí, cất nhắc vào những vị trí cao hơn. Qua mỗi lần đánh giá, mỗi người lao động sẽ tự xác định lại mình so với yêu cầu của vị trí việc làm cũng như so với các đồng nghiệp khác để từ đó có kế hoạch điều chỉnh và phát triển cho bản thân. Cũng qua đó sẽ thôi thúc người lao động mạnh dạn tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp.

III. Kết luận

Trong những năm qua, công tác tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp đã được các chủ hộ kinh doanh và doanh nghiệp du lịch của Tỉnh quan tâm. Đây là công tác có ý nghĩa quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành bại của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp du lịch, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, khai thác du lịch, đến người lao động và xa hơn còn tác động đến sự phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, công tác tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng của Tỉnh trong thời quan qua còn nhiều hạn chế, bất cập từ đó dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các khu, điểm luôn ở mức thấp so với yêu cầu cung ứng dịch vụ ngày càng cao trước xu thế phát triển mạnh mẽ ngành du lịch cộng đồng. Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đồng Tháp cần phải tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng trong đó chú ý các giải pháp lớn về chính sách thu hút lao động có tay nghề cao; việc bố trí, sử dụng một cách hiệu quả người lao động tại các doanh nghiệp; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ làm du lịch; công tác tuyển dụng hợp lý của các chủ cơ sở khai thác. Con người là nhân tố quyết định sự phát triển của các doanh nghiệp khai thác du lịch, vì vậy, cần phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác tuyển dụng nguồn nhân lực theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp nhằm đáp ứng cho thời kỳ hội nhập sâu rộng với ngành du lịch thế giới như hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Nguyễn Bích Ngọc (2023), Đề tài khoa học cấp cơ sở “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025”.

         2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp (2020), Báo cáo số 17/BC-SVHTTDL, ngày 24/02/2020 về tổng kết 5 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020.

         3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp (2022), Báo cáo số 23/BC-SVHTTDL, ngày 14/11/2022 về thực trạng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Đồng Tháp.

 

[1] Nguyễn Bích Ngọc (2023), Đề tài khoa học cấp cơ sở “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025”