Xuất bản thông tin

null Người thầy Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp phấn đấu, rèn luyện sáng chữ “tâm”, vẹn chữ “tài”

Bài viết Bài viết

Người thầy Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp phấn đấu, rèn luyện sáng chữ “tâm”, vẹn chữ “tài”

 

  ThS. Võ Thị Mỹ Vân     

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn đất nước ta phải giàu mạnh, dân tộc ta phải thông thái, xã hội ta phải là một xã hội văn hóa cao. Muốn làm được như vậy, điều quan trọng chủ yếu là xã hội phải đào tạo được nhiều người tài đức, tham gia vào kiến thiết đất nước. Trong lực lượng đông đảo ấy của dân tộc ta phải kể đến đội ngũ nhà giáo nói chung, người thầy Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Họ phải phấn đấu không ngừng để thực sự là những trí thức tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng, nhân cách con người Việt Nam. Bác Hồ đã dạy: Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là học vấn, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức, phải là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo.

Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, bằng trí tuệ và niềm say mê dạy học, nghiên cứu khoa học cũng như trách nhiệm cao đối với nhân dân, đối với đất nước, các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên địa bàn Tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Qua hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, những người thầm lặng, lặng lẽ từng ngày, từng giờ cần mẫn với công việc giảng dạy và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, góp trí tuệ và công sức phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng kỳ vọng của nhân dân, xứng đáng là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và nghiên cứu khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao sứ mệnh vinh quang của người thầy. Người nói: có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất, thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình; dạy cũng như học phải chú trọng cả đức lẫn tài để đào tạo thế hệ trẻ thành những người xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên.

Đã theo nghề dạy học phải có tâm, tâm đi đôi với tầm, đức cao vọng trọng,  cốt cách thanh cao, lương tâm, trách nhiệm; nhân cách ngời sáng, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực và hành động của thầy trở thành khuôn vàng thước ngọc; hình ảnh người thầy sáng ngời, truyền lửa, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai. Dạy học ở Trường Đảng (Trường Chính trị) không thể làm giàu được, trong dạy học người thầy phải có trước hết là đạo đức nghề nghiệp để tận tâm với nghề dạy học mà mình đeo đuổi, không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng, không màng danh lợi. Trau dồi, tích lũy kiến thức để có tài. Người thầy giảng dạy bằng cái tâm gọi là yêu nghề, tiến lên một bước nữa chính là đạo đức nhà giáo. Đã là nhà giáo thì tài đức phải vẹn toàn. Người thầy Trường Đảng phải đặt chữ tâm, chữ đức lên hàng đầu, không bao giờ được bôi nhọ hay làm mất đi danh hiệu cao quý mà nhân dân ban tặng và tôn vinh. Người thầy Trường Đảng phải giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng. Đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến hết mình trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, nâng cao chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; giữ gìn kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, góp phần bồi đắp và tô đậm truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới.

Trách nhiệm của người thầy đối với sự nghiệp “trồng người” là vô cùng lớn lao. Giáo sư Nguyễn Văn Lê từng viện dẫn lời một nhà tư tưởng nói về nghề dạy học: “Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ… Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được”. Người thầy Trường Đảng phải tỏ rõ tài năng, trí tuệ và nhân cách, là tấm gương về đạo đức cách mạng. Sẽ làm tổn hại tới danh dự nhà giáo nếu như sách nhiễu, xúc phạm danh dự của đồng nghiệp và học viên dưới mọi hình thức. Đã là người thầy thì phải có thái độ lịch sự, đúng mực trong giao tiếp ứng xử. Thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, không nói, viết và làm những việc trái với lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống lại những lới nói và việc làm sai trái, xuyên tạc, phản động chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Người thầy giáo phải chủ động cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức; học tập, rèn luyện không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của công việc và sự nghiệp đổi mới; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và đi sâu nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để đủ sức trang bị cho người học những kiến thức bổ ích, củng cố niềm tin, nuôi dưỡng lý tưởng và hướng dẫn kỹ năng hành động cho học viên. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy Trường Đảng không phải là thành tích, phần thưởng đạt được mà là sự lớn lên về nhận thức và những thành công trong sự nghiệp của học viên. Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh, trên mặt trận văn hóa. Chính vì thế, người thầy phải có một cái tâm trong sáng để tạo dựng nên nhân cách con người, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Người thầy Trường Đảng còn phải là tấm gương về tinh thần tự học và nghiên cứu khoa học. Việc tự học đòi hỏi phải có ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học - công nghiệp 4.0 đòi hỏi người thầy - phải liên tục cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu; phải học tập không ngừng, học tập liên tục, học tập suốt đời thông qua nhiều hình thức. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề cao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nghiên cứu khoa học là việc rất khó và nhạy cảm, đòi hỏi người thầy trong Trường Đảng phải hết sức tâm huyết, say mê, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau. Cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể: về kinh tế, chính trị, triết học, lịch sử, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ những vấn đề chưa rõ hoặc do thực tiễn mới đặt ra, làm cơ sở cho việc giáo dục, định hướng tư tưởng đúng đắn cho người học.

Đội ngũ giảng viên Trường Đảng phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, lý tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, là giảng viên, là nhà khoa học có tài, đồng thời nêu cao ý thức trách nhiệm của người công dân và hơn thế là người chiến sĩ trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa. Cần tập trung đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy, kịp thời cập nhật, bổ sung những thông tin, kiến thức mới, vận dụng những quan điểm, chủ trương Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng vào thực tiễn giảng dạy và giáo dục.

Mỗi bài giảng của người thầy phải thể hiện tính sáng tạo như một nghiên cứu khoa học, phải đầu tư tìm hiểu tài liệu thật kỹ, chuẩn bị chu đáo, kết hợp phương pháp giảng dạy gắn liền với thực tiễn để học viên dễ hiểu, dễ vận dụng trong công việc. Người thầy không đơn giản chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn trao đổi kinh nghiệm, tỏ rõ niềm đam mê, niềm tin, thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng, giúp hình thành ở học viên một quan niệm, lý tưởng sống tích cực, đặt biệt trong xã hội ngày nay, khi cuộc sống có nhiều cám dỗ, đòi hỏi người thầy, nhất là những giảng viên trẻ phải rèn luyện cho mình bản lĩnh kiên định, giữ gìn sự trong sạch về đạo đức. Điều quan trọng của người thầy là phải biết gợi mở tư duy sáng tạo, khơi dậy nguồn cảm hứng cho người học, hướng họ vấn đề gì cần phải biết, điều gì cần tìm hiểu và áp dụng vào cuộc sống như thế nào?

Người thầy Trường Đảng phải giúp cho học viên nắm vững phương pháp tư duy sáng tạo, độc lập suy nghĩ, tự mình giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra trên cơ sở nắm vững lý luận và phương pháp. Đặc biệt giảng viên trường Đảng phải thường xuyên trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống lành mạnh, xây dựng phong cách cư xử chuẩn mực. xây dựng môi trường làm việc, học tập chuyên nghiệp, dân chủ, văn minh, hiện đại, khoa học, nhân văn, đúng nguyên tắc sư phạm, phù hợp với đạo đức nhà giáo, phải khoan dung, độ lượng, phải có tình yêu đối với nghề nghiệp, trách nhiệm với con người và cuộc sống như L.N.Tônxtôi đã nói: người thầy giáo phải có một phẩm chất cao quý, đó là tình yêu. Người thầy không chỉ truyền đạt tri thức mà còn phải dạy bằng chính nhân cách của mình, giữ gìn hình ảnh người thầy Trường Đảng. Hình ảnh người thầy giáo luôn được xã hội xem là biểu tượng của văn hóa, là đại diện cho văn minh thời đại.

Người thầy vừa hồng, vừa chuyên, vừa có hiểu biết rộng, sâu, vừa có tính nhân văn, có đầu óc thực tiễn, phải hết sức tâm huyết, say mê, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau. Phải có thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tâm, tận tụy, cởi mở, phương pháp giảng dạy dễ hiểu, cuốn hút, luôn gắn liền với tiễn, không chỉ truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm mà còn truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cho học viên. Chỉ có lòng yêu nghề, cố gắng làm việc hết mình, luôn gắn bó với nghề nghiệp, cùng với năng lực sáng tạo dẫn dắt mới có thể đạt được thành công ở đỉnh cao. Cái gì cũng cần có quá trình, nghề dạy học cũng như vậy. Như đã nhấn mạnh ở phần trên, đã theo nghề dạy học phải có cái tâm đi đôi với tầm, dốc toàn tâm toàn lực công hiến cho sự nghiệp đào tạo ươm mầm tài năng cho đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa; “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Nhà giáo dục học Tiệp Khắc vĩ đại Comenxki cũng từng phát biểu “dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Quách Mạt Nhược – một học giả nổi tiếng người Trung Quốc khi nói về người thầy giáo đã từng ca ngợi: “Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng khuyết rồi lại tròn nhưng ánh sáng mà người thầy chiếu rọi vào chúng ta sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời”. Người thầy Trường Đảng sáng chữ tâm, vẹn chữ tài xứng đáng với danh hiệu cao quý mà nhân dân ban tặng cho người thầy giáo nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”./.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9, 2002, tr.492.

[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, 2002, tr.684.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, 2002, tr.684.

[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, 2002, tr.185.

[5]. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề cao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.