Xuất bản thông tin

null Bài viết đạt giải tại Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Bài viết đạt giải tại Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023

 

NHỮNG MÓN HÀNG DÁN NHÃN “LAO ĐỘNG MADE IN VIETNAM”?

 

NCS. Nguyễn Quang Thành

Thể loại báo in

Bài viết đạt Giải khuyến khích tại Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023   

Tóm tắt:

Những món hàng bằng xương bằng thịt được dán nhãn “lao động made in Vietnam” là cách gọi xuyên tạc, phiến diện và đầy tính thù hằn đối với chính sách đưa người lao động, chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước từ bọn phản động. Đặc biệt, lợi dụng vụ việc liên quan đến các nạn nhân người Việt trong thảm kịch Essex năm 2019, bọn chúng đã “thổi phồng” tiêu cực, “vấy nước bẩn” vào chính sách, pháp luật trong nước và cho rằng: “Xuất khẩu lao động là nguồn thu nhập lớn của Đảng”, “chế độ chính trị xã hội Việt Nam đã khiến người dân phải bỏ quê hương mà đi”, “những nô lệ của thời đại mới”(!?)... Đây là những quan điểm rất phiến diện, xuyên tạc, đơm đặt, lấy hiện tượng để đánh giá bản chất.

Những kẻ “thương vay, khóc mướn”

Từ những năm 1980, khi mô hình hợp tác xã và các nhà máy không có điều kiện để phát triển, việc đưa các chuyên gia, người lao động đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu được nhen nhóm. Vào thời điểm này, Nghị quyết số 362-CP ngày 29/11/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc hợp tác sử dụng lao động với các nước xã hội chủ nghĩa được xem là một định hướng quan trọng nhằm khơi thông dòng chảy lao động trong nước, giải quyết việc làm và đào tạo nghề nghiệp cho một bộ phận thanh niên trong điều kiện các cơ sở kinh tế trong nước chưa thu hút được hết. Đặc biệt, tại Nghị quyết này, Nhà nước còn mong muốn đạt được mục đích mang tính chiến lược, đó là nhờ các nước anh em đào tạo giúp một đội ngũ lao động có tay nghề vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển nền kinh tế nước ta sau này.

Đất nước mở cửa, kinh tế hội nhập, những quan hệ kinh tế được thiết lập đã tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho chuyên gia, người lao động trong nước được đi làm việc, nâng cao tay nghề ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại cố tình xuyên tạc bản chất vấn đề, đơm đặt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác tổ chức đào tạo, hợp tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Cách đây không lâu, bọn Việt Tân còn lên cả bài viết với tựa đề “Xuất khẩu lao động: Nguồn thu nhập lớn của Đảng” nhằm bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của Đảng ta. Chúng rêu rao rằng Đảng Cộng sản bán sức lao động của người dân để thu về ngoại tệ. Chúng gọi những người lao động đi làm việc ở nước ngoài là “những con người sinh ra và lớn lên trong cái máy nghiền nát tâm hồn của cộng sản”. Chúng cho rằng số lượng thống kê về những người lao động đi làm việc ở nước ngoàilà “những con số lạnh lùng” và cho rằng “đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1 triệu món hàng bằng xương bằng thịt”. Bọn chúng còn thù địch đến mức gọi một chính sách vô cùng ý nghĩa về kinh tế - xã hội của nước ta là “chính sách xuất khẩu người”(!?). Những lời lẽ, ngôn từ thật sự chợ búa, rẻ mạt, đầy sự cay nghiệt và đố kỵ của những “nhà dân chủ giả cầy”.

Điểm chung của những lập luận xuyên tạc, phiến diện trên đều hướng đến mục đích gây ra sự lo lắng, hoang mang, hoài nghi của người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Từ đó, làm giảm sự hăng hái, nhiệt huyết của những người dân đang có ý định tìm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, dù cho tinh vi hay trơ trẽn, trực tiếp hay gián tiếp, đều có thể thấy được mục đích sâu xa và thâm độc của bọn “thương vay, khóc mướn” này là phủ nhận mọi thành quả của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam trong quản lý lao động di cư, bảo hộ công dân, qua đó hạ thấp vị thế, uy tín, năng lực và trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những sự thật không thể chối cãi

Dù cho các thế lực phản động, thù địch dùng “chiêu bài” thâm độc với những câu từ “cả vú lấp miệng em” để làm sai lệch bản chất, phủ nhận chủ trương, chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta vẫn không thể xoá bỏ những “bằng chứng thép” sau:

Thứ nhất, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương, chính sách phù hợp, đúng đắn đã được thực tiễn kiểm chứng. Thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 10 năm (1980-1990), thông qua các Hiệp định Chính phủ ký kết trực tiếp, nước ta đã giải bài toán việc làm cho hơn 300.000 lao động và chuyên gia khi họ được sang làm việc tại các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ là Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức, Tiệp Khắc và Bungari. Đến năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Theo đó, ngoài thực hiện theo các Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, việc đưa lao động đi làm việccòn tiến hành theo các hợp đồng cung ứng lao động giữa các tổ chức kinh tế Việt Nam với các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân người nước ngoài. Nhờ vào cơ chế trên đã giúp rộng mở thị trường lao động và cơ hội tìm việc làm ở nước ngoài đối với người lao động trong nước. Từ Chỉ thị 41-CT/TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị đến Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư đều cho thấy đây là một chủ trương, chiến lược quan trọng, lâu dài của Đảng ta đối với việc xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thứ hai, Đảng và Nhà nước Việt Nam xây dựng và thực thi chính sách xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Từ một quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước, người dân bao đời phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đến nay, người lao động Việt Nam dần được đào tạo kỹ năng bài bản, khoa học, có tinh thần làm việc chuyên nghiệp và tham gia vào các chuỗi dây chuyền sản xuất, lắp ráp toàn cầu. Từ bốn nước trong khối xã hội chủ nghĩa trước đây, sau hơn bốn thập niên, người lao động và chuyên gia Việt Nam đã tự hào hiện diện trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với những ngành nghề đa dạng. Lượng kiều hối gửi về mỗi năm ngày một tăng lên đáng kể, từ 3-4 tỷ USD mỗi năm. Điển hình tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, có năm lượng tiền gửi về nước hơn 4.000 tỷ đồng, xấp xỉ 50% tổng thu nội địa trong tỉnh. Dòng tiền từ nước ngoài đổ về cũng là lúc làng quê “thay da, đổi thịt”, những mái tranh vách lá ngày nào được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang. Chính những tác động tích cực này đã thôi thúc, cổ vũ những lớp người cùng nhau đi lao động nước ngoài, một “đồn” mười, mười “truyền” trăm rồi những ngôi làng với số lượng người đi hợp tác lao động cũng hình thành như: Chí Linh (Hải Dương); Đông Minh (Đông Sơn, Thanh Hóa); Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)...

Thứ ba, đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh già hoá dân số trên thế giới. Tình trạng suy giảm dân số do người dân không muốn sinh đẻ ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tạo nên những áp lực không hề nhỏ đối với thị trường lao động. Dự báo số người trên 65 tuổi trên thế giới sẽ tăng gấp 3 lần vào giữa thế kỷ này, từ 531 triệu người vào năm 2010 lên 1,5 tỷ người vào năm 2050. Câu hỏi được đặt ra là khi dân số già đi thì nguồn nhân lực ở đâu sẽ “nuôi” nền kinh tế? Và một trong rất nhiều những giải pháp được nhắc đến chính là nguồn lao động nhập cư từ các quốc gia khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những quốc gia có nguồn lao động dồi dào, trong đó có Việt Nam, cần phải tranh thủ thời cơ này để giải quyết bài toán dôi dư lao động trong nước và lấp đầy khoảng trống lao động ở các quốc gia đang thiếu. Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, nước ta đang ở trong giai đoạn “dân số vàng”, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm đa số. Do đó, đây là cơ hội đầu tư nâng cao chất lượng tay nghề cho người lao động. Đồng thời, việc đưa người lao động đi làm việc ngoài nước hiện nay được cho là “vẹn cả đôi đường” khi nhiều nước đang có những chính sách mới để thu hút lao động ngoài nước. Chẳng hạn, từ ngày 01/7 này, Úc sẽ tăng lương tối thiểu cho lao động nhập cư, mức lương tối thiểu mới cho lao động có tay nghề cao sẽ là 46.300 USD/năm, trong khi trước kia chỉ là 35.600 USD[1]

Thứ tư, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Kể từ năm 2007, vấn đề lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được luật hoá, tạo hành lang pháp lý. Quá trình hợp tác lao động giữa thị trường trong nước và quốc tế gia tăng đáng kể. Đến nay, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện hành dần được hoàn thiện với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm phù hợp với thực tiễn, bối cảnh trong nước cũng như quốc tế, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ năm, đây cơ hội để tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động trong nước. Lợi ích từ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ thể hiện qua dòng kiều hối gửi về nước ngày càng tăng qua mỗi năm mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đặc biệt, cùng với đó là tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao được rèn luyện, mài giũa trong môi trường làm việc tiên tiến, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trước dòng chảy mạnh mẽ của cuộc cách mạng cộng nghiệp lần thứ tư.

Qua khảo sát từ nhiều năm cho thấy, nhiều người lao động sau khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao. Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan từng nhiều lần nhấn mạnh khẩu hiệu: “Đi làm thuê, về làm chủ” trong những lần gặp gỡ, chia sẻ với các bạn trẻ chuẩn bị đi hợp tác lao động. Ông khẳng định: “Tạo dựng việc làm là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là xây dựng tâm thế làm việc”[2]. Do đó, việc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài không chỉ đơn thuần là kiếm tiền mà phải xem đây là cơ hội để trau dồi bản thân, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức để hướng đến mục tiêu cao hơn, xa hơn sau khi trở về nước.

          Còn đó những việc phải làm...

          Công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta suốt những nhiệm kỳ qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng quan niệm: “Trong việc kiến thiết nước nhà về mọi mặt, ta thiếu rất nhiều cán bộ như kỹ sư, chuyên gia, thợ lành nghề, thầy dạy học”. Bước vào thời kỳ đổi mới, đất nước ta lại càng cần nhiều “thợ lành nghề”. Để tạo ra được đội ngũ “thợ lành nghề” ấy, việc đưa đi làm việc tại các quốc gia tiên tiến, hiện đại là một xu thế tất yếu trong bối cảnh di cư lao động và toàn cầu hoá.

Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới khẳng định: Kết quả của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước, quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế như: nhận thức về chủ trưởng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có nơi, có lúc chưa được quán triệt sâu sắc; quản lý nhà nước còn chồng chéo, thiếu hiệu lực, hiệu quả; tình trạng vi phạm pháp luật ở nước sở tại của người lao động vẫn còn diễn ra; khả năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của một số tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế, cạnh trạnh thiếu lành mạnh... Vì vậy, trong thời gian tới, để công tác này tiếp tục được khơi dậy mạnh mẽ, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía các cấp, các ngành và Nhân dân cũng như dập tắt những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ, thiếu khách quan của bọn phản động, cần có sự chung tay, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân ở những khía cạnh sau đây:

Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, mục tiêu của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhất quán quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm“góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn; quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; đồng thời là cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước”. Từ đó, chủ động, tích cực xây dựng và thực thi có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chú trọng công tác nghiên cứu mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của các nước cho người lao động.

Đối với người lao động cần phải tỉnh táo, biết “gạn đục khơi trong”, không hoang mang trước những luận điệu vu khống, xuyên tạc, phiến diện từ bọn phản động, cơ hội chính trị. Chủ động tiếp cận thông tin về thị trường lao động ngoài nước từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, uy tín trong vấn đề hợp tác lao động quốc tế. Nghiêm túc, tích cực học tập, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hoá, pháp luật của quốc gia sở tại trước khi ra nước ngoài. Đặc biệt, mỗi người lao động cần ý thức được trách nhiệm của một công dân Việt Nam, không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và phấn đấu trở thành những “đại sứ” quảng bá hình ảnh con người và đất nước với bạn bè quốc tế.

Đối với Nhân dân cần sáng suốt, tích cực, chủ động tiếp cận thông tin về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thông qua hệ thống truyền thông, mạng xã hội, cần tiếp tục xây dựng các luồng thông tin chính thống, truyền tải đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước Việt Nam về các hoạt động hợp tác lao động, di cư lao động, bảo hộ công dân... Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ trong Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, mỗi người dân cần chủ động tiếp cận các nguồn thông tin chính thức, toàn diện để nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, tránh mơ hồ, lung lạc, dao động trước những lập luận “đánh lận con đen” của bọn “dân chủ giả hiệu”.

Đối với bản thân cần thường xuyên cập nhật thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tích cực nghiên cứu lý luận và thực tiễn để đóng góp hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về có đủ điều kiện để hoà nhập vào thị trường lao động trong nước.

Từ thực tiễn ban hành và thực thi chính sách, pháp luật suốt hơn bốn thập kỷ qua cho thấy, chủ trương mở rộng thị trường lao động sang nước ngoài là việc làm hết sức bình thường, mang lại lợi ích đối với nhiều chủ thể, trước hết là người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, việc bọn Việt Tân cũng như các thế lực thù địch, phản động khác cay cú: “Xuất khẩu lao động là nguồn thu nhập lớn của Đảng”, “người lao động đi làm việc ở nước ngoài là những món hàng được dán nhãn lao động made in Vietnam”... không chỉ xuyên tạc bản chất mà còn là sự vu khống một cách trơ trẽn, bóc trần bản chất ích kỷ, hèn hạ của bọn núp bóng “dân chủ”, “yêu nước”. Trong thời gian tới, hệ thống chính trị các cấp, toàn thể người dân, người lao động cần tích cực chủ động đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần lan toả những giá trị mà chính sách “ích nước lợi nhà” này mang lại.

Tài liệu tham khảo

Chuyển động 24h (2023), Dân số già - Ai sẽ làm việc?, Báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam, https://vtv.vn/the-gioi/dan-so-gia-ai-se-lam-viec-20230502120303414.htm, truy cập ngày 22/5/2023.

Chương Đài (2019), Đi làm thuê để về làm chủ, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/di-lam-thue-de-ve-lam-chu-102250798.htm, truy cập ngày 22/5/2023.


[1] Chuyển động 24h (2023), Dân số già - Ai sẽ làm việc?, Báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam, https://vtv.vn/the-gioi/dan-so-gia-ai-se-lam-viec-20230502120303414.htm, truy cập ngày 22/5/2023.

[2] Chương Đài (2019), Đi làm thuê để về làm chủ, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/di-lam-thue-de-ve-lam-chu-102250798.htm, truy cập ngày 22/5/2023.