Xuất bản thông tin

null Hội nghị chính trị đặc biệt - Tầm nhìn sâu sắc và ý nghĩa vượt thời đại của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Hội nghị chính trị đặc biệt - Tầm nhìn sâu sắc và ý nghĩa vượt thời đại của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Quốc Trung

Khoa Xây dựng Đảng

Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhận định, đánh giá, dự báo thiên tài, đi trước thời cuộc để đề ra những quyết sách lớn, kịp thời lãnh đạo cách mạng, đảm bảo cách mạng giành được thắng lợi. Sự kiện Hội nghị chính trị đặc biệt được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập năm Giáp Thìn 1964 là dự báo như thế, đồng thời cũng là sự chuẩn bị tinh thần và vật chất cho một cuộc chiến lớn, mang tầm thời đại và đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong tương lai.

 

 Quang cảnh Hội nghị chính trị đặc biệt (27/3/21964)

          Từ sau Hội nghị Giơnevơ đến năm 1964, đế quốc Mỹ đã buộc phải hai lần [1] thay đổi chiến lược chiến tranh ở Việt Nam, chiến lược chiến tranh đặc biệt đang thất bại và trên đà thất bại hoàn toàn. Cục diện thế giới, tình hình nước Mỹ, tình hình chính quyền Sài Gòn, cùng với đó là sự phát triển ngày càng lớn và mạnh của lực lượng cách mạng miền Nam (Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam), sự chi viện về cả sức người và vật chất của miền Bắc, đặt ra yêu cầu cho đế quốc Mỹ là rời bỏ miền Nam Việt Nam và chấp nhận sự thất bại chiến lược hoặc đế quốc Mỹ phải đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam tiếp cứu vãn tình thế thất bại. Việc đưa quân đội Mỹ vào miền Nam có thể đưa Mỹ bị sa lầy nhưng giới tinh hoa và vị thế của nước Mỹ không cho phép Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tìm ra một cái cớ để tăng cường đánh phá miền Bắc và đưa quân đội vào miền Nam là vấn đề sớm hay muộn của bộ máy chiến tranh của đế quốc Mỹ.

          Trực tiếp đối đầu với đế quốc Mỹ, lực lượng quân sự Mỹ là chuyện không thể tránh khỏi trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, nếu đối đầu trực tiếp với đế quốc Mỹ, quốc gia có sức mạnh quân sự, kinh tế mạnh nhất thế giới, quốc gia là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, quốc gia có lực lượng đồng minh đông đảo,…thì có thể với những lợi ích quốc gia của từng nước, đặc biệt là các nước ủng hộ Việt Nam, rất có thể tình hình sẽ chuyển biến theo những hướng khác, những hướng không có lợi hoặc không theo định hướng của cách mạng Việt Nam. Thực tế đó sẽ đưa cách mạng Việt Nam vào một tình thế vô cùng khó, do đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đi trước một bước, vừa là sự chuẩn bị nguồn lực, vừa là gửi đi một tính hiệu, một thông điệp cho các nước trong cộng đồng thế giới hiểu rõ mục đích và quyết tâm của Việt Nam.

          Xác định giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là yêu cầu khách quan, là nguyện vọng thiết tha của dân tộc, là vấn đề không thể khác và là vấn đề của dân tộc Việt Nam. Đây là sự nghiệp của cả dân tộc, để chuẩn bị tiền đề cho một cuộc chiến lớn, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, đánh giá chính xác thời cuộc, dự báo xu hướng phát triển của cuộc chiến tranh từ đó quyết định triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt vào ngày 27 tháng 3 năm 1964 trước tầm 5 tháng khi đế quốc Mỹ dựng nên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ đánh phá miền Bắc và đưa quân vào miền Nam. Đây được coi như một Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử đấu tranh bảo vệ bờ cõi của dân tộc Việt Nam.

Hội nghị chính trị đặc biệt là sự hiệu triệu sức mạnh toàn dân tộc, là khát vọng của dân tộc và nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam về một nước Việt Nam thống nhất, độc lập và tự chủ. Đồng thời Hội nghị còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, trước hết đến với Trung Quốc và Liên Xô về quyết tâm chính trị không thể lay chuyển của dân tộc Việt Nam, về thái độ nhất quán của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam, về sự hy sinh tất cả dân tộc cho một Việt Nam thống nhất, độc lập và tự chủ; Hội nghị còn gửi thông điệp tích cực đến với các nước dân chủ, tiến bộ, các nước ủng hộ độc lập dân tộc và đang đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước; đặc biệt, Hội nghị đã gửi một thông điệp đặc biệt cho đế quốc Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ về quyết tâm không gì lay chuyển của dân tộc Việt Nam, không chỉ có thông điệp mà Việt Nam đã chứng minh cho đế quốc Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ thấy rõ thực tế về sự sa lầy và thất bại không thể tránh khỏi khi tiếp tục tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược phí lý, vô nghĩa và vô nhân đạo ở Việt Nam.

          Hội nghị chính trị đặc biệt là ý nguyện của dân tộc, là khát vọng dân tộc đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu và khơi dậy và trên thực tế nó đã huy động được sức mạnh chưa từng có của dân tộc Việt Nam để đương đầu với bộ máy chiến tranh hùng mạnh nhất thế giới và một lực lượng đông đảo chư hầu tay sai và kết quả dân tộc Việt Nam đã khiến cho cả thế giới phải suy nghĩ lại về quyết tâm của một dân tộc khát khao độc lập, tự do.

          Đã 60 năm trôi qua, nhưng những thế hệ trẻ hôm nay, những người nghiên cứu lịch sử và những người đam mê lịch sử đều có chung một suy nghĩ và một cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa thời đại, giá trị sâu sắc, về tầm nhìn chiến lược của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính những giá trị đó đã góp phần hình thành nên truyền thống, bản lĩnh của Đảng trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đặc biệt trong giai đoạn hiện khi thế giới đang có quá nhiều thay đổi sâu sắc và những toan tính chính trị phức tạp.


[1] Từ năm 1954-1960, đế quốc Mỹ đã sử dụng chiến lược chiến tranh một phía (đây là hình thức xây dựng và thiết lập chế độ thuộc địa kiểu mới mà đế quốc Mỹ đã ấp dụng và đã thành công ở mộ số nơi).

  Từ năm 1960 đến 1965, đế quốc Mỹ áp dụng chiến lược chiến tranh đặc biệt (đây là hình thức chiến tranh xây dựng và sử dụng chủ yếu lực lượng quân sự của chính quyền Việt Nam cộng hòa kết hợp với sự chỉ huy và vũ khí trang bị của đế quốc Mỹ)