Xuất bản thông tin

null Về Côn Đảo viếng Nghĩa trang Hàng Dương

Bài viết Bài viết

Về Côn Đảo viếng Nghĩa trang Hàng Dương

Lưu Thúy Hiền

Hướng tới hoạt động tri ân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2020, trong những ngày ý nghĩa này tôi may mắn được ra thăm Côn Đảo. Xuất phát từ cảng du lịch Trần Đề ở Sóc Trăng bằng tàu cao tốc, sau hơn 2 giờ đồng hồ vượt sóng, Côn Đảo hiện ra trước mặt với một màu xanh hiền hòa soi mình trước biển. Côn Đảo hôm nay trong mắt chúng tôi là thế, nhưng ngược dòng thời gian Côn Đảo vào những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ lại được xem là “địa ngục trần gian” nơi lưu giữ những tội ác của bọc xâm lược Pháp và Mỹ, nơi giam cầm, tra tấn về thể xác lẫn tinh thần của những người con yêu nước của dân tộc ta. Bao thế hệ cha, anh đã ngã xuống, có người chỉ một lần bị đày đến Côn Đảo rồi mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này.

Tượng đài ở trung tâm nghĩa trang Hàng Dương

Về Côn Đảo viếng Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang hàng Keo, tham quan Bảo tàng Côn Đảo mới thấy hết những năm tháng đau thương của dân tộc. Có những ngôi mộ có tên và lặng lẽ dưới những góc dương, cũng có vô số ngôi mộ vô danh khiến ai một lần đặt chân đến không khỏi chạnh lòng, thương cảm. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những anh hùng đã ngã xuống để đất nước có được bình yên như hôm nay.

Những ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang Hàng Dương

Từ năm 1862, thực dân Pháp đã xây dựng ở đây một hệ thống nhà tù, khởi đầu một giai đoạn lịch sử đầy man rợ thời thực dân, đế quốc. Pháp cho xây dựng bốn trại, gồm các banh: Banh I; II; III; và Banh III (phụ) để giam giữ tù nhân. Ngoài ra, còn có hệ thống các Sở vừa là nơi giam giữ vừa là nơi lao dịch khổ sai: Sở Tiêu, Sở Chi Tồn, Sở Lưới, Sở Muối,... Một số công trình khác như nhà ở, dinh thự, công sở cho bộ máy đàn áp tù nhân cũng được xây dựng.

Từ năm 1955, đế quốc Mỹ, chính quyền “Việt Nam cộng hòa” lại tiếp tục mở rộng, xây thêm 04 khu trại. Điển hình là khu Biệt lập chuồng cọp Pháp và chuồng cọp Mỹ. Chúng tra tấn, đày ải, giết hại các chiến sĩ cách mạng, biến nơi đây thành địa ngục trần gian, hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã bị chôn vùi trong các nghĩa trang.

Côn Đảo cũng là nơi rèn luyện, ghi dấu tinh thần quật cường của các chiến sĩ cộng sản, đấu tranh cho độc lập tự do và thống nhất đất nước. Nhiều đồng chí là lãnh tụ xuất sắc của Đảng như Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng... Ngày 1/5/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và sự giúp đỡ của những người có cảm tình với cách mạng, tù nhân Côn Đảo đã nổi dậy phá tan ngục tù, bẻ gãy gông xiềng giải phóng Côn Đảo.

Lặng lẽ dưới những hàng dương, từng dòng người kính cẩn thắp nén hương cho anh hùng đã khuất và dưới hàng dương ấy còn có ngôi mộ đặc biệt, ngôi mộ của người nữ tù đầu tiên của Côn Đảo - mộ chị Võ Thị Sáu, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 14 tuổi chị tham gia cách mạng, Năm16 chị tuổi bị giặc bắt, giam cầm tra tấn. Năm 19 tuổi, lứa tuổi thanh xuân tươi đẹp, chị hy sinh, đâu đó vẫn còn vang vọng câu thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong tác phẩm “Truyền thuyết về Côn Đảo”.

“Người con gái trẻ măng

Giặc đem ra bãi bắn

Đi giữa hai hàng lính

Vẫn ung dung mĩm cười

Ngắt một đóa hoa tươi

Chị cài lên mái tóc

Đầu ngẩng cao bất khuất

Ngay giờ phút hy sinh

Bây giờ dưới gc dương

Chị nằm nghe biển hát”

Cuộc đời cách mạng cùng sự hy sinh bất khuất ở tuổi trăng tròn của người con gái Đất Đỏ trở thành huyền thoại bất tử. Tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng và lý tưởng sống cao đẹp của chị Sáu đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay. Tên của chị Võ Thị Sáu đã được đặt cho nhiều con đường, ngôi trường, công viên, tên đoàn, tên đội, tên quỹ học bổng... trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Mộ Võ Thị Sáu trong nghĩa trang Hàng Dương

Trong số những ngôi mộ đó, còn có mộ đồng chí Lưu Chí Hiếu, một người con sinh ra từ làng Hương Cát, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) với câu nói nỗi tiếng “Ly khia là làm sai tiếng nói lịch sử đấu tranh anh dũng của Đảng, tôi cương quyết ở lại quyết tử”. Lưu Chí Hiếu là người thứ hai được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trên mặt trận đấu tranh trong nhà tù. Ông hy sinh vô cùng anh dũng đêm 24-12-1961 tại Chuồng Cọp Côn Đảo, tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ông đã được tôn vinh là “những ngôi sao sáng nhất” trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết ở nhà tù Côn Đảo, được đánh giá là “hàng trăm lần anh hùng”. Đồng chí nói với mọi người: “Đảng dạy chúng ta chiến đấu chứ không dạy chúng ta đầu hàng. Dẫu chúng ta có hy sinh đến người cuối cùng thì thời gian và lịch sử sẽ báo cáo lại với Đảng, với Bác. Không thể ly khai được. Ly khai là cướp không xương máu của những người đã hy sinh”. Trong bản cam kết, ông đã viết: “Tôi là Lưu Chí Hiếu, không ly khai Đảng Cộng sản được, tôi xin chịu trách nhiệm không ly khai”. Trước sự phản kháng quyết liệt của các chiến sĩ cộng sản, mùa đông năm 1961, chúng khiêng hàng chục khạp nước lạnh, vôi bột lên chuồng Cọp xối xuống đầu các chiến sĩ chống ly khai suốt ngày đêm. Bọn ác ôn điên cuồng tra tấn liên tục. Ông đã anh dũng hy sinh ngay trong đêm 24-12-1961. Sự hy sinh oanh liệt của Lưu Chí Hiếu đã chặn đứng các đợt khủng bố của kẻ thù. Cuộc đời chiến đấu của đồng chí Lưu Chí Hiếu và các đồng đội đã ngã xuống trong chuồng Cọp Côn Đảo là những bản anh hùng ca bất diệt. Và còn nhiều hơn nữa những anh hùng như thế tại Nghĩa trang Hàng Dương này.

Suốt 113 năm (1862 - 1975), hệ thống nhà tù Côn Đảo với những cái tên mới chỉ nghe qua đã cảm thấy hãi hùng như: biệt lập chuồng bò, biệt lập chuồng cọp, hầm xay lúa, xà lim cấm cố... là nơi diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức giữa những người tù không một tấc sắt trong tay, chỉ có tấm lòng yêu nước, ý chí kiên trung bất khuất của người cộng sản để đấu tranh chống lại những đợt tra tấn dã man, tàn bạo của bọn xâm lược khát máu. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, hơn hai vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi đây. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi luôn khắc ghi trong tâm khảm của mình về một “Côn Đảo kiên trung, bất khuất”, coi Côn Đảo như một biểu tượng anh hùng của dân tộc Việt Nam./.