Xuất bản thông tin

null Đảm bảo pháp lý quyền con người giai đoạn 1959-1980

Bài viết Bài viết

Đảm bảo pháp lý quyền con người giai đoạn 1959-1980

Ths. Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

          “Vì con người bẩm sinh tự do, bình đẳng và không lệ thuộc, nên không ai có thể tước đoạt các quyền ấy và bắt nó thần phục một quyền lực chính trị của một kẻ khác mà không có sự thỏa thuận của nó”.[1] Chính vì vậy, để những quyền cơ bản, tự nhiên của con người vẫn được đảm bảo cũng như các tiền đề lịch sử khác đã thúc đẩy sự ra đời của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959.

          Hiến pháp năm 1959 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của quyền công dân, không chỉ có các quyền dân sự, chính trị mà còn ghi nhận một số quy định trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Bên cạnh đó, bản văn này vừa kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp trước, vừa ghi nhận thêm nhiều quyền mới như: quyền được pháp luật bảo hộ về hôn nhân và gia đình, quyền được bảo hộ bà mẹ và trẻ em, quyền biểu tình, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền làm việc, quyền nghỉ ngơi, quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật…[2]

          Không chỉ tăng lên về số lượng các điều luật, một điểm vô cùng tiến bộ trong văn bản này chính là việc quy định bảo đảm của nhà nước cho việc thực hiện các quyền này. Ví dụ, Điều 32 quy định: “Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức bảo hiểm xã hội, cứu tế và y tế để bảo đảm cho người lao động được hưởng các quyền đó” hay quy định ở Điều 33 như sau: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền học tập. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách, phát triển dần các trường học và cơ quan văn hoá… để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó”. Điều này giúp chúng ta nhận ra sự thay đổi cả về kỹ thuật lập hiến mà quan trọng hơn là thái độ, nhận thức đúng đắn cũng như sự quan tâm của nhà nước đối với quyền con người, đối với quyền công dân trong một đất nước vừa mới giành được độc lập, tự do.

     Hiến pháp năm 1959 mang nhiều điểm mới đáng được ghi nhận về tư duy cũng như kỹ thuật lập hiến so với bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Đối với các quyền về chính trị, quyền bầu cử và ứng cử của công dân quy định tại Điều 23[3] đã đưa ra những bổ sung quan trọng và cần thiết nhằm nhấn mạnh tính chất dân chủ rộng rãi của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đặc điểm nổi bật trong quy định này là Hiến pháp 1959 đã liệt kê một loạt các yếu tố về dân tộc, nguồn gốc xuất thân, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp… làm cơ sở để không được hạn chế quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Ngoài điểm mới trên, văn bản này còn bỏ điều kiện “phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” cho phù hợp với tình hình dân trí đã được nâng cao hơn so với thời kỳ trước cũng như bổ sung nguyên tắc bình đẳng vào trong các nguyên tắc bầu cử.[4]

     Ngoài ra, đối với hai quyền chính trị mới là quyền khiếu nại và tố cáo được quy định tại Điều 29 Hiến pháp cũng nêu rõ đối tượng của hai quyền này chính là “hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước”. Đồng thời, yêu cầu đảm bảo cho quyền hiến định này cũng đã được nêu ra, đó là “những việc khiếu nại và tố cáo phải được xét và giải quyết nhanh chóng. Người bị thiệt hại vì hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước có quyền được bồi thường”. Với việc quy định hai quyền mới này trong Hiến pháp đã cho thấy quyết tâm củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền thời bấy giờ; đồng thời, thông qua quy định này cũng làm bật lên mối liên hệ gắn kết mật thiết giữa nhân dân và nhà nước xã hội chủ nghĩa mà đại diện là các cơ quan, nhân viên cơ quan nhà nước.

     Đối với các quyền về dân sự, quyền bình đẳng nam, nữ quy định tại Điều 24 đã thể hiện rõ tinh thần thực sự dân chủ của văn bản này,[5] bởi lẽ nội hàm của hai chữ “bình đẳng” đã được cụ thể hóa bằng cách liệt kê các phương diện mà quyền bình đẳng cần phải được thực hiện, đó là “sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Cùng với đó, nhà nước còn quy định thêm cùng một công việc như nhau thì mức lương trả cho cả nam lẫn nữ phải được bằng nhau cũng như quy định hưởng nguyên lương mà người phụ nữ nhận được trong thời gian nghỉ hộ sản. Việc bổ sung các quy định trên cho thấy sự tiến bộ trong nhận thức về vai trò, về tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội lúc bấy giờ, điều này hoàn toàn nhất quán với nhận định của Bác ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.[6] Nếu xét đến hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam lúc bấy giờ, khi miền Bắc đang gồng mình trong cơn bão cải cách điền địa, vật lộn để khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam còn đang đối mặt với cuộc chiến ác liệt thì việc quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ trên tất cả các phương diện đời sống xã hội là một điểm nhấn tích cực rất đáng trân trọng.[7]

     Thêm vào đó, với việc ghi nhận thêm bốn quyền mới về xã hội và nghĩa vụ bảo đảm của nhà nước, bao gồm quyền được bảo hộ về hôn nhân và gia đình (Điều 24), quyền được nghỉ ngơi (Điều 31), quyền được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động (Điều 32), quyền được nhà nước quan tâm giáo dục đối với thanh niên (Điều 35) đã cho thấy sự phù hợp với nhu cầu và khả năng thực tế trong giai đoạn này bởi những thành quả bước đầu của quá trình 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1959. Một điểm nữa rất đáng xem xét của Hiến pháp là ngoài việc giữ nguyên quy định của hiến pháp cũ về việc đảm bảo quyền trú ngụ của những người nước ngoài đấu tranh cho tự do, chính nghĩa, cho hòa bình và sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì bản Hiến pháp lần này còn có thêm quy định về “bảo hộ quyền lợi chính đáng của Việt kiều” (Điều 36, 37).

          Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ như đã phân tích, song Hiến pháp năm 1959 vẫn không tránh khỏi những vấn đề hạn chế nhất định. Về kỹ thuật lập hiến, hầu hết các quyền dân sự quan trọng của công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền thừa kế tài sản, quyền được bồi thường khi nhà nước tiến hành trưng thu, trưng dụng hoặc trưng mua… không được hiến định trong Chương III – “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân” mà lại được quy định khá tản mạn trong Chương II – “Chế độ kinh tế - xã hội”, điều này là bất hợp lý trong việc sắp xếp các điều luật trong một văn bản quan trọng của quốc gia cũng như quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyền này trên thực tế cũng sẽ gây nên nhiều khó khăn, bất cập. Thêm vào đó, Hiến pháp năm 1959 đã không kế thừa được một số quy định rất tiến bộ từ bản Hiến pháp trước như quyền tham gia chính quyền, xây dựng tái thiết đất nước và đặc biệt là quyền phúc quyết Hiến pháp cũng như vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình đất nước đã vắng bóng trong văn bản lần này.

     Với tính chất như một bản khế ước, Hiến pháp đã quy định những quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhà nước đối với công dân của quốc gia mình; đồng thời, Hiến pháp cũng chính là văn bản nhằm thiết lập nền tảng xây dựng hệ thống đảm bảo pháp lý cho các quyền hiến định. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, nhà nước đã luật hóa các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, về quy trình tiến hành bầu cử trên phạm vi cả nước. Đây được xem là những bước tiến mới trong việc xây dựng hệ thống pháp luật ở nước ta thời kỳ bấy giờ bởi vì trước đây, các văn bản này chỉ được trình bày dưới dạng các Sắc lệnh của Chủ tịch nước, của Chính phủ lâm thời mà nay đã được ghi nhận và thông qua theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm minh và trình độ kỹ thuật lập pháp cao hơn so với những năm trước. Một số văn bản được thông qua phải kể đến như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1959, Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960, Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ năm 1960.

     Bên cạnh đó, để góp phần hoàn thiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhóm các cơ quan tư pháp, Quốc hội đã kịp thời cho thông qua hai đạo luật quan trọng là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân vào năm 1960. Song song việc đưa ra các quy định về cách thức làm việc của bộ máy nhà nước cấp trung ương, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962 đã góp phần hoàn thiện khâu tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, tạo điều kiện quan trọng giúp cho các quyền con người, quyền công dân được triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát một cách đồng bộ và có hiệu quả hơn.

          Ngoài việc luật hóa nhiều thiết chế quan trọng như trên, nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến các lĩnh vực khác. Cụ thể là, chúng ta có được Luật Hôn nhân và gia đình đầu tiên vào năm 1959 với ghi nhận hết sức quan trọng “Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái…”.[8] Thêm vào đó, nhà nước còn đặc biệt chú trọng, quan tâm đến nhóm đối tượng trẻ em và thanh niên bằng việc thông qua Pháp lệnh về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1979.

          Song song đó, một số vấn đề liên quan đến đời sống tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa, giáo dục đều được nhà nước lưu tâm bằng việc đưa ra những chính sách, quy định nhằm điều chỉnh một số điểm trọng yếu trong các lĩnh vực này. Có thể điểm qua vài văn bản tiêu biểu như: Nghị quyết của Quốc hội vào ngày 03-7-1964 về việc thành lập Ủy ban văn hóa và xã hội của Quốc hội với chức năng chính yếu là thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh, nghiên cứu và đề đạt ý kiến về các vấn đề văn hóa và xã hội cho Quốc hội; Chỉ thị số 117/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ và quản lý các loại tài liệu, sách bằng chữ Hán, chữ Nôm có giá trị còn nằm trong nhân dân vào ngày 13-12-1963; Thông tư số 60/TTg của Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số vấn đề về việc thi hành chính sách tôn giáo ngày 11-6-1964. Một số đơn cử đưa ra đã cho thấy những bước tiến đáng trân trọng của nhà nước ta trong nhiệm vụ nâng cao đời sống tinh thần, quan tâm bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay./.


[1] Bùi Ngọc Sơn: Góp phần nghiên cứu Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 60.

[2] Hiến pháp Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959, các điều 24, 25, 29, 30, 31 và 34.

[3] Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959, Điều 23 quy định: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mưới tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ hai mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và ứng cử. Công dân đang ở trong quân đội có quyền bầu cử và ứng cử”.

[4] Hiến pháp Việt Nam dân chủ hòa năm 1959, Điều 5 quy định: “Việc tuyển cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

[5] Nguyễn Thị Phương: Hiến pháp Việt Nam với việc thực hiện quyền bình đẳng nam nữ theo Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Tạp chí Luật học, số 3, 2006, tr. 30-36, tr. 31.

[6]Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về tình hình thực hiện CEDAW, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1999, tr. 48.

[7] Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương: Đặc san tuyên truyền pháp luật – Chủ đề: Quyền con người và chính sách pháp luật về quyền con người, số 06, Hà Nội, 2013, tr. 37.

[8] Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, Điều 1.