Xuất bản thông tin

null Tết Nguyên Đán - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa

Bài viết Bài viết

Tết Nguyên Đán - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa

 

Lưu Thúy Hiền

 

Tết cổ truyền hay còn gọi tết Nguyên Đán hoặc gọi “tết ta” để phân biệt với “tết tây” – tết dương lịch, đây là lễ quan trọng trong văn hóa người Việt. Nguyên nghĩa của “tết” là chữ “tiết”. Với nền văn minh nông nghiệp lúa nước – người ta phân chia thời gian trong năm là 24 tiết khác nhau (Tiết lập xuân, tiết lập hạ, tiết lập thu, tiết lập đông, v.v) Và tiết đầu tiên là quan trọng nhất. “Nguyên Đán” có nguồn gốc chữ Hán “Nguyên” là khởi đầu, sơ khai, “Đán” là buổi sáng sớm. Tết Nguyên Đán thường được kể từ ngày mùng một đến hết mùng bảy hoặc mùng chín âm lịch.

Theo tín ngưỡng dân gian, tết không chỉ là thời gian giao hòa giữa đất trời và con người, là dịp tưởng nhớ các vị thần trong nông nghiệp như thần đất, thần nước, thần mưa, thần rừng mà còn là ngày đoàn viên của gia đình. Không đơn thuần khi ai đó bảo là “về quê ăn tết” không chỉ là khái niệm đi về mà sau đó là về với cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn.

Tết là nơi thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong quan niệm của người dân khi năm mới đến mọi thứ phải được sửa sang cho mới mẻ kể cả với những người đã khuất. Cứ khoảng từ 20 tháng chạp đến chiều 30 tết, mỗi gia đình lại thực hiện nghi thức tảo mộ, con cháu sẽ dọn dẹp, lau chùi, phát quang cỏ dại quanh phần mộ, sau đó dâng hương hoa, lễ vật để gọi những người quá cố về ăn tết cùng con cháu. Đây là việc nhắc nhớ con cháu đời sau về đạo lý: “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn”.

Tết mang ý nghĩa tiễn đưa năm cũ chào đón một năm mới. Người người, nhà nhà tất bật trang hoàng lại nhà cửa. Chợ xuân lại xôn xao, tấp nập, cánh mai vàng lại khoe sắc khắp nơi. Mâm ngũ quả ngày tết cũng được chuẩn bị tươm tất, gửi gắm ước muốn của gia chủ trong năm mới. Mâm ngũ quả thường có mãng cầu, trái sung, quả dừa, đu đủ, trái xoài (với ý nghĩa: cầu sung túc vừa đủ xài). Tuy nhiên, tùy theo địa phương mà mâm ngũ quả còn có thêm nhiều sản vật khác.

Tết còn là nơi gắn kết tình cảm giữa những thế hệ trong gia đình. Sau một năm lao động vất vả, dù xa xôi, dù làm nghề gì cũng đều mong muốn trở về sum họp với gia đình, không đơn giản mà bữa cơm ngày cuối năm lại được xem là quan trọng. Gia đình lại quây quần bên nhau, bữa cơm chiều 30 tết thường có món canh khổ qua (mong cho mọi buồn, khổ qua đi) và thịt kho hột vịt (trọn vẹn và đầy đủ), con cháu thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên mong ông bà sẽ gia độ cho con cháu một năm mới thuận lợi và thành công.

Tết không đơn giản là tiễn một năm cũ đi qua, thiết nghĩ tết còn là nơi trao truyền và lưu giữ những giá trị văn hóa. Từ trước đến nay vẫn thường nghe nhắc đến câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đó là nét đẹp trong văn hóa của người Việt, xã hội phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu của gia đình vào dịp tết đến, xuân về những chiếc bánh được bày bán sẵn nhưng không ít gia đình vẫn giữ thói quen gói bánh để dâng lên bàn thờ tổ tiên, để biếu tặng người thân, v.v. Thói quen từ bao đời ấy, là nơi các bà, các mẹ chỉ dạy cho con cháu, từ cách chọn đậu, chọn nếp, cách chọn lá, cách gói, v.v. chính từ những việc tưởng chừng đơn giản ấy là dịp để gắn kết tình cảm giữa các thế hệ với nhau về tính chịu thương, chịu khó.

Tết là dịp bao nhiêu hờn giận, tỵ hiềm được trút bỏ đi “giận đến chết đến tết cũng thôi”. Mọi người cùng nhau bỏ qua những chuyện không vui, dành cho nhau những mong ước tốt đẹp về sức khỏe, trường thọ, thuận buồm xuôi gió, an khang, thịnh vượng. Chẳng lạ khi mọi người truyền tai nhau câu nói: “Mùng một là tết của cha/Mùng hai tết mẹ mùng ba tết thầy”

 Tết là dịp để chúc thọ ông bà, thăm viếng người thân, kể cho nhau nghe về những chuyện vui buồn trong năm qua và hy vọng những điều tốt lành hơn trong năm mới. Người người đi chúc tết họ hàng, thầy cô, hàng xóm để gắn kết tình cảm họ hàng, gắn kết tình làng nghĩa xóm, để tỏ lòng biết ơn, v.v. Trẻ con sau khi chúc tết người lớn còn nhận được phong lì xì đỏ đựng tiền mừng tuổi để cầu mong những điều may mắn.

Tết còn gắn với thói quen đi chùa đầu năm, đó là một nét văn hóa tâm linh từ xa xưa và được lưu giữ cho đến hôm nay. Nét đẹp ấy thể hiện người dân đến chùa lễ Phật, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu trong năm cũ và cầu mong may mắn, tài lộc, gia đình bình an. Mọi người quan niệm, đi chùa phải mang lộc về nhà để mang theo những điều may mắn khi bước qua cửa nhằm ước mong 365 ngày tấn tài, tấn lộc, tấn bình an. Tết – từ lâu đã là ngày hội chung cho cả dân tộc, đó là một nét đẹp của văn hóa truyền thống./.