Xuất bản thông tin

null Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học với công tác quản lý học viên của Trường Chính trị

Bài viết Bài viết

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học với công tác quản lý học viên của Trường Chính trị

 

Nguyễn Thị Ánh Xuân

Phó Trưởng phòng QLĐT&NCKH

 

Trong thời gian qua, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học (Phòng QLĐT&NCKH) trường chính trị tỉnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của kịp thời của Chi bộ, Đảng bộ, Ban Giám hiệu nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Với sự thay đổi chức năng, nhiệm vụ của phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học theo Quy định số 09-QĐi/TW nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thì phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có công tác quản lý học viên. Đây chính là một khâu quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà Trường, trong đó có nhiều nội dung như: Công tác triển khai, quán triệt nội quy, quy chế, kế hoạch đào tạo; công tác quản lý học viên và phối hợp quản lý học viên với chủ nhiệm, giảng viên, thanh tra, ban cán sự lớp hay với đơn vị phối hợp mở lớp; quản lý quá trình đào tạo như xây dựng lịch trình, kế hoạch, đánh giá kết quả học phần và đánh giá kết quả toàn khóa; phối hợp với các bộ phận trong thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế của học viên, cung cấp tài liệu, kinh phí, điều kiện phục vụ dạy và học…

Do vậy, để thực hiện tốt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị thì công tác quản lý học viên đóng vai trò quan trọng. Quản lý học viên là một khâu rất quan trọng của quá trình đào tạo và mang tính thường xuyên, quyết định lớn đến chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở và dự nguồn các chức danh trên; là những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, cương vị công tác, sự hiểu biết xã hội; tuổi đời, tuổi nghề cũng khác nhau, cũng như sự khác nhau về động cơ học tập. Từ những đặc điểm trên, nên công tác quản lý học viên ở Trường Chính trị có nhiều thuận lợi, cũng như gặp không ít khó khăn:

Thứ nhất, về thuận lợi:

          - Các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng cũng như bổ nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ngày càng đầy đủ.; là cơ sở để địa phương, đơn vị chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng; cũng là cơ sở để Nhà trường thực hiện công tác tuyển sinh, xét tuyển, quản lý.

          - Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng nói chung và quản lý học viên nói riêng của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để Trường tổ chức quản lý học viên ngày càng đi vào nền nếp;

          - Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng rõ ràng, minh bạch; phân định trách nhiệm của các bên nên công tác quản lý học viên ngày càng có sự tham gia với tinh thần trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị.

          - Cấp ủy cơ sở quan tâm với công tác đào, tạo bồi dưỡng cán bộ. Một số đơn vị lấy kết quả học tập của người học là chuẩn mực đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người học.

         - Sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chi bộ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường đối với công tác quản lý học viên; kịp thời cho chủ trương, điều kiện để giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý học viên.

          - Ban Giám hiệu nắm bắt tình hình và xử lý tình huống về công tác quản lý học viên kịp thời hơn qua công tác họp xét điều kiện thi, kiểm tra, sinh hoạt Ban chủ nhiệm, hoặc gặp gỡ trao đổi với Ban cán sự, tập thể lớp; đối thoại với học viên, hội thảo, tọa đàm để tiếp thu ý kiến

          - Sự phối hợp của các bộ phận trong nhà trường, đơn vị phối hợp mở lớp từng bước được ổn định, đi vào nền nếp.

          - Công tác thanh tra quản lý đào tạo, bồi dưỡng hoạt động thường xuyên, liên tục giám sát trực tiếp quá trình đào tạo, bồi dưỡng, nhất là công tác quản lý học viên.

 

Ảnh: Tọa đàm khoa học cấp phòng
 về “Công tác quản lý học viên của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp”

Thứ hai, về khó khăn:

- Quy định của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã từng bước được điều chỉnh, bổ sung nhưng chưa thật đầy đủ để hướng dẫn Trường trong công tác lưu trữ hồ sơ học viên, quy định quy trình chấm điểm, công bố điểm, mẫu biểu; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ coi thi và người dự thi; chế độ, chính sách cho người tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng….

- Chế độ chính sách cho giảng viên và học viên từng bước được hoàn thiện nhưng vẫn còn bất cập: như chế độ giáo viên coi thi, kiểm tra; chế độ của giáo viên chủ nhiệm; chế độ tiền ăn, tiền nghiên cứu thực tế và các chế độ khác của học viên…;

- Ban cán sự là người hỗ trợ Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, phòng QLĐT&NCKH trong công tác quản lý học viên, cũng là người có trách nhiệm lớn trước tập thể lớp nhưng quyền lợi thì không có sự khác biệt so với các thành viên khác của lớp nên đôi lúc bản thân ban cán sự làm việc với trách nhiệm được giao nhưng chưa thật thiết tha, tâm huyết với tập thể lớp.

- Vẫn còn suy nghĩ quản lý học viên là trách nhiệm của phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; còn có giảng viên chưa nắm vững quy chế, quy định để kịp thời hướng dẫn, chia s, nhắc nhở học viên kịp thời; giảng viên ký sổ dầu bài nhận xét qua loa hoặc không nhận xét buổi học, không ghi đầy đủ thông tin cá nhân cũng như sĩ số học viên…

- Lãnh đạo đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chưa thật sự tạo điều kiện. Một số đơn vị vẫn giao việc cho học viên trong quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng vì nhiều lý do như: Công việc đó không ai thay; cơ quan không có người; quá trình hay nội dung đó do học viên đó phụ trách….

- Học viên chưa thật sự xây dựng cho mình ý chí, quyết tâm mong muốn tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập do đó chưa thật tập trung vào nhiệm vụ học tập; còn bị chi phối bởi công việc cơ quan, gia đình và nhiều lý do khác.

- Sự xuất hiện của công nghệ thông tin (điện thoại, máy tính) góp phần làm cho người học thiếu tập trung trong giờ học, như; Sử dụng điện thoại để nhắn tin, lướt web, ra vào nghe điện thoại; hoặc đôi khi sử dụng điện thoại chỉ là thói quen.

- Chủ nhiệm lớp đôi lúc còn nể nang, tạo điều kiện cho học viên dù họ không thực hiện đúng Quy chế, quy định (như việc ra, vào lớp trong giờ học; vào học không đúng giờ; điểm danh sĩ số học tập chưa nghiêm túc, đôi lúc giao cho Phòng QLĐT&NCKH hoặc Ban cán sự lớp…).

- Công tác tổ chức thi, kiểm tra đôi khi chưa thật sự nghiêm túc, giám thị chưa xử lý đúng mức với các hành vi vi phạm của học viên.

- Một số giáo viên chủ nhiệm đôi lúc chưa thật sự nắm vững và kịp thời quy định, quy chế, nên việc quán triệt cho học viên chưa nhất quán, chưa đồng hành giải quyết những thắc mắc của học viên; giải quyết vấn đề phát sinh thiếu minh bạch nên thiếu sự đồng thuận và ủng hộ của tập thể lớp.

- Công tác phối hợp giữa đồng chủ nhiệm với Phòng QLĐT&NCKH hay giữa đồng chủ nhiệm với giáo viên chủ nhiệm đôi lúc gặp khó khăn do đồng chủ nhiệm phụ trách kiêm nhiệm, ít nắm tình hình học tập của lớp, ít có thời gian tham gia các hoạt động chung với lớp; không kịp thời nắm thông tin tình hình học tập của học viên.

Thứ ba, một số đề xuất:

-  Chi bộ, Đảng uỷ, phòng QLĐT&NCKH, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục đề xuất với các cơ quan, đơn vị có chức năng trong tỉnh và ngoài tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy chế, quy định về quản lý và chế độ chính sách phù hợp hơn với tình hình mới.

- Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn công tác cán bộ: đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ, nhằm góp phần thay đổi được nhận thức về động cơ học tập lý luận chính trị để học viên có thái độ học tập đúng đắn; thống nhất cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức đối với người dự học về bố trí thời gian, điều kiện trong quá trình tham gia học.

- Thống nhất về trách nhiệm quản lý học viên trong nhận thức và hành động của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng đến đội ngũ giảng viên, chủ nhiệm lớp và cơ quan, đơn vị cử đi học.

- Cấp ủy cơ sở và nhà trường (đặc biệt vai trò của giáo viên chủ nhiệm và Ban cán sự lớp) cần thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, khơi dậy lòng tự học, ham học của mỗi học viên nhằm xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng cho người học.

- Bố trí chủ nhiệm, ban cán sự lớp có năng lực, có trách nhiệm; nắm vững quy chế, quy định; xử lý có tình, có lý trên cơ sở quy chế. Cần bố trí đồng chủ nhiệm là người nghiêm túc, trực tiếp quản lý lớp, nắm vững tình hình học viên và chịu phối hợp, làm việc tại cơ sở phối hợp mở lớp để dễ có thời gian dành cho công tác quản lý học viên mở ngoài trường.

- Giảng viên khi lên lớp phải điểm danh, nhận xét vào sổ đầu bài qua từng buổi học với tinh thần trách nhiệm cao hơn.

- Nhà trường thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ đối với các giảng viên, kể cả giảng viên thỉnh giảng nhằm nâng cao chất lượng bài giảng; đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp giảng dạy tích cực có sự hỗ trợ của các phương tiện giảng dạy hiện đại; đưa giảng viên về thực tế có thời hạn tại cơ sở nhằm nắm bắt thêm kinh nghiệm thực tiễn.

Công tác quản lý học viên là hoạt động có ảnh hưởng xuyên suốt quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời cũng đóng vai trò góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng. Để công tác quản lý học viên ngày càng hiệu quả cần sự phối hợp và ý thức trách nhiệm của nhiều cá nhân, tập thể từ địa phương cử cán bộ đi học đến đơn vị phối hợp mở lớp đến đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường và yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất vẫn là ý thức trách, nhiệm của học viên./.