Xuất bản thông tin

null Quan điểm của Hồ Chí Minh về đảng viên và đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Quan điểm của Hồ Chí Minh về đảng viên và đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên

Lê Thị Thanh Kiều

                                                                     Khoa Lý luận cơ sở

Trong hành trình tìm đường cứu nước, khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định “Trước hết phải có đảng cách mạng” và “Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”. Chính vì vậy, Người quan tâm xây dựng đảng vững mạnh, xây dựng đội ngũ đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực đủ sức đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta.

Về đảng viên, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện. Do đó, sức mạnh của Đảng tỷ lệ thuận với năng lực, phẩm chất và sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên.

Theo Hồ Chí Minh, đảng viên là những người tiên tiến, giác ngộ, gương mẫu và tiên phong nhất trong giai cấp. Sức mạnh của đảng viên tạo thành sức mạnh của Đảng. Vì vậy, đội ngũ đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác, đảng viên đi trước, làng nước theo sau, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Chức vụ càng cao càng phải nêu gương. Cho nên, để tạo nên đội ngũ đảng viên tiên phong, gương mẫu, Người yêu cầu: Một là, tổ chức Đảng phải lựa chọn kết nạp những người ưu tú vào Đảng, Người xem lựa chọn đảng viên là nền tảng của tổ chức Đảng; Hai là, phải nâng cao trình độ lý luận và chính trị của đảng viên. Phải tăng cường tính tổ chức và tính kỷ luật của đảng viên. Phải phát triển tính hăng hái và hoạt động chính trị của đảng viên.

Về đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, Hồ Chí Minh là lãnh tụ đặc biệt quan tâm đến đạo đức cách mạng, Người chỉ rõ Đảng cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới lãnh đạo được cách mạng. Đạo đức cách mạng là cơ sở, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh và uy tín của Đảng. Ngay trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Người khẳng định 23 điều tư cách một người cách mạnh; xuyên suốt cuộc hoạt động cách mạng của mình, Người viết nhiều tác phẩm về đạo đức cách mạng như Sửa đổi lối làm việc (1947), Đạo đức cách mạng (1958, 1966), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969), hoặc trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Về đạo đức cách mạng, Người yêu cầu đảng viên phải:

Thứ nhất, thực hiện các nghĩa vụ của đảng viên như: Cố gắng học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao trình độ giác ngộ; Giữ gìn kỷ luật của Đảng, hăng hái tham gia sinh hoạt nội bộ và công tác cách mạng, kiên quyết chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng (đây là “điều chủ chốt nhất”), đấu tranh chống những hiện tượng trái với lợi ích của Đảng; Ra sức phụng sự nhân dân, củng cố mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, kịp thời cho Đảng biết những nhu cầu của nhân dân, giải thích cho nhân dân thấm nhuần và thực hiện chính sách của Đảng;  Giữ vững kỷ luật của Chính phủ và của các đoàn thể cách mạng, thông thạo công việc mình phụ trách; làm gương mẫu trong mọi công việc cách mạng. Người khẳng định: Phải làm tròn những nghĩa vụ đó mới xứng đáng là người đảng viên.

Thứ hai, thực hiện các yêu cầu đạo đức nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Người viết: Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. ... Lòng mình biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm năm điểm: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Ngoài ra, đạo đức cách mạng còn thể hiện ở các yêu cầu Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Đây là những phẩm chất quan trọng của đạo đức cách mạng, của người đảng viên. Người viết:

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người.

Cần, Kiệm, Liêm, Chính theo Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng và cần thiết của xã hội mới vì: Một dân tộc biết Cần, Kiệm, biết Liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ; Cần, Kiệm, Liêm, Chính còn là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc.

Thứ ba, đạo đức cách mạng của đảng viên theo Hồ Chí Minh còn thể hiện ở quyết tâm đấu tranh chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không chịu khuất phục; luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ. Trong đó, kẻ địch nguy hiểm nhất Người đề cập đến là chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ ra rằng: Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân.

Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó. Người chỉ ra giải pháp để chống chủ nghĩa cá nhân như tu dưỡng rèn luyên đạo đức bền bỉ suốt đời, nêu gương đạo đức, nói đi đôi với làm, … Đồng thời, khi chống chủ nghĩa cá nhân cần phải phân biệt giữa chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân là yếu tố cần phải được bảo vệ vì đó là động lực thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển ý thức cá nhân của con người nói chung và của đảng viên nói riêng trong học tập, lao động, sản xuất.

Trong điều kiện “Đảng cầm quyền” hiện nay, những quan điểm của Hồ Chí Minh về đảng viên và đạo đức cách mạng của đảng viên là cơ sở để Đảng ta vận dụng xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên. Nhất là trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội, đảng viên phải thực sự tiên phong, gương mẫu. Qua đó, Đảng ta ban hành nhiều văn bản chuyên đề để xây dựng Đảng về đạo đức qua Văn kiện Đại hội, Nghị quyết, Chỉ thị,… Trong đó, văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: Xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; trong Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với chủ đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; và gần đây nhất là trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Tựu trung lại, những văn bản này nhằm mục tiêu cơ bản là: Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng, đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5,8,11,15.

3. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.