Xuất bản thông tin

null Một số khó khăn trong xử lý tội đánh bạc

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Một số khó khăn trong xử lý tội đánh bạc

Tội phạm về đánh bạc diễn ra ngày càng phức tạp và đa dạng, tình hình, loại tội phạm này vẫn chưa thật sự được kéo giảm, bởi nhiều nguyên nhân...

= = =

                                                                                              Huỳnh Hồng Việt

Ngô Văn Lượng

Tóm tắt: Tội phạm về đánh bạc diễn ra ngày càng phức tạp và đa dạng, mặc dù các cơ quan bảo vệ pháp luật rất kiên quyết trong việc xử lý tội phạm này nhưng tình hình, diễn biến và tính chất mức độ của loại tội phạm đánh bạc vẫn chưa thật sự được kéo giảm, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn công tác, qua bài viết các tác giả sẽ phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc chưa xử lý triệt để, đồng thời đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả áp dụng, xử lý đối với tội này.                     

  1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, mặc dù công tác phòng chống tội phạm đánh bạc đã thực sự được chú trọng, nhưng thực tế cho thấy trong thời gian qua, tình hình tội phạm đánh bạc ngày càng tăng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi. Người đánh bạc xuất hiện ở tất cả các tầng lớp, ngành nghề trong xã hội, thậm chí không ít quan chức giữ những vị trí quan trọng, then chốt trong bộ máy Nhà nước cũng tham gia tệ nạn này[1], thiệt hại do tội phạm đánh bạc gây ra cho xã hội cũng tăng lên đáng k[2].

 Dưới mức độ nghiên cứu về hành vi đánh bạc qua quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng cho thấy một số nguyên nhân dẫn đến việc xử lý tội phạm về đánh bạc chưa triệt để, trước hết là hướng dẫn pháp luật chưa đầy đủ, chưa kịp thời, nhận thức pháp luật chưa thống nhất, bởi sự đa dạng, phức tạp của hành vi đánh bạc và trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của một số cán bộ hoạt động tư pháp còn hạn chế.

2. Quy định của pháp luật về xử lý hành vi đánh bạc

Hành vi đánh bạc được xem là tội phạm từ khi Nhà nước ta ban hành Sắc lệnh số 168-SL ngày 14/4/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc ấn định cách trừng trị tội đánh bạc. Sau nhiều Bản tổng kết, Thông tư, Chỉ thị, Sắc luật được ban hành để hướng dẫn xử lý. Đến năm 1985, khi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985 ban hành thì hành vi đánh bạc được quy định chung trong một điều luật (Điều 200), bao gồm hành vi: “đánh bạc, tổ chức đánh bạc”. BLHS năm 1999 đã quy định theo hướng tách tội đánh bạc với tội tổ chức đánh bạc thành hai điều luật riêng. Và theo đó, tội đánh bạc được quy định tại Điều 248 và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định tại Điều 249 BLHS. Do sự phát triển của tình hình kinh tế, xã hội nước ta nên ngày 19/6/2009  tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009, trong đó đã sửa đổi, bổ sung tội đánh bạc Điều 248 BLHS chủ yếu tăng mức tiền về cấu thành cơ bản của tội đánh bạc từ 2.000.000 đồng lên 5.000.000đồng, còn về cơ bản các dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc được giữ nguyên. BLHS hiện hành (BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018) quy định tội đánh bạc tại Điều 321 và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc tại Điều 322.  

Yếu tố cấu thành cơ bản của tội đánh bạc được quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS 2015 vẫn giữ nguyên như sau: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt …”

3. Những khó khăn trong quá trình xử lý hành vi đánh bạc

3.1. Nhận thức pháp luật

3.1.1. Đối tượng tài sản trong tội đánh bạc:

Theo quy định thì để xử lý hành vi đánh bạc, pháp luật yêu cầu phải xác định giá trị tiền hay hiện vật của những người tham gia đánh bạc, “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng...”.

Quy định trên cho thấy, tài sản dùng để đánh bạc chỉ có 2 trong 4 loại của tài sản[3] đó là tiền hay hiện vật. Trong thực tiển, ngoài ra còn các loại tài sản khác hay những tài sản không phải là hiện có mà thuộc loại tài sản hình thành trong tương lai không được xác định là đối tượng dùng trong tội đánh bạc. Vì thế, nếu trong trường hợp con bạc sử dụng những tài sản là các loại giấy tờ có giá và quyền tài sản hay vật hình thành trong tương lai quy ra giá trị để thực hiện vào mục đích đánh bạc hay đánh bạc với mục đích ăn thua các loại tài sản là giấy tờ có giá và quyền tài sản hoặc vật hình thành trong tương lai thì sẽ không bị xử lý hình sự bởi các loại tài sản trên chưa được quy định là đối tượng của tội phạm đánh bạc.

Để đảm bảo tính toàn diện của pháp luật trong xử lý tội phạm về đánh bạc, tác giả thấy rằng, giấy tờ có giá, quyền tài sản vật hình thành trong tương lai cần được bổ sung là đối tượng của tội phạm đánh bạc.

3.1.2. Tiền trên chiếu bạc:

Căn cứ xác định tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc được hướng dẫn ở nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự được quy định từ trước BLHS năm 2015 nhưng đến nay vẫn còn vận dụng, điều này là một trong những khó khăn trong áp dụng pháp luật[4]. Điển hình Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của BLHS 1999 (Nghị quyết số 01) đã hết hiệu lực[5]. Dù đã xác định hết hiệu lực nhưng hiện nay tinh thần các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn vận dụng để xử lý tội đánh bạc vì chưa có văn bản hướng dẫn thay thế. Để xây dựng văn bản hướng dẫn Điều 321 BLHS trong thời gian tới, nhóm tác giả thấy còn một số vấn đề cần có sự hướng dẫn thống nhất, điển hình:

Theo khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết 01 quy định: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm: (1) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; (2) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; (3) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

Chiếu bạc” là gì, cho đến thời điểm hiện nay chưa có khái niệm thế nào là chiếu bạc, diện tích, phạm vi chiếu bạc bao nhiêu. Có nhiều trường hợp khi bị bắt quả tang, số tiền đánh bạc không được để trước mặt người đánh bạc hay bị rơi xung quanh những người ngồi đánh bạc một khoảng cách nhất định, có một số nơi thì cho là tiền trên chiếu bạc, nhưng có trường hợp cho là tiền thu giữ ngoài chiếu bạc.

Trên cơ sở thực tiễn giải quyết các vụ án đánh bạc, cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng chiếu bạc là khoảng không gian những người đánh bạc đang sử dụng để thực hiện hình thức đánh bạc (chia bài, lắc tài xỉu, đổ xí ngầu…) trong phạm vi này những con bạc đặt tiền trực tiếp mà người chơi bạc sẽ nhìn thấy, số tiền để trên nơi chia bạc là tiền trên chiếu bạc.

 3.1.3. Tiền hoặc hiện vật thu giữ trong người hay nơi khác:

Hướng dẫn áp dụng pháp luật cho rằng số tiền hay hiện vật thu giữ trong người các con bạc hay thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc thì sẽ xác định là tài sản dùng để đánh bạc.

Việc quy định “tiền hay hiện vật thu giữ trong người các con bạc hay thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc thì sẽ xác định là tài sản dùng để đánh bạc” mang tính định tính và tùy nghi, dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc xử lý các vụ án đánh bạc. Bởi lẽ, sẽ không có chứng cứ để chứng minh số tiền thu giữ trong người các con bạc và thu giữ ở các nơi khác là đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc mà chỉ căn cứ vào lời khai của người đánh bạc để kết luận số tiền đó đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc. Nếu người đánh bạc thừa nhận thì tài sản đó sẽ được dùng để tính định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu không thừa nhận thì cũng không được dùng để tính là định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi bị bắt quả tang, người đánh bạc thừa nhận cho rằng số tài sản trên dùng để đánh bạc, nhưng sau đó lại phản cung cho rằng việc thừa nhận là do thiếu hiểu biết hoặc do bị ép buộc và cơ quan điều tra không có chứng cứ khác để xác định số tài sản đó đã hay sẽ dùng để đánh bạc thì lại phủ nhận kết quả điều tra ban đầu.

Trong khi đó, pháp luật tố tụng hình sự không quy định người có hành vi vi phạm phải được ghi bao nhiêu lời khai và trách nhiệm đối với lời khai của mình trước cơ quan tiến hành tố tụng ra sao, bởi vì khai báo là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của người bị buộc tội[6]. Điều đó có nghĩa rằng, cơ quan tiến hành tố tụng không được bắt buộc người bị buộc tội thực hiện trách nhiệm đó dưới bất kỳ hình thức nào.

Với nguyên tắc suy đoán vô tội, liên quan đến chủ thể của trách nhiệm chứng minh đặt ra trách nhiệm chứng minh của cơ quan buộc tội, người buộc tội[7] mà không quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người bị buộc tội. Theo quan điểm của tác giả là chưa thật sự chuẩn xác, dù rằng pháp luật đảm bảo cho người bị buộc tội được cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, người bị buộc tội có quyền im lặng, nhưng khi họ khai báo hay cung cấp tài liệu thì phải đúng sự thật để đảm bảo tính công chính trong hoạt động tư pháp.

 Điều 382 BLHS về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, không quy định đối tượng chịu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể là người bị buộc tội. Chính từ việc không quy định đầy đủ dẫn đến người có hành vi vi phạm thay đổi lời khai, cản trở công chính tư pháp, đồng thời tạo điều kiện cho người tiến hành tố tụng dẫn cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án.

3.1.4. Xác định giá trị đánh bạc

Đánh bạc là việc nhiều người tham gia đánh bạc với nhau, tuy nhiên để xác định giá trị tiền và hiện vật tham gia đánh bạc lại quy định khác nhau.  Cụ thể có trường hợp thì tính tổng số tiền của những người tham gia đánh bạc, có trường hợp thì tính riêng lẽ.

Tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01 hướng dẫn: “4. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;

b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa… (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa… trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.

Việc xác định “Nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau” có nhiều cách hiểu khác nhau.

Thứ nhất, được hiểu là nhiều người cùng với nhau trực tiếp đánh bạc.

Theo cách hiểu này, không kể các con bạc đánh với nhà cái hay giữa các con bạc với nhau thì đều xem là cùng tham gia đánh bạc với nhau. Như vậy, khi bị phát hiện, căn cứ tổng số tiền đánh bạc của tất cả những người tham gia trên chiếu bạc kể cả những người tham gia những đã nghỉ trước khi bị bắt quả tang và tất cả những người tham gia đánh bạc đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) nếu đủ định lượng. Bởi vì, những người chơi chỉ chơi với nhà cái, nhưng dòng tiền được luân chuyển trực tiếp tại chiếu bạc theo nhiều ván chơi. Nếu hiểu theo cách hiểu này thì việc chứng minh không gặp nhiều khó khăn, không cần phải tính đến từng ván bài mà chỉ cần xác định tổng số tiền dùng đánh bạc của tất cả những người tham gia là bao nhiêu để xem xét TNHS. Theo Tòa án nhân dân tối cao thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa, xóc đĩa...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.[8] Trong tình huống này có những trường hợp các con bạc chơi không đầy đủ từ đầu đến cuối, có lúc chơi, lúc không, thậm chí có thời gian nghỉ ngơi, sau đó mới chơi tiếp, nên nếu tính tổng số tiền dùng để đánh bạc cho tất cả những người có tham gia thì không phù hợp với việc phân hóa TNHS của từng cá nhân vi phạm trong trường hợp chứng minh được số tiền của mỗi người tham gia đánh bạc dưới mức định lượng và cơ quan điều tra rất khó trong việc chứng minh.

Ví dụ: trong một vụ đánh bạc có một đối tượng cho rằng có tham gia đánh bạc 02 ván, mỗi ván đặt 200.000đ, kết quả thua nên nghỉ đứng xem hoặc đã ra ngoài ăn uống thì bị lực lượng Công an phát hiện và lập biên bản qủa tang. Quá trình làm việc ghi lời khai ban đầu, Bản tự khai đều thừa nhận hành vi đánh bạc, giữ nguyên lời khai như biên bản qủa tang là đã nghỉ đứng xem hoặc ra ngoài ăn uống. Nếu xác định số tiền đánh bạc trên chiếu bạc khi bắt quả tang, không xác định được những lần ván bài đối tượng tham gia, trên chiếu bạc có đủ định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa mà khởi tố đối tượng về tội đánh bạc thì không đảm bảo theo tinh thần của khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01 quy định: “Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét;...” .

Thứ hai, được hiểu là nhiều người cùng tham gia đánh bạc ăn thua trực tiếp với nhau.

Trong trường hợp này, số tiền đánh bạc chỉ tính qua việc ăn thua trực tiếp với nhà cái vì giữa các con bạc không có việc đánh bạc với nhau. Trong trường hợp này, những  con bạc chỉ chịu TNHS về số tiền đánh bạc của mình với nhà cái mà không phải chịu TNHS về tổng số tiền của tất cả những người cùng tham gia trên chiếu bạc. Trường hợp này, giống với trường hợp đánh bạc dưới hình thức số đề, cá độ bóng đá…

Để chứng minh từng ván (đợt) đánh bạc của mỗi con bạc là bao nhiêu thì rất khó khăn (chỉ mang tính ước lượng theo lời khai của người tham gia đánh bạc (nếu không có sổ sách ghi chép từng ván). Bởi vì các cuộc đánh bạc đều đã diễn ra được một thời gian mới bị phát hiện nên khó để chứng minh mỗi ván (đợt), từng con bạc tham gia đánh bạc với nhà cái bao nhiêu tiền để tính tổng số tiền cho một lần đánh bạc.

Tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01 có hướng dẫn:

 “2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:

c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự…”

Trong trường hợp đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá thì mỗi một lần cá độ trong một trận bóng đá là một lần đánh bạc và trong một đêm, một người có thể cá độ ở nhiều trận bóng đã khác nhau và mỗi lần dưới 50.000.000 đồng thì cũng không được phép cộng các lần cá độ đó để tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc để xác định trách nhiệm hình sự đối với họ trong việc định khung hình phạt. Trong khi đó một người trong một ngày nhiều lần ghi số đề thì cũng chỉ tính là một lần và nếu trong ngày đó họ ghi đề nhiều lần mà cộng vào mà số tiền 50.000.000 đồng thì họ lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 321 BLHS và không phải chịu tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS. Bởi vì, trong 1 ngày các Đài xổ số các tỉnh, thành phố cùng khu vực, đều mở thưởng cùng 1 thời gian. So sánh với các tội xâm phạm sở hữu thì người có hành vi phạm tội sẽ bị cộng số tiền đã phạm tội và chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần[9], điều đó cho thấy quy định này không đúng với nguyên tắc công bằng trong Luật hình sự Việt Nam.

Theo tác giả khi xác định trách nhiệm hình sự, việc xác định giá trị tài sản dùng để đánh bạc phải dựa trên căn cứ pháp lý xác định người tham gia đánh bạc tại thời điểm họ đánh bạc và trách nhiệm cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc chứng minh thì pháp luật cần có chế tài đối với người bị buộc tội khai báo gian dối hay cung cấp tài liệu không đúng sự thật.

Bên cạnh đó, nếu các lần đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào mà số tiền đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu quy định tại khung cấu thành cơ bản của điều luật thì cần cộng vào để xác định khung hình phạt và xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự giống như đã áp dụng đối với các tội xâm phạm sở hữu, có như vậy mới đảm bảo được tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật hình sự.

3.2. Một số thiếu sót xuất phát từ người thi hành công vụ

3.2.1. Lập biên bản xác định hành vi phạm tội

Khi lực lượng Công an kiểm tra phát hiện bắt quả tang các tụ điểm đánh bạc dưới hình thức Tài - Xỉu thắng thua bằng tiền, sẽ phân ra 02 trường hợp lập biên bản: Nếu tiền thu giữ trên chiếu bạc từ 5.000.000đ trở lên Cơ quan Công an tiến hành lập Biên bản phạm tội quả tang hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Nếu dưới 5.000.000 đồng thì lập Biên bản vi phạm hành chính.

Đối với Biên bản phạm tội quả tang của các vụ án Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc với số tiền thu giữ trên chiếu bạc từ 5.000.000đ trở lên, cách ghi biên bản mô tả hành vi tham gia đánh bạc của từng đối tượng không thống nhất, Khi phát hiện hành vi đánh bạc, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản phạm tội quả tang, trong biên bản không ghi đầy đủ nội dung về hành vi vi phạm pháp của từng đối tượng bị bắt quả tang, không xác định vật chứng thu giữ ở nơi nào (trong túi áo hay túi quần, cách chiếu bạc bao nhiêu mét, có sử dụng vào việc đánh bạc hay không tại sao? …) theo hướng dẫn của Bộ Công an[10].

Ví dụ trong biên bản phạm tội quả tang ghi nhận tại mục lời khai của người phạm tội: Tôi Nguyễn Văn C có đến tụ điểm đánh bạc để tham gia đánh bạc với vai trò đặt tụ thì bị lực lượng Công an phát hiện bắt qủa tang. (biên bản không thể hiện rõ ván cuối, ván quả tang còn đặt tụ hay đã nghỉ) nên trong quá trình điều tra người bị bắt không thừa nhận hành vi phạm pháp tại thời điểm phạm tội quả tang mà cho rằng đã chấm dứt trước khi bị bắt.

 Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nếu quá trình làm việc đối tượng không thừa nhận hành vi đang đặt tụ với số tiền cụ thể và Cơ quan điều tra không thu thập được những chứng cứ khác như hình ảnh camera, nhận dạng, không có người làm chứng, các đối tượng tham gia đánh bạc thừa nhận thì không đủ căn cứ khởi tố. Bởi vì nội dung trong biên bản phạm tội quả tang không mô tả rõ hành vi Nguyễn Văn C đang tham gia đặt tụ với số tiền thắng thua cụ thể, không xác định thời điểm tham gia nên không xác định được giá trị tiền của những người tham gia đánh bạc.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Chỉ cần Biên bản phạm tội quả tang đối tượng thừa nhận “tôi có đến tụ điểm để tham gia đánh bạc thì bị phát hiện bắt quả tang là đúng” và số tiền thu giữ trên chiếu bạc từ 5.000.000đ trở lên là đủ căn cứ khởi tố bị can.

Theo tác giả, với nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, với nguyên tắc chứng minh trong tố tụng hình sự, theo Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự thì không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội,
kết tội. Nếu Cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được thì không xử lý. Do đó, trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp kiểm sát viên cần có giải pháp yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện việc lập biên bản đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành Công an.

3.2.2. Loại trừ tiền sự của người vi phạm

Khi xảy ra vi phạm pháp luật về hành vi đánh bạc, cán bộ, chiến sĩ Công an có thẩm quyền đã yêu cầu người vi phạm đã yêu cầu đóng tiền ký gửi để đảm bảo việc đóng phạt, sau khi ra quyết định xử phạt đã tự dùng tiền của người vi phạm ký gửi nộp phạt thay người vi phạm dẫn đến việc người vi phạm hoàn toàn không biết mình đã bị xử phạt vi phạm hành chính hay sẽ bị xử lý hình sự đối với hành vi vừa thực hiện. Một số trường hợp đối tượng không bị khởi tố thì cán bộ xử lý hành chi ra quyết định và lấy số tiền này nộp phạt thay cho đối tựng vi phạm mà không lập biên bản tống đạt quyết định xử phạt cho người vi phạm hay biên lai đóng phạt thể hiện có đầy đủ thông tin của người vi phạm, hành vi vi phạm nhưng không có chữ ký của họ, …Nên sau đó họ tiếp tục chơi bạc (dưới mức tiền cấu thành cơ bản 5.000.000đồng) thì không đủ căn cứ xác định người thực hiện hành vi đánh bạc phải chịu trách nhiệm hình sự khi lần sau vi phạm chưa đủ định lượng. Đây là trường hợp xảy ra phổ biến hiện nay, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và pháp luật cũng chưa có chế tài nghiêm khắc đối với chủ thể chưa thực hiện hết trách nhiệm.

4. Kiến nghị, đề xuất

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, để đảm bảo việc nhận thức, áp dụng pháp luật trong thực tiễn, thực hiện kịp thời Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự, Chính phủ, liên ngành Trung ương khẩn trương phối hợp rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành về pháp luật hình sự nói chung và tội đánh bạc nói riêng. Theo các tác giả, việc sửa đổi, bổ sung theo hướng:

- Khoản 1 Điều 321 BLHS cần sửa đổi như sau: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tài sản trị giá từ 5.000.000 đồng …”.

- Để tránh việc nhận thức khác nhau, khi xây dựng văn bản hướng dẫn Điều 321 BLHS cần xác định các vấn đề sau:

+ Giải thích rõ khái niệm chiếu bạc là nơi những người tham gia đánh bạc trực tiếp để tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc.

+ Cần thống nhất xác định trách nhiệm hình sự, nếu các lần đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào mà số tiền đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu quy định tại khung cấu thành cơ bản của điều luật thì cộng dồn vào để xác định khung hình phạt và xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự giống như đã áp dụng đối với các tội xâm phạm sở hữu.

- Bổ sung chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382), ngoài những chủ thể đang  được quy định, bổ sung chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự là người bị buộc tội.

- Bổ sung chế tài hình sự đối với chủ thể trong việc thiếu trách nhiệm để xảy ra trường hợp không thực hiện đúng các quy định trong xử phạt hành chính mà hậu quả dẫn đến không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.

- Các đơn vị kiểm sát tăng cường thực hiện quyền năng pháp lý để đảm bảo việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra đầy đủ và đúng pháp luật.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật tố tụng hình sự 2015

2. Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

3. Bộ luật dân sự 2015;

4. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của BLHS 1999;

5. Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP  ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999;

6. Thông tư  số 119/2021/TT-BCA  ngày 08/12/2021 của Bộ Công an.  

7. Công văn số: 64/TANDTC-PC ngày 03 tháng 4 năm 2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính.

8. Hải Việt, Hành trình triệt phá đường dây đánh bạc nghìn tỷ; https://cand.com.vn/Vu-an-noi-tieng/hanh-trinh-triet-pha-duong-day-danh-bac-nghin-ty-i657903/;

9. Ngô Văn Lượng, Văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Hình sự 2015, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số  10 (434) - 5/ 2014;

10. Phạm Minh Hà, Cần xử lý nghiêm cán bộ, công chức tham gia đánh bạc; https://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/can-xu-ly-nghiem-can-bo-cong-chuc-tham-gia-danh-bac-556222.html;

 

[1] Phạm Minh Hà, Cần xử lý nghiêm cán bộ, công chức tham gia đánh bạc; https://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/can-xu-ly-nghiem-can-bo-cong-chuc-tham-gia-danh-bac-556222.html; [ Truy cập 17/11/2022].

[2] Hải Việt, Hành trình triệt phá đường dây đánh bạc nghìn tỷ; https://cand.com.vn/Vu-an-noi-tieng/hanh-trinh-triet-pha-duong-day-danh-bac-nghin-ty-i657903/; [ Truy cập 17/11/2022].

[3] Theo Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

[4] Ngô Văn Lượng, Văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Hình sự 2015, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số  10 (434) - 5/ 2014; tr. 37;

[5] Công văn số 355/QĐ-TANDTC ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của tòa án nhân dân tối cao.

[6] Theo Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

[7] Đào Trí Úc, suy đoán vô tội – Nguyên tắc hiến định quan trọng trong bộ luật tố tụng hình sự việt nam năm 2015, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Nhà xuất bản Hồng Đức, tr. 448.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Rehnquist thậm chí đã đồng nhất suy đoán vô tội với trách nhiệm chứng minh: “Suy đoán vô tội là một học thuyết về việc xác định trách nhiệm chứng minh trong các vụ án hình sự.” Xem Bell v Wolfish 441 US 520, 533 (1979).

[8] Mục  13.I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân Tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

[9] Mục 4.I Công văn số: 64/TANDTC-PC ngày 03 tháng 4 năm 2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính.

   Mục 5.II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP  ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999;

[10] Hướng dẫn thực hiện Mẫu số 69 ban hành theo Thông tư  số 119/2021/TT-BCA  ngày 08/12/2021 của Bộ Công an.