Xuất bản thông tin

null Kết luận định giá tài sản trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Kết luận định giá tài sản trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện

Bài viết được đăng trên Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01 (173)/ 2024

= = =

Ngô Văn Lượng

Nguyễn Phương Thảo

Tóm tắt

Kết luận định giá tài sản là một trong những nguồn chứng cứ mới được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bài viết phân tích những quy định của luật tố tụng hình sự và những hạn chế còn tồn tại trong pháp luật hiện hành về kết luận định giá tài sản (bao gồm các loại kết luận định giá tài sản, nội dung và hình thức của kết luận định giá tài sản, quyền của người tham gia tố tụng đối với kết luận định giá tài sản). Ngoài ra, thông qua nghiên cứu thực tiễn, nhóm tác giả cũng phát hiện một số vấn đề vẫn còn vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Trên cơ sở những nội dung được phân tích, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về nguồn chứng cứ là kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Từ khóa: Kết luận định giá tài sản, chứng cứ, chứng minh, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

PROPERTY VALUATION CONCLUSION IN VIETNAMESE CRIMINAL PROCEDURE LAW

AND SOME RECOMMENDATIONS FOR LEGAL REFORM

Abstract

            Asset valuation conclusion is one of the new sources of evidence specified in the Criminal Procedure Code 2015, playing an important role in the process of resolving criminal cases. The article analyzes the provisions of criminal procedure law and the shortcomings that exist in current law on asset valuation conclusions (types of asset valuation conclusions, content and form of asset valuation conclusions, and rights of participants in proceedings regarding asset valuation conclusions). In addition, through practical research, the authors also discovered some limitations in applying the law. Based on the analyzed content, the article suggests some recommendations to reform criminal procedure law of Vietnam on evidence sources such as asset valuation conclusions.

Key words: property valuation conclusionevidence, proof, Criminal Procedure Code 2015

1. Đặt vấn đề

Kết luận định giá tài sản (ĐGTS) là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu[1], là kết quả cuối cùng của hoạt động ĐGTS. Trong một số vụ án hình sự, kết luận ĐGTS có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định một hành vi có phải là tội phạm hay không, định khung hình phạt, xác định mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng,... Kết luận ĐGTS là một trong những nguồn chứng cứ mới được quy định trong BLTTHS năm 2015[2], có giá trị chứng minh và độ tin cậy khá cao vì đây là kết luận của những người có kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý trường hợp thông tin trong kết luận ĐGTS không đảm bảo bất kỳ thuộc tính nào của chứng cứ (tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp) thì những thông tin này không có giá trị pháp lý và không được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án.[3]

Trải qua hơn 5 năm thi hành, quy định về kết luận định giá tài sản trong BLTTHS năm 2015 vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết (cụ thể như căn cứ định giá lại tài sản chưa được quy định rõ ràng, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật về việc có định giá lại tài sản hay không đối với kết luận ĐGTS “chưa rõ”, hình thức của kết luận định giá lại tài sản và kết luận định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt chưa được quy định, chưa có quy định về quyền khiếu nại của người tham gia tố tụng đối với văn bản trả lời “không chấp nhận đề nghị định giá lại tài sản” của cơ quan THTT,…). Ngoài ra, có những vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh (ví dụ như việc bổ sung, thay đổi kết luận ĐGTS của Hội đồng ĐGTS), từ đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật của các cơ quan THTT trong thực tiễn giải quyết vụ án không thống nhất, phát sinh nhiều vấn đề còn vướng mắc.

Bài viết phân tích sâu hơn những hạn chế xoay quanh quy định về kết luận ĐGTS đã được đề cập trong những công trình nghiên cứu trước đây và chỉ ra thêm những hạn chế được nhóm tác giả phát hiện. Đặc biệt, trong phần nghiên cứu về thực tiễn giải quyết vụ án, bài viết nêu bật những vấn đề vẫn còn thiếu sót, sai phạm, chưa thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền THTT trong quá trình áp dụng pháp luật về kết luận ĐGTS. Những hạn chế này chưa được đưa ra bình luận trong các công trình nghiên cứu trước. Trên cơ sở những phân tích, đánh giá trong nội dung bài viết, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị mang tính khả thi để hoàn thiện các quy định về kết luận ĐGTS trong tố tụng hình sự Việt Nam.

2. Quy định về kết luận định giá tài sản trong luật tố tụng hình sự Việt Nam

2.1. Các loại kết luận định giá tài sản

a. Kết luận định giá tài sản lần đầu

Kết luận ĐGTS lần đầu là văn bản đầu tiên do Hội đồng ĐGTS lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu. Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền THTT ra văn bản yêu cầu ĐGTS.[4] Kết luận ĐGTS được lập bằng văn bản căn cứ vào kết quả biểu quyết theo đa số về giá của tài sản cần định giá tại Biên bản phiên họp định giá tài sản”.[5] Hiện nay, pháp luật không quy định các trường hợp cụ thể cần yêu cầu ĐGTS. Tuy nhiên, trên thực tiễn, nhóm tác giả đồng ý với quan điểm cho rằng người có thẩm quyền THTT phải căn cứ vào đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự để xác định việc giải quyết vụ án hình sự cụ thể có cần phải thu thập nguồn chứng cứ là kết luận ĐGTS hay không. Nếu trong đối tượng chứng minh của vụ án cần xác định tính chất, mức độ thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gây ra thì cơ quan, người có thẩm quyền THTT phải yêu cầu ĐGTS.[6] Tài sản cần định giá có thể là tài sản còn hiện hữu, tài sản bị thất lạc hoặc không còn. Trong đó, việc có cần thiết để xác định tính chất, mức độ của thiệt hại về tài sản hay không thì phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm đối với từng tội danh cụ thể được quy định trong BLHS.[7]

Kết luận ĐGTS lần đầu do Hội đồng ĐGTS lập có thể được sử dụng làm nguồn chứng cứ để giải quyết vụ án khi đáp ứng các điều kiện về nội dung, hình thức theo quy định của pháp luật. Thông tin trong kết luận ĐGTS càng chi tiết, rõ ràng thì có giá trị chứng minh càng cao. 

b. Kết luận định giá lại tài sản

Kết luận định giá lại tài sản là kết quả của hoạt động định giá lại tài sản. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, mỗi loại tài sản đã được định giá có thể được định giá lại tối đa 03 lần để giải quyết vụ án hình sự. Cụ thể, trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền THTT tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản,[8] tương ứng sẽ có “kết luận định giá lại tài sản”. Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan có thẩm quyền THTT ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai, tương ứng sẽ có “kết luận định giá lại lần hai”. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.[9] Theo hướng dẫn tại Thông tư số 30/2020/TT-BTC, định giá lại lần thứ hai được thực hiện khi đồng thời thỏa mãn đủ các điều kiện sau: (1) Kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu khi việc định giá lần đầu và định giá lại đều tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá theo quy định của pháp luật; áp dụng đúng thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá và nội dung yêu cầu định giá; (2) Cơ quan có thẩm quyền THTT tiếp tục có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại.[10] Như vậy, căn cứ “mâu thuẫn giữa 2 kết luận ĐGTS trong BLTTHS đã được cụ thể hóa trong Thông tư hướng dẫn với 02 điều kiện về nội dung: kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu; có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại. Chúng tôi cho rằng quy định này trong văn bản hướng dẫn đã chỉ rõ mức độ của sự “mâu thuẫn” được đề cập trong quy định của BLTTHS. Cụ thể, mâu thuẫn ở đây không chỉ đơn thuần là có sự khác biệt về giá mà phải dẫn đến “có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại”. Quy định này giúp hạn chế tình trạng yêu cầu định giá lại nhiều lần, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng.

Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC quyết định việc định giá lại tài sản lần 03 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền THTT khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng ĐGTS, tương ứng sẽ có “kết luận định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt”. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.[11] Như vậy, không phải mọi kết luận ĐGTS lần đầu đều được xem là nguồn chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự, tài sản có thể được định giá lại, định giá lại lần 2, định giá lại trong trường hợp đặc biệt (lần 3). Kết luận định giá lại tài sản lần cuối cùng mới được xem là nguồn chứng cứ mang tính chất quyết định, được sử dụng để giải quyết vụ án.

Đối với những quy định vừa đề cập, chúng tôi cho rằng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:

- Thứ nhất, khi “có nghi ngờ về kết luận ĐGTS lần đầu”, chính xác hơn là “khi có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận ĐGTS lần đầu” thì tài sản sẽ được định giá lại. Sự “nghi ngờ” thuộc về ý chí chủ quan của cơ quan THTT, do tự mình nhận thấy hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác. Theo quy định này, “sự nghi ngờ” dường như mang tính chất tùy nghi vì chưa có quy định cụ thể về căn cứ để xác định và nội dung của sự nghi ngờ. Để khắc phục một phần hạn chế này, Thông tư số 30/2020/TT-BTC cũng hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền THTT có trách nhiệm phối hợp cung cấp cho Hội đồng định giá các tài liệu, hồ sơ của các lần định giá trước đó và kèm theo tài liệu chứng minh cụ thcăn cứ, lý do nghi ngờ kết quả định giá, định giá lại tài sản.[12] Theo chúng tôi, hướng dẫn này vẫn chưa giới hạn rõ nội dung của sự nghi ngờ. Trường hợp “nghi ngờ” về trình tự, thủ tục định giá hoặc thành phần của Hội đồng ĐGTS thì không thuộc trường hợp định giá lại tài sản. Việc định giá tài sản trong những trường hợp này được thực hiện như định giá lần đầu.[13] Thông qua quy định này, liệu có thể ngầm hiểu nhà làm luật đã trực tiếp khẳng định “sự nghi ngờ về trình tự, thủ tục của hoạt động ĐGTS và thành phần của Hội đồng ĐGTS” không phải là căn cứ để định giá lại tài sản, đồng thời gián tiếp khẳng định “sự nghi ngờ về nội dung của kết luận ĐGTS” mới là căn cứ để định giá lại tài sản? Tuy vậy, đây chỉ là một sự suy đoán. Bình luận thêm về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy nếu trình tự, thủ tục định giá hoặc thành phần của Hội đồng định giá không đúng quy định của pháp luật thì việc định giá cần được tiến hành lại như định giá lần đầu mà không thuộc trường hợp định giá lại tài sản là quy định hợp lý. Nội dung của kết luận định giá tài sản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng cũng như có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự. Đồng thời việc định giá lại tài sản chỉ được tiến hành tối đa 03 lần (bao gồm cả trường hợp ĐGTS trong trường hợp đặc biệt), kết luận ĐGTS cuối cùng sẽ được sử dụng để giải quyết vụ án. Thế nên, nếu chỉ vì sai phạm của Hội đồng ĐGTS trong hoạt động ĐGTS mà phải định giá lại tài sản thì đã làm giảm số lần ĐGTS theo luật định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng nói riêng và quá trình giải quyết VAHS nói chung. Vì những lẽ trên, “căn cứ xác định sự nghi ngờ đối với kết luận ĐGTS” nên được quy định rõ là nghi ngờ về yếu tố nội dung trong kết luận ĐGTS. Có thể tham khảo BLTTHS của Cộng hòa Liên Bang Nga về vấn đề này: “Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào nảy sinh về “tính xác thực” trong kết luận chuyên gia hoặc nếu có mâu thuẫn trong kết luận của các chuyên gia thì cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ định kiểm tra lại bởi một Hội đồng khác.”[14] Ở đây có thể hiểu, nội dung của sự nghi ngờ là về “tính xác thực” trong kết luận ĐGTS. Chúng tôi thiết nghĩ, việc quy định rõ như BLTTHS Nga là cần thiết.

Ngoài ra, vì kết luận ĐGTS được xem là nguồn chứng cứ để giải quyết VAHS nên cần đảm bảo tính hợp pháp. Nếu kết luận ĐGTS không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.[15] Do vậy, kết luận ĐGTS trong trường hợp trình tự, thủ tục định giá hoặc thành phần của Hội đồng định giá không đúng quy định thì không có giá trị pháp lý. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người nghiên cứu hồ sơ vụ án xác định được kết luận ĐGTS này là không có giá trị pháp lý? Hiện nay BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa có quy định nào để “vô hiệu hóa” kết luận ĐGTS trong những trường hợp này. Nếu cả hai kết luận ĐGTS (bao gồm cả kết luận ĐGTS có sai phạm và kết luận ĐGTS được tiến hành lại để khắc phục sai phạm) đều tồn tại trong cùng hồ sơ vụ án thì sẽ dễ gây nhầm lẫn cho cơ quan có thẩm quyền THTT và người tham gia tố tụng trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án. Theo chúng tôi, cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức “vô hiệu hóa” kết luận ĐGTS có sai phạm về trình tự, thủ tục, thành phần của Hội đồng định giá trước khi yêu cầu tiến hành việc ĐGTS như lần đầu.

- Thứ hai, định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt (định giá lại tài sản lần thứ ba) chỉ mới dừng lại ở quy định về chủ thể quyết định việc định giá lại tài sản (bao gồm Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC) và thẩm quyền định giá lại tài sản[16]. Tuy nhiên, trường hợp nào thuộc trường hợp đặc biệt và căn cứ để yêu cầu định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng. Qua rà soát trên thực tiễn, chúng tôi cũng chưa tìm thấy trường hợp cụ thể nào có áp dụng quy định này. Vậy phải chăng đây chỉ là “quy định trên giấy”? Theo chúng tôi, sự trống vắng này cũng là một phần nguyên nhân khiến việc định giá lại tài sản trên thực tế sai thẩm quyền và vượt quá số lần do luật định. Do chưa có cơ sở để áp dụng việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt nên khi đã định giá lại lần 1 và lần 2 mà vẫn chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án thì cơ quan có thẩm quyền THTT sẽ có xu hướng yêu cầu định giá lại với cùng hội đồng ĐGTS trước đó.

- Thứ ba, chúng tôi phát hiện mâu thuẫn giữa quy định tại khoản 3 Điều 101 BLTTHS và khoản 3 Điều 221 BLTTHS. Theo Điều 101, nếu kết luận định giá chưa rõ thì cơ quan THTT quyết định định giá lại theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này. Tuy nhiên cũng theo khoản 3 Điều 221, đlàm sáng tỏ nội dung kết luận ĐGTS, cơ quan yêu cầu ĐGTS có quyền yêu cầu Hội đồng ĐGTS giải thích kết luận định giá; hỏi thêm Hội đồng ĐGTS” về những tình tiết cần thiết. Có thể hiểu, trường hợp kết luận định giá tài sản “chưa rõ” (khoản 3 Điều 101) là đồng nghĩa với “nội dung chưa được làm sáng tỏ” (khoản 3 Điều 221) nhưng hai quy định này lại có hướng xử lý khác nhau. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, cơ quan THTT chỉ cần yêu cầu Hội đồng ĐGTS giải thích những tình tiết chưa rõ theo khoản 3 Điều 221 BLTTHS chứ không cần yêu cầu định giá lại tài sản. Nếu sau khi giải thích, nội dung được lý giải dẫn đến thuộc căn cứ cần định giá lại tài sản thì mới yêu cầu định giá lại tài sản. Tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục thực hiện. Cụ thể, yêu cầu của cơ quan THTT đối với Hội đồng ĐGTS về việc giải thích những tình tiết chưa rõ và giải trình của Hội đồng ĐGTS theo yêu cầu có cần lập văn bản không? Hình thức của văn bản? Ngoài ra, hoạt động hỏi thêm Hội đồng định giá tài sản về những tình tiết cần thiết có cần lập biên bản không?

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy nội dung trong kết luận ĐGTS ngoài việc được xác định là “chưa rõ” (chưa được làm sáng tỏ) thì cũng có thể thuộc trường hợp “chưa đầy đủ”. Theo chúng tôi, chưa đầy đủ ở đây có thể hiểu là chưa đảm bảo nội dung trong yêu cầu ĐGTS. Trường hợp này không thể được giải thích làm rõ (vì chưa được đưa ra thống nhất trong phiên họp ĐGTS) và cũng không thuộc trường hợp định giá lại (vì không thuộc căn cứ nghi ngờ về tính xác thực của kết luận). Do đó, thiết nghĩ, cơ quan THTT có thể yêu cầu Hội đồng ĐGTS lập văn bản bổ sung kết luận ĐGTS trước đó. Trường hợp này, Hội đồng ĐGTS cần tổ chức phiên họp để thống nhất kết quả bổ sung.

Ví dụ, trong nội dung bản án số 493/2020/HS-PT[17] được TAND TP.HCM đưa ra xét xử, Ông Đ đã có 2 lần tác động làm hư hng biển hiu Cơm sườn cô C” của ông P. Kết lun ĐGTS số 128/KL-HĐĐGTTHS xác định biển hiu kng còn giá trsdụng, phi thay mới có trgiá 4.200.000 đng. Cơ quan Cảnh sát điều tra có căn cứ nghi ngờ kết luận ĐGTS lần đầu nên đã yêu cầu yêu cầu đnh giá lại tài sn. Kết lun đnh giá tài sản số 504/KL-HĐĐGTS xác định “giá trị còn li” ca bng hiu đã qua  sdụng có giá là 3.360.000 đng. Chúng tôi nhận thấy, kết lun ĐGTS số 504/KL-HĐĐGTS vn chưa xác định được số tiền thiệt hại do hành vi ca ông Đ gây ra theo yêu cầu ĐGTS, nên không đủ cơ sở để kết luận hành vi có cấu thành tội phạm hay không. Theo hướng dẫn của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định số 97/2019/NĐ-CP), “trường hợp cơ quan có thẩm quyền THTT yêu cầu xác định giá trị thiệt hại của tài sản bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng thì Hội đồng định giá xác định giá trên cơ sở chi phí khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ.” Theo chúng tôi, kết luận ĐGTS số 504/KL-HĐĐGTS có giá trị chứng minh nhưng chưa đầy đủ. Do đó, thuộc trường hợp cần bổ sung kết luận định giá lại tài sản. Rất tiếc, trong vụ án này, cơ quan THTT vẫn sử dụng kết lun ĐGTS số 504/KL-HĐĐGTS làm căn cứ giải quyết vụ án, nên sau đó tại phiên tòa phúc thẩm, vụ án đã bị hủy để điều tra lại với yêu cầu cần điều tra làm rõ số tiền thit hại do ông Đ gây ra. Giả sử, kết luận ĐGTS đã được yêu cầu bổ sung thông tin trước đó trong giai đoạn điều tra thì đã không dẫn đến tình trạng bị hủy án, gây kéo dài thời hạn tố tụng.

Tuy vậy, trình tự, thủ tục bổ sung kết luận ĐGTS hiện nay vẫn còn khiếm khuyết trong BLTTHS. Chúng tôi cho rằng cần có hướng dẫn bổ sung quy định này. Việc bổ sung kết luận ĐGTS cũng hạn chế được tính phức tạp của định giá lại tài sản về trình tự, thủ tục. Đặc biệt, việc bổ sung kết luận định giá không đòi hỏi phải thành lập Hội đồng định giá mới mà do Hội đồng định giá đã được lập trước đó thực hiện, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia tố tụng.

2.2. Nội dung và hình thức của kết luận định giá tài sản

Về mặt nội dung, Kết luận ĐGTS phải đảm bảo điều kiện về nội dung theo quy định của pháp luật thì mới có giá trị chứng minh và có thể được sử dụng để giải quyết vụ án hình sự. Kết luận ĐGTS phải ghi rõ kết luận về giá của tài sản theo nội dung yêu cầu định giá và các nội dung khác theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-BTC.[18] Nội dung của yêu cầu ĐGTS phải đảm bảo các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 215 BLTTHS.[19] Theo những quy định trên, chúng tôi nhận thấy về cơ bản, yêu cầu về nội dung trong kết luận ĐGTS tương thích với nội dung trong yêu cầu ĐGTS. Bên cạnh đó, nội dung trong kết luận ĐGTS chỉ có giá trị chứng minh sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá các thông tin trong kết luận này. Trường hợp các thông tin này đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ (tính khách quan, tính hợp pháp và có mối tương quan với các chứng cứ khác trong vụ án – tính liên quan) thì sẽ được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh các vấn đề của đối tượng chứng minh trong vụ án.

Về mặt hình thức, bên cạnh việc quy định nội dung cụ thể của văn bản “Yêu cầu định giá tài sản” và “Kết luận định giá tài sản” thì Thông tư số Thông tư số 30/2020/TT-BTC cũng đã ban hành Phụ lục về Mẫu văn bản Kết luận định giá tài sản (Phụ lục số 04). Cùng với đó, Mẫu văn bản “Yêu cầu định giá lại tài sản” cũng đã được hướng dẫn thống nhất.[20] Điều này đảm bảo tính chặt chẽ về mặt lập pháp, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để các bên liên quan thực hiện tốt quá trình áp dụng pháp luật. Ngoài ra, để kết luận ĐGTS được công nhận là nguồn chứng cứ giải quyết vụ án hình sự thì trình tự, thủ tục dẫn đến kết luận ĐGTS của Hội đồng ĐGTS phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật có liên quan (ví dụ trình tự, thủ tục liên quan đến thành lập Hội đồng ĐGTS; lập kế hoạch ĐGTS; khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; phiên họp ĐGTS,…). Trường hợp kết luận ĐGTS không tuân thủ những điều kiện về hình thức nêu trên thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.[21]

Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy nội dung của “kết luận định giá lại tài sản” và “kết luận định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt” vẫn chưa được quy định. Tương ứng, Mẫu văn bản của hai kết luận này vẫn chưa được thống nhất và có hướng dẫn cụ thể trên thực tiễn. Hạn chế này có khả năng tạo sự lúng túng cho Hội đồng ĐGTS trong việc áp dụng pháp luật. Qua khảo sát trên thực tiễn, chúng tôi nhận thấy Kết luận định giá lại tài sản cũng mang tên “Kết luận định giá tài sản” và đều sử dụng Mẫu kết luận định giá tài sản tại Phụ lục số 04 (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2020/TT-BTC). Điểm phân biệt giữa hai văn bản này chỉ có thể dựa vào phần “căn cứ” ở đầu mẫu văn bản. Chúng tôi cho rằng cần ban hành Mẫu văn bản về “Kết luận định giá lại tài sản” để thuận lợi cho Hội đồng định giá tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xem xét, xác định, tổng hợp tài liệu và áp dụng thống nhất pháp luật.

2.3. Quyền của người tham gia tố tụng đối với kết luận định giá tài sản

            Nội dung trong kết luận ĐGTS ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia tố tụng nên bên cạnh quyền được đề nghị ĐGTS, bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại. Cụ thể, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận ĐGTS thì cơ quan có thẩm quyền THTT phải thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan. Sau khi nhận được kết luận ĐGTS, người tham gia tố tụng đã đề cập có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do. [22] Quy định này giúp người tham gia tố tụng có cơ hội tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy quy định trên vẫn tồn tại một số hạn chế, như sau:

            - Thứ nhất, đối với quyền đề nghị định giá lại tài sản của người tham gia tố tụng, nếu không chấp nhận đề nghị này thì cơ quan THTT phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do về việc không chấp nhận.[23] Tuy nhiên, đối với quyền trình bày ý kiến của người tham gia tố tụng về kết luận ĐGTS lần đầu, BLTTHS và các văn bản hướng dẫn không quy định về trách nhiệm trả lời bằng văn bản của cơ quan THTT. Theo chúng tôi, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan THTT trong trường hợp này. Ví dụ, người tham gia tố tụng không đề nghị định giá lại tài sản mà chỉ nêu ý kiến để yêu cầu làm rõ những vấn đề chưa sáng tỏ trong kết luận ĐGTS nhận được. Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng người tham gia tố tụng cũng có quyền nhận được văn bản trả lời của cơ quan THTT.

            - Thứ hai, nếu không chấp nhận đề nghị định giá lại tài sản của người tham gia tố tụng thì cơ quan THTT phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do về việc không chấp nhận. Cần khẳng định rằng việc không chấp nhận yêu cầu định giá lại tài sản có tác động trực tiếp đến quyền lợi của người có yêu cầu. Tuy nhiên, trường hợp không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan THTT thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu nại không? Theo quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự tại Chương XXXIII BLTTHS, văn bản trả lời này của cơ quan THTT được xem là không thuộc nội hàm của quyết định tố tụng hay hành vi tố tụng[24] – là đối tượng của hoạt động khiếu nại. Do đó, thực tiễn giải quyết vấn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không xác định được thủ tục cũng như thẩm quyền giải quyết. Từ đó, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có thẩm quyền và vì thế quyền lợi của người tham gia tố tụng cũng không được đảm bảo.

Cụ thể trong thực tiễn, khi nhận được đơn khiếu nại của người tham gia tố tụng, đơn vị tiếp nhận thường hướng dẫn họ gửi đơn khiếu nại đến Hội đồng đã ĐGTS đó hoặc đến Ủy ban nhân dân để được tiếp nhận và giải quyết. Tuy nhiên, Hội đồng ĐGTS thường chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập Hội đồng hoặc khi có Quyết định của người có thẩm quyền thành lập Hội đồng về việc chấm dứt hoạt động của Hội đồng[25]; Ủy ban nhân dân cũng từ chối tiếp nhận vì cho rằng trường hợp này không thuộc hoạt động khiếu nại hành chính nên không có thẩm quyền giải quyết. Do đó, xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có thẩm quyền. Theo quan điểm của chúng tôi, trường hợp cơ quan THTT trả lời bằng văn bản về việc “không chấp nhận đề nghị định giá lại tài sản của người tham gia tố tụng” thuộc nội hàm của “hoạt động tư pháp”[26] và việc khiếu nại của người tham gia tố tụng đối với văn bản này thuộc phạm vi của “khiếu nại trong hoạt động tư pháp”[27]. Hiện nay, vẫn còn đang tranh cãi rằng văn bản trả lời này của cơ quan THTT có nằm trong nội hàm của quyết định tố tụng hay hành vi tố tụng – là đối tượng của hoạt động khiếu nại hay không? Chúng tôi cho rằng, về bản chất, đây vẫn là quyết định tố tụng của cơ quan THTT. Cụm từ “quyết định” ở đây không nên chỉ hiểu cứng nhắc là tên của văn bản tố tụng mà có thể bao gồm cả các “quyết định” của cơ quan THTT dưới dạng hành động, được thể hiện dưới dạng văn bản nói chung. Cho nên, trình tự, thủ tục khiếu nại của người tham gia tố tụng trong trường hợp này vẫn nên được giải quyết theo quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự tại Chương XXXIII BLTTHS. Tóm lại, cần có hướng dẫn rõ ràng về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của người tham gia tố tụng.

- Thứ ba, pháp luật hiện hành chỉ quy định về thời hạn mà cơ quan THTT phải thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan (trong vòng 07 ngày từ ngày nhận được kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá). Tuy nhiên, thời hạn để người tham gia tố tụng trình bày ý kiến hoặc có đề nghị định giá lại tài sản từ khi nhận được thông báo về kết luận ĐGTS của cơ quan THTT thì chưa được quy định. Chúng tôi cho rằng cần có hướng dẫn về thời hạn này để vừa đảm bảo quyền của người tham gia tố tụng vừa đảm bảo không chậm trễ thời hạn giải quyết vụ án hình sự. Thời hạn này cũng nên được quy định là 07 ngày kể từ ngày người tham gia tố tụng nhận được thông báo về kết luận ĐGTS của cơ quan THTT. Thiết nghĩ, thời hạn này là phù hợp để người tham gia tố tụng có liên quan nêu ý kiến, đề nghị và tìm các tài liệu để làm căn cứ cho ý kiến, đề nghị của mình.

3. Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự liên quan đến kết luận định giá tài sản

            Qua nghiên cứu nội dung trong một số bản án, kết luận ĐGTS, yêu cầu ĐGTS và kinh nghiệm làm việc trong thực tiễn đối với các vụ việc có liên quan, nhóm tác giả phát hiện một số vấn đề vẫn còn thiếu sót, sai phạm, chưa thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến nguồn chứng cứ là kết luận ĐGTS, như sau:

3.1. Kết luận định giá tài sản và hồ sơ định giá tài sản thiếu “Báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá

Theo quy định, hồ sơ ĐGTS do Hội đồng ĐGTS lập phải bao gồm 3 trong số các tài liệu: (1) Báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác ĐGTS của Hội đồng định giá; (2) Biên bản phiên họp Hội đồng định giá; (3) Kết luận ĐGTS.[28] Chúng tôi nhận thấy trong 3 loại tài liệu này, tài liệu (1) là căn cứ quan trọng để Hội đồng ĐGTS thống nhất những nội dung trong tài liệu (2)[29]; đồng thời tài liệu (1) và (2) cũng chính là hai căn cứ quan trọng để dẫn đến Kết luận ĐGTS (tài liệu 3). Do đó, Mẫu văn bản về kết luận ĐGTS trong Phụ lục 04 của Thông tư 30/2020/TT-BTC yêu cầu phải đề cập đến số văn bản của 2 loại tài liệu (1), (2). Tuy nhiên, qua quá trình quan sát từ thực tế công việc, chúng tôi nhận thấy đa phần các kết luận ĐGTS chỉ nhắc đến số văn bản của tài liệu (2) mà không đề cập đến tài liệu (1). Đồng thời, tài liệu (1) cũng không được công bố trong phiên họp ĐGTS, do đó cũng không nằm trong hồ sơ ĐGTS. Chúng tôi cho rằng đây là một hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật. “Báo cáo thuyết minh, giải trình chuyên môn về việc xác định giá trị tài sản định giá” rất quan trọng vì có đề cập đến giá trị hao mòn của tài sản cần định giá và các lý giải khác của Hội đồng ĐGTS về kết luận giá trị của tài sản. Nếu thiếu tài liệu (1) trong hồ sơ ĐGTS thì kết luận ĐGTS chưa đủ căn cứ thuyết phục. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến định giá lại tài sản.

Theo chúng tôi, hạn chế trong thực tiễn vừa nêu xuất phát từ quy định chưa đầy đủ, rõ ràng trong BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chúng tôi nhận thấy ba loại tài liệu được lưu trữ ở hồ sơ ĐGTS đã đề cập đều phải được Hội đồng ĐGTS gửi cho cơ quan yêu cầu ĐGTS (thường là cơ quan điều tra) theo quy định của pháp luật.[30] Tiếp theo đó, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận định giá tài sản, cơ quan đã yêu cầu định giá tài sản phải gửi kết luận ĐGTS (tài liệu 3) cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.[31] Như vậy, tài liệu 1 (Báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác ĐGTS của Hội đồng định giá) và tài liệu 2 (Biên bản phiên họp Hội đồng định giá) đều không bị bắt buộc phải gửi cho Viện kiểm sát để kiểm sát. Chúng tôi cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan yêu cầu ĐGTS trong việc chuyển giao đầy đủ hồ sơ nhận được từ Hội đồng ĐGTS cho Viện kiểm sát để thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Quy định này giúp khắc phục nhanh những hạn chế của hoạt động ĐGTS ngay từ những giai đoạn đầu của quá trình giải quyết vụ án, hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại ở những giai đoạn tố tụng sau chỉ vì thiếu sót, sai phạm trong hoạt động ĐGTS trước đó. Quy định này cũng tạo cơ sở để cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đôn đốc, nhắc nhở Hội đồng ĐGTS thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ được giao.

3.2. Việc bổ sung thông tin trong kết luận định giá tài sản được tiến hành không thống nhất trên thực tiễn

 Qua rà soát một số vụ án trong thực tiễn, chúng tôi nhận thấy việc bổ sung thông tin trong Kết luận ĐGTS của Hội đồng ĐGTS được tiến hành không thống nhất, thậm chí trong một số trường hợp, thông tin bổ sung còn làm thay đổi cơ bản nội dung của kết luận ĐGTS lần đầu. Cụ thể như sau:

Vụ án 1:[32] Theo nội dung của Bản án số 176/2023/HS-PT ngày 7/9/2023 của TAND Tỉnh QN, Kết luận ĐGTS ngày 27/7/2022 của Hội đồng ĐGTS huyện PN kết luận giá trị thiệt hại do bị cáo M gây ra tính tại thời điểm ngày 04/7/2022 là 4.555.000 đồng. Tại Công văn số 07/HĐĐG ngày 05/01/2023 về việc bổ sung thông tin xác định giá trị thiệt hại tài sản tại Kết luận định giá ngày 27/7/2022, Hội đồng ĐGTS huyện PN kết luận: tài sản yêu cầu định giá đã qua sử dụng, thời gian sử dụng tính đến thời điểm yêu cầu định giá là 01 năm 05 tháng, tỷ lệ hao mòn là 15%, chất lượng còn lại tại thời điểm yêu cầu định giá là 85%. Giá trị thiệt hại của tài sản tại thời điểm yêu cầu định giá ngày 04/7/2022 sau khi trừ chi phí hao mòn là 3.616.750 đồng.

Vụ án 2:[33] Theo nội dung của Bản án số 176/2023/HS-PT ngày 7/9/2023 của TAND Tỉnh KH, Kết luận ĐGTS số 57/2021/KL-TTHS ngày 06/8/2021 của Hội đồng ĐGTS huyện V kết luận về thiệt hại của xe ô tô 79C-150.43 gồm các thiệt hại của các tài sản bị hư hỏng: 01 (một) tấm kính chắn gió: 2.000.000 đồng; 01 (một) tấm kính cửa bên trái: 800.000 đồng; 01 (một) đèn pha, coss bên trái: 2.400.000 đồng; 01 (một) đèn pha, coss bên phải: 2.400.000 đồng; 02 (hai) bass khóa cửa hông thùng kín: 800.000 đồng; Tiền công lắp ráp: 2.000.000 đồng. Ngày 07/12/2021, Hội đồng ĐGTS huyện V có Công văn số 04/2021/CV-HĐĐGTTHS bổ sung thông tin về tiền công lắp ráp, sửa chữa 2.000.000 đồng của từng bộ phận bị hỏng của xe ô tô 79C-150.43 (bao gồm tiền công lắp ráp 01 (một) tấm kính chắn gió: 400.000 đồng; 01 (một) tấm kính cửa bên trái: 400.000 đồng; 01 (một) đèn pha, coss bên trái: 200.000 đồng; 01 (một) đèn pha, coss bên phải: 200.000 đồng; 02 (hai) bass khóa cửa hông thùng kín (thùng đông lạnh) phía sau: 800.000 đồng).

Vụ án 3:[34] Theo nội dung của Bản án số 51/2023/HS-PT ngày 13/7/2023 của TAND tỉnh BP, Kết luận ĐGTS số 43/KL-HĐĐG ngày 08/7/2019 của Hội đồng ĐGTS huyện P xác định: Tại thời điểm ngày 01/6/2019, phần hư hỏng của xe ô tô hiệu Kia Cerato, màu đỏ, biển số kiểm soát 93A-103.55 có tổng giá trị thiệt hại là 20.222.000 đồng. Ngày 29/10/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện P đã có Công văn số 156/CSĐT đề nghị tách từng phần thiệt hại. Ngày 30/6/2019, Hội đồng ĐGTS huyện P ban hành Công Văn số 4/HĐĐG về việc bổ sung, tách từng phần giá trị thiệt hại và thay thế Kết luận định giá số 43/KL-HĐĐG ngày 08/07/2019, phần kính chắn gió phía trước giá trị thay thế và sửa chữa là 9.401.900 đồng; vè sau bên trái cách mép su của cánh cửa sau bị tróc sơn, gây lõm, phần sửa chữa có giá trị 1.556.000 đồng, tổng thiệt hại là 10.957.900 đồng.

Thông qua 03 vụ án được đề cập, chúng tôi có một số nhận xét về việc bổ sung kết luận ĐGTS của Hội đồng ĐGTS. Trong vụ án số 01, Hội đồng ĐGTS huyện PN có kết luận ĐGTS xác định thiệt hại tài sản do hành vi phạm tội gây ra là 4.555.000 đồng, sau đó lại có Công văn bổ sung thông tin, có tính lại giá trị hao mòn của tài sản và kết luận lại tổng giá trị thiệt hại tài sản là 3.616.750 đồng. Chúng tôi cho rằng việc bổ sung thông tin trong kết luận ĐGTS của vụ án này không đơn thuần chỉ là việc bổ sung thông tin chưa rõ vì kết luận về giá trị thiệt hại của tài sản đã bị thay đổi. Trong vụ án số 02, Kết luận ĐGTS đã xác định tiền công láp ráp mới các bộ phận bị thiệt hại của xe ô tô là 2.000.000 đồng. Sau đó, Hội đồng ĐGTS huyện V đã có Công văn bổ sung thông tin chi tiết tiền công láp ráp của từng bộ phận hư hỏng của xe (tổng tiền công láp ráp vẫn là 2.000.000 đồng). Trong trường hợp này, chúng tôi đồng ý việc bổ sung thông tin về tiền công láp ráp chi tiết đối với từng bộ phận hư hỏng hỏng của xe. Việc bổ sung này là cần thiết, đồng thời nội dung bổ sung không làm thay đổi giá trị tài sản bị thiệt hại đã được xác định trong Kết luận ĐGTS trước đó. Trong vụ án số 03, Kết luận ĐGTS xe ô tô hiệu Kia Cerato có thiệt hại là 20.222.000 đồng. Sau đó, Hội đồng ĐGTS huyện P đã có Công văn bổ sung thông tin tách từng phần giá trị thiệt hại và thay thế kết luận định giá trước đó. Tuy nhiên, sau khi tách từng phần giá trị thiệt hại thì tổng giá trị thiệt hại đã bị giảm so với ban đầu (chỉ còn 10.957.900 đồng). Chúng tôi nhận thấy, việc bổ sung thông tin để làm rõ thiệt hại của kết luận ĐGTS trước đó đã có thay đổi về bản chất, cụ thể là giảm gần ½ so với giá trị thiệt hại được xác định ban đầu. Thế nên, việc bổ sung này không hợp lý. Theo quan điểm của chúng tôi, Hội đồng ĐGTS bổ sung thông tin trong vụ án số 01 và 03 là không có căn cứ vì giá trị thiệt hại tài sản trong nội dung bổ sung đã thay đổi so với ban đầu. Chúng tôi cho rằng Hội đồng ĐGTS nên ban hành “văn bản thay đổi Kết luận ĐGTS” thì hợp lý hơn. Đồng thời, văn bản này phải được thống nhất thông qua bởi Hội đồng ĐGTS trước khi gửi cho cơ quan THTT. Tương tự như việc bổ sung kết luận ĐGTS, “thay đổi kết luận ĐGTS” cũng hạn chế được tính phức tạp của định giá lại tài sản về trình tự, thủ tục vì không đòi hỏi phải thành lập Hội đồng định giá mới mà do Hội đồng định giá đã được lập trước đó thực hiện, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể.

3.3. Cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết luận định giá tài sản thiếu căn cứ để giải quyết vụ án

            Theo nội dung của bản án số 190/2021/HS-PT[35], vụ án có 4 lần được yêu cầu định giá tài sản với cùng loại tài sản bị thiệt hại trong vụ cháy. Cụ thể là các kết luận ĐGTS ngày 30/7/2018, 1/3/2019, 25/3/2020, 24/6/2020. Cả 4 kết luận ĐGTS này đều do Hội đồng ĐGTS huyện BC tiến hành. Trong đó, các bản Kết luận ĐGTS ngày 1/3/2019, 25/3/2020, 24/6/2020 đều xác định thiệt hại của tài sản là như nhau. Riêng bản kết luận ĐGTS ngày 30/7/2018 xác định giá trị thiệt hại cao hơn rất nhiều so với các kết luận ĐGTS sau đó. Vì vậy, tại văn bản số 09 ngày 26/02/2020, VKSND huyện BC đã yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ mâu thuẫn giữa kết luận định giá tài sản ngày 30/7/2018 và kết luận ĐGTS ngày 01/3/2019. Tuy nhiên, chưa được cơ quan điều tra thực hiện mà VKS vẫn căn cứ vào các kết luận ngày 24/6/2020 để giải quyết vụ án.

TAND huyện BC ban hành yêu cầu định giá lại tài sản số 01/2020/QĐ-TA ngày 18/11/2020, yêu cầu Hội đồng ĐGTS cấp Thành phố định giá lại toàn bộ tài sản thiệt hại. Tại Công văn số 8592/HĐĐGTS-QLG ngày 31/12/2020, Hội đồng ĐGTS cấp Thành phố từ chối định giá do yêu cầu định giá lại của TAND huyện BC không thể hiện nội dung nghi ngờ về kết luận định giá của Hội đồng định giá huyện BC và các tài sản TAND huyện BC yêu cầu định giá lại còn thiếu. Cấp sơ thẩm không khắc phục các nguyên nhân Công văn số 8592 ngày 31/12/2020 của Hội đồng định giá cấp Thành phố đã nêu để tiếp tục yêu cầu định giá lại, đảm bảo việc giải quyết đúng đắn vụ án, mà tiếp tục đưa vụ án ra xét xử là thiếu căn cứ. Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Trong vụ án này, chúng tôi nhận thấy cả cơ quan điều tra, VKS và Tòa án cấp sơ thẩm đều có những sai phạm khi liên tục sử dụng các kết luận định giá tài sản chưa được kiểm tra, đánh giá (chưa xác định được kết luận định giá nào là chính xác, có giá trị chứng minh để giải quyết vụ án) và có nhiều vi phạm về trình tự thủ tục tố tụng (cả 4 kết luận ĐGTS đều do Hội đồng ĐGTS huyện BC tiến hành, trình tự, thủ tục định giá không đúng quy định,…) để làm căn cứ ra các quyết định, bản án. Từ đó, dẫn đến việc hủy án để điều tra lại ở cấp phúc thẩm, gây tốn thời gian, công sức và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng. Vụ án này là một minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của quá trình chứng minh, đặc biệt là ở khâu kiểm tra, đánh giá nguồn chứng cứ là kết luận ĐGTS, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kịp thời khắc phục sai phạm.

4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kết luận định giá tài sản

Từ những nội dung đã phân tích, nhóm tác giả đề ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về kết luận ĐGTS dưới góc độ nguồn chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự.

4.1. Về căn cứ định giá lại tài sản, định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt

- Thứ nhất, về căn cứ định giá lại tài sản. Cần sửa đổi khoản 1 Điều 218 BLTTHS theo hướng quy định chi tiết hơn nội dung của sự nghi ngờ về kết luận ĐGTS lần đầu, làm căn cứ để định giá lại tài sản. Kiến nghị này tham khảo từ quy định của BLTTHS Liên Bang Nga.

Điều 218. Định giá lại tài sản

1. Trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản…

- Thứ hai, cần bổ sung hướng dẫn về căn cứ định lại giá tài sản trong trường hợp đặc biệt, lý giải rõ những trường hợp nào là trường hợp đặc biệt. Việc bổ sung này trước tiên để có cơ sở thực thi được quy định của pháp luật trong thực tiễn, sau là tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền THTT trong quá trình áp dụng thống nhất pháp luật, hạn chế được sai phạm.

4.2. Về cách thức “vô hiệu hóa” đối với kết luận định giá tài sản có sai phạm về trình tự, thủ tục định giá hoặc thành phần của Hội đồng định giá tài sản

Sửa đổi khoản 5 Điều 21 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP:

Điều 21. Định giá lại tài sản

5. Các trường hợp sau đây không thuộc trường hợp định giá lại tài sản theo quy định tại Điều này:

a) Hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục định giá hoặc chưa có kết luận về giá của tài sản cần định giá; hoặc thành viên Hội đồng thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản;

b) Có sự thay đổi về thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá, thay đổi về nội dung yêu cầu định giá khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

c) Việc định giá tài sản đối với những trường hợp quy định tại điểm a và b khoản này được thực hiện như trường hợp định giá lần đầu. Cơ quan yêu cầu định giá tài sản tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát có thẩm quyền để ra quyết định hủy bỏ kết luận định giá tài sản thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b khoản này.

4.3. Về yêu cầu giải thích, hỏi thêm về những tình tiết cần thiết trong kết luận định giá tài sản; trình tự, thủ tục bổ sung, thay đổi kết luận định giá tài sản

- Thứ nhất, sửa đổi khoản 3 Điều 101 BLTTHS để thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 221 BLTTHS:

Điều 101. Kết luận định giá tài sản

3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do; nếu kết luận chưa rõ thì yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích; hỏi thêm Hội đồng định giá tài sản về những tình tiết cần thiết.

Đồng thời, theo chúng tôi, cần bổ sung hướng dẫn về trình tự thủ tục yêu cầu Hội đồng ĐGTS giải thích về những nội dung chưa rõ và hỏi thêm về những tính tiết cần thiết. Cụ thể, việc yêu cầu của cơ quan THTT đối với Hội đồng ĐGTS về việc giải thích những tình tiết chưa rõ và giải trình của Hội đồng ĐGTS theo yêu cầu phải được lập văn bản. Ngoài ra, hoạt động hỏi thêm Hội đồng ĐGTS về những tình tiết cần thiết cũng phải được lập biên bản.

- Thứ hai, ban hành quy định về trình tự, thủ tục “bổ sung kết luận ĐGTS” và “thay đổi kết luận ĐGTS”. Kiến nghị này xuất phát từ kết quả của việc nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật. Theo quan điểm của chúng tôi, việc “bổ sung kết luận ĐGTS” chỉ nên được thực hiện trong hai trường hợp: (1) Bổ sung thông tin về những nội dung chưa rõ, chưa được làm sáng tỏ so với kết luận ĐGTS trước đó; (2) Bổ sung thông tin về nội dung chưa được tiến hành hành định giá theo yêu cầu ĐGTS của cơ quan có thẩm quyền. Đối với trường hợp thứ hai, kết quả bổ sung kết luận ĐGTS phải được thông qua trong phiên họp Hội đồng ĐGTS với các thành viên của Hội đồng ĐGTS trước đó. Ngoài ra, việc “thay đổi kết luận ĐGTS” chỉ nên được thực hiện khi Hội đồng ĐGTS tự nhận thấy giá trị của tài sản theo yêu cầu ĐGTS có thay đổi so với kết luận ĐGTS ban đầu và cần thiết để thay đổi kết luận này. Theo chúng tôi, nội dung thay đổi cũng phải được thông qua trong phiên họp Hội đồng ĐGTS với các thành viên của Hội đồng ĐGTS trước đó. Đồng thời, thời hạn thay đổi kết luận ĐGTS cũng cần được quy định cụ thể. Việc quy định rõ hai thủ tục “bổ sung” và “thay đổi” kết luận ĐGTS sẽ hạn chế được việc áp dụng pháp luật không thống nhất trên thực tiễn và giảm tình trạng yêu cầu định giá lại tài sản nhiều lần.

4.4. Về nội dung, hình thức của kết luận định giá lại tài sản

Bổ sung hướng dẫn về nội dung của 2 văn bản: “Kết luận định giá lại tài sản” “Kết luận định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt”. Đồng thời ban hành Phụ lục về Mẫu “Kết luận định giá lại tài sản”. Kiến nghị này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng định giá tài sản và cơ quan tiến hành tố tụng sự trong việc xem xét, xác định, tổng hợp tài liệu và áp dụng thống nhất pháp luật, từ đó phục vụ tốt hơn cho quá trình nghiên cứu hồ sơ giải quyết vụ án.

4.5. Về quyền của người tham gia tố tụng đối với kết luận định giá tài sản

- Thứ nhất, sửa đổi khoản 3, 4 Điều 222 BLTTHS theo hướng bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan THTT đối với trường hợp người tham gia tố tụng trình bày ý kiến về kết luận ĐGTS lần đầu, thời hạn để người tham gia tố tụng trình bày ý kiến hoặc có đề nghị định giá lại tài sản từ khi nhận được thông báo về kết luận ĐGTS của cơ quan THTT.

Điều 222. Quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản

3. Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về kết luận định giá tài sản của cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.

4. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với ý kiến của người tham gia tố tụng về kết luận định giá. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do

- Thứ hai, bổ sung hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong trường hợp yêu cầu định giá lại tài sản của người tham gia tố tụng không được chấp nhận. Theo chúng tôi, để đảm bảo bảo quyền lợi của người tham gia tố tụng, hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, cần có hướng dẫn về vấn đề này. Cụ thể, hướng dẫn nên bổ sung theo hướng: “Nếu không đồng ý với với văn bản trả lời của cơ quan THTT về việc không chấp nhận đề nghị định giá lại tài sản của người tham gia tố tụng thì họ có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng văn bản này là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại được tiến hành theo quy định tại Chương XXXIII BLTTHS về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.”

4.6. Về trách nhiệm của cơ quan yêu cầu định giá tài sản trong việc chuyển giao đầy đủ hồ sơ định giá tài sản cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra  

Sửa đổi quy định của BLTTHS và văn bản hướng dẫn thi hành về các tài liệu liên quan đến hoạt động định giá tài sản cần gửi kèm cho cơ quan yêu cầu định giá tài sản và Viện kiểm sát. Cụ thể:

* Sửa đổi khoản 2 Điều 221 BLTTHS:

Điều 221. Kết luận định giá tài sản

2….

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận định giá tài sản, cơ quan đã yêu cầu, người yêu cầu định giá tài sản phải gửi kết luận định giá tài sản kèm theo những tài liệu khác do Hội đồng định giá tài sản lập cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

* Bổ sung khoản 3 vào Điều 23 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định số 97/2019/NĐ-CP) theo hướng:

Điều 23. Hồ sơ định giá tài sản

1. Hồ sơ định giá tài sản do Hội đồng định giá lập và gồm có các tài liệu sau đây:

a) Văn bản yêu cầu định giá tài sản;

b) Quyết định thành lập Hội đồng định giá;

b1) Báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá;

c) Biên bản phiên họp Hội đồng định giá;

d) Kết luận định giá tài sản;

đ) Tài liệu do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (đóng dấu giáp lai của cơ quan yêu cầu định giá tài sản);

e) Các tài liệu khác có liên quan đến việc định giá tài sản.

2.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được các tài liệu quy định tại điểm b, b1, c, d khoản 1 Điều này, cơ quan đã yêu cầu, người yêu cầu định giá tài sản phải gửi cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Kết luận

             Pháp luật tố tụng hình sự đã có những quy định tương đối rõ ràng, cụ thể về định giá tài sản nói chung và kết luận định giá tài sản nói riêng. Những hạn chế trong quy định về kết luận ĐGTS trước đó phần lớn đã được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, đảm bảo thực tiễn áp dụng pháp luật thống nhất. Tuy nhiên, qua phân tích, nhóm tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định về vấn đề này. Một số kiến nghị trong nội dung bài viết có tính mới so với các công trình nghiên cứu trước. Nổi bật trong số đó, bài viết định hướng việc bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục về “bổ sung, thay đổi kết luận định giá tài sản”. Đây là vấn đề mới, dù đã được áp dụng trên thực tiễn nhưng vẫn chưa được quy định rõ ràng, thống nhất trên cơ sở luật định. Ngoài ra, nội dung bài viết cũng gợi mở một công trình nghiên cứu toàn diện về định giá tài sản dưới góc độ “hoạt động điều tra vụ án hình sự”./.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật tố tụng hình sự Nga năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) [trans: Criminal Procedure Code of the Russian Federation (as amended in accordance with Federal Law No. 25-FZ dated 2021), https://www.wipo.int/wipolex/en/text/581625.
  2. Võ Văn Hoàng (2022), Định giá tài sản theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh [trans: Vo Van Hoang, Asset valuation according to Vietnamese criminal procedure law, Master's thesis, Ho Chi Minh City University of Law].
  3. Bản án số 493/2020/HS-PT ngày 30/9/2020 của TAND Tp.HCM [trans: Judgment No. 493/2020/HS-PT dated September 30, 2020 of the People's Court of HCM city], https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta794539t1cvn/chi-tiet-ban-an
  4. Bản án số 176/2023/HS-PT ngày 7/9/2023 của TAND Tỉnh QN [trans: Judgment No. 176/2023/HS-PT dated September 7, 2023 of the People's Court of QN Province], https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1348885t1cvn/chi-tiet-ban-an
  5. Bản án số 54/2023/HS-PT ngày 23/5/2023 của TAND Tỉnh KH [trans: Judgment No. 54/2023/HS-PT dated May 23, 2023 of the People's Court of KH Province], https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1266434t1cvn/chi-tiet-ban-an
  6. Bản án số 51/2023/HS-PT ngày 13/7/2023 của TAND tỉnh BP [trans: Judgment No. 51/2023/HS-PT dated July 13, 2023 of the People's Court of Binh Phuoc province], https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1222966t1cvn/chi-tiet-ban-an
  7. Bản án số 190/2021/HS-PT ngày 7/5/2021 của TAND Tp.HCM [trans: Judgment No. 190/2021/HS-PT dated May 7, 2021 of the People's Court of HCM city], https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta796255t1cvn/chi-tiet-ban-an

 

[1] Khoản 1 Điều 101 BLTTHS

[2] Điểm d khoản 1 Điều 87 BLTTHS

[3] Điều 86, khoản 2 Điều 87 BLTTHS.

[4] Khoản 1 Điều 215 BLTTHS

[5] Khoản 1 Điều 20 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-BTC quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình s

[6] Võ Văn Hoàng (2022), Định giá tài sản theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr.27.

[7] Ví dụ, trong vụ án về Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS), thiệt hại về tài sản trong vụ án là chiếc xe máy bị trộm cắp. Vấn đề phải chứng minh trong vụ án là giá trị của chiếc xe máy (vì chiếc xe máy là đối tượng tác động của tội phạm, đồng thời tội trộm cắp tài sản đòi hỏi định lượng tối thiểu của đối tượng tác động phải từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nếu rơi vào những trường hợp luật định). Do đó, người có thẩm quyền THTT phải yêu cầu định giá loại tài sản này.

[8] Khoản 1 Điều 218 BLTTHS

[9] Điều 218 BLTTHS

[10] Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 30/2020/TT-BTC.

[11] Điều 220, 221 BLTTHS.

[12] Khoản 2 Điều 4, Thông tư số 30/2020/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP.

[13] Điểm a, c khoản 5, Điều 21 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-BTC

[14] Khoản 2 Điều 207 BLTTHS Nga năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[15] Điều 87 BLTTHS.

[16] Khoản 3 Điều 22Văn bản hợp nhất 31/VBHN-BTC: “Hội đồng định giá cấp bộ thực hiện định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt đối với tài sản do Hội đồng định giá cấp huyện thực hiện định giá lần đầu; Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt đối với tài sản do Hội đồng định giá cấp tỉnh thực hiện định giá lần đầu.

[17] Bản án số 493/2020/HS-PT ngày 30/9/2020 của TAND Tp.HCM, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta794539t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 13/10/2023.

[18] Khoản 2 Điều 20 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-BTC: Kết luận định giá tài sản phải có các nội dung chính:

a) Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản;

b) Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng;

c) Số của văn bản yêu cầu định giá và ngày nhận văn bản yêu cầu định giá;

d) Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản;

đ) Tên tài sản cần định giá;

e) Thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá;

g) Kết luận về giá của tài sản;

h) Chữ ký của các thành viên của Hội đồng có mặt tại phiên họp định giá tài sản và dấu của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc cơ quan của Chủ tịch Hội đồng.

[19] Khoản 2 Điều 215 BLTTHS: Văn bản yêu cầu định giá phải có các nội dung:

a) Tên cơ quan yêu cầu định giá; họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá;

b) Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;

c) Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá;

d) Tên tài liệu có liên quan (nếu có);

đ) Nội dung yêu cầu định giá tài sản;

e) Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản.

[20] Biểu mẫu số 192, 193, ban hành kèm theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 8/12/2021 quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.

[21] Khoản 2 Điều 87 BLTTHS.

[22] Khoản 2, 3, 4 Điều 222 BLTTHS

[23] Khoản 4 Điều 222 BLTTHS

[24] Điều 470 BLTTHS.

[25] Khoản 3 Điều 9 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-BTC.

[26] Khoản 5 Điều 2 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 ban hành quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp): “Hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thủ tục phá sản, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thi hành tạm giữ, tạm giam, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, xem xét quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và việc khác mà pháp luật quy định là hoạt động tư pháp.”

[27] Khoản 5 Điều 2 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp: “Khiếu nại trong hoạt động tư pháp là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

[28] Điều 23 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-BTC.

[29] Trong Mục II.1 của Biên bản phiên họp Hội đồng định giá (Phụ lục II, Thông tư số 30/2020/TT-BTC) yêu cầu chủ tịch Hội đồng ĐGTS phải công bốBáo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác ĐGTS của Hội đồng định giáđể làm minh chứng cho những nội dung được đưa ra biểu quyết.

[30] Khoản 4 Điều 19, khoản 3 Điều 20 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-BTC, Phụ lục số 03 Thông tư số 30/2020/TT-BTC về Mẫu Báo cáo thuyết minh, giải trình về việc xác định giá trị tài sản định giá.

[31] Điều 221 BLTTHS

[32] Bản án số 176/2023/HS-PT ngày 7/9/2023 của TAND Tỉnh QN, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1348885t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 9/10/2023.

[33] Bản án số 54/2023/HS-PT ngày 23/5/2023 của TAND Tỉnh KH, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1266434t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 10/10/2023

[34] Bản án số 51/2023/HS-PT ngày 13/7/2023 của TAND tỉnh BP, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1222966t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 10/10/2023.

[35] Bản án số 190/2021/HS-PT ngày 7/5/2021 của TAND Tp.HCM, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta796255t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 14/10/2023.

Bài viết được đăng trên Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01 (173)/ 2024