Xuất bản thông tin

null Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Học tập và làm theo lời Bác (Tư tưởng HCM)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Đồng Tháp

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của cán bộ. Theo Người, cán bộ là một vấn đề trọng yếu, quyết định mọi công việc, công việc cách mạng phải có cán bộ và cán bộ phải tốt. Tư tưởng của Người về công tác cán bộ thể hiện tập trung vào việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo cán bộ để tạo ra lớp cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên" để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ảnh minh hoạ (theo tuyengiao.vn)

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của cán bộ, Người khẳng định: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"([1]). Theo Người, cán bộ là một vấn đề trọng yếu, quyết định mọi công việc, công việc cách mạng phải có cán bộ và cán bộ phải tốt. Vì vậy, tư tưởng của Người về công tác cán bộ thể hiện tập trung vào việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo cán bộ để tạo ra lớp cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên" để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Xuất phát từ quan điểm "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng như cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn, trong mọi việc của cách mạng, của Đảng phải có người cán bộ đứng ra để thực hiện, không có cán bộ thì không thể hoàn thành. Người cho rằng: "Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức lỗ vốn"([2]). Thực tiễn của các thời kỳ cách mạng cho thấy, trong tất cả mọi công việc của Đảng dù to hay nhỏ, cán bộ là yếu tố trung tâm, then chốt và mang tính quyết định.

Theo Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được"([3]).

Chính vì vậy, để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, cần phải có một đội ngũ cán bộ cách mạng vững mạnh, kiên định về lập trường, quan điểm, đồng thời phải nắm được lý luận, tinh thông nghiệp vụ, hội tụ đủ cả tài và đức, "vừa hồng, vừa chuyên". Người căn dặn: "Các cơ quan phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ"([4]).

Theo Hồ Chí Minh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc, hết sức quan trọng. Người cho rằng: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Có làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng thì mới có đội ngũ cán bộ vững mạnh, làm tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa Đảng và dân, là những người trực tiếp "đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng"([5]). 

Về mục đích của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại"([6]). Vì vậy: "Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành"([7]). Chỉ khi nào người học xác định được động cơ và mục tiêu đúng đắn thì việc học tập mới đạt tới yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Người nhấn mạnh: "Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận"([8]).

Hồ Chí Minh phê bình khuyết điểm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn "hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực chu đáo"([9]). Dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được. Lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng, hoặc tham nhiều mà không chu đáo, không biết "quý hồ tinh, bất quý hồ đa".

Hồ Chí Minh đã nêu lên những vấn đề căn bản trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Người nói: "Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc"([10]).

Thứ nhất, phải thiết thực chu đáo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, phải xác định rõ mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp của công tác này.

 "Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng"([11]). Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn học tập với rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong, phương pháp công tác. 

 "Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều"([12]). Đào tạo, bồi dưỡng cũng như các lĩnh vực khác, số lượng sản phẩm nhiều là tốt nhưng trước hết phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, có giá trị thiết thực thì mới đạt hiệu quả. Nhiệm vụ cốt yếu của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là phải làm cho người học hiểu thấu đáo vấn đề và biết vận dụng vào thực tế công việc. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng phải làm việc hiệu quả hơn, nhiệt tình, trách nhiệm cao hơn.   

 Thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành "Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế"([13]). Dạy, học lý luận, lý thuyết, kinh nghiệm công tác phải biết liên hệ tình hình cụ thể để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. 

 "Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu"([14]), đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải theo yêu cầu quy hoạch, sử dụng. Người nói: "Ban huấn luyện như người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ"([15]).

- Tài liệu huấn luyện gồm tài liệu của chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại do những người đi học mang đến, những nghị quyết, chỉ thị, luật lệnh của Đảng, Chính phủ, đoàn thể.

Thứ hai, phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nâng cao và hướng dẫn việc tự học: "lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào"([16]), phát huy tính độc lập sáng tạo của người học, tránh được tình trạng học tập thụ động một chiều. Người còn chỉ rõ: "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân"([17]). Người học phải hiểu: "Học để làm gì?" - Học để tu dưỡng tư tưởng; Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; Học để tin tưởng; Học để hành.

Hồ Chí Minh từng ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương vào tháng 9/1949 như sau: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"([18]).

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua luôn được các cấp uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Các quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được nâng lên, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia, vừa nâng cao chất lượng công tác này. Hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Tỉnh (Trường Chính trị Tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện…) được đầu tư, nâng cấp; điều kiện vật chất, kỹ thuật được tăng cường; số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng tăng; công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Tỉnh đến cơ sở được các cấp uỷ quan tâm. Về nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng có nhiều đổi mới; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới theo chức danh, vị trí việc làm, sát với yêu cầu, nhiệm vụ, lý luận gắn với thực tiễn. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, ngoài học tập lý luận chung còn được tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình hay, cách làm hiệu quả trong và ngoài tỉnh để vận dụng ở địa phương, đơn vị mình. Chất lượng đội ngũ giảng viên từng bước được nâng lên cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn. 

Thông qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của địa phương, đơn vị đã nắm được những kiến thức lý luận cơ bản, vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo; thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên thực tế. Trình độ kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng được nâng cao. Qua đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương, đơn vị trong Tỉnh đã đóng góp vai trò quan trọng vào những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn một số hạn chế cần phải khắc phục như: Công tác đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, đôi khi chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Một số nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn... Phương pháp giảng dạy, học tập chưa nhiều đổi mới. Quản lý đào tạo có mặt còn hạn chế, nhất là quản lý tự học của học viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên còn có mặt hạn chế. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa được thực hiện đồng bộ, bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn chưa thực sự hiệu quả. Một số cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng. Chế độ, chính sách còn thấp với điều kiện thực tiễn xã hội và chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cấp uỷ địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp:

 Thứ nhất, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh, vị trí theo quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Đào tạo chuyên môn phải căn cứ theo nhu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm điều kiện tiêu chuẩn của đối tượng cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Đào tạo lý luận chính trị cần bảo đảm tính hệ thống, liên thông giữa các bậc học.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và vai trò của cấp uỷ các cấp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý về mục tiêu, yêu cầu, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị vừa cơ bản, lâu dài, vừa kịp thời, cấp thiết trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.

Thứ ba, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học và tự học của cán bộ. Phải làm cho cán bộ, đảng viên thích học, tích cực tham gia học tập, được học, nhất là học lý luận chính trị. Đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là vinh dự của cán bộ; sớm khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị. 

Thứ tư, tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vừa "hồng" vừa "chuyên"; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

 Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, lý luận, có kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm quản lý. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng có trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với từng loại hình đào tạo và chức danh cán bộ, đánh giá thực chất kết quả đào tạo. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, thiết thực; gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, năng lực thực hành và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh; xây dựng, biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại. 

Thứ bảy, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ, chính sách liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu học tập của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ hiện nay. Đầu tư kinh phí và hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện.

Nguyễn Hoàng Dũng,

Trưởng Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng,

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

([1]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.280.

([2]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.356.

([3]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.68.

([4]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.313.

([5]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309.

([6]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208.

([7]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.360-361.

([8]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.95.

([9]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.356.

([10]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.359.

([11]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.359.

([12]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.357.

([13]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.358.

([14]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6,  tr.358.

([15]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.359.     

([16]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.312.

([17]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.361.

([18]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208.