Xuất bản thông tin

null Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Kiên Giang

Chi tiết bài viết Tin tức - sự kiện

Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Kiên Giang

Sáng ngày 6/3/2022, tại Hội trường Tỉnh ủy Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức.

Đến tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Bộ: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ;

Cùng dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình và Bí thư Tỉnh ủy của các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau, An Giang; lãnh đạo các ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một số hiệp hội, doanh nghiệp…

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình kết quả phát triển nông nghiệp năm 2021:

Một là, thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản: Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%). Kết quả cụ thể các sản phẩm chủ lực như sau:

- Trồng trọt: Lúa là cây trồng lợi thế được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia; đồng thời, hàng năm xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo với kim ngạch gần 3 tỷ USD. Cây ăn trái với diện tích gần 400 nghìn ha, chiếm gần 40% cả nước; sản lượng đạt 4,3 triệu tấn.

- Chăn nuôi: Tập trung phát triển một số vật nuôi như lợn, gia cầm, bò… Năm 2021 sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt 450 nghìn tấn, chiếm 10,9% sản lượng thịt lợn cả nước; gia cầm là một ưu thế của vùng với quy mô 61 triệu con, 324 nghìn tấn, chiếm 16,9% sản lượng cả nước; đàn bò chiếm 22,9% cả nước.

- Thủy sản: Năm 2021, sản lượng thủy sản đạt 4,8 triệu tấn, chiếm 55,7% sản lượng thủy sản cả nước; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 3,37 triệu tấn, chiếm 69,5% sản lượng cả nước (diện tích nuôi trồng 806 ngàn ha); sản lượng khai thác đạt 1,48 triệu tấn, chiếm 40,4% tổng sản lượng cả nước.

- Lâm nghiệp: Diện tích rừng của toàn vùng chỉ chiếm khoảng 1,6% cả nước và độ che phủ rừng chỉ đạt 4,9%, nhưng có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Hai là, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật;

Ba là, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn. Thời gian qua, đã đầu tư đồng bộ hệ thống kênh với 15 nghìn km kênh trục và kênh cấp I, 77 nghìn km kênh cấp II và cấp III. Đã hình thành các hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống đê bao, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cảng cá khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tính đến nay, tỷ lệ số xã toàn vùng đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn là 78% (gần bằng tỷ lệ này của cả nước - 79%).

Cùng với hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp như Khu neo đậu tránh trú Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang), Kinh Ba (Sóc Trăng), Cung Hầu (Trà Vinh), Bình Đại (Bến Tre), Cửa sông Soài Rạp (Tiền Giang)...; các cảng cá, bến cá Tắc Cậu, Bình Đại, Gành Hào, Trần Đề… Các hệ thống cơ sở hạ tầng trên đã góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn:

Một là, tác động biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất; với nền đất thấp, đối diện với 2 mặt biển cả phía Đông và Tây, ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động biến đổi khí hậu.

Hai là, tác động phía thượng nguồn sông Mê công do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước, như thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận Việt Nam.

Ba là, những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại, như thâm canh lúa 3 vụ, khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững.

Bốn là, biến động thị trường khó lường, nhất là thị trường quốc tế, các tiêu chuẩn kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt hơn, biến chuyển xu thế tiêu dùng xanh trên thế giới đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Năm là, tư duy manh mún, mùa vụ của một bộ phận nông dân là một thách thức lớn cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiếp đó là quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất NLTS còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao: Kinh tế hộ vẫn là chủ lực.

Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2025:

- Mục tiêu: (1) Về kinh tế: (i) Tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm; (ii) Tốc độ tăng giá trị chế biến NLTS trên 7%/năm; (iii) Tốc độ tăng năng suất lao động NLTS trên 6%/năm; (iv) Tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết trên 30%; (2) Về xã hội: (i) Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018; (ii) Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động; (iii) Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp trên 30%; (3) Về môi trường: (i) Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; (ii) Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch 50%; (iii) Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường trên 30%; (iv) Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận 50%; (v) Tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông sản chủ lực giảm từ 0,5 % đến 1,0 %/năm; (vi) Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 75%; (vii) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính.

- Nhiệm vụ, giải pháp: Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL; các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; trong đó tập trung vào các nội dung sau:

Một là, xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Tổng hợp danh mục các quy hoạch ngành, lĩnh vực tích hợp vào quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với BĐKH để đảm bảo an toàn trước các ảnh hưởng của bão, lũ, nước biển dâng, ngập mặn, đặc biệt tập trung vào vùng ven biển.

Hai là, Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong kết nối nông dân với doanh nghiệp; hợp tác và liên kết vùng, phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, du lịch ở nông thôn;

Ba là, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Cân đối và có kế hoạch đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu cấp vùng và tiểu vùng, trong đó ưu tiên hiện đại hóa các công trình thủy lợi, hạ tầng logistics nông sản và hạ tầng vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn, đảm bảo năng suất, chất lượng, Thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với xây dựng  các trung tâm logistic phục vụ kinh tế nông nghiệp, các khu công nghiệp chế biến nông sản, các cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng lõi của vùng chuyên canh chủ lực;

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển NN, NT vùng: Phối hợp xây dựng Chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp, Chương trình chuyển đổi lao động nông nghiệp, Chương trình khuyến nông cộng đồng, Chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, quản lý nhà nước và dịch vụ công ngành nông nghiệp tại ĐBSCL;

Năm là, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực. Phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái;

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng.

Bảy là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của Vùng; nhất là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực như tôm lúa, trái cây và vùng sản xuất nước lợ, nước mặn theo hướng coi nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế; các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản vùng ĐBSCL để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tám là, triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với UBND 13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL; thành lập Ban chỉ đạo phát triển nông nghiêp, nông thôn vùng ĐBSCL và Văn phòng điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Chín là, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan trong nghiên cứu và triển khai các giải pháp khoa học, công nghệ, xử lý các vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng khả năng thích ứng với Biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị cũng diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với UBND các tỉnh, thành phố Trung ương vùng ĐBSCL.

 

Ảnh: Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với UBND các tỉnh, thành phố Trung ương vùng ĐBSCL

Ngoài ra tại Hội nghị các tỉnh vùng ĐBSCL (gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng) còn tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.     

Ảnh: Sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp tham gia trưng bày tại Hội nghị

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan, những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế tại Hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% cả nước), có truyền thống lịch sử văn hóa, rất hào hùng trong chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. ĐBSCL luôn được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, Kết luận số 28-KL/TW về ĐBSCL; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.

Thủ tướng tóm tắt tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận trong phát triển vùng ĐBSCL: Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng. Bên cạnh đó, Thủ tướng còn lưu ý quy hoạch phải thực hiện 4 tốt (quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt); chú trọng việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm (trái cây, cá tra, du lịch sinh thái, du lịch biển).

Cần đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư:

Về hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ đây vẫn là một nút thắt, vùng có lợi thế về giao thông thủy, giao thông biển nhưng chưa khai thác được; cần tiếp tục phát triển hệ thống cao tốc và khai thác lợi thế giao thông đường thủy; phát triển hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục), hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh vùng có tiềm năng lớn về nắng và gió…

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư.

Thủ tướng nêu rõ, cần đẩy mạnh đào tạo nghề, quy hoạch lại và đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng để có nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết vùng, quy hoạch sản phẩm trên cơ sở phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương.

Cùng với đó, việc tổ chức công việc, quản trị khoa học, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, đi từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, không cầu toàn, không nóng vội.

Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh việc chinh phục các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, khai thác các FTA đã được ký kết, với các loại sản phẩm phù hợp như vừa qua đã đưa xoài đi châu Âu.

Các bộ, ngành phải đồng hành, tâm huyết cùng ĐBSCL để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tạo bước phát triển đột phá, nhảy vọt, không ngừng nâng cao đời sống người dân./.

                                                                                                                         CTV-Mộng Thường