Xuất bản thông tin

null Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp”

Chi tiết bài viết Tin tức - sự kiện

Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp”

Trong khuôn khổ Tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022, nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội, ngày 21/5/2022 tại Hội trường Uỷ ban nhân dân
tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp”. Để nâng giá trị các sản phẩm từ Sen, phát huy giá trị văn hóa – kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây Sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương nói riêng và cả nước nói chung đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, giao lưu, tôn vinh những người trồng Sen giỏi và những người sản xuất.

Đến tham dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cùng với sự tham gia của Lãnh đạo của các Sở, ngành trong tỉnh và ngoài tỉnh, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng sen.

Hình ảnh Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe: (i) Báo cáo tổng thể về tình hình triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trong hỗ trợ phát triển sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp; (ii) Báo cáo tình hình thực hiện Đề án “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025 và định hướng tới năm 2030”; (iii) Báo cáo tình hình thực hiện dự án “Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; (iv) Trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ Sen; (v) Ra mắt Hội ngành hàng Sen; (vi) Tôn vinh những người trồng Sen giỏi và những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ Sen……

(1) Báo cáo tổng thể về tình hình triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trong hỗ trợ phát triển sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp: Tính đến 30/4/2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích vùng trồng sen thực tế là 331.17ha và tổng diện tích quy hoạch vùng trồng sen được phê duyệt là 461ha; tập trung chủ yếu tại huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh, huyện Tân Hồng, huyện Lấp Vò,… điều này cho thấy diện tích trồng sen đang có chiều hướng phát triển và địa phương quy hoạch cụ thể sau nhiều năm sụt giảm. Song song đó, để góp phần giữ gìn, phát huy danh tiếng và giá trị đặc trưng của cây Sen Đồng Tháp, ngày thêm nhiều sản phẩm sen và sản phẩm từ sen được các doanh nghiệp, cơ sở chú trọng sản xuất; trong đó nổi bật là các sản phẩm có chất lượng được phân hạng là sản phẩm OCOP đạt 3,4 sao (hơn 30 sản phẩm của 11 chủ thể). Nhận thấy những giá trị và tiềm năng to lớn từ cây sen, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội xoay quanh các giá trị từ cây sen khi: xác định cây sen và các giá trị văn hóa từ cây sen là nhân tố quan trọng nhất để tạo lập và định vị hình ảnh Đồng Tháp; xác định cây sen và các giá trị kinh tế - xã hội là nhân tố quan trọng nhất góp phần thực thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Để từng bước nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ trong phát triển các giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội từ cây sen, trong thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp sau: Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen nhằm khai thác giá trị kinh tế do Chỉ dẫn địa lý mang lại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm Sen Đồng Tháp. Thứ hai, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như: Nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số mô hình sản xuất sen ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tốt, an toàn; Nghiên cứu, tuyển chọn giống sen chất lượng cao cho Đồng Tháp; Mô hình hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất và phát triển chế biến sản phẩm từ cây sen;…Thứ ba, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, tổ chức/ cá nhân trong việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài (tại các thì trường tiềm năng) cho các sản phẩm sen; Thứ tư, hỗ trợ tổ chức/ cá nhân quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua xây dựng và công bố áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở; đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Thứ năm, tổ chức kết nối doanh nghiệp với các viện, trường, tổ chức cung cấp công nghệ nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh sản phẩm sen và sản phẩm từ sen.

Hình ảnh các sản phẩm trà chế biến từ Sen đạt chứng nhận OCOP 4 sao

 (2) Về tình hình thực hiện Đề án “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025 và định hướng tới năm 2030”. PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, đang phối hợp với Sở KH- CN tỉnh Đồng Tháp xây dựng “đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Mở rộng diện tích trồng sen, đến năm 2025 ổn định diện tích đạt 1.500 ha, trong đó sen cao sản lấy hạt khoảng 70-80% diện tích; Sen địa phương (Sen Hồng Đồng Tháp) từ 40-50% diện tích; năng suất bình quân 30-35 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 2.500 - 3.000 tấn hạt/năm, giá trị sản lượng của các sản phẩm từ cây sen, quy tiền đạt 3.000 – 4.000 tỷ/năm, thu nhập người trồng sen tăng 120% so với năm 2021. Đến năm 2030 diện tích và sản lượng tăng 200% so với năm 2025 - Phát triển sản phẩm sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng chuyên canh,  gắn kết sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất (đặc biệt đối với những vùng đất trũng), nước, nhân lực; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. (i)  Đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, chế biến sen theo hướng hiện đại hóa, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nước và thế giới, đến năm 2030 Đồng Tháp sẽ có 5-7 chuyên gia về cây sen, đủ khả năng nghiên cứu, chỉ đạo sản xuất về cây sen; (ii) Xây dựng 01 trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; Xây dựng 2 - 3 cơ sở ươm tạo, nhân giống sen, mỗi năm sản xuất 2,5 đến 3,0 triệu cây giống sen chất lượng cao, đáp ứng 50-70% nhu cầu sản xuất; (ii) Hình thành 7-10 vùng sản xuất sen tập trung, ứng dụng công nghệ cao; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc áp dụng các tiêu chuẩn tương tự trong sản xuất nông nghiệp; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một số giải pháp về khoa học công nghệ trong phát triển sen ở Đồng Tháp giai đoạn 2022- 2025 và định hướng đến năm 2030: Xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; tuyển chọn và lai tạo bộ giống sen mới, phân theo các nhóm trồng sen để lấy hoa, ngó, củ và các giống sen trồng chậu làm cảnh; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen; quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản, chế biến sâu về sen, để tạo ra nhiều sản phẩm từ sen hơn nữa; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “sen Đồng Tháp” cho sản  phẩm cây sen Đồng Tháp và Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen.

Hình ảnh phát biểu PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả

(3) Về tình hình thực hiện dự án “Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; do LS. Dương Thành Long Trung tâm nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK là đơn vị thực hiện cho biết sẽ hoàn thành đăng ký vào tháng 11/2023.

(4) Tại hội thảo, nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến sen bày tỏ mong muốn được hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật canh tác sen đạt hiệu quả, đa dạng các giống sen, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm sen ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chia sẻ tại hội thảo sen không chỉ có giá trị hữu hình mà còn có giá trị vô hình về văn hóa. Ngành chức năng cần xây dựng những tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng sen và văn hóa sen để cung cấp cho nông dân học tập. Cần đẩy mạnh kết nối chuyên gia về sen, các tour du lịch, lữ hành, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sen, đưa các món ăn về sen vào các nhà hàng, quán ăn tại Đồng Tháp; đa dạng hóa sản phẩm từ sen và cả việc tạo ra những giống sen mới; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, yêu mến Sen Đồng Tháp v.v..Các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm từ sen và có thể tập trung vào 3 nhóm sản phẩm như: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm; đầu tư máy móc, trang thiết thiết bị sản xuất hiện đại để tăng năng suất lao động;  Bà con nông dân cũng chú ý canh tác sen “tử tế”, không lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, tạo dựng và giữ vững thương hiệu sen Đồng Tháp.

Cảm ơn các ý kiến đầy tâm huyết của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, những trăn trở của Bộ trưởng đối với ngành hàng sen cũng chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ông Phạm Thiện nghĩa mong muốn tất cả nông dân trồng sen, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen, không chỉ tạo dựng thương hiệu địa phương mà còn phát huy giá trị chuỗi ngành hàng sen của tỉnh.

Cùng với đó Hội thảo cũng diễn ra Lễ Ra mắt Hội ngành hàng Sen và Tôn vinh những người trồng Sen giỏi và những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ Sen.

Hình ảnh Ban Chấp hành Hội ngành hàng sen Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Hình ảnh Tôn vinh những người trồng Sen giỏi và những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ Sen

                                                                                 Thường Thường