Xuất bản thông tin

null Đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức - sự kiện

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Đây là chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với các sở, ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố vào ngày 13/01/2022.

Ảnh: Một số sản phẩm nông nghiệp, OCOP của tỉnh

Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, phô trương, làm theo phong trào; phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương; Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã giao các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (i) Linh hoạt, chủ động trong công tác xét duyệt các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện nâng chất các sản phẩm (tổ chức đánh giá sản phẩm OCOP ít nhất 2 lần/năm), đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của Tỉnh hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP; (ii) Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị liên quan hỗ trợ Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch của địa phương. Trong đó, lưu ý: thiết kế bao bì sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…; định hướng hỗ trợ cụ thể để chuẩn hoá các sản phẩm OCOP đạt tiêu chí về tính hoàn thiện bao bì, tem truy xuất nguồn gốc điện tử; đặc biệt ưu tiên phát triển bao bì cho các sản phẩm tiềm năng 05 sao OCOP. Thời gian thực hiện và báo cáo về Uỷ ban nhân dân Tỉnh trong Quý I/2022.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố: Đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch điện tử, 100% sản phẩm OCOP của Tỉnh được đưa lên ít nhất một sàn giao dịch thương mại điện tử; làm cầu nối hỗ trợ các sản phẩm OCOP liên kết với các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước.

Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố: (i) Rà soát, đánh giá thực trạng các sản phẩm tiềm năng của vùng, xây dựng kế hoạch phát triển, chuẩn hoá các sản phẩm OCOP. Theo đó, cần lưu ý các tiêu chí bắt buộc để công nhận sản phẩm OCOP theo quy định để có định hướng hỗ trợ chủ thể hoàn thiện trước tham gia đánh giá; đối với các hồ sơ minh chứng cần rà soát kỹ các quy định, nội dung bắt buộc theo hướng dẫn của các sở, ngành Tỉnh (tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 20/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP); (ii) Chủ trì, phối hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, khuyến công, khoa học và công nghệ,… một cách kịp thời, đúng đối tượng bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm đảm bảo thông tin về chính sách được thông suốt đến đối tượng thụ hưởng chính sách; (iii) Đồng thời, chủ trì, phối hợp ngành chuyên môn tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân dân về kiến thức, quy định của pháp luật, quy định của thị trường nhập khẩu về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; chia sẽ kinh nghiệm về mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn… Vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sơ chế, chế biến sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Chương trình OCOP; áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế; chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm; chuỗi giá trị nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho các sản phẩm chủ lực của Tỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế, kỹ năng kinh doanh, tiếp thụ tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Riêng Uỷ ban nhân dân: thành phố Sa Đéc, huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan xây dựng, triển khai mô hình chỉ đạo điểm phát triển sản phẩm OCOP: Làng văn hóa du lịch Sa Đéc, sen Tháp Mười, xoài Cao Lãnh.

Nguồn: Công văn số 35/UBND-KT.

          Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao đối với 104 sản phẩm của 48 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc Chương trình OCOP của tỉnh Đồng Tháp, gồm 04 sản phẩm đạt 4 sao và 100 sản phẩm đạt 3 sao (Xem danh sách tại đây). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Trong đó có 61 sản phẩm đạt 4 sao và 204 sản phẩm đạt 3 sao. Có 04 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xét công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao của 2 huyện Châu Thành (sản phẩm Hạt sen sấy và Mít sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy, sản phẩm Bánh phồng chay cao cấp hạt sen của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nguyên Hậu) huyện Thanh Bình (sản phẩm xoài sấy dẻo của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức).

       Đến nay, Tỉnh đã kết nối được nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, Vin Mart bách Hóa Xanh, Tứ Sơn, Annam Gourmart Market, cửa hàng bán lẻ Vissan; đưa hơn 300 sản phẩm nông thôn đặc sản của 60 doanh nghiệp, HTX, CSSX tham gia trên địa bàn Tỉnh lên 05 sàn thương mại điện tử uy tín như Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo. Ngoài ra, còn phối hợp Cục TMĐT&KTS triển khai chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến" trên các sàn TMĐT, qua đó đã hỗ trợ cho 21 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở gian hàng, tham gia bán hàng trên sàn TMĐT Sendo. Tỉnh đã Thành lập Trung tâm giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Trung tâm Giới thiệu Ẩm thực – Đặc sản - Du lịch Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tại Phú Quốc Nội đưa các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của Tỉnh giới thiệu tại khu vực phía Bắc và khách du lịch trong và ngoài nước.

                                                                                                            M.Thường VPĐP tỉnh