null Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 4 năm 2023

Chi tiết bài viết Đối thoại

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 4 năm 2023

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự, phát trên sóng FM tầng số 96.5MHz. Chương trình được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, được phát theo chu kỳ 02 tháng 01 lần. Kính mời quý thính giả đón theo dõi và tham gia giao lưu với các diễn giả trong chương trình của chúng tôi qua số điện thoại của chương trình là 0277 3563 407.

Thứ bảy, ngày 26 tháng 8 năm 2023Rất vui được gặp lại quý thính giả trong Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự phát kỳ thứ 4 năm 2023 và chương trình phát sóng kỳ này có chủ đề “Công tác chuẩn bị năm học mới; Đảm bảo an toàn giao thông; Phòng chống thiên tai – lụt bão”.

Tham gia chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh Thành phố, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 03 vị diễn giả:

- Ông: Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố.

- Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố.

- Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố.

I. PHẦN TRAO ĐỔI VỚI NGÀNH CHUYÊN MÔN

Chủ đề

“Công tác chuẩn bị năm học mới; Đảm bảo an toàn giao thông; Phòng chống thiên tai – lụt bão”

CÂU HỎI 1:

Xin ông cho biết trong năm học mới 2023 – 2024, để đảm bảo sỉ số học sinh ra lớp, công tác huy động được thực hiện như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Để đảm bảo sỉ số học sinh ra lớp: Nhà trường cần tham mưu Ban Chỉ đạo huy động học sinh đến trường cấp xã và đồng thời nhà trường cũng phải thành lập Ban Chỉ đạo cấp trường. Bên cạnh đó, nhà trường phải nắm chắc dữ liệu học sinh của năm học trước tại trường. Ngoài ra, phải quản lí số liệu học sinh trong độ tuổi đến trường. Tất cả các đối tượng này Ban Chỉ Đạo xã, trường phải nắm rõ địa chỉ của các em. Bên cạnh đó, nhà trường còn có nhiệm vụ rà soát số lượng học sinh đến trường hàng ngày để biết được số liệu học sinh chưa đến trường, từ đó, Ban Huy Động của phường, xã thành đoàn đến vận động để tìm hiểu nguyên nhân tại sao học sinh không đến trường. Nếu học sinh không đến trường do gia đình có hoàn cảnh khó khăn chưa có tập, sách, vở, trang phục hoặc phương tiện đi lại, nhà trường phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể và Hội khuyến học cấp xã để hỗ trợ cho các em, đảm bảo làm sao không để học thiếu dụng cụ học tập mà không đến trường.

CÂU HỎI 2:

Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, ngành chức năng đã có những biện pháp gì?

TRẢ LỜI:

Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy, góp phần kiềm chế kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố. Ngay từ năm Ban ATGT Thành phố xây dựng Kế hoạch số 05/KH-BATGT ngày 10 tháng 01 năm 2023, về việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy - bộ năm 2023. Ngoài ra, Công an Thành phố xây dựng nhiều Kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề như: Xử lý nồng độ cồn, ma túy, quá tải trọng, tốc độ, phòng - chống đua xe trái phép trên địa bàn Thành phố,… Kết quả kiểm tra xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ 860 triệu đồng.

CÂU HỎI 3:

Thời điểm này đang bước vào mùa mưa lũ, ngành mình đã có những giải pháp gì, để chủ động trong việc phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhân dân?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Để phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa lũ. Thì ngay từ đầu năm, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN trên địa bàn Thành phố, theo đó nội dung Kế hoạch đã đề ra hai nhóm giải pháp là “nhóm giải pháp công trình” và “nhóm giải pháp phi công trình”. Trong đó:

- Nhóm giải pháp công trình là đầu tư kinh phí để duy tu, sửa chữa, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước, các trạm bơm; nạo vét thông luồng các tuyến kênh, mương; gia cố các đoạn đê bao xung yếu, cứng hóa các đầu vàm kênh; mua sắm thay mới các thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố do mưa lũ gây ra; …

- Nhóm giải pháp phi công trình là:

+ Trước mùa mưa, bão tuyên truyền vận động người dân chủ động nạo vét các đoạn mương, rạch bị bồi lắng để khơi thông dòng chảy; gia cố chằng chống nhà ở, công trình; chỉ sản xuất vụ 3 trong khu vực có đê bao bảo vệ; …

+ Thường xuyên, cập nhật kịp thời thông tin trên Trang thông tin điện tử Thành phố về dự báo tình hình mưa, bão, lũ, ấp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để người dân biết chủ động phòng, chống.

II. PHẦN GIAO LƯU VỚI THÍNH GIẢ:

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 1:

Xin diễn giả cho tôi hỏi, học sinh thuộc nhóm đối tượng nào thì được miễn, giảm học phí?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, nhóm đối tượng được miễn giảm như sau:

- Đối tượng được miễn học phí

1. Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh khuyết tật.

3. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

4. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo.

5. Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ theo quy định tại Nghị định số 27/2016/NĐ-CP.

6. Học sinh, học viên học tại các trường giáo dục nghề nghiệp, người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ hoặc ông bà (trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

7. Các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ.

8. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 2:

Hiện nay, việc tuyên truyền, thông tin về các biện pháp phòng, chống thiên tai, lũ lụt đến với người dân biết bằng những hình thức nào?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Trong thời gian qua, BCH Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN Thành phố đã tổ chức tuyên truyền, thông tin về các biện pháp phòng, chống thiên tai, lũ lụt để người dân trên địa bàn Thành phố biết qua những kênh thông tin chủ yếu sau đây:

- Đài Truyền hình Đồng Tháp; Đài Truyền thanh tỉnh Đồng Tháp.

- Đài Truyền thanh Thành phố; Hệ thống loa truyền thanh các xã - phường trực tiếp thông tin và tiếp âm sóng phát thanh Đài Truyền thanh tỉnh Đồng Tháp.

- Trang Thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, Trang Thông tin điện tử thành phố Hồng Ngự.

- Các xã - phường trực tiếp phát thông tin để người dân trên địa bàn biết.

- Lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai, lũ lụt vào chương trình học.

- Tổ chức tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, lũ lụt trên địa bàn các xã - phường nơi đầu nguồn có nguy cơ cao.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai, lũ lụt cho cán bộ các xã - phường, thành viên Tổ cứu hộ - cứu nạn các xã - phường.

Ngoài ra, người dân có thể xem thông tin trên các kênh truyền thông mạng (zalo, facebook, …) của Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, Cổng thông tin điện tử thành phố Hồng Ngự.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 3:

Hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi mua bán vẫn còn diễn ra, nhất là trên địa bàn phường An Thạnh, gây mất vẻ mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Vậy ngành chức năng có biện pháp gì để xử lý những trường hợp trên?

TRẢ LỜI:

Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy,  Ủy ban nhân dân Thành phố. Phòng Quản lý đô thị đã chủ động phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch liên ngành 69 ngày 16/01/2023, nhằm phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự An toàn giao thông, trật tự Đô thị trên địa bàn Thành phố Hồng Ngự năm 2023. Các ngành và đoàn công tác đã triển khai, thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân mua bán xung quanh các khu vực chợ và các tuyến đường chính trên địa bàn các phường. Để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự An toàn giao thông, trật tự Đô thị, Đoàn công tác Liên ngành kiểm tra phát hiện hơn 896 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 566 trường hợp, tạm giữ 330 trường hợp (gồm; xe, dù, bảng hiệu, ghế, bàn, hàng hóa các loại). Lập biên bản 204 trường hợp, cho làm cam kết 126 trường hợp. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân phường An Thạnh, An Lộc còn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 58 trường hợp với tổng số tiền 11.720.000 đồng.

Hiện nay, Đoàn công tác liên ngành đang phối hợp với UBND phường An Thạnh thường xuyên kiểm tra, để xử lý hành vi vi phạm đối với các trường với các trường hợp bao chiếm vĩa hè để chưng bày hàng hóa cố định theo quy định. Kiên quyết cưỡng chế và tháo dỡ đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 4:

Vào mùa mưa thường có hiện tượng sấm sét, nguy cơ dẫn đến chết người. Vậy ngành chức năng có khuyến cáo gì để người dân biết phòng tránh?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Vào thời gian chuyển mùa, khi trời mưa dông, thường hay xảy ra hiện tượng sấm chớp và sét. Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây với nhau. Sét có thể đánh vào bất kỳ đâu, bất kỳ đối tượng hoặc vật thể nào khi có đủ các yếu tố hình thành nên sét. Sấm sét luôn đe dọa tính mạng của con người, nhất là những người phải lao động và hoạt động ngoài trời. Sét có thể đánh thẳng, đánh tạt ngang, hoặc lan truyền trên mặt đất,…

Hiện nay, chúng ta chưa thể phòng, chống sét tuyệt đối trên diện rộng, mà chỉ có thể đề phòng để giảm thiểu tác hại của loại hình thiên tai này gây ra mà thôi. Tuy nhiên, việc chủ động tìm nơi tránh sét nhằm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh là rất hiệu quả. Do đó, mỗi người dân cần biết và tự chủ động về biện pháp phòng, chống sét để tự bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình.

a) Nếu đang ở trong nhà:

- Các đường dây điện thoại hay dây điện nối từ bên ngoài có thể bị ảnh hưởng bởi sét đánh lan truyền, vì thế nên tránh xa các dây này, các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1 mét và cần rút ăng-ten ra khỏi tivi khi có dông sét.

- Không nên dùng điện thoại và nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra.

- Không tự ý sửa chữa đường điện khi đang có mưa, bão.

- Thường xuyên kiểm tra các đường dây, ổ điện trong gia đình để kịp thời phát hiện nơi bị rò điện như: vỏ dây dẫn điện bị tróc, mối nối không bảo đảm ... Nên lắp cầu dao chống giật cho dây dẫn. Các thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt, máy nước nóng... nên có dây nối đất để bảo đảm an toàn khi gặp sự cố rò điện.

b) Nếu đang đi trên đường:

Cố gắng tìm nơi khô ráo, thấp để trú ẩn. Chỗ an toàn để tránh sét là toà nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, mọi người tuyệt đối không trú mưa dưới tán cây. Tránh các khu vực gò cao, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, xe hơi, hàng rào sắt... vì đây là vật nhiễm điện.

- Không đứng thành nhóm người gần nhau vì sẽ tạo thành khối dẫn điện tương hỗ lớn, sẽ là đối tượng để sét phóng điện.

- Tuyệt đối không đứng gần và chạm vào những vật có chiều cao như: cây cao trơ trọi, cột thu lôi, cột ăng-ten, cột điện, cột cờ, tháp đài truyền hình, không gọi và nghe điện thoại,... vì đây là đối tượng của sét. Và tốt nhất nên ngồi trên vật cách điện như gỗ, cao su, nhựa, ...

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 5:

Đối với những gia đình khó khăn, học phí có thể chia ra đóng nhiều lần không?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Gia đình không thuộc diện miễn giảm, nhưng gặp khó khăn về kinh tế thì vẫn được chia ra nhiều lần để đóng, hiện nay các trường đã và đang thực hiện; còn về quy định thì không có văn bản nào quy định điều này.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 6:

Tình trạng xe mô tô, xe đạp điện chạy vượt đèn đỏ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đối với các hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Đối với hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông như vượt đèn đỏ hoặc Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP 30/12/2019 và Nghị định 123/2021/NĐ-CP 28/12/2021 của Chính phủ. Với mức phạt tiền như sau:

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp xe Môtô. Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

- Đối với vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Hiện tại, khu vực đèn tín hiệu giao thông trước Nhà văn hóa, Trung tâm điều hành đô thị thông minh Thành phố đã lắp đặt 03 camera giao thông, nhằm xử lý phạt nguội đối với các phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, xin được thông tin cùng anh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 7:

Con tôi nộp học bạ xét tuyển vào lớp 10 tại Trường THPT Hồng Ngự 1, nhưng không trúng tuyển vào lớp 10. Vậy nhờ Chương trình tư vấn giúp để con tôi tiếp tục học tập?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT Hồng Ngự 1 năm học 2023-2024 là: 575 học sinh, số hs đăng kí là 797; điểm chuẩn là 35,30 điểm, không trúng tuyển là 222 hs trong số đó có con chị. Đối với học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 sẽ tham gia học nghề hoặc học chương trình Giáo dục thường xuyên. Trên địa bàn TP. Hồng Ngự có Trường THPT Hồng Ngự 1 có tổ chức dạy học chương trình GDTX. Quý phụ huynh có thể liên hệ nhà trường đăng ký học chương trình GDTX. Khi đó các em sẽ học ít môn so với học THPT, thi chung kỳ thi TN THPT và bằng tốt nghiệp có giá trị như TN THPT, các em cũng có thể học lên cao đẳng, đại học như những em TN THPT. Tuy nhiên, quý phụ huynh có thể lựa chọn cho con em mình vừa học GDTX vừa học nghề. Trên địa bàn TP. Hồng Ngự có Trường TC Hồng Ngự, ở Cao Lãnh có Trường CĐCĐ Đồng Tháp các trường này tuyển sinh rất nhiều nghề, quý phụ huynh có thể lựa chọn nghề phù hợp. Ngoài ra, còn có thể lựa chọn các trường dạy nghề khác phù hợp với điều kiện và khả năng học tập của con em mình.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 8:

Xin diễn giả cho biết các bệnh thường xảy ra ở gia súc, gia cầm, thủy sản trước, trong và sau lũ và biện pháp phòng, trị?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

a) Đối với gia súc, gia cầm:

Khi vào mùa nước lũ và sau khi nước lũ rút, đàn gia súc, gia cầm thường xuất hiện một số bệnh như: Lở mồm lông móng, tiêu chảy, chướng hơi,… trên gia súc; bệnh tụ huyết trùng trên gia cầm.

Vì vậy, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm cần thực hiện các biện pháp như sau:

- Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.

- Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi trước mùa lũ. Đối với trâu, bò, cần tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm lông móng. Đối với đàn lợn, thì tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm lông móng, tai xanh, … Đối với đàn gia cầm, cần tiêm vắc-xin phòng bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro, cúm gia cầm. Riêng đàn Vịt cần tiêm phòng dịch tả vịt, viêm gan do vi-rút, cúm gia cầm, tụ huyết trùng, …

- Khi nước lũ rút thì cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trên nền chuồng và bãi chăn thả đàn vật nuôi. Nhanh chóng đưa gia súc, gia cầm vào chuồng sau khi được làm khô và ủ ấm. Thường xuyên thay hoặc bổ sung đệm lót khô cho vật nuôi đảm bảo chuồng luôn luôn khô ráo và được ủ ấm. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi. Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời.

b) Đối với thủy sản:

 Một số bệnh như xuất huyết, gan thận mủ, thối đuôi, phù đầu-phù mắt, lở loét, ... thường xuất hiện nhiều nhất trong mùa lũ cũng như sau khi nước lũ rút. 

Để hạn chế tình trạng bệnh xảy ra cần thực hiện các biện pháp như sau:

- Trước khi nước lũ về cần bổ sung khoáng, vitamin, remix, ... để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi; định kỳ bón vôi, xử lý nước diệt khuẩn.

- Khi nước lũ về, cần xử lý lắng lọc trước khi cấp nước vào ao nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan trong môi trường nước. Đối với thủy sản nuôi lồng bè, nước chảy mạnh cần kiểm tra neo đậu an toàn, đảm bảo dòng chảy không ảnh hưởng đến thủy sản nuôi; định kỳ bổ sung khoáng, vitamin để tăng cường sức đề kháng; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đáy bè không để rác, bùn bả đeo bám,… gây ô nhiễm nền đáy.

Khi nước lũ bắt đầu rút thì cần xử lý vôi ngay để diệt khuẩn đối với ao nuôi; cần xử lý kỹ nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi, vì đây là thời điểm chuẩn bị xuống giống lúa vụ Đông Xuân nên nhiều mùn bả, rơm rạ phân hủy được xả ra môi trường bên ngoài nên lẫn vào nguồn nước nhiều mầm bệnh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 9:

Hiện nay tôi thấy tình trạng xây dựng nhà lấn chiếm lối thoát hiểm vẫn còn xảy ra. Đối với các trường hợp này ngành chức năng sẽ xử lý ra sao?

TRẢ LỜI:

Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước và lập lại kỷ cương pháp luật và nhằm nâng cao nhận thức của người dân chấp hành thực hiện tốt các quy định về trật tự đô thị và trật tự xây dựng. UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND nhân dân các xã, phường tăng cường công tác Kiểm tra xử lý kiên quyết các hộ vi phạm, ra quân tháo dở các công trình phụ, vật kiến trúc lấn chiếm vỉa hè, hẻm thoát hiểm. UBND phường An Thạnh là phường được chọn thí điểm trong công tác ra quân giải tỏa các lối thoát hiểm. Vừa qua, UBND Phường An Thạnh đã gửi 1.480 thông báo cho hộ dân vi phạm tự tháo dỡ các vật dụng, kiến trúc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lối thoát hiểm của 02 hẻm đường Nguyễn Trãi - Lê Hồng Phong, Lê Lợi - Nguyễn Thị Minh Khai và các hoa viên. Kiên quyết xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm và xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt và thông báo rộng rãi các hộ vi phạm trong công tác trong lĩnh vực này.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 10:

Hàng năm vào mùa mưa lũ thường xảy ra sạt lỡ bờ sông. Xin diễn giả cho biết, trên địa bàn Thành phố khu vực nào có nguy cơ sạt lỡ và để tránh thiệt về người và tài sản của người dân, ngành chức năng có những khuyến cáo gì?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Hồng Ngự đã xảy ra nhiều vụ sạt lở ở các vị trí khác nhau, vào những thời điểm khác nhau trong năm chứ không riêng gì chỉ xảy ra trong mùa mưa lũ (như vụ sạt lở bờ sông Tiền thuộc địa phận phường An Lạc vào tháng 6/2016, đã lở sâu vào bờ gần 70m, kéo dài hàng trăm mét làm chết 01 người và gây thiệt hại tài sản của người dân hơn 700 triệu đồng), và sạt lở do nhiều nguyên nhân khác nhau (như xói lở đất làm mất ổn định mái dốc, mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho đất đá bị bão hòa nước, khiến các dốc mái taluy trở nên mất ổn định hơn, dòng nước chảy xiết hoặc đổi hướng đột ngột, …). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chính quyền địa phương đã kịp thời gia cố khắc phục hiệu quả đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hồng Ngự có 04 vị trí trong vành đai sạt lở:

- Phường An Lạc (có 2 vị trí ở khóm Sở Thượng và khóm Trà Đư);

- Phường An Bình A (sạt lở cặp sông Tiền thuộc khóm An Thịnh);

- Xã Tân Hội (sạt lỡ cặp sông Sở Thượng ở ấp Tân Hòa Thuận).

Để phòng, tránh thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân do nguy cơ sạt lở gây ra, tại những khu vực nguy hiểm này, ngành chuyên môn Thành phố đã có đặt biển cảnh báo để người dân biết. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi để tuyên truyền, vận động người dân không xây cất nhà ở, công trình, hoặc neo đậu tàu bè, cũng như sinh hoạt, sản xuất tại những vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Mặt khác, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn để nắm bắt tình hình thời tiết, diễn biến của mực nước lũ hàng ngày, từ đó đưa ra cảnh báo kịp thời. Tăng cường theo dõi các khu vực có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ để kịp thời phát hiện (nơi dòng chảy bị tắc nghẽn, nơi dòng nước chảy xiết và chuyển hướng, các dấu hiệu bất thường khác kể cả trên mặt đất) thông báo cho người dân xung quanh khu vực xử lý hoặc di dời, sơ tán đến nơi an toàn.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 11:

Xin diễn giả cho tôi hỏi tuyến đường Hùng Vương quy định tốc độ tối đa là bao nhiêu km/h? Nếu người dân vi phạm vượt quá tốc độ cho phép thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo quy định xe cơ giới tham gia giao thông trên tuyến đường Hùng Vương được quy định tốc độ tối đa cho phép là 50km/giờ. Hành vi vi phạm vượt quá tốc độ cho phép được quy định tại Nghị Nghị định 100/2019/NĐ-CP 30/12/2019 và Nghị định 123/2021/NĐ-CP 28/12/2021 với mức phạt tiền như sau:

- Đối với xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện):

+ Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;

+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;

+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.

- Đối với xe Ôtô

- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng khi người điều khiển ô tô chạy quá tốc độ từ 5 - dưới 10 km/h.

- Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng khi xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 - 20 km/h. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.

- Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng khi người điều khiển ô tô chạy quá tốc độ được quy định từ trên 20 - 35 km/h và xe chạy quá tốc độ từ trên 35km/h sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 - 4 tháng khi người điều khiển ô tô có hành vi vi phạm.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 12:

Con tôi năm nay 6 tuổi, muốn cho đăng ký học bán trú ở trường TH An Thạnh 2, vậy cho tôi hỏi học phí mỗi năm là bao nhiêu và phụ huynh có cần chuẩn bị các dụng cụ cá nhân cho trẻ hay không?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Về vấn đề học phí đối với hs tiểu học là không đóng học phí; Riêng học sinh học bán trú tại trường Tiểu học An Thạnh 2 có các khoản thu dịch vụ như: tiền ăn ăn bán trú, Quản lí chăm sóc, Tiếng Anh tăng cường, .... khoảng 1,5 triệu/tháng và nhà trường thu hàng tháng.

Về nội dung: Phụ huynh chuẩn bị gì cho trẻ khi học. Vấn đề nay thì phụ huynh bàn bạc, trao đổi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp quyết định.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 13:

Hàng năm lũ về người sản xuất lúa muốn xả lũ để vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh và lấy phù sa. Còn đối với người trồng hoa màu, cây ăn trái thì không muốn xả lũ do ảnh đến vườn cây. Ngành chức năng xử lý như thế nào để phù hợp lợi ít đôi bên?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Việc xả lũ được thực hiện theo chu kỳ 3-5 năm, đối với khu vực có sản xuất lúa 03 vụ để vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh và lấy phù sa bồi đắp tái tạo đất. Hoặc là khi người dân trong khu vực sản xuất cùng thống nhất xả lũ.

Hàng năm, UBND các xã - phường đều tổ chức rà soát trên địa bàn, qua đó đăng ký thông tin khu vực xả lũ về Uỷ ban nhân dân Thành phố để tổng hợp đăng ký kế hoạch xả lũ và sản xuất cây trồng vụ Thu Đông với Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đó có kèm theo phương án xả lũ cụ thể.

Địa phương có đăng ký xả lũ phải tổ chức mời những hộ dân có đất sản xuất trong khu ô bao đến họp để lấy ý kiến về kế hoạch, phương án xả lũ. Trong đó, bàn cụ thể về các nội dung: (1) Thời gian xả lũ bao nhiêu ngày; (2) Xả lũ có kiểm soát mực nước lũ hay không? Nếu có thì khống chế mực nước lũ như thế nào và cao bao nhiêu? (3) Vị trí xả lũ ở đâu, khu vực nào để dân nắm cho ý kiến (thống nhất hay không thống nhất). Khi tiến hành xả lũ thì chính quyền địa phương phải lập Tổ tuần tra, thường xuyên kiểm tra trên địa bàn khu vực xả lũ để nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra như nước lũ rò rỉ từ bên ngoài vào, chủ động hệ thống máy bơm rút nước đề phòng khi có mưa lớn gây tràn, ngập úng cục bộ.

Đồng thời, khi người dân đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả sang hoa màu, cây ăn trái có cam kết với chính quyền địa phương sẽ chủ động gia cố đê bao, bảo vệ sản xuất và không gây cản trở khi các hộ dân có đất sản xuất trong khu ô bao kiến nghị xả lũ để lấy phù sa cho đất trồng lúa theo chù kỳ.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 14:

Trước cửa chợ Hồng Ngự thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Vậy ngành chức năng có giải pháp gì để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực này?

TRẢ LỜI:

Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Đối với khu vực này, hiện nay mật độ phương tiện lưu thông cao, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Hiện nay, Thành phố đã lắp đặt chạy thử 06 trụ đèn tín hiệu giao thông để đánh giá mức độ phù hợp, nếu hệ thống đèn tính hiệu hoạt động phù hợp, có hiệu quả, góp phần kiểm soát được lưu lượng giao thông qua khu vực này. Phòng Quản lý đô thị sẽ tham mưu UBND Thành phố cho chủ trương lắp chính thức đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông trong tháng 09/2023.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 15:

Tôi có hộ khẩu thường trú tại ấp Tân Hòa Thuận, xã Tân Hội, tôi muốn cho con tôi học tại Trường TH An Thạnh 3, vì từ nhà đến trường khoảng 01km tiện cho đưa rước bé có được không?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường trong Kế hoạch số 887 ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồng Ngự về việc Tuyển sinh vào lớp 1, năm học 2023-2024 đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hồng Ngự phê duyệt có quy định trẻ 6 tuổi (năm 2017), điểm Tân Hòa Thuận, xã Tân Hội sẽ được đăng ký tuyển sinh các trường trên địa bàn phường An Thạnh nếu cha mẹ học sinh có nhu cầu. Điều này đồng nghĩa con anh chị được đăng ký học tại trường Tiểu học An Thạnh 3.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 16:

Tôi thấy tại một số tuyến đường trong nội ô Thành phố Hồng Ngự, thường xuất hiện các phương tiện xe ô tô tải đậu đỗ, lên xuống hàng hóa, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây mất trật tự an toàn giao thông. Vậy các ngành chức năng Thành phố có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

TRẢ LỜI:

Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Hiện nay trong nội ô Thành phố Hồng Ngự, tại các tuyến đường đều đã có bảng giới hạn tải trọng xe, các phương tiện đậu đỗ trong nội ô để lên xuống hàng hóa là các phương tiện có tải trọng phù hợp tải trọng cho phép nên vào các tuyến đường nội ô. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số phương tiện lợi dụng thời gian không có lực lượng làm nhiệm vụ để lên xuống hàng hóa vi phạm trật tự an toàn giao thông. Thời gian tới Phòng Quản lý đô thị sẽ tiếp tục tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố và các ngành có liên quan tăng cường Tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi đậu, đỗ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không đúng quy định.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 17:

Để phòng tránh tình huống giông lốc làm tốc mái, sập nhà của người dân thì ngành chức năng có khuyến cáo các biện pháp gì để người dân biết phòng tránh?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Vào cuối mùa khô (khoảng tháng 4) hàng năm, những cơn mưa trái mùa xuất hiện sau chuỗi ngày nắng nóng kéo dài thì rất dễ kèm theo các hiện tượng cực đoan của thời tiết (như mưa to kèm theo dông lốc và sấm sét), để báo hiệu bước vào mùa mưa bão, và sau đó thì các trận dông lốc xảy ra với tần suất thường xuyên hơn.

Vì vậy, để phòng tránh những trường hợp bị dông lốc làm tốc mái hay đổ sập đối với nhà ở và công trình, cũng như hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dông lốc gây ra thì trước khi bước vào mùa mưa bão hoặc sau trận mưa dông lớn người dân cần chủ động kiểm tra và thực hiện các biện pháp chằng chống bảo vệ nhà cửa như sau:

1. Giảm thiểu tốc mái bằng bao cát: Đối với nhà có độ dốc mái lớn, dùng các bao cát đóng lỏng (không buộc chặt) có trọng lượng từ 15 - 20kg, nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà sao cho các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát là 1,5m ở vùng giữa mái và 1m ở phần mép mái. Đối với nhà có độc dốc mái nhỏ, làm tương tự như trên nhưng không cần dùng dây nối các bao cát với nhau.

2. Giảm thiểu tốc mái tôn, fibroximang bằng thanh nẹp: Đặt lên mái các thanh nẹp cách nhau khoảng từ 1,5 - 2m tại mép chồng lên hai tấm lợp. Đục lỗ tại các đỉnh mút tấm lợp, dùng thép đường kính 2ly buộc thanh nẹp vào xà gồ, đòn tay. Sau đó dùng keo chống dột để bít lỗ đục tấm lợp.

3. Giảm thiểu tốc mái, đổ mái bằng giằng chữ A kết hợp dây neo xuống đất: Với mái nhà tôn, fibroximang, đặt các thanh chặn ngang bằng cây gỗ, thép lên mái cách nhau khoảng 1m. Đặt tiếp các giằng chữ A, đỉnh chữ A nằm tại nơi tiếp giáp giữa hai mái nhà, cách nhau khoảng 2,5m lên thanh chặn. Cột chặt thanh chặn và thanh giằng bằng dây thép hoặc các loại dây khác, sau đó dùng dây thép hoặc dây thừng, neo giằng chữ A vào các cọc cây đóng sâu xuống đất từ 1 - 1,5m.

4. Chặt hoặc tỉa cành: Tất cả các cây, cành to gần nhà phải chặt hoặc tỉa cành để tránh cây, cành có thể đổ ngã khi có gió mạnh.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 18:

Con tôi tựu trường sẽ vào lớp 9. Nhà trường thông báo cho phụ huynh đăng ký mua SGK từ lớp 6 đến lớp 8. Vậy SGK lớp 9 tôi có thể mua ở đâu?

TRẢ LỜI:

Ông: Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Năm học 2023 - 2024, ngành GDĐT phối hợp với các đơn vị có chức năng cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Sách giáo khoa các lớp theo CT GDPT 2018 (lớp 1,2,3,4; lớp 6,7,8; lớp 10,11) do Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Đồng Tháp và các đơn vị có chức năng cung ứng theo số lượng đăng ký từ các trường. Đối với SGK các khối còn lại do là năm cuối cùng thực hiện CTGDPT hiện hành nên các đại lý bán lẻ không dám nhập về sợ tồn đọng thì năm sau không bán được. Con (anh/chị) giống trường hợp này. Trong trường hợp này, quí phụ huynh đến trường mà con anh/ chị đang học nhờ nhà trường đăng ký Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Đồng Tháp, khi đó nhà trường sẽ tổng hợp và đăng ký hộ cho quí phụ huynh. Trường hợp không đăng ký mua được thì quí phụ huynh liên hệ Thư viện nhà trường mượn SGK để học.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 19:

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chịu hợp tác với lực lượng công an giao thông đang làm nhiệm vụ, khi yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, xin hỏi như vậy có bị xem là vi phạm pháp luật không. Mức xử lý như thế nào?

TRẢ LỜI:

Ông: Đinh Văn Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Đối với trường hợp người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của lực lượng CSGT hoặc người thi hành công vụ  là vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP 30/12/2019 và Nghị định 123/2021/NĐ-CP 28/12/2021 của Chính phủ sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000  đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ đối với Môtô.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ đối với Ôtô.

- Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

-- HẾT –

-----------------------------

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362