null Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 6 năm 2023

Chi tiết bài viết Đối thoại

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 6 năm 2023

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự, phát trên sóng FM tầng số 96.5MHz. Chương trình được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, được phát theo chu kỳ 02 tháng 01 lần. Kính mời quý thính giả đón theo dõi và tham gia giao lưu với các diễn giả trong chương trình của chúng tôi qua số điện thoại của chương trình là 0277 3563 407.

Thứ bảy, ngày 30 tháng 12 năm 2023Rất vui được gặp lại quý thính giả trong Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thành phố Hồng Ngự phát kỳ thứ 6 năm 2023 và chương trình phát sóng kỳ này có chủ đề “An toàn giao thông – Phòng chống cháy nổ; Kinh doanh – Mua bán hàng hóa; Phòng chống dịch bệnh – An toàn vệ sinh thực phẩm”.

Tham gia chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh Thành phố, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 04 vị diễn giả:

- Trung tá: Đặng Thanh Tùng - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;  

- Thiếu tá: Võ Trường Giang – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự;

- Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố;

- Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố.

I. PHẦN TRAO ĐỔI VỚI NGÀNH CHUYÊN MÔN

Chủ đề

An toàn giao thông – Phòng chống cháy nổ; Kinh doanh – Mua bán hàng hóa;
Phòng chống dịch bệnh – An toàn vệ sinh thực phẩm”

CÂU HỎI 1:

Thời điểm cận Tết các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn sẽ nhập hàng hóa tương đối lớn để phục vụ cho người dân. Vậy để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng thì ngành chức năng sẽ có những biện pháp gì để kiểm tra việc niêm yết giá cả tại các cơ sở?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Do ở thời điểm cận Tết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có số lượng hàng hóa tương đối lớn, nên việc thực hiện niêm yết giá còn chưa được chấp hành tốt.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và tránh việc doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý thì các ngành chức năng sẽ triển khai biện pháp là tăng cường kiểm tra xử lý và kết hợp tuyên truyền để doanh nghiệp nâng cao ý thắc chấp hành tốt các quy định của pháp luật về giá.

Theo đó, UBND Tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc đối tượng phải kê khai, niêm yết giá; kiên quyết xử lý các trường hợp niêm yết giá, kê khai giá không đúng quy định, các trường hợp tự ý điều chỉnh tăng giá bất hợp lý, nhằm thu lợi bất chính, làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Ngoài ra, từ đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hồng Ngự (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Thành phố) đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và ban hành Kế hoạch số 435/KH-ĐKTLN để kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn thành phố Hồng Ngự trong năm 2023, trong đó có nội dung kiểm soát tình hình thị trường và giá cả hàng hoá, tập trung ở những mặt hàng thuộc nhóm các mặt hàng bình ổn giá và những mặt hàng thiết yếu, trọng yếu khác.

Đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra được 04 lượt địa bàn Thành phố, ngoài ra còn phối hợp các sở ngành tỉnh kiểm tra đột xuất 02 lượt; qua đó đã nhắc nhở các hộ kinh doanh niêm yết giá, nhãn hiệu bao bì hàng hóa.

* Xin thông tin thêm quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giá:

Theo quy định của pháp luật, hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại đều phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết. Cụ thể tại khoản 1 Điều 29 Luật Giá năm 2023 (hiệu lực từ ngày 01/7/2024) quy định: “niêm yết giá là hình thức công khai về giá. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó; do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam”.

Hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá được quy định cụ thể tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ.

Khi tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm về lĩnh vực giá như:  Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; Bán giá cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ, … thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm là hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện…

Ngoài hình thức xử phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

CÂU HỎI 2:

Trong năm 2023, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố còn xảy ra nhiều vụ, trong đó có những trường hợp tai nạn dẫn đến chết người. Vậy cho hỏi ngành chức năng có biện pháp gì để tại nạn giao thông được kéo giảm trong thời gian tới?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Võ Trường Giang – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự giải đáp thắc mắc như sau:

Thời gian tới, Công an thành phố sẽ chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý quyết liệt các trường hợp là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường quy định,…đồng thời đẩy mạnh xử phạt qua hình ảnh trên hệ thống IOC thành phố và hình ảnh vi phạm do người dân cung cấp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Công an Thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, nghiên cứu xây dựng mới các mô hình bảo đảm TTATGT và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình hiện có để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.

CÂU HỎI 3:

Trong thời gian qua tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp, để kéo giảm tình hình bệnh sốt xuất huyết thì ngành chức năng có những định hướng, giải pháp gì?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố giải đáp thắc mắc như sau:

Trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp rút kinh nghiệm của những năm trước TTYT đã phối hợp PYT tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch SXH trên địa bàn. Theo đó, TTYT thành phố xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp dập dịch và tổ chức các đợt chiến dịch diệt lăng quăng. tổ chức thông tin truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đồng thời huy động lực lượng tổ chức công tác vệ sinh môi trường ở những xã, phường trọng điểm có SXH tăng cao; tổ chức điều tra mật độ côn trùng và chỉ số lăng quăng. Ngoài ra, TTYT cũng đã tổ chức phun hóa chất diện rộng để dập dịch nhằm hạ thấp tỷ lệ người mắc SXH.

Hiện nay bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu mắc phải SXH, khả năng tử vong rất cao. Vì vậy, để phòng chống bệnh SXH, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Mặc quần áo dài tay cho trẻ nhỏ kể cả ban ngày và không cho trẻ em vui chơi ở khu vực thiếu ánh sáng trong nhà ngũ mùng kể cả ban ngày; dọn dẹp và loại bỏ tất cả các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà, như vỏ dừa, vỏ xe,  lon bia…

Đối với các dụng cụ chứa nước sinh hoạt phải thường xuyên thay nước và cọ rửa sạch sẽ ít nhất một tuần/lần để muỗi không có nơi cư trú và sinh sản; khi có dấu hiệu sốt cao liên tục và dù đã sử dụng thuốc hạ nhiệt nhưng không giảm thì nên nghi ngờ mắc bệnh SXH cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

II. PHẦN GIAO LƯU VỚI THÍNH GIẢ

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 1:

Tôi muốn sử dụng những sản phẩm của các công ty doanh nghiệp trong nước sản xuất, vậy xin hỏi chất lượng những hàng hóa đó có đảm bảo hay không?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại thời điểm tháng 8/2023, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70% ... qua khảo sát một số siêu thị như Co.opmart, Vinmart, Bách hóa xanh, … hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market… hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60 - 96%. Ngoài ra, tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.

Điều này đã khẳng định nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hàng Việt đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt. Khảo sát cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp đạt hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua chiếm 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47% hay giá bán cạnh tranh 39%. Ngoài ra, có trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến mới hàng năm. Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn.

Năm 2023, có tổng số 519 doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, có 32 doanh nghiệp đạt hàng Việt Nam chất lượng cao 27 năm liên tiếp, cũng là xuyên suốt hành trình 27 năm của Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngoài ra, có 41 doanh nghiệp lần đầu tiên được bình chọn, 132 doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập đạt hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Cả nước hiện nay có 10.881 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, ...

Từ những số liệu nói trên, cho thấy chất lượng hàng Việt không những đã chinh phục được người tiêu dùng Việt, mà còn vươn xa ra thế giới như Vinamilk, TH True Milk, cà phê Trung Nguyên, gạo Lộc Trời…

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 2:

Gia đình tôi đang kinh doanh cửa hàng tạp hóa tại nhà riêng, vậy xin hỏi gia đình tôi có phải chịu sự quản lý về phòng cháy chữa cháy hay không?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Đặng Thanh Tùng - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Theo quy định, tại mục 21, Phụ lục I - ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 của Chính phủ, quy định “Nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình” là thuộc diện quản lý về PCCC.

Như vậy, đối với cửa hàng tạp hoá tại nhà riêng của anh là thuộc diện quản lý về PCCC.

Ngoài ra, xin thông tin thêm cùng anh:

Trong trường hợp, nếu tổng diện tích của cửa hàng tạp hoá, từ 300m2 trở lên thì do cơ quan Công an quản lý; nếu dưới 300m2 thì do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 3:

Cách lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo an toàn?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn có thể là nguồn gây bệnh. Việc sử dụng thực phẩm tươi ngon không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể chúng ta giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thực phẩm. Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp chúng ta có thể lựa chọn được thực phẩm tươi, an toàn và đủ dinh dưỡng cho gia đình.

Đối với gạo: nếu gạo mới sẽ giữ nguyên được hàm lượng dưỡng chất, không có các thành phần nấm mốc. Để biết được gạo mới, ngon hay không chúng ta cần nhìn và sờ vào gạo, gạo mới là hạt gạo khô, không bị ẩm mốc, không có màu sắc biến đổi.

Đối với thịt: Điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải tìm được địa chỉ bán thịt uy tín, chất lượng. Thịt luôn tươi mới đã được chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật an toàn. Cửa hàng, quầy sạp bán thịt phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn theo quy định vệ sinh thú y

Đối với cá:  Cá tươi, ngon là vảy cá xếp đều, trắng, không bong tróc, không có các dấu hiệu bất thường. Mang cá khép chặt, Chú ý quan sát mắt cá, cá tươi thì mắt cá to, sáng trong, hơi lồi ra ngoài. Chất nhờn trên thân mình phải trong, nhớt và không có mùi lạ.

Đối với rau, củ, quả: Khi lựa chon các loại rau nhiều lá, nên chọn rau có màu tươi sáng không héo úa, dập nát. Đối với các loại củ, quả nên chọn các loại củ trơn nhẵn, da căng, không bị dập nát, màu sắc đồng nhất. Tuyệt đối không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm.

Đối với Các thực phẩm đóng hộp ,đóng gói sẵn, nước uống đóng chai, đóng lon phải còn nguyên vẹn không móp méo, có nhãn mác hạn sử dụng đầy đủ, không nên sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 4:

Tôi thấy lực lượng Cảnh sát giao thông rất cương quyết trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, tuy nhiên vẫn còn nhiều người dân khi điều khiển phương tiện đã có sử dụng rượu, bia. Vậy xin diễn giả cho biết mức quy định xử lý nồng độ cồn hiện nay như thế nào?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Võ Trường Giang – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

   Hiện nay lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia sẽ cương quyết xử lý nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Hiện nay việc xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn được thực hiện như sau:

Đối với xe ô tô:

+ Điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở: phạt tiền từ 6.000.000đ – 8.000.000đ. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

+ Điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở: phạt tiền từ 16.000.000đ – 18.000.000đ. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

+ Điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở: phạt tiền từ 30.000.000đ – 40.000.000đ. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ)

+ Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ: phạt tiền từ 30.000.000đ – 40.000.000đ. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

Đối với xe mô tô

+ Điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở: phạt tiền từ 2.000.000đ – 3.000.000đ. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

+ Điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở: phạt tiền từ 4.000.000đ – 5.000.000đ. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

+ Điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở: phạt tiền từ 6.000.000đ – 8.000.000đ. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

+ Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ: phạt tiền từ 6.000.000đ – 8.000.000đ. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 5:

Cách để người dân bảo quản, chế biến rau quả an toàn và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng? 

TRẢ LỜI:

Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Để đảm bảo rau quả sạch, không bị hao hụt chất dinh dưỡng và an toàn cần lưu ý các vấn đề sau

Trong quá trình trồng, nếu có sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phải đảm bảo đủ thời gian cách ly quy định ở từng loại hóa chất. Không sử dụng phân tươi, phân chưa ủ kỹ tưới vào các loại rau ăn sống vì trong đó có chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, trứng giun, sán.

Khi thu hái cần thu hái rau quả vào lúc sáng sớm, lúc đó các thành phần dinh dưỡng là cao nhất. Tránh thu hái lúc mưa, nắng, trời nhiều sương vì nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ ảnh hưởng xấu đến bảo quản rau quả. Khi thu hái rau quả cần nhẹ nhàng, tránh làm xây xát, dập nát vì như vậy sẽ làm hao hụt nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C.

Trước khi ăn các loại quả nên rửa sạch, gọt vỏ, các loại rau nên rửa kỹ nhiều lần.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 6:

Hiện nay tình hình thanh thiếu niên chạy xe hú ga, nẹt bô, lạng lách đánh võng còn diễn ra. Vậy trong thời gian tới các ngành chức năng cần có giải pháp gì để xử lý tình trạng này?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Võ Trường Giang – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Để xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm chạy xe tốc độ cao, nẹt pô Công an Thành phố đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp, biện pháp để xử lý như Kế hoạch số Kế hoạch số 99 của Công an Thành phố về phòng, chống đua xe trái phép, Kế hoạch 04 về TTKS đảm bảo TTATGT, TTĐT trên địa bàn Thành phố Hồng Ngự năm 2023; Kế hoạch 159 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT từ nay đến cuối năm 2023, qua đó đã bắt và xử lý nhiều đối tượng là thanh thiếu niên với nhiều phương tiện, trong đó có các phương tiện đã thay đổi đặc tính, hình dáng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an Thành phố đã phát hiện xử lý trên 400 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm các quy định về TTATGT, phạt tiền trên 300 triệu. Đặc biệt thực hiện Phương án số 02 đã huy động lực lượng phát hiện bắt giữ 01 nhóm thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe rú ga (nẹt pô) tại đường tránh Quốc lộ 30, có 30 phương tiện, 27 đối tượng. Vụ việc đã khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, khởi tố 10 bị can và xử lý hành chính 23 đối tượng với số tiền 27.800.000 đồng.

Thời gian tới Công an sẽ nghiên cứu đề xuất thêm nhiều phương án, giải pháp mới để xử lý có hiệu quả các đối tượng thanh thiếu niên đảm bảo TTATGT, ANTT trên địa bàn Thành phố

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 7:

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngành chức năng có những giải pháp gì?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì ngành chức năng đã triển khai 02 nhóm giải pháp chính, gồm:

1. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, vi phạm về buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Phối hợp Đội Quản lý thị trường số 3 tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, để các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn Thành phố.

2. Các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao ý thức chấp hành việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật, tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 8:

Thời gian qua tôi xem thông tin trên báo đài có nghe đến bệnh đậu mùa khỉ. Vậy xin cho hỏi, bệnh đậu mùa khỉ có xuất hiện ở Việt Nam chưa và những biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ là gì? Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm, dẫn đến tử vong không?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Trên thế giới: đến ngày 09/10/2023, thế giới ghi nhận 90.618 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại 115 nước trên thế giới, trong đó có 157 trường hợp tử vong; số ca bệnh trung bình toàn cầu trong tuần gần khoảng 200 trường hợp/tuần. Hầu hết các ca bệnh tập trung tại khu vực châu Mỹ và châu Âu. Riêng khu vực Đông Nam Á, đến nay đã ghi nhận tổng số 427 trường hợp, chủ yếu ghi nhận tại Thái Lan (399); có 25 nước ghi nhận ca bệnh mới trong vòng 21 ngày gần đây (tính đến 26/9/2023).

Tại Việt Nam: đến 30/10/2023, ghi nhận 56 trường hợp mắc, trong đó năm 2022, ghi nhận 02 trường hợp bệnh xâm nhập. Từ đầu tháng 07/2023 đến nay ghi nhận 14 trường hợp chủ yếu tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh (12), 02 trường hợp khác tại tỉnh Bình Dương. Ghi nhận 01 trường hợp tử vong.

Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi một người mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm:

+ Sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên)

+ Đau đầu dữ dội

+ Đau mỏi lưng và các cơ

+ Ớn lạnh

+ Mệt mỏi uể oải

+ Nổi hạch

Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 đến 3 ngày. Các dấu phát ban có thể xuất hiện ở:

 Trên khắp gương mặt (95%). Lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ khoảng 75%). Miệng. Mắt Cơ quan sinh dục

Các nốt phan ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ rồi mới khô lại, đóng vảy và xẹp xuống.

Thông thường, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi khỏi, tuy nhiên nếu không chăm sóc và điều trị tốt sẽ xảy ra các biến chứng có thể chuyển nặng và tử vong các biến chứng thường gặp  như sau:

        + Nhiễm trùng máu

        + Viêm mô não

        + Viêm phế quản phổi

        + Nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực

Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh (trẻ em có tỷ lệ tử vong cao hơn). Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%.

Có thể nói, bệnh đậu mùa khỉ tuy khó lây lan giữa người với người hơn so với Covid-19 và các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng nhưng đây vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 9:

Cách nay vài bữa do gia đình có chuyện gấp nên khi điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường mà tôi quên mang theo giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, khi bị lực lượng Cảnh sát giao kiểm tra. Tôi có trình bày là để quên giấy tờ ở nhà. Tuy nhiên cơ quan Công an vẫn lập biên bản tôi với lỗi vi phạm không có giấy tờ là đúng hay sai? Với những vi phạm như trên thì xử phạt bao nhiêu tiền?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Võ Trường Giang – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Công an lập biên bản với lỗi vi phạm không có giấy tờ là đúng.

Theo quy định tại Nghị định 100 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123 quy định rõ tại thời điểm kiểm tra người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản với hành vi không có giấy tờ. Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính người vi phạm xuất trình được giấy tờ thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt với hành vi không mang theo giấy tờ.

- Hành vi không mang theo giấy phép lái xe: phạt tiền từ 100.000đ – 200.000đ (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

- Hành vi không mang theo giấy đăng ký xe: phạt tiền từ 100.000đ – 200.000đ (quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ).

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 10:

Bệnh sốt siêu vi có khác với bệnh sốt xuất huyết hay  không? Và xin cho biết cách điều trị? 

TRẢ LỜI:

Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Bản chất sốt virus và sốt xuất huyết đều do các loại virus khác nhau gây ra. Tuy nhiên, sốt virus thông thường khá lành tính và có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày, còn sốt xuất huyết có thể để lại nhiều biến chứng có thể ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.

*Cách phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết

Để phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết dựa vào:

Dịch tễ: Sốt virus và sốt xuất huyết đều có thể lây lan thành dịch nên có thể dựa vào yếu tố này để định hướng bệnh.

Phân biệt giai đoạn sớm phải dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu là sốt xuất huyết thì xét nghiệm: Test Dengue(+), Công thức máu (số lượng tiểu cầu giảm, thể tích khối hồng cầu Hct tăng). Nếu sốt virus các chỉ số trên bình thường.

Đối với  giai đoạn toàn phát: Sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện xuất huyết dưới nhiều hình thức, còn sốt virus không có triệu chứng xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết và sốt virus có biểu hiện ở giai đoạn đầu khá giống nhau tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được bằng các xét nghiệm cận lâm sàng. Việc phân biệt giữa sốt xuất huyết và sốt virus là cần thiết để định hướng và theo dõi kịp thời các biến chứng của sốt xuất huyết gây ra.

*Hướng dẫn xử lý sốt virus

Các bệnh lý do virus gây ra thường chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, thông thường điều trị triệu chứng và kết hợp với chế độ dinh dưỡng.

Hạ sốt: Khi sốt < 38,5 độ C sử dụng các phương pháp vật lý như chườm bằng nước ấm vào các vùng trán, nách, bẹn. Khi sốt từ 38,5 độ C chườm ấm kết hợp với thuốc Paracetamol liều 10-15mg/kg, 4-6 giờ/ lần. Chú ý nếu trẻ có tiền co giật nên sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C.

Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao hay có tiền sử co giật nên kết hợp sử dụng thuốc hạ sốt và thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ.

Bù nước và điện giải: Khi sốt cao cơ thể bị mất nước và điện giải dẫn đến rối loạn cân bằng nước và điện giải. Bù nước và điện giải bằng oresol, hydrite pha theo tỷ lệ trên bao bì và uống theo nhu cầu.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhỏ mắt mũi bằng dung dịch nước muối 0,9%

Chế độ dinh dưỡng: Sử dụng thức ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vitamin C bằng các loại quả.

Chú ý: Sốt virus có thể lây lan thành dịch nên cách ly tránh tiếp xúc nhiều người để lây lan sang công đồng.

Khi các sốt cao, uống thuốc hạ sốt không hạ và xuất hiện kèm các triệu chứng như lơ mơ, li bì, xuất hiện co giật, nôn nhiều, đau đầu nhiều,... các triệu chứng ngày càng tăng thì nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Một số loại virus có thể phòng ngừa bằng vacxin như: Sởi, rubella, viêm não nhật bản,... Nên tiêm phòng theo đúng lịch để hạn chế mắc bệnh.

*Hướng dẫn xử lý sốt xuất huyết

Cũng là một bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và kết hợp chế độ ăn uống nghỉ ngơi:

Nên hạn chế đi lại, nghỉ ngơi tại giường

Hạ sốt: Khi sốt < 38,5 độ C sử dụng các phương pháp vật lý như chườm bằng nước ấm vào các vùng trán, nách, bẹn. Khi sốt từ 38,5 độ C chườm ấm kết hợp với thuốc Paracetamol (không được dùng ibuprofen hay aspirin để hạ sốt) liều 10-15mg/kg, 4-6 giờ/ lần. Chú ý nếu trẻ có tiền co giật nên sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C.

Bù nước và điện giải: Uống nhiều nước, dùng oresol hay hydrite để bù nước và điện giải.

Ăn lỏng, dễ tiêu, tăng cường vitamin C bằng các loại quả.

Theo dõi tiến triển bệnh thường xuyên: nếu xuất hiện các triệu chứng nặng sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, li bì, lơ mơ, nôn nhiều không uống được, đau bụng nhiều, xuất huyết bất thường như đi ngoài phân đen, nôn ra máu, băng kinh, chảy máu cam, chảy máu chân răng không cầm được,... đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh những biến chứng.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 11:

Tôi định mua 01 chiếc xe honda đã qua sử dụng của người quen trong cùng một địa phương, vậy khi mua lại xe đó tôi có cần làm thủ tục sang tên không?    

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Võ Trường Giang – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Khi bán, tặng cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, phân bổ, điều chuyển xe (say đây gọi chung là chuyển quyền sở hữu xe).

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi; trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định.

- Trường hợp chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 12:

Tôi thấy trước chợ Hồng Ngự có nhiều người bày bán gà nướng, vịt nướng,… Xin diễn giả cho biết những trường hợp này có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không? Cách để nhận biết là gì? 

TRẢ LỜI:

Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

  Nói chung cho các loại thức ăn đường phố để đảm bảo an toàn cần phải tuân thủ các điều kiện về ATTP Chợ Hồng Ngự có nhiều người bày bán gà nướng, vịt nướng để đảm bảo an toàn cần thực hiện đúng các điều kiện:

- Chọn gà vịt có nhuồn gốc rõ ràng, phải tươi sống không mang mầm bệnh.

- Không sử dụng những phụ gia bị cấm để tẩm ướp.

- Không để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp hoặc gần nơi ô nhiễm, không che đậy để bụi bẩn, các loại côn trùng gặm nhấm, ruồi nhặng và các động vật khác tiếp xúc gây ô nhiễm.

- Không nướng đi nướng lại nhiều lần, hoặc để qua đêm.

- Dùng dụng cụ bảo quản đóng gói không hợp vệ sinh.

- Người chế biến thực phẩm, chuẩn bị thức ăn đang bị các bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy, đau bụng, nôn, sốt, ho hoặc nhiễm trùng ở da.

Cho nên khi mua ta phải quan sát và lựa chọn những nơi đáp ứng các điều kiện trên để đảm bảo an toàn ngoài ra đoàn liên ngành cũng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở này.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 13:

Hiện nay các ngành chức năng Thành phố có giải pháp gì trong việc xử lý buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhân dân. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thì việc tiêu thụ các mặt hàng này trở nên sôi động hơn ở thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Để ngăn chặn tình trạng này, các ngành chức năng Thành phố đang triển khai đồng bộ 02 giải pháp:

1. Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại, trong nhân dân để người kinh doanh và người tiêu dùng nhận thức đầy đủ các tác hại và hậu quả của việc sử dụng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nhập hàng có đầy đủ hoá đơn chứng từ, nguồn gốc rõ ràng, hàng hoá đầy đủ tem nhãn, đảm bảo chất lượng, còn hạn sử dụng ... Kiên quyết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tích cực thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh. Đối với người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng, tạo thói quen mua hàng có tem, nhãn đầy đủ, xem hạn sử dụng, mua hàng lấy hoá đơn và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, phải xây dựng các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn, đảm bảo ATTP để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đầu tư mua sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng tốt, mẫu mã, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; sản phẩm được đăng ký bảo hộ, được công bố chất lượng, đầy đủ nhãn mác và đặc biệt doanh nghiệp phải biết bảo vệ sản phẩm của mình khi bị làm giả, bị xâm phạm quyền.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trên các lĩnh vực, mặt hàng, ngành hàng, địa bàn trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, tập trung vào nơi phát luồng hàng và nơi tập trung phân phối; các phương tiện vận chuyển ... Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và ban hành Kế hoạch số 435  để kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn thành phố Hồng Ngự trong năm 2023. Đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra được 14 lượt trên địa bàn Thành phố, ngoài ra còn phối hợp các sở ngành tỉnh kiểm tra đột xuất 02 lượt; qua đó đã phát hiện xử lý hơn 180 vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 14:

Thời điểm hiện nay, thời tiết đang chuyển sang mùa lạnh. Xin diễn giả hướng dẫn người dân cách phòng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như ho, sốt,…?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

 Ai cũng biết, lúc giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh. Bệnh hô hấp là bệnh hay gặp nhất; như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và tái phát các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn hay bệnh tim mạch mãn tính.

Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.

        *Cách phòng bệnh

         + Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng

         + Ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin; rau xanh, hoa quả tươi

         + Tiêm phòng vắc-xin cúm đầy đủ

         + Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn

         + Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng. Đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người khi có dịch

         + Giữ ấm cơ thể

         + Khi có biểu hiện bất thường cần được khám và tư vấn của bác sĩ

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 15:

Việc định danh biển số xe thực hiện như thế nào và khi đến cơ quan đăng ký để lấy lại biển số định danh thì có tốn phí không?

TRẢ LỜI:

Thiếu tá: Võ Trường Giang – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Theo Thông tư số 24  quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, biển số định danh được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.

Khi bán xe, chủ xe phải giữ lại biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe đến nộp cho cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi. Trong vòng 05 năm, nếu chủ xe mua xe khác và đến cơ quan đăng ký xe thì sẽ được cấp lại biển số định danh đã thu hồi.

Cơ quan chức năng không giới hạn số lượng biển số định danh của mỗi người. Hiểu cách khác, mỗi người chỉ có 01 mã định danh (số CCCD) nhưng có thể có nhiều biển số định danh, mỗi biển số gắn với 01 xe.

- Đối với trường hợp đăng ký cho 01 chiếc xe mới (đăng ký xe lần đầu), người dân sẽ phải đóng lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới theo mức thu cấp lần đầu quy định tại Thông tư số 60 của Bộ Tài chính.

- Đối với trường hợp đăng ký cho 01 chiếc xe cũ (xe mua lại từ người khác đã qua sử dụng) thì người dân chỉ phải đóng phí cấp đổi giấy đăng ký kèm theo biển số quy định tại Thông tư số 60 của Bộ Tài chính: 100.000 đồng (đối với xe máy); 150.000 đồng (đối với xe ô tô).

- Trường hợp cấp đổi giấy đăng ký không kèm theo biển số: 50.000 đồng; Trường hợp cấp đổi biển số: 50.000 đồng (đối với xe máy); 100.000 đồng (đối với xe ô tô).

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 16:

Khi người dân bị ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện gì? Cách điều trị sơ cứu ban đầu?

TRẢ LỜI:

Bác sĩ: Trần Phi Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra do ăn, uống thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp: Tiêu chảy; Nôn; Đau bụng. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như buồn nôn, sốt, đau đầu, đau cơ và khớp xương. Các triệu chứng này phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra ngộ độc. Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ngay hoặc sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày sau khi ăn.

- Thực phẩm kém vệ sinh an toàn không chỉ gây nên ngộ độc cấp tính một cách ồ ạt dễ nhận thấy như trên mà còn phải kể đến các bệnh mạn tính gây suy kiệt sức khỏe do nhiễm và tích lũy các chất độc hại như chì, thủy ngân, asen, thuốc bảo vệ động thực vật, phẩm màu độc với lượng nhỏ nhưng kéo dài thời gian sử dụng, đặc biệt là các độc tố vi nấm như aflatoxin trong ngô, đậu, lạc mốc... có thể gây ung thư gan.

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 17:

Gia đình tôi có trang bị 02 bình chữa cháy, vậy xin hướng dẫn tôi cách bảo quản và sử dụng bình chữa cháy được an toàn, hiệu quả?

TRẢ LỜI:

Trung tá: Đặng Thanh Tùng - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Hiện nay, có 02 loại bình được sử dụng phổ biến, như: bình loại bột và bình khí CO2.

* ĐỐI VỚI BÌNH BỘT:

   - Về tính năng tác dụng:

   Bình bột chữa cháy có thể dập tắt các đám cháy chất rắn, chất lỏng, chất khí, đám cháy điện và thiết bị điện mới phát sinh.

- Về cách sử dụng: Khi xảy ra cháy, mang bình đến gần đám cháy, dốc ngược bình, lắc mạnh khoảng 5 – 7 lần, sau đó rút chốt bảo hiểm, một tay cầm vòi phun hướng vào đám cháy, 01 tay mở van phun bột trùm vào ngọn lửa.

- Về cách kiểm tra, bảo quản bảo dưỡng;

   + Định kỳ 6 tháng một lần kiểm tra áp lực khí nén trong bình thông qua đồng hồ đo áp lực. Nếu kim đồng hồ chỉ dưới vạch giớ hạn “màu đỏ” thì phải nạp lại bình.

   + Để bình ở nơi dễ thấy, dễ lấy tiện sử dụng, không để bình ở những nơi có nhiệt độ cáo quá + 550C và nơi có chất ăn mòn.

   + Bình đã sử dụng chữa cháy hoặc đã mở bình ra thì nhất thiết phải nộp lại.

* ĐỐI VỚI BÌNH KHÍ CO2:

- Về tính năng, tác dụng:

   Bình chữa cháy dùng để dập tắt các đám cháy nhỏ mới phát sinh, như: đám cháy chất rắn, chất lỏng, chất khí và hiệu quả cao đối với đám cháy thiết bị điện, đám cháy trong phòng kín, buồng hầm.

   - Về cách sử dụng:

Khi xảy ra cháy, mang bình tiếp cận đám cháy, một tay cầm loa phun hướng vào gốc lửa, khoảng cách miệng loa đến gốc lửa càng gần càng tốt, tay kia mở khoá van bình.

- Những điều cần chú ý khi sử dụng và bảo quản khí CO2:

+ Không sử dụng khí CO2 để chữa các đám cháy có kim loại kiềm, kiềm thổ, than cốc, phân đạm. Vì phun khí CO2 vào đám cháy sẽ sinh ra phản ứng hoá học, trong phản ứng hoá học sẽ tạo ra khí CO là loại khí vừa độc hại, vừa có nguy hiểm cháy nổ làm cho đám cháy phát triển phức tạp thêm.

+ Khi phun phải cầm vào phần nhựa của loa phun, tránh cầm vào phần kim loại và nhất là để khí CO2 phun vào người sẽ gây bỏng lạnh.

+ Không nên dùng khí CO2 chữa các đám cháy ở nơi trống trãi, có gió mạnh vì hiệu quả thấp.

Trên đây là những hướng dẫn cơ bản về cách sử dụng và bảo quản bình chữa cháy.             

CÂU HỎI THÍNH GIẢ 18:

Hiện nay trên thị trường có không ít những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Vậy xin diễn giả cho biết cách phòng tránh để không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như thế nào? Nếu trường hợp người dân mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thì phải báo với cơ quan chức năng nào để được xử lý?

TRẢ LỜI:

Ông: Trần Trung Tín – Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố giải đáp thắc mắc của thính giả như sau:

Hiện nay tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, bởi khi người mua mua nhằm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì ngoài việc mất tiền mà có khi còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Tuy nhiên thông qua các kênh bán hàng online thì những loại hàng hóa này đang diễn ra rất phức tạp. Vì vậy, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh” cho mình.

Qua đó, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần áp dụng các biện pháp phòng tránh như sau:

1. Mua sản phẩm từ các kênh mua sắm đáng tin cậy như: Ưu tiên mua hàng từ các đại lý, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, nhà phân phối hay những trang web uy tín, vì khi mua hàng sẽ giảm được khả năng hàng giả bị trà trộn vào nhằm thu lợi bất chính.

2. Áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ và chứng thực sản phẩm, như mã vạch, mã QR Code (Mã phản hồi nhanh), công nghệ blockchain, xác thực điện tử Icheck, ... đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm hàng hóa trên thị trường, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

3. Cần kiểm tra nhanh thông tin liên hệ của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, nhất là các thông tin qua web, số điện thoại đường dây nóng, thông tin hoạt động của doanh nghiệp trên trang tra cứu công khai của cơ quan thuế, quản lý thị trường hay Cục sở hữu trí tuệ.

4. Người tiêu dùng phải “nói không” với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ độ tin cậy, không mua sản phẩm có giá quá rẻ so với giá trung bình chung của sản phẩm, cũng như thận trọng với các ưu đãi, khuyến mãi quá lớn vì đây có thể là chiêu trò để lừa đảo người tiêu dùng.

Hoặc trong khi mua hàng hóa nếu phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thì người tiêu dùng cần mạnh dạn chủ động thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật (Phòng Kinh tế, Ban Quản lý Chợ, Đội Quản lý thị trường số 3, Cơ quan công an trên địa bàn,…).

Đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là trách nhiệm của toàn xã hội, vì khi mua phải loại hàng này, người đầu tiên bị thiệt hại là người tiêu dùng. Do vậy, mỗi người cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra khỏi thị trường.

-- HẾT –

-----------------------------

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362