Xuất bản thông tin

null Các biện pháp nhằm giảm thiệt hại do mưa - lũ trên các vườn cây ăn trái

Chi tiết bài viết Tin tức

Các biện pháp nhằm giảm thiệt hại do mưa - lũ trên các vườn cây ăn trái

Do ảnh hưởng của mưa lớn bất thường, kết hợp triều cường từ ngày 15-18/10/2023 đã gây ngập úng 1.077,5ha/4.941,82ha diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện.

Để bảo vệ vườn cây ăn trái trong giai đoạn ngập lũ và chăm sóc vườn sau ngập, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sau:

1- Giai đoạn ngập lũ

- Nếu không bảo vệ được bờ bao (do nước dâng quá cao, rò rỉ hoặc sụp lở) nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp vườn (không chận làm “đứng” nước trên liếp bị ngập). Dòng chảy và thoáng sẽ giúp cung cấp một phần Oxy, giúp rễ có thể hô hấp được tốt hơn.

- Trong giai đoạn này, do mưa dầm làm một số loài cây ăn trái có khả năng đâm tược non, hoa hay mang trái làm tiêu hao năng lượng dự trữ. Do đó, các nhà vườn nên:

+ Cắt tỉa bỏ các tược non, hoa, trái trên cây (nếu có thể).

+ Xử lý lá cây bằng cách phun dung dịch Phosphat Kali (4/5) + Urê (1/5) (nồng độ 1,0 - 1,5%) hoặc hỗn hợp phân DAP (2/3) và Clorua Kali (1/3) ở nồng độ 1,0 - 2,0% (hỗn hợp phải ngâm trước để không nghẹt bình xịt). Nên xử lý vào chiều mát (có chất dính để tránh bị mưa rửa trôi). Phun 2 - 3 lần, cách nhau 7 - 10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý sẽ giúp lá mau già, cây chậm tăng trưởng để tiến vào giai đoạn “ngủ nghỉ”, ít tiêu hao dưỡng chất khi rễ bị ngập đang cung cấp dinh dưỡng cho cây quá kém.

+ Phun dung dịch đường qua lá hoặc hoạt chất chứa Cytokinin (Agrispon, Sincosin...) để tăng cường khả năng chịu ngập của cây.

2- Giai đoạn sau lũ

Một trong các nguyên nhân làm chết cây hàng loạt trong các vườn cây sau mùa lũ là hiện tượng mặt đất bị đóng váng bề mặt sau khi nước rút, làm rễ bị nghẹt, thiếu hô hấp dẫn đến rễ thối làm cho cây chết hoặc bị nấm bệnh xâm nhập vào vết thương làm hại cây. Do đó, các biện pháp cần thực hiện gồm:

- Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng để phá váng, giúp đất được thông thoáng.

- Bón DAP (2/3) và clorua kali (1/3) với liều lượng 0,2 - 1,0 kg hỗn hợp/cây (tùy loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục, mọc rễ mới. Thực hiện cùng lúc xới phá váng.

- Cung cấp các dưỡng chất qua lá có chứa đường, NPK, Cytokinin... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.

- Khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương để hạ nhanh mực thủy cấp trong liếp, giúp rễ mau thông thoáng hơn.

- Chú ý trị các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại nông dược tương thích.

Đinh Hồng Thái