Xuất bản thông tin

null Phát huy văn hoá đọc trong trường học

Chi tiết bài viết Tin tức

Phát huy văn hoá đọc trong trường học

Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kỹ năng sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhiều trường học trên địa bàn huyện Tháp Mười đặc biệt quan tâm, chú trọng. Qua đó, vừa phát huy tối đa vai trò của thư viện trường học, vừa phát triển văn hóa đọc trong học đường.

Nhận thức được tầm quan trọng của thư viện nhà trường đối với phát triển văn hoá đọc, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã khuyến khích học sinh thường xuyên đến thư viện đọc, tìm hiểu kiến thức qua sách, báo; xây dựng các thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện lớp học... Các trường chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống thư viện phù hợp với hoạt động của học sinh, qua đó truyền cảm hứng cho các em. Đến trường Tiểu học Tân Kiều 1 hôm nay, không khó bắt gặp hình ảnh các em học sinh đến thư viện vào giờ ra chơi để đọc sách, xem truyện tranh... Đây là kết quả từ việc đổi mới hoạt động thư viện nhằm thu hút học sinh. Thầy Bùi Việt Phải, nhân viên Thư viện trường Tiểu học Tân Kiều 1 phấn khởi cho biết:

“Trước đây thư viện trường được bố trí mượn phòng học tạm. Do phòng chật hẹp không thu hút được nhiều học sinh đến nên xin ý nhà trường dời thư viện xuống một góc sân để tổ chức thư viện thân thiện. Thư viện thân thiện được bố trí ở một góc sân trường khang trang sạch đẹp, trang trí, bố trí kệ sách theo màu sắc, bổ sung nhiều đầu sách để thu hút được nhiều bạn đọc đến với thư viện hơn. Trong thời gian tới thư viện sẽ đầu tư nhiều đầu sách hơn, trang trí bắt mắt hơn để thu hút được nhiều bạn đọc đến thư viện.”

Khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2023, Thư viện cộng đồng xã Đốc Binh Kiều, đặt tại trường THCS Đốc Binh Kiều có diện tích 182m2 gồm phòng đọc, kho lưu trữ và các công trình phụ với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng. Hiện thư viện có trên 5.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại, từ văn học, lịch sử, kỹ năng sống, đến tủ sách pháp luật, nông nghiệp... Qua thời gian đi vào hoạt động, thư viện đã phát huy hiệu quả thiết thực. Thầy Hồ Văn Hữu, nhân viên thư viện trường THCS Đốc Binh Kiều cho biết:

 “Thư viện là trung tâm hoạt động của nhà trường. Từ khi có thư viện mới, các đầu sách trong thư viện được bổ sung đa dạng và phong phú hơn, số lượng giáo viên và học sinh đến với thư viện nhiều hơn trước đây. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và tạo thói quen cho học sinh đến với thư viện để tìm tòi học hỏi bổ sung kiến thức cho các em về lĩnh vực đang học. Thứ hai là xây dựng thói quen tự nghiên cứu của giáo viên để từng bước thay đổi phương pháp dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.”

Em Nguyễn Nhật Huỳnh Lam, học sinh lớp 8a1, trường THCS Đốc Binh Kiều chia sẻ về sự hào hứng đọc sách của mình ở thư viện mới:

“Em thường xuyên đến thư viện mỗi khi em có thời gian rảnh, thường là vào những giờ ra chơi và những ngày cuối tuần. Khi vào em rất phân vân chọn các loại sách bởi vì rất đa dạng. Em thường chọn những loại sách em hứng thú như sách thiếu nhi hoặc sách văn hoá xã hội và lịch sử. Sách giúp ích cho em rất nhiều, khi đọc sách em có thể mở rộng được kiến thức, tiếp cận thêm với văn hoá trên thế giới, giúp em rèn luyện kỹ năng sống và cho em nhiều bài học để em có thể hoàn thiện bản thân. Ngoài ra việc đọc sách còn giúp em thư giãn sau giờ học và có lối sống lành mạnh.”

Phát huy văn hóa đọc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với học sinh, giúp các em hình thành lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có hại cho sức khỏe và mạng xã hội thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thiết thực, nâng cao văn hóa đọc, ngoài sự quan tâm đầu tư của các cấp và nhà trường, rất cần sự chung tay của cộng đồng và phụ huynh, để các thư viện hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều học sinh. Đây cũng chính là mục tiêu mà các trường học tại địa phương mong muốn hướng đến.

Bt: Như Ý + Ảnh: Hoàng Kha