Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Nguyễn Vĩnh Bảo

NGUYỄN VĨNH BẢO

(1918 -        )

Ông Nguyễn Vĩnh Bảo sanh năm 1918, quê làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình có truyền thống âm nhạc.

Năm lên 6 tuổi, ông đờn được một số bài bản ngắn bằng đờn kìm và cò. Năm 10 tuổi ông học đờn với nhạc sĩ Hai Lòng (Vĩnh Long) sử dụng được đờn kìm, tranh, cò, gáo. Lên 18 tuổi, ông học thêm đờn tranh với các nhạc sĩ  Sáu Tỷ, Năm Nghĩa (Trà Ôn). Năm 20 tuổi, ông cùng đệm đờn gáo cho cô Hai Thiệt ca 20 câu vọng cổ thu vào dĩa hát Béka.

Sau khi học trường Trung học Lycée Sisowath (Nam Vang) ông đi làm ở hảng lúa gạo Đông Dương. Được 2 năm, ông đi dạy tiếng Pháp, tiếng Anh các trường tư thục ở Sài Gòn.

Năm 1955, trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn thành lập, ông được mời dạy đờn tranh và được cử làm Trưởng ban cổ nhạc miền Nam. Ngón đờn “phong phú, bay bướm, sâu sắc” của ông được giới nghệ sĩ phong tặng Đệ nhứt danh cầm. Trong thời gian giảng dạy, nhạc sĩ Vĩnh Bảo được mời tham dự Hội nghị Âm nhạc châu Á năm 1963 tại Tân Gia Ba; đài truyền hình NHK Nhựt Bổn mời sang Đông Kinh nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam (năm 1969) và trường Đại học SIU - Hoa Kỳ mời sang giảng dạy âm nhạc Việt Nam với tư cách Giáo sư biệt thỉnh (1970, 1972).

Năm 1972, ông được Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc Đông Phương tại Pháp mời sang cùng Tiến sĩ Vật lý Emile Leipp nhà chuyên môn đóng đờn Violon và Guitare nghiên cứu nghệ thuật đóng đờn. Ở đây, ông được Viện Nghệ thuật và Khảo cổ mời nói chuyện và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Tiếng đờn của nhạc sĩ Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê được thu vào dĩa hát Nhạc tài tử Nam bộ cho hảng Ocara và hảng Phillips, Unesco... để phổ biến và làm tư liệu. Năm 1970, ông thực hiện 2 băng nhạc Nam Bình 1 và 2.

Từ năm 1955, ông nghiên cứu cải tiến hình dạng, kích thước cây đờn tranh từ 16 dây lên 17 dây rồi 19, 21 dây thuận tiện cho việc thể hiện các "hơi, điệu " mà không cần sửa dây, lên nhạn. Ông còn là nghệ nhân đóng đờn tranh, bầu, kìm, gáo.... nổi tiếng, được người trong nghề đặt mua, quí trọng vì chất lượng cao.

Những năm 1960 - 1970, với vốn văn hóa sâu rộng và biết nhiều ngoại ngữ Anh, Hoa, Nhựt, Pháp, ông từng đi thuyết trình giới thiệu và biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam ở Trung tâm Văn hóa Pháp, Đức, Hội Việt - Mỹ ở Sài Gòn và nước ngoài. Tháng 2-1974, ông được mời tham dự  Đại hội Âm nhạc tại Hoa Kỳ có 51 nước dự, nhưng chánh quyền Sài Gòn không cho ông đi, với lý do thời gian ông giảng dạy âm nhạc tại Hoa Kỳ, ông đã có những lời phát biểu bất lợi cho "chánh sách quân dịch" Mỹ. Báo chí Mỹ cho rằng nhạc sĩ  Vĩnh Bảo đã đánh giặc Mỹ trên đất Mỹ.

Từ sau ngày miền Nam giải phóng, dù tuổi cao, ông vẫn say mê dạy đờn tại nhà, dạy trực tiếp hoặc hàm thụ qua băng, dĩa cho rất nhiều nhạc sinh nước ngoài, như Úc, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Canada, Việt kiều... Năm 1998, 1999, trường Collette thuộc Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh mời nhạc sĩ Vĩnh Bảo dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam cho con em người Pháp đang sanh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.  

Năm 1998, hai anh em Eric (nhạc sĩ Guitare) và Laurent (nhà quay phim truyền hình) từ Pháp sang học đờn tranh với nhạc sĩ Vĩnh Bảo. Ông còn dành thời gian viết báo và soạn các quyển sách  Tự học đờn tranh dày hơn 800 trang bằng hai thứ tiếng Pháp, anh phổ biến cho người nước ngoài, Lịch sử âm nhạc, Nghệ thuật đóng đờn dân tộc.....

Tuổi cao nhưng nhạc sĩ Vĩnh Bảo vẫn tâm huyết với việc nghiên cứu, truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhứt là với thế hệ trẻ.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow