Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Phạm Văn Khanh

PHẠM VĂN KHANH

( ?   -   ? )

Ông Phạm Văn Khanh người thôn Mỹ Trà, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Trà, thị xã Cao Lãnh). Ông là một trong năm người con trai của ông Phạm Văn Giai.

Ông Phạm Văn Giai vốn là người hiền lành nhân hậu, quý trọng đạo Nho, nên trong nhà thường có gia sư dạy dỗ con cái. Trong năm người con, ai nấy đều vâng lời cha dạy, sớm tối đèn sách chuyên cần; chỉ riêng Phạm Văn Khanh ít ham sách vở, thường lén cha, cùng chúng bạn trong xóm tìm thầy học nghề võ.

Theo qui định của pháp luật nhà Nguyễn thời ấy, gia đình đông con trai, phải có người đi lính, nên lúc trưởng thành Phạm Văn Khanh nhập ngũ. Nhờ có sẵn võ nghệ, nên lần hồi ông  đươc cử làm ban biện xuất đội Đội I của cơ đồn điền Tường Võ, một trong các đồn điền (1) trong tỉnh Định Tường.

Khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), chúng ra lịnh giải tán các đồn điền vì chúng biết các lãnh tụ nghĩa quân (như Trương Định, Võ Duy Dương...) và lực lượng kháng chiến lúc bấy giờ phần lớn từ các đồn điền mà ra. Phạm Văn Khanh ra quân vào lúc ấy.

Trong khi phần lớn lính nghĩa quân đồn điền theo chủ tướng cũ tham gia xây dựng căn cứ kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược, thì Phạm Văn Khanh lại quan hệ với Tôn Thọ Tường (1825-1877), người tỉnh Gia Định, từng bị triều đình xử tội “đi thi mướn” song được vua Tự Đức xá tội cho về quê, mang lòng căm thù ra cộng tác với giặc, đang làm tri huyện, nhà ở Cái Thia (nay thuộc huyện Cái Bè - Tiền Giang).

Khi nghĩa quân Thiên hộ Dương hoạt động mạnh chung quanh vùng Cao Lãnh, Phạm Văn Khanh xuống Cái Thia tiếp xúc với Tôn Thọ Tường và được Tôn Thọ Tường tiến cử cho giặc Pháp.

Phạm Văn Khanh được giặc giao cho chức quản bộ đạo, tổ chức và chỉ huy đội bảo an binh khoảng 100 tên, chia ra 10 đội. Từ đó, Khanh cùng với giặc trực tiếp đàn áp cuộc kháng chiến, khủng bố dân lành. Từ năm 1865, giặc thành lập khu thanh tra (tham biện) Cần Lố, dời huyện lỵ Kiến Phong về Cần Lố, để án ngữ con đường vào Tháp Mười, giao làng Mỹ Trà, chợ Cao Lãnh cho Phạm Văn Khanh quản lý. Phạm Văn Khanh và đội bảo an của y

__________________________________

(1) Một dạng khai hoang, phát triển kinh tế do triều đình nhà Nguyễn chủ trương

nhiều lần ngăn cản các cuộc tấn công của nghĩa quân; điều tra lùng sục bắt bớ những người tình nghi tiếp tay với nghĩa quân, giao cho giặc đem về xét xử ở trường án Cần Lố.

Tháng 4 năm 1866, giặc Pháp tập trung đại quân tiến công vào căn cứ Tháp  Mười. Chính Phạm Văn Khanh là người cầm quân đi đầu hướng dẫn giặc theo ngã sông Cần Lố tấn công vào căn cứ.

Do các công lao đó, Phạm Văn Khanh được giặc ban cho một huy chương bằng bạc, phía trước có hình Napoléon III, phía sau có hàng chữ : “Phạm văn Khanh, chef Partisans Annamites à Inspéction Sadéc “.

Sau khi qua đời, Phạm Văn Khanh được giặc Pháp và tay sai chôn cất trước nhà việc Mỹ Trà (nay là khoảng Nhà Trẻ Hồng Gấm, thị xã Cao Lãnh) với “bia công đức” mang tên Phạm Công Khanh. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bia này bị dân chúng tự động đập phá, mồ mã bị phóng uế.

Song, nhân dân Cao Lãnh rất công bằng trong việc luận công xét tội, ngày nay mọi người vẫn nhắc đến việc ông trùng tu và cấm mộ bia cho ông bà Nguyễn Tú, tại dốc cầu Đình Trung, Bia Tiền Hiền góp phần khai hoang xây dựng vùng Cao Lãnh và di dời Văn Thánh miếu Cao Lãnh năm 1878 từ vị trí cũ đến vị trí ngày nay.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow