Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Lưu Văn Lang

LƯU VĂN LANG

( 1880 – 1969 )

Ông Lưu Văn Lang sanh ngày 5 tháng 6 năm 1880, tại làng Tân Phú Đông, Sa Đéc, trong một gia đình nghèo.

Thuở nhỏ, ông học chữ Nho, năm mười tuổi mới bắt đầu học chữ Pháp và quốc ngữ. Vốn thông minh, liên tục là học trò giỏi, tài năng ngày càng phát triển, Lưu Văn Lang được học bổng theo học trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Năm 17 tuổi, lại tiếp tục được học bổng sang Pháp học tại trường Quốc gia Bách nghệ Trung ương (l’École Centrale de Paris).

Năm 1908, thi tốt nghiệp ra trường, đậu hạng ưu, xếp thứ 8 trong số 250 thí sinh; Lưu Văn Lang là sinh viên Nam Kỳ đầu tiên đậu bằng Ingénieur des Arts et Manufactures (Kỹ sư công nghệ chuyên ngành cầu cống - tương đương như kỹ sư xây dựng ngành cầu đường ngày nay).

Về nước, chánh phủ Pháp bổ nhiệm ông sang Vân Nam (Trung Quốc) thiết kế, xây dựng đường xe lửa Vân Nam.

Từ năm 1909 đến 1940, ông làm việc cho Sở Công chánh Sài Gòn; tài năng và liêm khiết, ông nổi tiếng qua những lần đi kiểm tra cầu cống. Nhiều câu chuyện, gần như huyền thoại, được người dân truyền tụng, nói lên bản lĩnh chuyên môn nghề nghiệp của “Bác vật Lang”, hơn hẳn các kỹ sư, đồng nghiệp người Pháp.

Xuất thân từ học trò nghèo, hiếu học, khi thành đạt, ông có những hoạt động “khuyến học” tích cực: Thành lập Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội và Hội SAMIPIC ở Sài Gòn (Société pour l’amélioration morale intellectuelle et physique des indigènes de Cochinchine), một hội có mục đích nâng cao tinh thần, trí tuệ và thể lực cho sinh viên Đông Dương, ở Nam Kỳ. Hội giúp nhiều học bổng cho sinh viên nghèo, học giỏi, được đào tạo ở nước ngoài thành những nhà khoa học kỹ thuật cao cấp… Năm 1943 – 1944, ông tích cực giúp phong trào Truyền bá quốc ngữ chính thức hoạt động rầm rộ ở Sài Gòn và các tỉnh.

Tháng 3 năm 1945, Nhựt đảo chánh Pháp, ông được mời ra Huế giữ chức Tổng trưởng, nhưng ông giữ khí tiết, tuyên bố: “Không làm đầy tớ cho ai nữa cả!”.

Pháp tái chiếm Sài Gòn, ông vẫn bất hợp tác với địch. Từ đó, nhà ông ở đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) là nơi hội họp, gặp gỡ của số trí thức tiến bộ, yêu nước.

Năm 1947, ông cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, giáo sư Đặng Minh Trứ, vận động gần 300 trí thức ký tên vào bản kiến nghị đòi chánh phủ Pháp đàm phán với chánh phủ Kháng chiến để chấm dứt chiến tranh. Cả ba vị cùng lên gặp Cao ủy Bollaert - đại diện thực dân Pháp, và đã cãi nhau kịch liệt với Bollaert. Sau đó, bác sĩ Hưởng và giáo sư Trứ quyết định ra chiến khu, còn kỹ sư Lưu Văn Lang ở lại Sài Gòn với thái độ rõ ràng đứng về phía nhân dân, mặt đối mặt với quân xâm lược. Qua thế đứng của mình, ông ra sức tranh thủ số nhân vật quan trọng từ Pháp sang nắm tình hình Việt Nam, trong đó có văn hào Georges Duhamel.

Năm 1949, ông Lưu Văn Lang là người ký tên đầu vào bản kiến nghị thứ hai, với hàng ngàn chữ ký, đòi chánh phủ Pháp thương lượng với chánh phủ Hồ Chí Minh để trao trả độc lập và tái lập hoà bình cho Việt Nam, làm cho thực dân Pháp và tay sai phải bối rối. Ngày 9 tháng 1 năm 1950, tại Sài Gòn, nhân đám tang trò Trần Văn Ơn, ông Lưu Văn Lang dẫn đầu đoàn biểu tình đông hàng trăm ngàn người, mặc dù năm ấy ông đã 70 tuổi.

Năm 1954, tuy đã già, ông Lưu Văn Lang vẫn nhận chức Chủ tịch danh dự Phong trào Hòa bình. Tháng 11 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt ông giam giữ, không lâu sau, vì uy tín lớn lao của ông, chúng buộc phải thả ông ra.

Ông ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, công khai phổ biến các văn kiện của Mặt trận ngay giữa Sài Gòn.

Ông Lưu Văn Lang mất ngày 3 tháng 8 năm 1969, hưởng thọ 90 tuổi.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow