Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Nguyễn Thị Lựu

NGUYỄN THỊ LỰU

(1909 – 1988)

Bà Nguyễn Thị Lựu, tên thật Đỗ Thị Thưởng, bí danh Thu, Cửu, thường gọi Tám Lựu, sanh ngày 23-9-1909 tại làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Là người con gái hiếu hạnh, dũng cảm, mưu trí, bà sớm được giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình, đứng vào hàng ngũ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (1928). Qua thành tích hoạt động xuất sắc, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1929 tại Cần Thơ.

Đầu năm 1931, trên cương vị Thường vụ Tổng công hội đỏ Xứ Ủy Nam Kỳ, bà bị giặc bắt giam ở bót Pôlô (Chợ Lớn). Trước những trận đòn khốc liệt, man rợ, bà vẫn không chao đảo tinh thần, vững dạ bảo toàn khí tiết cộng sản. Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, bí danh Nhuận, người yêu của bà, cũng bị bắt giam tại bót Pôlô cùng thời điểm với bà. Tòa đại hình đặc biệt Sài Gòn mở phiên xử, kéo dài 7 ngày từ 2-5-1933 đến 9-5-1933, tuyên án bà 5 năm tù giam tại Khám lớn Sài Gòn, đồng chí Nhuận tử hình, hạ xuống chung thân khổ sai, đày đi Côn Đảo.

Năm 1936, bà được trả tự do, mới biết tin người yêu đã hy sinh trong chuyến vượt ngục Côn Đảo cuối năm 1934, cùng với 10 đồng chí, trong đó có Ngô Gia Tự (1908 – 1934), Bí thư đầu tiên của Xứ Ủy Nam Kỳ.

Trở lại hoạt động, bà tham gia nhóm La Lutte (Tranh đấu), phục vụ tại tòa soạn La Lutte và được bầu vào Ủy ban trù bị Đông dương Đại Hội. Đầu năm 1937, bà tiếp tục làm báo L’Avant - Garde (1937), Le Peuple (1937), Dân chúng (1938 – 1939). Đầu tháng 9/1939, bà bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ 2 ở nhà tù Phú Mỹ (Thị Nghè – Gia Định) 1939 – 1941, trại giam Bà Rá (Biên Hòa) 1941 – 1945.

Nhựt đảo chánh Pháp 9-3-1945, bà cùng một số đồng chí ở trại tù Bà Rá vượt ngục về Sài Gòn, tham gia hoạt động, vận động quần chúng ủng hộ Mặt trận Việt Minh lãnh đạo thắng lợi Tổng khởi nghĩa 25-8-1945. Năm 1946 bà công tác ở Tỉnh ủy Châu Đốc, tham gia Ban Dân vận thị xã Châu Đốc, gầy dựng phát triển tờ báo “Anh Thư”  của Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Châu Đốc. Sau đó, bà giữ các nhiệm vụ: Trưởng ban Phụ Vận Thành Ủy Sài Gòn – Chợ Lớn (1949); tham gia Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn, phụ trách Tiểu ban đấu tranh đòi thi hành hiệp định Genève (1954); gia nhập Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên Ban Mặt trận trung ương (1959); Vụ trưởng Vụ quốc tế của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (1960); Ủy viên Ban thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (1961).

Sau ngày giải phóng 30-4-1975, bà đảm nhận Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nghỉ hưu tháng 7-1979.

Bà từ trần ngày 11-10-1988, hưởng thọ 79 tuổi, rạng rỡ đôi đàng về cách mạng, về tình yêu, thủy chung, kiên cường, bất khuất.

Tên bà được đặt cho trường Trung học cơ sở ở phường 4 và một con đường trong thị xã Cao Lãnh.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow