Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Trần Văn Năng

TRẦN VĂN NĂNG

( 1763 – 1835 )

Ông Trần Văn Năng người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, có sức mạnh, giỏi võ nghệ, qui thuận với Nguyễn Ánh rất sớm, lập được công trạng, được phong chức đội trưởng, rồi thăng chức Thuộc nội cai đội. Sau theo Lê Văn Duyệt, đánh giặc lập nhiều công trạng, được thăng Vệ úy; rồi theo Nguyễn Văn Thành, sau khi hạ được thành Bình Định, được thăng Thần sách hậu dinh Phó đô Thống chế, rồi Đô thống chế.

Năm Gia Long nguyên niên (1802), ông theo vua hộ giá chinh bắc. Khi hết chinh chiến, ông mang chiến thuyền về kinh. Năm 1808, ông quản lãnh Thần sách ngũ dinh vào trấn thủ Gia Định, chưa được bao lâu, lại được triệu về kinh. Năm 1910, lại vào cai quản đất Gia Định

Năm 1812, ông kiêm lãnh Chấn vũ quân Phó tướng, vừa gặp lúc quân Xiêm xâm lấn  biên cương Chân Lạp, Nặc Chân chạy xuống Gia Định. Trần Văn Năng  mang quân về Tân Châu nghiêm ngặt phòng thủ và gởi thư về Gia Định đề nghị nên đánh thẳng lên Nam Vang, gây áp lực với quân Xiêm. Song triều đình không thuận.        Năm Gia Long thứ 12 (1813), Trần Văn Năng cùng tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt đưa Nặc Chân về nước. Sau đó ông được triệu về kinh kiêm lý Thần sách quân ngũ dinh. Năm 1818, ở Nghệ An có giặc cướp nổi lên, quan quân địa phương chế ngự không nỗi. Vua phái Trần Văn Năng mang quân tiểu trừ.

Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), ông quyền lãnh Chưởng tiền quân ấn vụ kiêm lãnh chức Phù liễn sứ kiêm lãnh thị vệ đại thần, phụ trách việc xây dựng Từ thọ cung, kịp khi đại giá Bắc tuần, ông sung chức Tùy giá đại tuần. Ngày vua hồi loan, ông được thưởng vàng bạc, áo quần. Năm 1822, trời mưa to làm sụp 2.057 trượng (tức 8.228m) tường thành của kinh thành Huế. Minh Mạng giao cho ông và Nguyễn Văn Vân đốc xuất công việc tu sửa. Năm sau, ông lãnh nhiệm vụ trùng tu  nhà Thái Miếu; ông được sung Tổng lý đại thần và được vời vào Gia Định làm Phó Tổng trấn, trước lúc lên đường được vua phủ dụ và ban cho 500 quan tiền. Trong thời gian nầy ông cùng Nguyễn Văn Thoại mộ dân, chỉ huy việc đào kinh Vĩnh Tế.

Năm sau lại được triệu về kinh thọ chức Tiền quân đô thống chế quản thủ “tập ấm Anh danh sách”. Từ năm 1826 trở đi, ông lần lượt kinh qua các chức Chưởng dinh kiêm lãnh Thương bạc và quản Giáo dưỡng binh, rồi quản đốc Tào chính quyển lãnh Tướng quân Thống chế ấn triện, rồi thăng Tiền quân đô thống phủ Chưởng phủ sự. Năm 1832, vua xét ông có nhiều công trạng nên tấn phong cho tước Lương tài hầu.

Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi lên chiếm Gia Định, cầu cứu quân Xiêm. Quân Xiêm gồm 5 cánh xâm  phạm biên cương; chúng chiếm được An Giang, Hà Tiên. Để đối phó, vua Minh Mạng phong ông làm Bình Khấu tướng quân thống lãnh quân đội cùng các tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn  Xuân, Hồ Văn Khuê...và các tán tương Trương Phúc Đỉnh, Phạm Hữu Tâm...

Ông cho Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân mang bộ binh đến ngăn giặc ở Cổ Hổ, cửa Thuận (Vàm Nao) giết được tướng giặc là Phi Nhã Khổ Lạc. Sau đó Trương Minh Giảng công hảm thành Châu Đốc (An Giang) để chận đường rút lui của giặc. Hai bên quần thảo nhau suốt cả ngày, nhưng quân ta không hạ được thành. Ông liền dùng binh thuyền gấp rút tiến đánh Hà Tiên và chuẩn bị tiến công Nam Vang. Ta chiếm được Hà Tiên, giặc Xiêm hoang mang tháo chạy qua biên giới; thừa thắng ông đích thân cầm quân giải phóng được Nam Vang.

Do tuổi già sức yếu, lại chinh chiến gian khổ, nên khi chiếm được Nam Vang ông lâm trọng bịnh phải ủy thác binh quyền cho Trương Minh Giảng để lui về nước trị bịnh. Thuyền đến Bến Siêu (cù lao Tây) ông qua đời, thọ 72 tuổi. Minh Mạng ra lịnh phải mang thi hài ông về kinh an táng.

Là người có nhiều công trong việc đánh giặc giữ nước, nên được triều đình truy tặng Thái phó tấn phong tước Tân Thành quận công; đám táng phải bải triều ba ngày, được vua ban cho một bài ngự chế. Mộ ông hiện còn ở triền núi Hoàng Long thuộc thành phố Huế.

Để tưởng nhớ công lao, nhân dân địa phương lập đền thờ chiêm bái tại vàm rạch Đốc Vàng làng Tân Thạnh (nay thuộc huyện Thanh Bình), nơi thi hài ông được khâm liệm; gọi là Dinh Ông Đốc Vàng (dinh ông ở Đốc Vàng).

Hiện nay, di tích Dinh ông Đốc Vàng được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow