Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Trần Hữu Thường

TRẦN HỮU THƯỜNG

(1844 - 1921)

Ông Trần Hữu Thường là một nhà mô phạm lỗi lạc ở miền Nam khi thời Nho học còn thịnh. Dân gian thường gọi ông là cụ Tú Thường. Ông người thôn Phú Thuận, tỉnh An Giang (nay thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), sinh năm Thiệu Trị thứ  tư (1844), ông có thân hình cao to vạm vỡ, da ngâm đen, râu tóc rậm, thoạt tranh ai cũng nghĩ ông thuộc vào hàng võ biền, nhưng ông lại hiền hòa, đôn hậu, đối đải với mọi người như huynh đệ.

Ông theo học với cụ huấn đạo Nguyễn Văn Khuê, đỗ tú tài năm 1864 ở trường thi An Giang.

Ông về quê mở trường dạy học với ước mong truyền lại tâm huyết của mình cho thế hệ đàn em. Chẳng bao lâu, tiếng tăm thầy Tú Thường vang dội khắp miền Hậu giang. Cần người có uy tín với dân chúng trong bộ máy cai trị để giữ vững công cuộc thống trị, bọn thực dân Pháp nhiều lần mời thỉnh, dọa dẫm buộc ông ra tham chính. Nhưng ông quyết tâm không làm tay sai, tiếp tay với giặc bức hại đồng bào, nên một mực từ chối, nguyện với lòng giữ nếp sống trong sạch đạm bạc, ngày dạy học cho vơi bớt nổi đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan. Khắp các tỉnh miền Tây, ở đâu cũng có người theo học với ông. Ông siêng năng đọc sách để trao dồi kiến thức, nhưng không thích làm thơ văn. Đôi khi ngẩu hứng, sáng tác một đôi bài, ông cũng không cho ai sao chép; vì vậy thơ văn ông để lại không còn được bao nhiêu, chỉ sót lại một số ít có liên quan tới các giai thoại văn chương hay lịch sử mà thôi.

Học trò ông có nhiều người thành đạt, nổi tiếng như Nguyễn Văn Nghị ở Cao Lãnh, sau nầy cũng trở thành một nhà giáo tiếng tăm; trội hơn hết là Nguyễn Quang Diêu, người Tân Thuận (Cao Lãnh), vừa là một lãnh tụ của phong trào Đông du ở miền Nam vừa là một nhà thơ yêu nước với số lượng sáng tác khá lớn.

Từ khoảng đầu thế kỷ XX trở đi, thực dân Pháp cần một lớp tay sai tiếp tay với chúng trong công cuộc thống trị, chúng mở trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ, tìm cách ngăn cản các nhà Nho dạy chữ Hán. Nhưng Trần Hữu Thường vẫn tiếp dạy lén lút. Đến năm 1912, viên chủ tỉnh Châu Đốc là một người Pháp có óc hiếu cỗ, biết ông là người am tường các di tích trong vùng, mời ông đến dịch hai bia Vĩnh Tế Sơn và Thoại Sơn ra văn vần, Xong việc, viên nầy bảo:

- Thấy ông là một bậc cao sĩ, tôi rất mến tài, nay ông có yêu cầu gì cứ nói, tôi sẵn sàng giúp đỡ.

Ông thản nhiên trả lời:

- Tôi không muốn gì hết.

Viên chủ tỉnh lại hỏi:

- Tôi ban chức tri huyện danh dự cho ông, ông có nhận không ?

Ông lắc đầu và bỗng nhớ ra một việc cần, liền nói:

- Nếu ngài có lòng hạ cố, xin vui lòng cho phép tôi được tiếp tục đem đạo lý của thánh hiền giảng dạy cho con cháu để duy trì phong hóa nước nhà. Bình sinh tôi chỉ có bấy nhiêu ước mơ đó thôi !

Viên chủ tỉnh nắm lấy tay ông cười ngất. Thế là từ đó ông lại công khai dạy học như trước. Ông là dịch giả bài văn bia Vính Tế Sơn đầu tiên ra quốc ngữ còn truyền tụng đến ngày nay.

Ông mất năm Mậu Dần (1921), thọ 77 tuổi. Học trò nghe tin, đến viếng có đến hàng ngàn người. Người ta khấp điếu ông nhiều văn lụy, nhiều bài thơ, nhưng có lẽ thấm thía nhứt là bài thơ chữ Hán của nhà cách mạng Nguyễn Quang Diêu, với nhan đề là Khóc tiên sinh thi

                                    Thái sơn tằng tích vọng khôi thôi,

                                    Thùy liệu kình thiên đỉnh đốn tồi !

                                    Phi quyện trạch tồn thâm tự khái,

                                    Môn tâm mao tắc hướng thùy khai ?

                                    Khả liên Đào kỉnh tòng không tại,

                                    Nhẫn sử Trình môn tuyết uổng đôi !

                                    Công nghĩa tư tình quân vị dã,

                                    Trầm tư tâm sự độc bồi hồi !

Được tạm dịch :

                        Thái sơn hằng nhớ tít mù cao,

                        Đỉnh ngất trời xanh bỗng đổ nhào !

                        Lật sách nhớ ơn thân phận bấy,

                        Xem văn tối nghĩa hỏi ai đâu ?

                        Thương ông Đào khuất, sân tòng phủ,

                        Nhớ cụ Trình xưa, cửa tuyết bao !

                        Nợ nước, tình thầy chưa vẹn cả,

                     Đắn đo thân thế ruột gan xàu !

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow