Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Lê Thị Cẩn

LÊ THỊ CẨN

(1895 – 1952)

Bà Lê Thị Cẩn sanh năm 1895, quê làng Mỹ Ngãi, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Tân, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Chồng bà là Nguyễn Bình Trị, gia đình tiểu chủ, theo đạo Tin Lành, có lòng yêu nước, tánh tình hào hiệp. Ông qua đời năm 1946.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Bà Lê Thị Cẩn động viên cả 3 con trai thoát ly gia đình, đi kháng chiến. Nhà bà trở thành nơi đóng quân lui tới thường xuyên của các đơn vị bộ đội, của cán bộ các xã Hòa - Đông – Tây (1), Tân An bị địch đóng đồn, ly xã. Nhà bà còn là nơi đóng trạm liên lạc của Trung đoàn 115, nuôi chứa khách vãng lai qua trạm. Bà và 2 con dâu vừa tham gia công tác đoàn thể ở xã, vừa hết lòng lo cơm ăn, giúp những vật dụng cần thiết, vá quần áo....cho bộ đội, các cơ quan lưu trú. Bà bán 2/10 mẫu đất ruộng, lấy 300 giạ lúa để dành gạo nuôi quân.

Con thứ năm của bà: Nguyễn Vạn Thọ, sanh năm 1922 là Đội trưởng Công an xung phong huyện Cao Lãnh, trong trận đánh vào dinh quận Cao Lãnh ngày 21-1-1949, trúng đạn hy sinh. Tên ông được đặt cho con kinh đào nối Bình Trị đến kinh Ông Kho. Bà nén đau, càng dốc lòng lo cho cách mạng, tích cực hoạt động với nhiệm vụ Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ và động viên con dâu (vợ ông Thọ) thoát ly gia đình tham gia công tác phụ nữ. Bà còn hiến phần đất trước nhà để lập chợ kháng chiến, chợ mang tên ông : Bình Trị.

Năm 1947, trong một trận địch càn, bà bị bắt. Chúng đánh đập, tra khảo nhưng bà vẫn kiên cường không khai báo việc cách mạng cho địch. Gạt bọn lính gác để bà đi loanh quanh kiếm thuốc nam chữa bịnh, bà trốn khỏi tù. Về nhà, bà tiếp tục công việc cách mạng. Gia đình không còn người lao động, đời sống khó khăn, bà lại bán 5 mẫu ruộng lấy 1000 giạ lúa để tiếp tục nuôi chứa bộ đội, 3 mẫu ruộng còn lại, bà cho bà con nông dân nghèo mướn sản xuất, lấy lúa nuôi sống gia đình.

Năm 1951, địch lấn chiếm đóng đồn tại nhà bà: đồn Bình Trị. Không chạy ra vùng giặc, bà tản cư lên vùng giải phóng xã Tân Hội Cơ huyện Tân Hồng, vừa tự mưu sinh, vừa gắn bó, giúp đở bộ đội. Địch mở cuộc càn quét lớn vùng biên giới, bà bị bom na-pan thiêu chết ngày 21-1-1952.

Con thứ bảy của bà: Nguyễn Phước Cao sanh năm 1930, là kiểm soát viên Ban liên lạc Trung đoàn 115, Đội trưởng Thông tin liên lạc tiểu đoàn 311. Đình chiến, ông ở lại miền Nam hoạt động bí mật, làm Trưởng ban Kinh tài xã Mỹ Ngãi. Năm 1957 ông bị địch bắt và thả năm 1959. Năm 1960 ông lại bị bắt và vượt ngục năm 1961, tiếp tục công tác. Ngày 20-8-1966 trong trận địch càn quét, ông hy sinh.     

Con trai thứ sáu của bà: Nguyễn Phước Thì sanh năm 1924, đi bộ đội, tập kết ra Bắc và năm 1962 trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống bọn Pôn-Pốt gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam, ông hy sinh ngày 23 – 5 - 1979, là Trung tá, tham mưu phó sư đoàn 8, quân khu 9.

Trước đó, cháu nội bà là Nguyễn Thị Thu Ngọc (con gái Nguyễn Phước Thì) sanh năm 1946, đi phá ấp chiến lược bị lựu đạn địch gài nổ, hy sinh ngày 2-3-1962.      

Con rễ út của bà là Nguyễn Đắc Nam, bộ đội tập kết ra Bắc, trở về Nam năm 1964, cũng hy sinh tháng 7-1970, là Tham mưu phó Trung đoàn 1, quân khu 8.

Bà Lê Thị Cẩn được mọi người thương yêu gọi Má Mười, là tín đồ đạo Tin Lành luôn tâm niệm vì đạo phải trọng đời, là người mẹ mẫu mực hết lòng thương yêu, chăm sóc bộ đội, cống hiến gần tất cả gia tài cho kháng chiến và cả ba con trai, một con rễ, một cháu nội đều là liệt sĩ.

Ngày 28-4-1997 bà được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow