Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Cao Hoài Cúi

CAO HOÀI CÚI

(1914- 1950)

Ông Cao Hoài Cúi, sanh năm 1914, gia đình người Minh Hương, sống tại chợ Sa Đéc. Năm 17 tuổi, Cúi đã là một cậu thanh niên say mê bóng đá, sau hai buổi học, chiều chiều Cúi cùng bạn bè ra sân đuổi theo trái bóng. Năng khiếu đá bông của ông ngày càng nổi trội, nên ông Huỳnh Thủy Lê, một nhà giàu có, hào phóng, từng tổ chức đội banh “Croissant” đá chân không, đã mời Cao Hoài Cúi gia nhập đội. Lúc bấy giờ ở Sa Đéc cũng có vài ba đội banh (như đội Đào Duy Thiệt của ông Đặng văn Hoài), đã tập họp được khá nhiều “danh thủ”.

Khoảng năm 1931, 1932, đội bóng Cercle Sa Đéc Sport (CSS) thành lập, được xem như đội tuyển của tỉnh Sa Đéc. Những năm 1932-1933, đội CSS đã gây được tiếng vang trong các trận đấu giao hữu với các đội lân cận trong vùng, đặc biệt, trong trận đấu hòa 2-2 với đội Cường Hoa, một đội bóng mạnh của Thượng Hải (Trung Quốc) khi sang đấu biểu diễn ở Sài Gòn, được mời về sân  Sa Đéc.

Năm 1936, Cao Hoài Cúi đầu quân cho đội bóng Union Sportive, rồi được chọn vào đội tuyển Cao Miên (Campuchia) để tranh cúp Silvestre với đội tuyển Nam Kỳ. Nhờ có Cao Hoài Cúi, Cao Miên đã thắng Nam Kỳ 4-3, đoạt cúp, còn thắng cả đội tuyển Bắc Kỳ 5-3 tại Huế năm 1938.

Cũng khoảng năm 1938, danh thủ Cao Hoài Cúi được mời trở về Sài Gòn chơi cho Jean Comte và mặc lại áo đội tuyển Nam Kỳ. Lần này, ông chiếm trọn cảm tình của giới hâm mộ khi đội của ông liên tiếp hai trận chiến thắng đội Nam Hoa (Hồng Kông) trên sân Tao Đàn (Cercle) với tỷ số 3-1 và 2-1. Giới bình luận bóng đá đương thời coi đây là “những trận quốc tế để đời”, gắn liền với tên tuổi Cao Hoài Cúi, khẳng định bóng đá Nam Kỳ và Việt Nam với làng bóng đá quốc tế. Chẳng những đạt thành tích trên sân nhà, đội tuyển Nam Kỳ và danh thủ Cao Hoài Cúi còn “viễn du quanh ven biển Thái Bình Dương, gây được những tiếng vang làm nức lòng người hâm mộ”. Tháng 4-1938, tại Hồng Kông, đội tuyển Nam Kỳ, mặc dù thiếu vắng một số cầu thủ trụ cột, song vẫn thủ hòa 1-1 với đội Nam Hoa. Báo chí tại Hồng Kông phải nhìn nhận :“Hậu vệ Cao Hoài Cúi chơi rất vững chắc, một cầu thủ khá hay ở trên sân làm mờ nhạt hậu vệ quốc tế Lý Thiên Sanh”.

Bất ngờ hơn nữa, đội tuyển Nam Kỳ lại thắng dễ dàng đội tuyển Hương Cảng (Hồng Kông) với tỷ số 4-0, thắng đội Thủy binh Anh 6-2 thắng đội tuyển “Nhà binh”(quân đội) Hương Cảng 3-0. Kết quả 5 trận đấu tại Hồng Kông năm 1938, đội tuyển Nam Kỳ thắng 3 trận, hòa 1 trận, thua 1 trận (sát nút 2-3).

Tháng 5-1938, đội tuyển Nam Kỳ còn tiếp tục được mời sang Philippin thi đấu liên tục 7 trận với các đội bóng nước này. Kết quả có 4 trận thắng, 1 trận hòa và 2 trận thua.

Qua các chuyến viễn du, “đem chuông đi đánh xứ người”, báo chí Sài Gòn và những người hâm mộ bóng đá nước ta rất tự hào :“Làng bóng Việt Nam rất xứng đáng được đứng vào hàng ngũ quốc tế ở Viễn Đông”. Riêng hậu vệ Cao Hoài Cúi là một trong 6 ngôi sao bóng đá đương thời.

Cao Hoài Cúi bị bịnh mất năm 1950, lúc 37 tuổi. Trong cuộc đời cầu thủ của mình, ông đã nhận được 15 Huy chương danh dự, Bộ Quốc gia Thể dục Thể thao thời đó còn tặng ông 1 Bằng khen…

 

 

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow