Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Hồ Trọng Dính

HỒ TRỌNG ĐÍNH

(1813  -  1878)

Ông Hồ Trọng Đính sanh năm 1813, người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thuộc dòng dõi Hồ Tông Thốc, đỗ cử nhân năm  Đinh mùi (1847).

Đầu năm 1848 được bổ làm Kinh lịch Ninh Bình tạm thay làm việc huyện Kim Sơn, được xét cử lên chức tri phủ Kiến Tường (tỉnh Định Tường).

Kiến Tường gồm hai huyện là Kiến Đăng và Kiến Phong, phủ lỵ đặt tại thôn Mỹ Trà. Là phủ mới lập trên vùng đất mới được khai phá, dân cư ít, nhân tài thưa thớt, việc học bị thả nổi, thầy đồ Nho tùy ý dạy học, sống bằng sự hảo tâm của đồng bào. Cơ quan phủ học và huyện học cũng tại thôn Mỹ Trà, chẳng qua chỉ là văn phòng của các quan giáo thọ, huấn đạo để nhận đơn từ của thí sinh. Nên ngay sau khi trấn nhậm, tri phủ họ Hồ đã cùng giáo thọ Nguyễn Thục Trinh đề xướng lập hội Tư văn cử người giữ chức hội trưởng, câu đương…hô hào xây dựng văn miếu, phổ biến tri thức Nho học, đào tạo nhân tài. Đến cuối năm Đinh tỵ (1857) công cuộc xây dựng Văn thánh miếu Cao Lãnh, (tọa lạc tại vị trí nay là  trường Tiểu học phường III, thị xã Cao lãnh) hoàn tất. 

Hầu hết những người có học vị và văn tài ở địa phương như: Cử nhân Vị, Tú tài Qui, Tú tài Điều, Nhiêu Chấn, Nhiêu Bá, Nhiêu Chương… đều tham gia hội Tư văn. Nhờ vậy, trong khoa thi hương năm Mậu Ngọ (1858) tại trường thi Gia Định, thí sinh ở địa phương có hai người đỗ cử nhân (Nguyễn Văn Sĩ, người thôn Nhơn Quý, Vĩnh An, An Giang và Nguyễn Doãn Nguyên (Giảng Tiên), người Mỹ Trà, Kiến Phong, Định Tường) và hai người đỗ tú tài.

Mấy năm sau, ông được điều về làm tri phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (trụ sở đóng tại Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp); rồi sau đó được triệu về kinh, thăng Giám sát Ngự sử, Lang trung, rồi được lệnh ra Bắc coi việc đắp đê cứu lụt. Hòan thành nhiệm vụ, ông được thăng Quang lộc tự khanh, sung tán lý quân vụ, lo việc đàn áp các cuộc nổi dậy. Gặp lúc bọn giặc lưu động ở biên giới phía bắc là Hoàng Anh đang tụ họp, Hồ Trọng Đính được đôi sung Lạng Bình tán lý quân vụ, hộ dẫn tướng nhà Thanh đi đánh lui được. Bấy giờ Đô thống nhà Thanh là Lưu Tùng Linh, người Triết Giang tặng ông hai câu thơ:

Quái đắc tự văn Nam quốc thịnh

Phong lưu Nho tướng Vũ lâm chi.

                  Nghĩa là:

Văn vật nước Nam sao thịnh lạ,

Tướng Nho phong lưu chi (họ) Vũ Lâm.

Về sau lần lượt ông trải qua các chức vụ: Bố chánh, hộ lý tuần phủ Quảng Yên (1871), tham tri bộ Lại kiêm Đô sát viện (1878) Tham tri bộ Hình, bộ Hộ, bộ Công; rồi thăng thự Thượng thư bộ Công, sau đó cáo bịnh về hưu, mất tại quê nhà thọ trên 65 tuổi.

Ông là người có công gây dựng nền học vấn, mở mang việc học và đào tạo nhân tài ở Cao Lãnh. Vì chiến sự, Văn thánh miếu Cao Lãnh bị hoang phế. Năm Mậu Dần (1878) được xây dựng lại, qui mô hơn, ở địa điểm khác. Năm 1965 lại được trùng tu. Nay được sử dụng làm Thư viện tỉnh ở phường I, thị xã Cao Lãnh.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow