Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Ngô Văn Hay

NGÔ VĂN HAY

(Thầy giáo Kỳ)

(1903 - 1978)

Ông Ngô Văn Hay, tự Ngô Khắc Kỳ, còn gọi là Thầy giáo Kỳ, sanh năm 1903 tại làng Tân Hưng, Sa Đéc (nay thuộc phường 4, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước.

Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán, đến năm 13 tuổi mới theo học chữ quốc ngữ tại trường tỉnh Sa Đéc. Bốn năm (1921-1924) theo học tại trường Sư phạm Sài Gòn, ông từng tham gia các cuộc biểu tình, bãi khóa trong phong trào đấu tranh của học sinh, trí thức Sài Gòn - Gia Định…

Năm 1924, ông tốt nghiệp trường Sư phạm, đồng thời đỗ thêm bằng Diplôme (Thành chung). Ra trường, ông được bổ về dạy học ở trường làng Mỹ An Hưng (Đất Sét).

Từ năm 1926, ông Ngô Văn Hay thuyên chuyển về dạy học tại trường Nam Tiểu học Sa Đéc, cho đến năm 1960 ông nghỉ hưu. Trong gần 40 năm làm nghề dạy học, ông là một nhà giáo mẫu mực, khiêm tốn, tận tuỵ, và hết lòng thương yêu học trò. Những học sinh con nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thường được ông giúp đỡ về vật chất (tiền bạc, quần áo…) lẫn tinh thần. Học sinh học giỏi nhưng gia đình nghèo được ông đặc biệt quan tâm nuôi nấng, dạy dỗ. Các thế hệ học trò của ông tiếp thu được tinh thần yêu nước của thầy, nhiều người trở thành chiến sĩ cách mạng, tham gia hoạt động trong suốt hai thời kỳ kháng chiến.

Chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gia đình thầy Kỳ là một trong những nơi cô giáo Ngài (Trần Thị Nhượng) bắt liên lạc, xây dựng cơ sở vận động giáo chức và học sinh trong nội thị.

Cuối năm 1946, thầy Kỳ đưa toàn bộ gia đình vào vùng kháng chiến Đồng Tháp Mười, thầy nhận nhiệm vụ với Ty Giáo dục Sa Đéc, nghiên cứu, cải tiến chương trình giảng dạy cho phù hợp với các trường trong vùng kháng chiến.

Năm 1949, giặc Pháp đánh phá ác liệt khu căn cứ Mỹ Quí, thầy Kỳ lại bịnh nặng. Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Sa Đéc thống nhứt tổ chức đưa thầy Kỳ về lại Sa Đéc tiếp tục dạy học, hoạt động hợp pháp để củng cố, xây dựng cơ sở nội thành, với nhiệm vụ cụ thể là đi sâu vận động giới trí thức, viên chức ở Sa Đéc tham gia, ủng hộ kháng chiến.

Từ năm 1950, thầy Kỳ về sống ở làng Tân Hưng, Sa Đéc, tiếp tục dạy học tại trường Nam Tiểu học. Năm 1953, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về Sa Đéc khởi xướng Phong trào bảo vệ hòa bình, thầy Kỳ là người hưởng ứng, tham gia và là thành viên của phong trào này. Hiệp định Genève được ký kết, tiếp theo là những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, ngôi nhà và vườn cây kiểng của thầy giáo Kỳ trở thành một trong những nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng, là đường dây hợp pháp để cán bộ bí mật điều lắng, chuyển vùng, là nơi cán bộ ta đến làm công tác tổ chức binh, địch vận, và cũng là nơi che dấu cán bộ khi bị địch truy lùng…

Bên cạnh hình ảnh một nhân sĩ, một nhà giáo yêu nước, ông Ngô Văn Hay còn là một nghệ nhân nổi tiếng với “Vườn kiểng cổ ở làng Tân Hưng của ông giáo Kỳ”.

Năm 1978, ông Ngô văn Hay từ trần sau cơn bịnh nặng, hưởng thọ 75 tuổi. Do đã tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, ông được Hội đồng Bộ trưởng tặng Bằng Có công với Nước ; Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba (thời chống Pháp), Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (thời chống Mỹ).

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow